VnReview
Hà Nội

Điện thoại 3D đang hồi sinh?

Điện thoại 3D đã xuất hiện từ cách đây vài năm nhưng rồi "tắt ngúm". Tuy nhiên sự ra mắt của Amazon Fire Phone cùng các mẫu điện thoại 3D đang được nghiên cứu của Google và Microsoft có phải là một sự hồi sinh cho 3D, hay chỉ là một trào lưu nhất thời của các hãng công nghệ?; 

Cách đây 2 năm, khi nhắc đến điện thoại 3D giới công nghệ đều cảm ái ngại hơn là vui mừng, bởi các mẫu LG Thrill và HTC Evo 3D ra mắt một năm trước đó đã chưa thực sự ấn tượng. Hai mẫu điện thoại này khá nặng, hao pin và chạy chậm cho dù giá thành cũng không quá đắt. Công nghệ 3D trên hai mẫu điện thoại này chỉ giới hạn ở chụp ảnh và chơi game.

Ngày nay, một làn sóng 3D mới đang được các công ty công nghệ phát triển, với tầm nhìn mới tập trung vào khả năng điều khiển smartphone bằng thao tác cử chỉ, điều hướng đa chiều cho tới giao diện cảm ứng 3D.

Điều khiển và điều hướng 3D

Theo các tin đồn, Microsoft đang phát triển một mẫu smartphone 3D chạy hệ điều hành Windows Phone. Người dùng có thể điều khiển chiếc smartphone này giống như cách họ chơi game Xbox qua thiết bị Kinect, tức là dùng các cử chỉ "hoa chân múa tay" để điều khiển các nhân vật trong game. Nhưng bạn đừng vội tưởng tượng ra một cử chỉ phức tạp để gọi giao bánh pizza đến nhà. Vào thời điểm này, hãy tạm chấp nhận công nghệ 3D mới chỉ dừng lại ở việc trợ giúp điều hướng, cho phép người dùng thực hiện một số thao tác mà không cần chạm vào màn hình.

Ví dụ, các cảm biến xung quanh có thể nhận biết người sử dụng đang nằm xem điện thoại, vì thế nó sẽ khóa màn hình theo hướng nằm để các nội dung hiển thị không bị xoay lung tung. Trượt ngón tay dọc theo điện thoại có thể phóng to và thu nhỏ nội dung đang xem. Nhờ khả năng nhận biết hoàn cảnh mà cảm biến sẽ xác định được người dùng trượt ngón tay là để phóng to thu nhỏ nội dung, để cuộn trang web lên xuống, hay là để chỉnh âm thanh to nhỏ khi thực hiện cuộc gọi. Lật điện thoại qua một bên hoặc bỏ vào túi sẽ ngắt cuộc gọi, và vẫy tay trên màn hình có thể giúp người dùng sắp xếp các thông báo.

Mẫu điện thoại của Microsoft cũng có một giao diện 3D gọi là MixView. Người dùng giữ ngón tay trên không ở phía trên ô live tile trong màn hình khởi động có thể làm bật ra các tùy chọn mà họ có thể thực hiện mà không cần phải chạm vào màn hình. Các tùy chọn nói trên có thể là tin tức cập nhật, số điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ email.

Một chiếc smartphone 3D thông minh như vậy đòi hỏi phải có một hệ thống phần cứng và phần mềm phức tạp để hoạt động. Nó phải có các cảm biến hoạt động chính xác, có nhiều camera để theo dõi cử chỉ, cũng như các cảm biến chiều sâu. Dự án phát triển điện thoại này được biết đến dưới cái tên McLaren, đã được Nokia thực hiện từ vài năm nay. Sau khi mua lại Nokia, Microsoft thừa hưởng dự án McLaren và đang tiếp tục phát triển nó dựa trên những kinh nghiệm đã  có với thiết bị game Kinect.

Tính cho đến thời điểm hiện tại thì các hãng chế tạo điện thoại đã trải qua nhiều năm nghiên cứu các thao tác cử chỉ. Phần lớn các smartphone bây giờ có khả năng nhận biết một số thao tác, chẳng hạn như lắc, lật hoặc đưa điện thoại áp vào tai. Samsung đã đi trước Microsoft khi đưa thao tác cử chỉ vào một số mẫu smartphone và máy tính bảng cao cấp của mình. Người dùng chỉ cần đưa ngón tay hoặc bút stylus lên trên các hình thu nhỏ (thumbnail) và các thực đơn xổ xuống (drop-down menu) là thiết bị sẽ mở một cửa sổ mới hiển thị đầy đủ nội dung bên trong. 

