VnReview
Hà Nội

Sắp có thêm 352 điểm BĐVHX phổ cập Internet

Cùng với việc tiếp tục khai thác hiệu quả 323 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đã tham gia giai đoạn 1 Dự án BMGF-VN, dự kiến đến 30/1/2013 VietnamPost sẽ chốt danh sách 352 điểm BĐVHX triển khai thiết lập điểm Internet công cộng trong giai đoạn 2.

Bà con dân tộc truy cập Internet tại điểm BĐVHX Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Internet

110/323 điểm có doanh thu Internet trên 500.000 đồng/tháng

Là đơn vị tham gia triển khai Dự án "Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" (BMGF-VN), theo kế hoạch, dự kiến trong 3 giai đoạn của Dự án kéo dài từ cuối năm 2011 đến 2016, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - VietnamPost (trước đây là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam) lựa chọn 1.000 điểm BĐVHX tham gia thiết lập điểm truy cập Internet công cộng tại 40 tỉnh trong cả nước. Trong đó, giai đoạn 1 có 323 điểm BĐVHX tại 12 tỉnh; giai đoạn 2 triển khai mở rộng tiếp tại 352 điểm BĐVHX thuộc 16 tỉnh; và giai đoạn 3 là 325 điểm thuộc 12 tỉnh.

Tại cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án BMGF-VN do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì ngày 24/1/2013, đại diện VietnamPost cho hay, theo đúng kế hoạch triển khai Dự án, kể từ tháng 9/2012 đến nay, đơn vị đã khẩn trương đưa toàn bộ 323 điểm BĐVHX tại địa bàn 12 tỉnh triển khai giai đoạn 1 của Dự án BMGF-VN vào hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân tại các địa phương. Bên cạnh đó, VietnamPost cũng đã chủ động xây dựng và niêm yết quy định đối với việc vận hành, quản lý cũng như sử dụng các trang thiết bị của Dự án ở các điểm BĐVHX. Quy định này đã nêu rất rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhân viên điểm BĐVHX cũng như người sử dụng dịch vụ tại các điểm truy nhập Internet công cộng đặt tại BĐVHX.

Đại diện VietnamPost cũng cho biết, tổng doanh thu dịch vụ Internet của 323 điểm BĐVHX tham gia triển khai giai đoạn 1 Dự án BMGF-VN đạt khoảng hơn 152 triệu đồng/tháng, trung bình mỗi điểm BĐVHX đạt doanh thu khoảng 470.000 đồng/tháng. Trong đó, có 1 điểm đạt doanh thu trên 3 triệu đồng/tháng, chiếm tỷ lệ 0,3%; 5 điểm doanh thu trên 2 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 1,5%; 32 điểm doanh thu trên 1 triệu đồng/tháng, chiếm 9,9%; 72 điểm có doanh thu trên 500.000 đồng/tháng, chiếm 22,2%; còn lại hơn 65% tổng số điểm có doanh thu hàng tháng dưới 500.000 đồng.

Cũng theo thống kê, tỉnh có doanh thu bình quân cao nhất là Bình Phước, đạt khoảng 1,1 triệu đồng/điểm/tháng; và tỉnh có doanh thu bình quân thấp nhất là Hà Giang, đạt 152.000 đồng/điểm/tháng. Đáng chú ý, thống kê của VietnamPost cũng cho thấy, có 18/323 điểm BĐVHX từ tháng 9/2012 đến nay không có người vào sử dụng dịch vụ Internet, chiếm khoảng 5,5% tổng số điểm BĐVHX triển khai giai đoạn 1 Dự án. Đơn cử như Thanh Hóa có 11 điểm, Bến Tre 3 điểm…

Về việc chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 của Dự án tại 16 tỉnh (dự kiến khởi động từ tháng 7/2013-PV), thời gian qua, VietnamPost đã tuyển và cử 16 điều phối viên Dự án sang làm việc cùng Ban quản lý Dự án BMGF-VN. Cùng với đó, VietnamPost cũng đang trong quá trình lựa chọn các điểm BĐVHX tham gia giai đoạn 2 Dự án. VietnamPost cam kết đến ngày 30/1/2013 sẽ chốt danh sách 352 điểm BĐVHX được chọn tham gia triển khai giai đoạn 2 Dự án. "Nhìn chung, đến thời điểm này, các bước chuẩn bị cho giai đoạn 2 Dự án đã được VietnamPost tiến hành tương đối sát so với kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, lãnh đạo VietnamPost đã đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn đối ứng. Vấn đề hiện nay chỉ là lựa chọn danh sách các điểm để có cơ sở; phân bổ vốn đối ứng xuống các tỉnh", đại diện VietnamPost chia sẻ.

