VnReview
Hà Nội

CEO Nokia bị nghi là nội gián Microsoft

Các kỹ sư Nokia ở Phần Lan buộc tội giám đốc điều hành (CEO) Stephen Elop đã và đang hủy hoại Nokia dẫn tới việc có thể bị Microsoft "thôn tính" với giá rẻ.

Đọc thêm: Microsoft sắp mua mảng smartphone Nokia?

CEO Nokia và CEO Microsoft

Theo báo Global Post, ông Stephen Elop, CEO Nokia (trái) bị chính nhân viên Nokia nghi là tay trong của Microsoft

Báo Global Post (Boston, Mỹ) hồi 19/10/2011 có một bài điều tra liệu có phải CEO Nokia, ông Stephen Elop có phải là "tay trong" của Microsoft hay không sau khi ông này có một loạt động thái thiên vị Microsoft kể từ khi nhậm chức CEO Nokia từ tháng 9/2010. Dưới đây là lược dịch bài phóng sự điều tra của Global Post.

Vào khoảng tầm 4 giờ chiều, tại trung tâm phát triển phần mềm Nokia ở Tampere, Phần Lan. Trung tâm này hiện đang là nơi làm việc của hàng nghìn kỹ sư nhưng lạ thay, bãi đỗ xe hoàn toàn vắng vẻ. Tình hình trở nên tồi tệ như vậy kể từ khi CEO Stephen Elop - vị giám đốc điều hành người ngoại quốc đầu tiên của hãng điện thoại Phần Lan - đưa ra bản ghi nhớ "nền tảng rực cháy" khét tiếng vào tháng 2/2011.

Với ngôn từ hoành tráng, bản ghi nhớ của Elop đã ví von Nokia với một người đứng trên một giàn khoan dầu đang bốc cháy rừng rực, tự hỏi rằng Nokia có nên phi thân xuống biển Đại Tây Dương sâu thẳm hay không. Hoặc nói một cách thẳng thắn là Nokia sẽ rơi vào sự hỗn loạn.

Bản ghi nhớ cũng đã "sỉ vả" hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh do các lập trình viên tại đây đã dành hết tâm sức mình cống hiến. "Chúng ta có nhiều ngọn lửa khác đang rực cháy quanh mình", Elop đã viết như thế khi đề cập đến iPhone và hệ điều hành Android. "Trong khi các đối thủ cạnh tranh đang rót lửa vào thị phần của chúng ta, Nokia đã tụt hậu, bỏ lỡ các thời cơ lớn và hơn nữa là mất thời gian", Elop viết.

Mục tiêu của ông Elop là truyền cảm hứng cho những cải cách triệt để nhưng điều đó đã không thành hiện thực.

"Nếu bạn nhìn vào bãi đỗ xe bây giờ, sáu tháng trước đây nó vẫn còn đầy ắp xe", một nhân viên có 15 năm kinh nghiệm làm việc cho Nokia đã nói trong lúc băng qua làn mưa để bắt xe buýt về nhà sớm vào một ngày tháng Mười gần đây. "Công việc thật khó khăn. Nhân viên vẫn làm đủ số giờ quy định trong hợp đồng lao động nhưng chẳng ai làm thêm cả. Khi công ty làm ăn phát triển, nhân viên đều cảm thấy tinh thần làm việc dâng cao, nay thì chẳng còn được như vậy nữa".

Nokia đang cần một vị cứu tinh. Giá cổ phiếu của hãng này đã sụt giảm mạnh từ những ngày hoàng kim trước khi iPhone xuất hiện. Thị phần của Nokia cũng đang bị thu hẹp lại.

Vài ngày sau đó, ông Elop đã tiết lộ kế hoạch của mình. Ông sẽ đặt cược tương lai của Nokia vào nền tảng di động Windows Phone, ký kết một thỏa thuận quan hệ đối tác với Microsoft. Cũng kể từ ngày đó, nhân viên Nokia đã đặt ra câu hỏi rằng liệu Elop đang thực sự đứng về phía nào, Microsoft hay Nokia?

"Với tôi điều đó thật đáng ngờ. Nếu ông ta muốn điều tốt cho công ty thì tại sao lại cố hủy hoại nó bằng cách làm cho cổ phiếu tụt dốc? Tôi nghĩ chắc chắn có âm mưu mờ ám gì ở đây", một lập trình viên khác tỏ vẻ bất mãn. Ông Elop đã đẩy mình sâu thêm vào sự ngờ vực của chính nhân viên dưới quyền mình.

