VnReview
Hà Nội

CEO WhatsApp trở thành tỷ phú đô la như thế nào?

Jan Koum, CEO và cũng là nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin WhatsApp, từng thất nghiệp và phải sống nhờ vào thực phẩm tem phiếu trợ cấp của chính phủ. Nhưng hiện Jan Koum đã là một tỷ phú, sau khi Facebook mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD.

Jan Koum đã lựa chọn địa điểm rất lý tưởng để ký thoả thuận bán công ty Whatsapp cho Facebook vào rạng sáng ngày 20/2 theo giờ Việt Nam.

Tạp chí Forbes cho biết, Koum, đồng sáng lập Brian Acton và nhà đầu tư Jim Goetz của công ty Sequoia đã lặng lẽ lái xe đi từ trụ sở kín đáo của WhatsApp tại Mountain View đến một toà nhà màu trắng bỏ hoang bên đường ray xe lửa, đây từng là văn phòng Dịch vụ xã hội hạt Bắc, nơi Koum, từng phải đứng xếp hàng để nhận tem phiếu mua thực phẩm. Giờ đây, đó là nơi ba người họ chính thức ký thoả thuận bán nền tảng nhắn tin cho mạng xã hội lớn nhất thế giới. Và hiện Koum, người theo tạp chí Forbes là đang sở hữu 45% cổ phần WhatsApp, đã bất ngờ có thêm số tải sản lên tới 6,8 tỷ USD.

Koum sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ bên ngoài Kiev, Ukraine. Anh là con một trong gia đình gồm mẹ làm nội trợ và bố làm quản lý xây dựng bệnh viện và trường học. Nhà của Koum không có điện và nước nóng. Bố mẹ anh hiếm khi sử dụng điện thoại. Mọi thứ khá tồi tệ nhưng Koum luôn nhớ đến cuộc sống thanh bình thời thơ ấu nơi thôn quê mà anh đã từng sống, và đó là một trong những lý do khiến anh kịch liệt phản đối sự ồn ào của quảng cáo.

16 tuổi, Koum và mẹ di cư đến Mountain View do tình hình chính trị căng thẳng và môi trường chống Do thái. Gia đình Koum được chính phủ hỗ trợ cấp cho một căn hộ nhỏ có 2 phòng ngủ. Bố của anh không kiếm đủ tiền trang trải. Mẹ của Koum kiếm thêm việc trông trẻ và Koum làm thêm công việc quét dọn một cửa hàng tạp hoá. Khi mẹ anh bị chẩn đoán mắc ung thư, họ tiếp tục sống nhờ khoản trợ cấp khuyết tật.

Koum khá cá biệt ở trường nhưng năm 18 tuổi, anh đã tự học về mạng máy tính bằng cách mua sách ở cửa hàng sách cũ, và trả lại khi đọc xong. Anh tham gia nhóm hacker có tên w00w00, lân la trên mạng và tán chuyện với đồng sáng lập Sean Fanning của Napster.

Anh đăng ký học ở trường Đại học San Jose và làm thêm tại hãng Ernst & Young với vị trí nhân viên kiểm tra lỗ hổng bảo mật.

Năm 1997, anh gặp Acton, lúc đó là nhân viên Yahoo. Có vẻ như Koum thích phong cách của Acton. 6 tháng sau, Koum phỏng vấn tại Yahoo và trở thành kỹ sư cơ sở hạ tầng. Lúc đó, anh vẫn theo học tại Đại học San Jose. Một ngày kia, đồng sáng lập David Filo của Yahoo gọi điện cho anh, "tôi đang ở trong lớp", Koum trả lời thì thầm. "Anh ở trong lớp làm gì?", File nói. "Tôi cũng ghét đi học", Koum trả lời và anh bỏ học.

Khi mẹ của Koum mất vì bệnh ung thư năm 2000, chàng trai trẻ người Ukraine trở thành người cô độc. Bố Koum đã mất từ năm 1997.

Sau đó Koum càng ngày càng thân hơn với Acton. Cặp đôi này đã cùng nhau làm việc tại Yahoo trong 9 năm liền. Vào tháng 9/2007, Koum và Acton rời khỏi Yahoo và nghỉ ngơi, xả stress trong 1 năm, đi du lịch quanh vùng Nam Mỹ và chơi ném đĩa. Cả hai đều nộp đơn xin việc tại Facebook nhưng đều bị đánh trượt. "Chúng tôi là những người bị Facebook từ chối", Acton nói. Koum đã tiêu xài hết 400.000 USD anh tiết kiệm được khi làm tại Yahoo.

Đến tháng 1/2009, anh mua iPhone và nhận thấy kho ứng dụng App Store sẽ trở thành một ngành công nghiệp ứng dụng mới. Anh cùng người bạn người Nga là Alex Fishman đã ngồi hàng giờ để nói về ý tưởng phát triển ứng dụng mới.

