VnReview
Hà Nội

Cận cảnh laptop HP ProBook 440 G2

Một trong những sản phẩm mới nhất do HP sản xuất thuộc series Probook 400 G2 sử dụng chip Intel Broadwell 14 nm cho khả năng tiết kiệm pin đáng kể vừa được tung ra tại thị trường Việt Nam. Liệu nó có gì đáng chú ý?

Mẫu máy mà VnReview có trong tay là mẫu Probook 400 G2 chính hãng, đây là dòng sản phẩm kế tiếp thế hệ Probook 400 G0/G1 sử dụng các chip Intel Haswell 22 nm. Về cơ bản G2 series không có nhiều khác biệt so với G0/G1 series nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Tuy vậy, việc sử dụng thế hệ chip mới với kích thước transistor bé hơn cho phép những chiếc laptop hoạt động êm ái hơn, mát mẻ hơn dù thiết kế không có nhiều thay đổi.

Cảm nhận sơ bộ laptop HP ProBook 440 G2

Mặt trên bằng nhôm khá sang trọng

Đặc trưng của dòng ProBook 400 là chúng có thiết kế viền và mặt trên phía trong máy bằng nhôm, tạo ra một cảm giác sang trọng hơn những thiết kế thông thường khác. Tuy nhiên, mặt dưới lại chỉ làm bằng nhựa. Song chi tiết này không phải điểm trừ vì trong trường hợp nếu người dùng đặt laptop lên đùi, lớp nhựa dẫn nhiệt kém sẽ giúp bạn thoải mái hơn chứ không cảm giác khó chịu vì nhôm dẫn nhiệt tốt sẽ làm nóng đùi bạn.

Mặt ngoài của máy không có gì đặc biệt với thiết kế bằng nhựa

Mặt dưới máy bằng nhựa, không có gì khác biệt so với các mẫu laptop phổ thông.

G2 series không phải không có sự khác biệt trong thiết kế. Chi tiết dễ nhận biết nhất là khớp nối màn hình. Ở thế kệ cũ, phần màn hình và thân máy có chiều dài bằng nhau nên khi gập lại, nhìn từ trên xuống, bạn sẽ không thấy phần thân máy bên dưới. Nhưng trên G2 series, HP đã "phá cách" khi "kéo dài" thân máy ra thêm về phía sau, tạo một nét uốn lượn riêng khác thế hệ trước. Nên nếu gập máy lại và nhìn từ trên xuống, đặc biệt từ phía sau, chúng ta có thể thấy tên của hãng được nổi lên ở phần cạnh sườn bằng nhôm rất đặc biệt.

 

G2 series mới (trên) và G1 series (dưới)

Dòng chữ Hewlett-Package nổi bật ở cạnh sườn máy

Phần còn lại của chiếc laptop HP thế hệ mới không có gì khác, ngoại trừ hai cắm jack audio (in/out) được hợp nhất làm một (combo) tương tự nhiều hãng khác. Nguyên nhân của việc này cũng là do thiết kế của G0/G1 series vốn đã rất tốt nên HP không việc gì phải tạo ra quá nhiều thay đổi nếu chúng không có ý nghĩa tốt hơn.

Máy được bố trí một webcam với độ phân giải vừa đủ nhu cầu dùng cho dân văn phòng.

Logo HP đặt ở vị trí quen thuộc dưới màn hình

Hành trình phím ngắn nhưng vẫn có cảm giác "ăn chữ"

Dải loa được bố trí ở gần bản lề của máy

Bàn phím Chiclet gần như đã trở thành chuẩn thiết kế chung của laptop, nhất là khi nhà sản xuất muốn sản phẩm của mình ngày càng mỏng nhẹ hơn. Song vấn đề đặt ra là không phải bàn phím chiclet nào cũng khiến người dùng cảm thấy thoải mái. Trên ProBook 400, HP đã tạo ra một bàn phím tuy có hành trình phím ngắn, song vẫn để lại ấn tượng áp lực nhấn rõ ràng, đủ để người dùng có cảm giác "ăn chữ" và đủ để những người có nhu cầu nhập liệu nhiều cảm thấy hài lòng.

Khoảng cách giữa touchpad và bàn phím khá rộng

Về touchpad, HP tiếp tục giữ lại thiết kế ergonomics lệch về bên trái thuận tiện cho số đông người dùng thuận tay phải. Song diện tích của touchpad chỉ ở mức vừa và còn khá nhiều khoảng trống với bàn phím. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu hãng này mở rộng thêm touchpad và lấp đầy bớt khoảng trống thừa trên. Một điểm trừ khác là bề mặt touchpad hơi trơn nên cảm giác rê ngón tay không được chắc chắn, hơi bị trượt.

Về màn hình, người viết cảm thấy khá thất vọng khi HP nói riêng cũng như nhiều nhà sản xuất laptop khác như Dell, Lenovo, Acer, Asus... đều sử dụng độ phân giải 1366 x 768 pixel cho rất nhiều sản phẩm của mình, kể cả ở những model tầm trung và cao cấp cho doanh nhân. Mặc dù G2 series vẫn có model trang bị màn hình Full HD, song số đông còn lại chỉ dừng ở mức 768p, bất kể là cấu hình phần cứng có cao đến bao nhiêu.