Ngoài ra, theo kế hoạch công tác năm nay của VietnamPost, trong quý I, II/2013, đơn vị này sẽ triển khai nhiều hoạt động thuộc Dự án BMGF-VN như: tổ chức tuần lễ Internet tại điểm BĐVHX, vận động cho giai đoạn 2 của Dự án tại 16 tỉnh…

Cân nhắc chọn những BĐVHX phù hợp

Tại cuộc họp nêu trên, đại diện Vụ Bưu chính, Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) đều thống nhất nhận định, một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Dự án chính là việc xem xét, cân nhắc để lựa chọn các điểm tham gia triển khai Dự án. Vụ trưởng Vụ Bưu chính Nguyễn Thị Bội Lan nhấn mạnh: Việc có một số điểm truy nhập Internet công cộng không có người dân đến sử dụng như báo cáo của VietnamPost là một vấn đề đáng lo. "VietnamPost cần có nhóm đánh giá thật kỹ những nhược điểm của những điểm không có doanh thu, có sự so sánh, đối chiếu với những điểm đạt doanh thu cao thời gian qua để tìm ra điểm khác biệt, từ đó có căn cứ đề xuất lựa chọn điểm cho giai đoạn 2 của Dự án phù hợp hơn", bà Lan nói.

Đánh giá cao kết quả triển khai Dự án BMGF-VN thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng về cơ bản giai đoạn 1 Dự án đã tương đối thành công, thể hiện sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa các bên liên quan gồm Ban quản lý Dự án, Bộ VH-TT&DL, VietnamPost cùng sự hỗ trợ lớn của một số đơn vị, sự ủng hộ nhiệt tình của các địa phương.

Đồng thời, theo Thứ trưởng, qua giai đoạn 1 của Dự án, các đơn vị triển khai cũng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó triển khai tốt giai đoạn 2. Về việc lựa chọn điểm tham gia giai đoạn 2 của Dự án, Thứ trưởng cho rằng phải làm sao hài hòa giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và những vấn đề về mặt kinh tế, phải vừa đảm bảo để các điểm có người dân đến sử dụng nhưng cũng không được bỏ qua những địa bàn, vùng miền mang tính phục vụ nhiệm vụ chính  trị.

Đối với thực trạng một số điểm BĐVHX tham gia giai đoạn 1 Dự án BMGF-VN, đặc biệt là 11 điểm tại Thanh Hóa không có người sử dụng trong thời gian qua, Thứ trưởng cho rằng, không nên quá lo lắng dẫn đến cực đoan, chuyển sang chọn các điểm tại những nơi sung túc để đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu VietnamPost xem xét, tìm ra những nguyên nhân của tình trạng trên để kịp thời rút kinh nghiệm cho giai đoạn 2, đồng thời có giải pháp, biện pháp thúc đẩy, tạo sự tiến triển tại các điểm hiện nay chưa có người sử dụng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Ban quản lý Dự án BMGF-VN và VietnamPost phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị báo cáo kỹ việc lựa chọn các điểm triển khai giai đoạn 2 của Dự án trong thời gian tới.

 Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" được Bộ TT&TT chủ trì và phối hợp với Bộ VH-TT&DL, UBND 40 tỉnh, VietnamPost và các đơn vị liên quan triển khai tại 400 điểm Thư viện công cộng (cấp tỉnh, huyện) và 1.000 điểm BĐVHX, 500 thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam. Tổng kinh phí của Dự án là 50.568.362 USD. Theo kế hoạch, trong khoảng thời gian 5 năm (2011 - 2016), Dự án này sẽ cung cấp, lắp đặt 12.070 máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm thư viện công cộng và BĐVHX; đào tạo kỹ năng cho gần 2.000 cán bộ quản lý, nhân viên. Dự kiến, sau 5 năm sẽ có thêm khoảng 760.000 người ở nông thôn được sử dụng máy tính và Internet. 

Theo ICTnews

Chủ đề khác