VnReview
Hà Nội

Phải làm gì để trở thành nhà sản xuất thiết bị Android?

Một trong những điều khiến Android thành công là bởi đây là một hệ điều hành mã nguồn mở, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể có được hệ điều hành này và sử dụng nó trên thiết bị của mình. Tuy nhiên, thực tế lại không hoàn toàn như vậy đối với các nhà sản xuất phần cứng.

Để nhận được chứng chỉ Google Play, các nhà sản xuất phần cứng phải đáp ứng được một số yêu cầu và một danh sách những điều "được làm và không được làm". Nếu không có chứng chỉ Play, thiết bị của nhà sản xuất đó sẽ không có được gian hàng Play Store và những dịch vụ khác như Google Maps, Google+, v.v. Thiếu đi những ứng dụng góp phần làm nên trải nghiệm Android này, thiết bị đó sẽ trở thành "đồ bỏ" tại những thị trường lớn.

Những điều khoản giữa Google và nhà sản xuất phần cứng có tên Thỏa thuận Phân phối Ứng dụng Di động (MADA - Mobile Application Distribution Agreement) và được giữ khá kín, mới chỉ lộ ra một lần vào năm 2009 khi Android còn đang ở phiên bản 1.1. Lần rò rỉ mới nhất liên quan tới MADA năm 2011 và đã có những thay đổi so với trước đó cũng như hiện tại. Một số chi tiết vừa được tiết lộ trên trang Android Authority.

Ứng dụng Google: tất cả hoặc không có gì

Để có được gian hàng Play Store, một nhà sản xuất sẽ phải chấp nhận cài đặt tất cả các ứng dụng Google bắt buộc khác, bao gồm Tìm kiếm bằng giọng nói, Gmail, Google Lịch, Google Talk (bây giờ là Hangouts), Bản đồ và có thể còn nhiều nữa.

ứng dụng Google

Các ứng dụng tùy chọn khác bao gồm Google Earth và Tin tức & Thời tiết, nhưng Google chỉ ra rõ ràng các nhà sản xuất phải cài đặt tất cả những dịch vụ cốt lõi của họ nếu muốn được nhận chứng chỉ. Ngoài ra, những ứng dụng này phải được truy cập từ menu ứng dụng.

Thanh tìm kiếm của Google và đường dẫn tới gian hàng Play Store phải được đặt ít nhất ở trang màn hình bên cạnh trang màn hình chính. Dịch vụ tìm kiếm của Google sẽ là dịch vụ tìm kiếm mặc định, tương tự như dịch vụ cung cấp địa điểm của Google.

Báo cáo doanh số hàng tháng

MADA không chỉ đưa ra yêu cầu để trở thành một nhà sản xuất Android với các dịch vụ của Google mà còn buộc các hãng điện thoại phải báo cáo doanh số hàng tháng. Dữ liệu doanh số sẽ được sắp xếp theo khu vực và cho Google biết đã có bao nhiêu thiết bị được bán ra và tại đâu.

Google cũng yêu cầu tất cả lợi nhuận sinh ra từ các dịch vụ của Google sẽ phải đến với Google. Lợi nhuận này có thể đến từ quảng cáo, doanh thu từ cửa hàng Play, v.v.

Quá trình chấp thuận

Sau khi đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên, một nhà sản xuất còn phải trải qua bước thử nghiệm dành cho OEM của Google. Theo MADA, một nhà sản xuất sẽ phải giao cho Google 4 thiết bị của cùng một model để hãng kiểm tra những yêu cầu kể trên đã được thực hiện hay chưa. Google thậm chí còn kiểm tra xem hệ điều hành Android có bị thay đổi quá nhiều hay không. Đây là lý do mà Fire OS của Amazon (vốn dựa trên Android) không được nhận chứng chỉ này.

Chứng chỉ cấp phép sẽ có thời hạn trong vòng 2 năm. Ngoài ra, tất cả các bản cập nhật trong tương lai của nhà sản xuất cũng phải chấp hành MADA và nhận sự chấp thuận từ Google. Sau 2 năm, điều khoản thỏa thuận sẽ được đàm phán lại nếu hãng di động đó tiếp tục muốn bán thiết bị Android.

Android có thực sự mở?

Các nhà phê bình về chính sách và chiến lược của Google thường lập luận rằng Google tạo ra một sự hiểu nhầm rằng Android miễn phí và cởi mở. Họ nói rằng Google có những điều khoản quá chặt chẽ khiến các nhà sản xuất không có sự tự do thật sự và làm mất đi lợi ích của một hệ điều hành mở.

Điều này có thực sự đúng? Tùy vào cách bạn nhìn vào vấn đề. Nếu một nhà sản xuất muốn có các dịch vụ của Google, câu trả lời là có, họ phải tuân theo các chính sách khắc nghiệt. Mặt khác, nếu không có dịch vụ của Google, nhà sản xuất đó sẽ rất khó thành công trừ khi có tầm cỡ như Amazon.

ứng dụng Google Android

Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn có thể thêm vào gian hàng ứng dụng của chính mình, bên cạnh trải nghiệm Android do Google cung cấp. Họ vẫn có thể thêm S Health, S Voice và các ứng dụng khác của riêng mình. Người dùng có thể mua các thiết bị này và tùy biến chúng bằng launcher, kho ứng dụng của bên thứ ba và còn hơn thế nữa. Bạn có thể tạo ra một giao diện như Magazine UI của Samsung, vốn khác xa Android nguyên bản dù Google có thích điều đó hay không.

Đó là điều bạn không thể làm trên Windows Phone hay iOS.

Nói một cách công bằng, đúng là Google cho thấy một sự kiểm soát khá chặt chẽ đối với những ứng dụng của hãng. Dù vậy, mục đích của Google là kinh doanh và chúng ta không nhất thiết cần phải lên án họ hay Microsoft và Apple vì cố gắng kiểm soát hệ sinh thái do họ sở hữu. May mắn là Android vẫn khá linh hoạt, và chắc chắn là linh hoạt hơn so với những đối thủ lớn khác.

Việt Dũng

Theo Android Authority

Chủ đề khác