Màn hình có độ sáng ở mức chấp nhận được, nhưng chưa thực sự tốt

Model ProBook 440 mà chúng tôi được trải nghiệm cũng chỉ là 768p. Trong khi Full HD gần như thành chuẩn phân giải của những chiếc smartphone 5 inch trung và cao cấp, việc những chiếc laptop màn hình 14 - 15.6 inch vẫn "lẹt đẹt" ở mức dưới Full HD (1920 x 1080p) hoặc chưa tới HD+ (1600 x 900p) quả là một điều "đau lòng".

ProBook 400 là dòng máy chủ yếu được ngắm tới người dùng trung cấp hoặc doanh nhân. Do đó chất lượng và độ sáng màn hình chỉ ở mức tương đối. HP chỉ trang bị panel TN cho dòng sản phẩm này với một góc nhìn hạn chế. Song nếu bạn chỉ dùng laptop cho những nhu cầu cơ bản không liên quan tới thiết kế thì đây cũng là điều chấp nhận được.

Về hiệu năng và cấu hình, G2 series ở Việt Nam hiện có 3 model tương ứng với 3 kích thước màn hình 13.3 (ProBook 430), 14 (ProBook 440) và 15.6 inch (ProBook 450). Cả Probook 430 và 440 đều dùng chip Intel Core i5 5200U @ 2.2 GHz và nhân đồ hoạ tích hợp Intel HD Graphics 5500. Chỉ ProBook 450 dùng chip Intel Core i7 5500U @ 2.4 GHz với card đồ hoạ rời AMD Radeon R5 M255 2 GB. Do vậy nên giá thành của chúng cũng chênh lệch đáng kể. Model dùng chip Core i7 và card đồ hoạ rời được bán với giá 21 triệu đồng. Còn model chỉ xài chip Core i5 có giá chỉ 14 triệu đồng.

Thông tin thêm là ProBook 450 còn được trang bị tới 8 GB RAM DDR3L, ổ cứng 1 TB. Còn ProBook 430 và 440 chỉ có 4 GB RAM và ổ cứng 500 GB. Model mà chúng tôi trải nghiệm là ProBook 440. Máy có 2 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.0, 1 cổng HDMI, 1 cổng VGA (D-Sub), 1 khe đọc thẻ nhớ SD, 1 ổ DVD, 1 jack audio 3,5 mm, 1 lỗ khoá Kensington và 1 cổng đầu đọc vân tay.

Đầu đọc vân tay nằm cạnh logo Intel Inside và các cổng kết nối bố trí ở 2 bên thân máy

Về hiệu năng, do không có nhiều thời gian nên chúng tôi không có kết quả benchmark thiết bị. Tuy vậy có thể nói với nhu cầu sử dụng phổ thông (văn phòng, xem phim, nghe nhạc, lướt web...), chip Intel Broadwell Core i5 đáp ứng tốt mọi việc. Song điều đáng quan tâm khác là nhiệt độ và tiếng ồn.

Sử dụng tiến trình 14 nm mới nhất của Intel, chip Core i5 5500U thực sự rất mát (U có nghĩa là siêu tiết kiệm điện - Ultra Low Power). Trong suốt quá trình sử dụng, gần như quạt tản nhiệt không hoạt động và máy chạy rất êm. Chỉ khi nào phải xử lý tác vụ nặng, quạt mới bắt đầu quay song âm thanh phát ra không đáng kể. Có thể đoán rằng tốc độ quay của quạt không cao vì CPU không thực sự nóng lắm. Do đó, bạn cũng không cảm thấy khó chịu vì máy khá mát, kể cả đặt trên đùi để làm việc.

Sơ kết

HP ProBook 440 G2 nói riêng và G2 series nói chung là những sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu mà đối tượng người dùng chính nhắm vào (dân văn phòng, doanh nhân cỡ vừa). Thời gian tiếp cận ProBook 450 G2 của chúng tôi chưa đủ lâu để trải nghiệm game nên không nói được liệu nó có hợp để chơi game 3D nhẹ hay không (model có card đồ hoạ rời). Song nếu bạn là đối tượng mà ProBook 440 G2 ngắm tới, bạn sẽ cảm thấy khá hài lòng về sản phẩm.

Điểm không ưng nhất mà chúng tôi nhận thấy ở mẫu máy này là việc HP cũng như nhiều hãng khác sử dụng một độ phân giải có thể gọi là "lạc hậu" vào năm 2015 này. Với một sản phẩm có chất lượng thiết kế khá cao cấp như vậy đáng ra độ phân giải tối thiểu của nó phải là 900p hoặc hơn.

Nhưng nếu bạn không quá khó tính như người viết, ProBook 400 G2 series thực sự là một trong những lựa chọn đáng kể cân nhắc. Chưa kể máy bán ra tại Việt Nam được bảo hành tới 2 năm, với chính sách giao nhận tận tay và có thể đăng ký thêm gói bảo hành VIP siêu tốc trong vòng 30 phút.;

T.H

Chủ đề khác