Trước khi trở thành giám đốc điều hành Nokia, vị CEO người Canada này đã làm việc cho văn phòng của Microsoft trong hai năm rưỡi. Lần cuối cùng làm giám đốc điều hành công ty Macromedia, ông này đã chỉ phải đợi có ba tháng để bán nó đi.

"Đôi khi thật khó để biết lòng trung thành của mình nằm ở đâu", ông David Weinehall, một lập trình viên thà rời bỏ Nokia hồi tháng Tư chứ không bao giờ làm việc cho "hệ điều hành Windows đáng ghét".

Bản ghi nhớ về "nền tảng rực cháy" và cách mà bản ghi nhớ đó được phát tán ra ngoài công ty trở thành một sự kiện gây sự chú ý rất nhiều tại Nokia.

"Việc đưa thông cáo đó cho cả thế giới theo cách mà ông ta đã làm là một sai lầm to lớn", một lập trình viên lâu năm nhất nói. "Bạn hãy nhìn vào kết quả kinh doanh trong quý II và quý III sẽ thấy số lượng những đơn hàng điện thoại sụt giảm nhanh chóng kể từ khi đưa ra thông cáo".

Thành phố Tampere được công nhận là cái nôi của ngành công nghiệp điện thoại di động châu Âu. Trường đại học Công nghệ Tampere nằm đối diện đại bản doanh Nokia chính là nơi có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu đề tài xử lý tín hiệu được Nokia sử dụng trong quá trình phát triển các hệ thống mạng GSM mà sau này trở thành chuẩn trên toàn thế giới. Điều đó cũng minh chứng rằng Nokia đã làm ra chiếc điện thoại GSM đầu tiên, hai chiếc điện thoại Nokia 1011 và Nokia 1100 vẫn luôn là những điện thoại bán chạy nhất mọi thời đại.

Những người chỉ trích tỏ ra băn khoăn tại sao ông Elop lại phá hoại thị trường của những chiếc điện thoại Nokia hiện nay khi mà phải mất 6 tháng để có được chiếc điện thoại Windows Phone đủ để thay thế các sản phẩm đó. Vị CEO này đã phải thúc ép mạnh mẽ để cố cho ra đời chiếc điện thoại Windows Phone đầu tiên vào quý IV/2011 cho kịp mùa mua sắm vào kỳ nghỉ lễ.

Tomi T Ahonen, một cựu quản lý của Nokia đã lập luận trong một blog vào tháng Tám rằng bản ghi nhớ "nền tảng rực cháy" chính là "Lời tuyên bố gây tổn thất nhiều nhất có thể tưởng tượng được của một vị CEO đi kèm với kỹ năng quản lý kém cỏi".

Nói với người tiêu dùng rằng các hệ điều hành của công ty đã được tôi luyện cũng chẳng khác gì lầm lỗi của nhà kim hoàn người Anh Gerald Ratner gặp phải dẫn tới công ty suýt phá sản khi ông nói đùa trong một bài phát biểu công khai rằng sản phẩm của ông có giá rẻ vì chúng chỉ là những món đồ tầm thường.

Những người khác còn nhìn ra điều gì đó nham hiểm hơn:

"Tôi nghĩ Microsoft sẽ chờ đợi cho giá cổ phiếu Nokia giảm hơn chút nữa rồi sẽ mua đứt luôn", một lập trình viên khác tỏ ra nghi ngờ như vậy.

Trong tháng Tám, khi Google thông báo rằng hãng này đang tiến hành mua lại Motorola, giá cổ phiếu Nokia tăng 10%. Blog công nghệ của báo Wall Street Journal giải thích rằng: "Nokia tỏ ra sẵn sàng làm khách hàng lớn nhất cho thị trường phần mềm di động của chính họ, Microsoft sẽ không đủ khả năng làm cho Nokia thất bại trong cuộc cạnh tranh này".

Phát ngôn viên của Nokia, Doug Dawson trả lời tờ GlobalPost rằng bất cứ nghi vấn nào về lòng trung thành của Elop, hoặc suy đoán về ý định của Microsoft là hoàn toàn vô căn cứ. Công ty này lập luận họ đã không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ hệ điều hành di động của mình, thay vào đó họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các smartphone chạy hệ điều hành Symbian cho tới năm 2016.

