VnReview
Hà Nội

Trải nghiệm nhanh ZTE AXON tại Việt Nam

Axon Elite;được ra mắt hồi tháng 9 vừa rồi, nhưng đến cuối năm nay, ZTE (Trung Quốc) mới chính thức đưa mẫu sản phẩm này về thị trường Việt Nam với tên gọi AXON. Máy được định vị ở phân khúc cận cao cấp với cấu hình khá tốt.

Theo đó, AXON được trang bị màn hình LCD IPS 5.5 inch độ phân giải Full HD (1080 x 1920 pixel), sử dụng chip Qualcomm Snapdragon 810 v2 với 8 nhân hỗ trợ LTE, đồ họa Adreno 430, RAM 3 GB, bộ nhớ trong tùy chọn 32/64 GB, hỗ trợ thẻ nhớ tối đa 128 GB. Máy có hỗ trợ kết nối NFC, 2 khe cắm nano SIM, chạy trên nền Android 5.0 Lollipop với thỏi pin 3000 mAh có hỗ trợ sạc nhanh.

Đáng chú ý, máy sở hữu camera kép 13 MP + 2 MP ở phía sau, camera trước 8 MP, tích hợp chip xử lý âm thanh kép chuyên nghiệp AKM4961. Bên cạnh đó, AXON còn được tích hợp cảm biến vân tay đặt ngay dưới cụm camera chính ở phía sau máy.

Thiết kế

Cảm nhận ban đầu là ZTE Axon có thiết kế khá to và dày, cụ thể thông số thân máy là 154 x 75 x 9,3 mm và nặng 175 gram. Hai dải hoạ tiết ở hai đầu màn hình phía trước thực chất mang nhiều ý nghĩa trang trí, phía dưới các hoạ tiết này là loa thoại và loa ngoài khá nhỏ được bố trí ở một góc.

Phần kính cường lực của màn hình có thiết kế lồi lên một chút so với phần khung và dải loa ở mặt trước của máy. Camera trước được bố trí ở góc trái màn hình và nằm lẫn trong phần viền bo màu đen phủ kín kính cường lực, lưu ý camera này cũng được dùng để quét võng mạc.

Đáng tiếc là một số chi tiết được gia công chưa thực sự tinh xảo so với phân khúc cận cao cấp, chẳng hạn như khe hở tiếp giáp giữa các thành phần của vỏ sau.

Phía dưới máy bố trí dãy phím điều hướng vật lý với hai chấm nhỏ hai bên là phím Back (bên trái) và phím Menu (bên phải) cùng phím Home có dạng hình tròn (ở giữa). Điểm thú vị là đèn phím Home này sẽ có nhấp nháy nhẹ ở chế độ chờ (tắt màn hình).

Mặt sau của máy là cụm camera kép với một camera chính 13 MP và một camera phụ 2 MP có tác dụng điều chỉnh tiêu cự ảo (xóa phông). Bên cạnh cụm camera còn có hai đèn LED trợ sáng, cảm biến vân tay dùng để bảo mật và chụp ảnh. Tiếp đó ZTE trang trí logo AXON lên máy và dán nhãn các thông số của máy cũng như cảnh báo việc khối pin gắn liền thân máy. Phía dưới là logo ZTE và các tiêu chuẩn đáp ứng.

Phiên bản mà VnReview sử dụng trong bài là Ion Gold có màu vàng nhẹ. Hai đầu phần lưng máy được thiết kế kiểu giả da nhưng thực tế vẫn là kim loại in hoa văn giả da mang lại trải nghiệm khá... kỳ cục.

Hai đầu máy bố trí tối giản với jack audio chuẩn 3,5 mm ở phía trên và phía dưới là cổng sạc kiêm giao tiếp micro USB tiêu chuẩn. Ngoài ra hai đầu máy còn có thêm lỗ mic hỗ trợ thu âm thoại và loại bