VnReview
Hà Nội

Tiêu biểu... tầm thấp

Đến hẹn lại lên, các nhà báo trong câu lạc bộ nhà báo chuyên viết về công nghệ Việt Nam ICT Press Club lại họp lại, chấm điểm 10 sự kiện tiêu biểu, đúng hơn là nổi bật (bởi không phải tất cả sự kiện đều là tuyên dương, ngợi khen) của lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước.

So với những năm trước, xem ra ngành công nghệ thông tin - truyền thông Việt năm nay gây khó cho các nhà báo vì các sự kiện được đề cử đều làng nhàng, không có gì nổi trội nếu xét về góc độ làm thay đổi hoặc ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta.

Nhưng như một cuộc thi hoa hậu, dù các thí sinh có sắc đẹp dưới tầm chăng nữa thì ban giám khảo cũng phải chọn ra được một cô làm hoa hậu, hơn 40 nhà báo phải chọn cho được 10 sự kiện hơn hẳn trong số 19 sự kiện được đề cử.

Hãy cùng nhìn lại xem đó là những sự kiện gì.

Top sự kiện CNTT

Trong số 10 sự kiện công nghệ thông tin trong nước 2011, không thấy có sự đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá về công nghệ. Ảnh minh họa

Trước hết, đó là vụ sáp nhập EVN Telecom vào Viettel. EVN Telecom là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông èo uột nhất - số lượng thuê bao di động, cố định quá nhỏ, chủ yếu nhờ phát triển trong nội bộ EVN, làm ăn thua lỗ. Đã có một số doanh nghiệp như VTC và FPT Telecom, Hanoi Telecom ve vãn EVN Telecom nhưng không thành. Cuối cùng, EVN Telecom được giao cho "ông lớn" Viettel cai quản.

Cuộc sáp nhập này có ảnh hưởng gì đến thị trường? E là ngoài hàng trăm nhân viên EVN Telecom có thể thở phào vì cuối cùng biết bến đậu của mình, Viettel lãnh nợ cho EVN Telecom thì tôi chưa thấy triển vọng thị trường sẽ thay đổi lớn vì số thuê bao của EVN Telecom quá ít và hạ tầng mạng CDMA không được ưa dùng ở Việt Nam. Xét cho cùng, đây là sự thu xếp giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau, lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt.

Một sự kiện được chọn là tiêu biểu khác là Galaxy S II - smartphone hàng đầu của Samsung - bị tố lỗi tùm lum. Đây đúng là một câu chuyện ầm ĩ trên các báo mạng một thời gian ngắn rồi sau đó chìm nghỉm. Số là sau khi bán ra thị trường Việt Nam được vài ngày, hồi đầu tháng Tám, một số người dùng phàn nàn trên diễn đàn Tinh tế là máy bị chết phần cứng, chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu bị đốm màu hồng và màn hình có đốm vàng... Thậm chí, lúc đó dư luận và báo chí còn đặt ra nghi vấn chất lượng Galaxy S II sản xuất ở Việt Nam có phải kém hơn hàng sản xuất ở nước ngoài không? Nếu đúng thế thì quá lắm, Samsung dám phân biệt đối xử với người dùng Việt sao?

Ngay sau đó, Samsung giải thích hiện tượng hồng tâm, đốm vàng không phải là lỗi kỹ thuật, mà chỉ là do căn chỉnh và thường gặp ở các smartphone khác nữa. Một số người am hiểu về smartphone cũng xác nhận cả iPhone 4 và HTC Evo 3D cũng có hiện tượng này dù nhẹ hơn và nó có thể xử lý bằng cách chờ nhà sản xuất cập nhật firmware.

Còn về sự khác biệt chất lượng máy sản xuất trong nước và nước ngoài, Samsung khẳng định là không. Ngay cả những người chơi smartphone Hà Nội đã tổ chức offline cùng bộ sưu tập ba chục chiếc Galaxy S II sản xuất trong nước và nước ngoài, để mổ xẻ, phân tích mãi cuối cùng cũng chỉ có thể quay lại hỏi Samsung có phải hàng ông sản xuất cho thị trường Việt Nam chất lượng kém hơn không? Mà câu trả lời của Samsung thì quá rõ rồi.

Vụ việc này rốt cuộc chìm nghỉm. Song thẳng thắn mà nói, "bêu" Samsung Galaxy S II lỗi tùm lum là hơi quá lời. Còn về chất lượng máy sản xuất trong nước và nước ngoài khác nhau thế nào thì chẳng có trọng tài nào phân xử. Nếu coi người tiêu dùng là trọng tài thì phần thắng xem ra nghiêng về Samsung vì đây đúng là một smartphone bán chạy tại Việt Nam và trên cả thị trường thế giới. Nó cũng là một trong 10 smartphone tốt nhất năm 2011 của các tạp chí uy tín thế giới như Stuff, T3, Trusted Review, Techradar...