Chương trình cảm ứng 3D của Microsoft sẽ làm đơn giản hóa một số thao tác với điện thoại, hoặc sắp xếp lại điện thoại bằng cách bỏ bớt các nút vật lý, chẳng hạn như nút chỉnh âm lượng. Đương nhiên, các thao tác cử chỉ này có thể khá rắc rối nếu nó yêu cầu người dùng phải học về một hệ thống điều hướng kiểu mới mà không có các nút vật lý để hỗ trợ.

Vì thiết bị phải xác định rõ cử chỉ của người dùng là để thực hiện một tác vụ hay chỉ là một động tác di chuyển ngẫu nhiên, nên tốc độ xử lý tác vụ bằng thao tác cử chỉ sẽ chậm hơn so với thao tác trực tiếp trên điện thoại. Để Windows Phone có thể bắt kịp Android và iOS, Microsoft cần nhanh chóng tích hợp chương trình cảm ứng 3D cho các mẫu điện thoại sắp ra mắt của mình.

Giao diện 3D di chuyển cùng người dùng

Trước đây người ta nghĩ rằng việc xem các hình ảnh 3D chỉ thực hiện được ở một hướng nhìn. Tuy nhiên, trước thời điểm Amazon ra mắt Fire Phone, đã có những lời đồn về tính năng hình ảnh 3D "đi theo" hướng nhìn của người sử dụng. Quả đúng như vậy, chiếc Fire Phone ra mắt 18/6 đã tích hợp 4 camera ở 4 góc, cho phép nó phát hiện được sự di chuyển của đầu người dùng, từ đó tạo ra hình ảnh 3D theo hướng nhìn tương ứng.

Hiện chiếc smartphone của Amazon mới chỉ cho phép người dùng xem bản đồ và chơi game 3D. Nhiều người hy vọng Fire Phone của Amazon có giao diện 3D ngay từ màn hình chủ nhưng họ đã không được đáp ứng. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại chiếc máy Wooo H001 của Hitachi ra mắt năm 2009. Đây là chiếc máy đầu tiên trên thế giới có giao diện 3D.

Mô hình 3D theo thời gian thực

Nói đến 3D chúng ta không thể bỏ qua Google. Người khổng lồ công nghệ này đã tham gia vào thế giới 3D bằng dự án Tango. Đây là dự án nhằm tích hợp công nghệ theo dõi chuyển động và hiển thị hình ảnh 3D trên máy tính vào trong điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Máy tính bảng công nghệ Tango

Mẫu máy tính bảng công nghệ Tango vừa được Google cung cấp cho các nhà phát triển. Máy tính này bao gồm một camera góc rộng 120 độ, một camera theo dõi chuyển động, một cảm biến chiều sâu. Các linh kiện này kết hợp với nhau để quét các đồ vật xung quanh và hiển thị hình ảnh dưới dạng mô hình 3D theo thời gian thực. Máy tính bảng này sử dụng công nghệ tương tác thực tế (augmented reality) cho phép nó "hiểu" được mọi ngóc ngách trong căn phòng, từ đó cung cấp các thông tin chỉ dẫn cho người sử dụng, đặc biệt hữu ích đối với người khiếm thị. Mỗi một giây các cảm biến của máy có thể thực hiện 200.000 phép đo hình ảnh 3D các đồ vật.

Trong một video clip giới thiệu về dự án Tango, Johnny Lee, Giám đốc dự án cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là đem lại cho các thiết bị di động khả năng nhận biết như con người về không gian và chuyển động".

Google đã tạo ra một số bản mẫu để mô tả các khả năng của Tango, chẳng hạn như tạo ra một môi trường game ảo trong phòng khách của người sử dụng. Mỗi lần anh ta bước đi thì nhân vật trong game cũng làm y như vậy.

Chuẩn bị cho một thế giới 3D

Với sự ra mắt của Fire Phone cùng với các dự án nghiên cứu của Microsoft và Google, chúng ta có thể khẳng định rằng trào lưu 3D đang quay trở lại. Sự trở lại lần này được hỗ trợ bởi những cảm biến tốt hơn, các công cụ phần mềm phức tạp hơn, cũng như các bộ vi xử lý hình ảnh mạnh mẽ.

Vào thời điểm này, những thành tựu của Amazon, Google và Microsoft là rất hứa hẹn, nhưng cũng giống như công nghệ theo dõi tròng mắt được quảng cáo rùm beng trong Galaxy S4 và công nghệ sạc không dây cho mọi thiết bị, những thành tựu của các hãng công nghệ nói trên vẫn chưa đạt tới sự tiện dụng cần thiết so với các chức năng của điện thoại mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày.

Đối với Amazon, Google và Microsoft, việc đưa công nghệ 3D vào các mẫu smartphone và máy tính bảng là một bước đi nhằm biến các thiết bị di động trở thành một công cụ đầy tính thuyết phục và không thể thiếu được trong cuộc sống của con người.

Đăng Khoa

Theo CNET

Chủ đề khác