Koum gần như ngay lập tức chọn tên WhatsApp vì nó phát âm gần giống "what's up" và một tuần sau ngày sinh nhật 24/2/2009 của mình, anh mở công ty WhatsApp Inc tại California. "Anh ấy rất cẩn thận", Fishman nói. Ứng dụng thậm chí vẫn chưa hề được viết. Koum dành nhiều ngày liền để tạo mã hỗ trợ đồng bộ ứng dụng của anh với bất kỳ số điện thoại nào trên thế giới, tra cứu Wikipedia và cập nhật hàng trăm mã số điện thoại khu vực, quốc tế.

Ban đầu, WhatsApp liên tục bị lỗi. Khi Fishman cài đặt nó lên điện thoại, chỉ có vài trăm thành viên trong danh bạ của anh – hầu hết là những người bạn Nga – đã tải nó. WhatsApp trục trặc và Koum ghi lại các vấn đề trong một cuốn sổ cũ.

Tình hình khá hơn khi Apple ra mắt hệ thống thông báo vào tháng 6/2009, cho phép các nhà phát triển thông báo với người dùng khi họ không dùng ứng dụng.

Dịch vụ nhắn tin miễn phí duy nhất lúc đó là BBM của BlackBerry, nhưng BBM chỉ hoạt động trong các máy BlackBerry. Ngoài ra còn có G-Talk của Google và Skype, nhưng WhatsApp là ứng dụng duy nhất chỉ dùng số điện thoại để đăng nhập. Koum ra WhatsApp 2.0, thêm tính năng nhắn tin và nhận thấy số người dùng của anh đột nhiên tăng lên 250.000. Anh đến gặp Acton, lúc đó vẫn đang thất nghiệp, và thảo luận về một ý tưởng mới.

Cả hai ngồi vào chiếc bàn phòng bếp của nhà Acton và bắt đầu gửi tin nhắn cho nhau trên WhatsApp. Acton nhận thấy anh đang có những trải nghiệm SMS phong phú – hiệu quả hơn so với tin nhắn SMS thông thường, vì có thể gửi ảnh và các nội dung media khác.

Brian Acton và Jan Koum

Đến tháng 10, Acton rủ được thêm 5 người bạn từng làm ở Yahoo đầu tư 250.000 USD cho WhatsApp. Acton chính thức gia nhập vào WhatsApp ngày 1/11. Cặp đôi nhận được vô số email của người dùng iPhone, bày tỏ sự vui mừng vì khả năng nhắn tin quốc tế miễn phí và giới thiệu WhatsApp cho bạn bè dùng máy Nokia và BlackBerry.

Koum và Acton đã làm việc "không công" trong những năm đầu. Chi phí ban đầu lớn nhất của họ là gửi các tin nhắn xác nhận cho người dùng. Hiện nay, chi phí tin nhắn xác nhận của công ty là khoảng 500.000 USD/tháng. Chi phí này lúc đó không cao, nhưng cũng đủ khiến tài khoản ngân hàng của Koum cạn kiệt. May mắn là WhatsApp dần dần mang lại doanh thu, gần 5.000 USD/tháng vào đầu năm 2010 và đủ để trang trải chi phí lúc đó. Các nhà sáng lập đã chuyển ứng dụng từ "miễn phí" sang "trả tiền" nên số người dùng không phát triển nhanh. Đến tháng 12/2010, họ cập nhật WhatsApp cho người dùng iPhone, cho phép gửi ảnh, và số lượng người dùng tăng đột biến dù đã thu phí 1 USD.

Đến đầu năm 2011, WhatsApp đứng trong top 20 ứng dụng hàng đầu tại kho App Store tại Mỹ. Trong một buổi ăn trưa cùng nhân viên, một người đã hỏi Koum tại sao không quảng bá cho báo chí về WhatsApp. "Marketing và báo chí chỉ gây xôn xao", Koum trả lời. "Nó thu hút mọi người nhưng sau đó mọi người sẽ không quan tâm đến sản phẩm đó nữa".

Hai năm sau vào tháng 2/2013, khi số người dùng của WhatsApp đạt khoảng 200 triệu và số nhân viên là 50, Acton và Koum đồng ý đã đến lúc họ phải có thêm tiền vốn. Họ quyết định tổ chức lần gây quỹ thứ hai. Và lần này Sequoia đầu tư thêm 50 triệu USD, nâng giá trị WhatsApp lên 1,5 tỷ USD.

Có thêm tiền đầu tư, Acton đã thuê ngay toà nhà 3 tầng làm văn phòng. Hiện nay, toà nhà mới đang được xây sửa lại, và WhatsApp sẽ chuyển đến trụ sở mới trong mùa hè này, số nhân viên của hãng cũng đã tăng lên 100 người.

Hiện nay trong trụ sở của WhatsApp vẫn chưa có biển hiệu WhatsApp. Đến bao giờ Koum mới quyết định đặt biển "WhatsApp"? "Tôi chẳng thấy có lý do gì để phải đặt biển hiệu cả. Nó chỉ là một biểu hiện của cái tôi", Koum nói.

Bài liên quan

Vì sao Facebook mua WhatsApp?

Facebook mua lại WhatsApp: Chuyện bây giờ mới kể

Điểm danh các đối thủ của WhatsApp

Hoàng Lan

Theo Forbes

Chủ đề khác