Một số sự kiện khác trong 10 sự kiện xem ra khá khiên cưỡng. Chẳng hạn Tập đoàn công nghệ FPT lại nổi danh trong lĩnh vực giải trí nhờ một số nhân vật như Giáo sư Xoay, Mai Thu Huyền, Giám đốc FPT Media Mai Thu Huyền… Thực ra, sự nổi danh mang tính chất cá nhân nhiều hơn. Đơn giản như hỏi một người dân có biết giáo sư Xoay không thì có lẽ họ biết đấy là nhân vật hóm hỉnh, thâm thúy của chương trình thư giãn cuối tuần Hỏi xoáy đáp xoay nhiều hơn là một nhân viên FPT. Ngoài ra, cũng nói thêm rằng từ cuối năm ngoái, FPT đã được Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSC) xếp vào nhóm cổ phiếu bán buôn bán lẻ rồi, chứ không phải là cổ phiếu công nghệ.

Sự kiện hàng trăm website tên miền chính phủ .gov.vn bị hack không phải là câu chuyện mới mẻ vì nếu ai thường xuyên nhận được báo cáo tình hình an ninh mạng ở Việt Nam hàng tháng của Bkav thì từ vài năm nay, các website Việt Nam, trong đó có website của cơ quan công quyền luôn là mục tiêu của các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS).

Việc chính quyền TP.HCM thu hồi dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm lớn nhất Việt Nam cũng là vấn đề của thời gian vì từ năm 2008 đến nay, ngoài lễ ra mắt hoành tráng ra thì dự án này hầu như "án binh bất động". Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi nhưng nhà đầu tư dự án không triển khai đúng theo cam kết thì những mục tiêu hoành tráng công viên phần mềm Thủ Thiêm đặt ra như dự kiến tạo việc làm cho 40.000 công nhân giai đoạn xây dựng, 70.000 chuyên viên, kỹ sư CNTT khi hoạt động từ năm 2012 chỉ là trên giấy và đương nhiên bị thu hồi như nhiều dự án đầu tư khác.

Các sự kiện Viettel sản xuất điện thoại, máy tính, AVG chính thức tham gia thị trường truyền hình trả tiền chưa thấy hứa hẹn sự đột phá lớn. AVG đến ngày 1/1/2012 mới cung cấp dịch vụ đại trà, mà phần lớn là nội dung tiếp sóng từ VTV, VTC và các đài địa phương, các kênh truyền hình khác trong bối cảnh người dân hiện nay đã quá no nê với đủ các kênh phim truyện, giải trí. Còn Viettel sản xuất điện thoại, máy tính, USB 3G - những thứ đã có bán đầy rẫy trên thị trường và nhiều doanh nghiệp trong nước đã sản xuất – cũng chẳng khác việc một ngân hàng lập thêm công ty chứng khoán. Chừng nào Viettel cho ra một sản phẩm đình đám, mang tính đổi mới sáng tạo đột phá, chừng đó việc Viettel mở rộng ngành nghề kinh doanh sang sản xuất thiết bị cá nhân mới xứng đáng là tiêu biểu.

Cũng như vậy, sự kiện biến động nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ICT như việc FPT, MobiFone, Intel thay tổng giám đốc có lẽ chỉ bất ngờ với báo chí chứ chắc chắn phải là sự tính toán kỹ lưỡng đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, những sự thay đổi này trong mắt công chúng cũng chẳng có ảnh hưởng gì. Dù thay tổng giám đốc, FPT hay MobiFone vẫn thế, ít nhất cho đến cuối năm 2011.

Cuối cùng, sự kiện Beeline "trở lại thị trường" với gói cước Tỷ phú bị "thổi còi" xem ra có một chút đáng chú ý hơn cả. Bởi lẽ, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra trên thị trường thông tin di động, các mạng "chiếu dưới" hầu như không còn cửa và các nhà mạng hết vở để thu hút thuê bao kể từ khi khuyến mãi bị siết chặt. Thế nhưng, mạng nhỏ Beeline đã bứt lên được bằng gói cước Tỷ phú với thông điệp ai cũng có thể là tỷ phú nếu là thuê bao Beeline. Với 20.000 đồng để mua SIM, người dùng được sở hữu ngay 20.000 đồng trong tài khoản chính và 1 tỷ đồng trong tài khoản nội mạng được chia đều cho 10 năm sử dụng. Ngoài ra, Beeline tung ra điện thoại giá rẻ chỉ có 149 nghìn đồng khiến có thời điểm, dân tình nhao nhác tìm mua bằng được.

Sự trở lại này của Beeline gây hứng thú với người dùng, làm các nhà mạng khác giật mình. Kết cục là gói cước Tỷ phú bị "tuýt còi" vì có dấu hiệu bán phá giá. Sau đó, Beeline ra gói cước Tỷ phú 2 với một thay đổi nhỏ là thuê bao bị trừ 2.330 đồng tiền cước mỗi ngày rồi mới được hưởng khoản ưu đãi 1 tỷ đồng cước gọi nội mạng trong 10 năm.

Không thể phủ nhận 2011 là một năm chẳng dễ dàng gì đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông nói riêng. Nhưng trong số 10 sự kiện tiêu biểu của một năm không nhìn thấy có bóng dáng của sự sáng tạo, đổi mới như năm 2011 thì không biết đến bao giờ, Việt Nam mới trở thành cường quốc công nghệ thông tin như mong muốn của Chính phủ.

Lê Hạnh

Liên hệ với tác giả bài viết tại hanhlt@vnreview.vn

Chủ đề khác