VnReview
Hà Nội

Microsoft chi 320 triệu USD mua lại hãng bảo mật đám mây Adallom

Microsoft vừa chính thức mua lại hãng bảo mật đám mây Adallom của Israel để tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa mạng.

Microsoft mua lại hãng bảo mật đám mây Adallom của Israel, giải quyết các mối đe dọa mạng

Các nguồn tin từ cuối tháng Bảy cho biết Microsoft đã mua lại công ty bảo mật đám mây Adallom có trụ sở tại California với giá 320 triệu USD. Mục đích của Microsoft là tăng cường chuyên môn về bảo mật điện toán đám mây, trong đó có lĩnh vực dịch vụ lưu trữ trực tuyến.

Mới đây, Microsoft đã chính thức xác nhận thông tin trên và mở rộng kế hoạch để tích hợp các dịch vụ của Adallom vào các sản phẩm của họ.

Trong một thông cáo báo chí vừa được gửi đi, Phó chủ tịch phụ trách về đám mây và tiếp thị doanh nghiệp của Microsoft, Takeshi Numoto cho biết việc mua lại Adallom sẽ giúp giải quyết các mối quan tâm về an ninh mạng bằng cách tích hợp công nghệ của Adallom vào nền tảng hiện tại của công ty.

Takeshi Numoto còn nói thêm rằng, Adallom sẽ cung cấp cho khách hàng khả năng hiển thị và truy cập vào dữ liệu quan trọng của họ được lưu trữ trên các dịch vụ đám mây một cách an toàn. "Adallom làm việc với các ứng dụng đám mây phổ biến bao gồm Salesforce, Box, Dropbox, ServiceNow, Ariba và tất nhiên Office 365. Adallom sẽ bổ sung cho các dịch vụ hiện có của Microsoft như Office 365 và Enterprise Mobility Suite (EMS)."

Adallom được thành lập vào năm 2012 tại Menlo Park, California bởi một cựu tình báo của Israel chuyên về mã hóa và giải mã. Các thương vụ mua lại gần đây của Microsoft đều ít nhiều có liên quan đến Adallom. Cụ thể, tháng 5 năm 2015, công ty đã mua công nghệ bút stylus cho Surface Pen từ hãng Tel Aviv dựa trên N-Trig, hay như việc mua lại công ty an ninh mạng Aorato (năm ngoái) được thành lập bởi một cựu nhân viên Quốc phòng Israel với giá 200 triệu USD.

Nền công nghệ của Israel được đánh giá là một trong số những nền công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây, dẫn đến việc một khu vực dọc theo bờ Địa Trung Hải được giới công nghệ gọi là "Silicon Wadi". Đất nước này tự hào có 140 nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên / 10.000 nhân viên so với tỷ lệ của Mỹ là 85 / 10.000 nhân viên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với những tiến bộ trong công nghệ và hạ tầng công nghệ cao của Israel thời gian qua.

"Adallom đã tập hợp một đội ngũ đẳng cấp thế giới làm cho nó nó dễ dàng hơn trong việc tăng cường bảo mật đám mây. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển, xây dựng công nghệ, bán các giải pháp và làm việc với khách hàng khi chúng tôi hoàn thành việc tích hợp vào Microsoft", Numoto nói.

Thương vụ của Microsoft đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa các công ty công nghệ cao của Israel và Mỹ, cũng như một bước tiến trong đổi mới công nghệ từ doanh nghiệp an ninh sang công nghệ tiêu dùng.

Minh Trung

Theo Neowin

Chủ đề khác