"Chúng tôi lập ra cái mà chúng tôi thấy thực sự cần thiết để thay đổi định hướng chiến lược và điều đó rất quan trọng để giúp tiếp cận chiến lược kinh doanh mới với tất cả các bên liên quan", phát ngôn viên James Etheridge của Nokia nói. Ông ấy lập luận rằng sản phẩm thay thế trong tương lai sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ đồng thời trong giai đoạn trước mắt có thể sẽ có nhiều nhân viên phản kháng.

"Tại Tampere, nhiều nhân viên của Nokia đã chuyển sang làm việc cho Accenture ngay từ đầu tháng với chức năng gia công phần mềm. Đây từng là một cơ sở lớn dành cho Symbian và cũng là lẽ tự nhiên khi mà nhân viên cảm thấy thất vọng", James Etheridge nói.

Những lập trình viên Nokia cảm thấy đau xót khi thấy chiếc điện thoại Nokia N9 chạy MeeGo mới - sản phẩm được công ty cho là "sát thủ diệt iPhone" bị sụp đổ. Ngay khi Nokia phát hành chiếc smartphone này trong tháng, người tiêu dùng đã biết ngay đó là kết cục bi thảm của hãng. Elop gần đây đã tiết lộ rằng thậm chí ông ấy sẽ không cho phát hành chiếc smartphone này tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Nhật và Thụy Sĩ chỉ vì ông ta không muốn nó đối đầu với Windows Phone.

Trong quý II/2011, Nokia đã thua lỗ gần 500 triệu Euro sau khi số lượng smartphone bán ra trên toàn cầu sụt giảm hơn 1/3 cùng với tổng doanh thu từ điện thoại giảm 1/5.

Các nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho tin xấu khi Nokia công bố kết quả kinh doanh quý III. Phát ngôn viên Dawson của Nokia nói rằng trong lộ trình đạt được các kết quả kinh doanh và Hội nghị toàn cầu của Nokia hàng năm, tinh thần làm việc của nhân viên đã được cải thiện bởi các bước nhảy vọt. "Phần lớn các nhân viên năng động được thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh hơn bao giờ hết. Có một tinh thần thử thách mới trong Nokia", ông này nói.

Trong thực tế, Nokia sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn giành lại được sự cống hiến và đóng góp của các kỹ sư tài ba tại đất nước Phần Lan này. Muốn hệ điều hành Windows được ưa chuộng tại Phần Lan không phải chuyện dễ dàng gì khi mà đất nước này là cái nôi Linux, hệ điều hành mã nguồn mở đầy sức mạnh được ra đời để chống lại sự thống trị của Windows. MeeGo, hệ điều hành di động của Nokia đã bị Elop loại bỏ chính là một dự án hàng đầu của Linux.;

Linus Torvalds, nhà sáng lập Linux tại Phần Lan nói rằng "Sự hận thù của Microsoft chính là một căn bệnh" giữa các nhà phát triển phần mềm mã nguồn mở nhưng ngay tại Tampere điều đó trở nên hoàn toàn đúng.

"Tôi đã làm việc trên Linux và các phần mềm mã nguồn mở trong suốt sự nghiệp của mình với tư cách một nhà phát triển phần mềm. Tôi đã không có ý định hoặc mong muốn chuyển sang một nền tảng độc quyền, khép kín như Microsoft. Tôi biết nhiều người trong nhóm phát triển MeeGo cũng suy nghĩ như vậy. Rất nhiều người tài giỏi đã bỏ việc hoặc tìm công việc mới kể từ thông cáo của Elop", Weinehall nói.

Ngay trong tháng này Nokia tiết lộ đang lên kế hoạch phát triển một hệ điều hành mới dựa trên nền Linux mang tên Meltemi, tuy nhiên việc phát triển hệ điều hành mới này sẽ được diễn ra tại Đức chứ không phải Phần Lan.

Kari Kankaala, người đứng đầu phòng phát triển kinh tế thành phố Tampere đang gặp rất nhiều khó khăn khi kêu gọi Microsoft đầu tư nhiều hơn cũng như thuê nhân công mới trong lúc Nokia đang sa thải nhân công. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng đối với nhiều người trong số các lập trình viên Tampere, gã khổng lồ Mỹ có thể không được chào đón. "Đó là tư tưởng", ông nói.

Chí Thành

Chủ đề khác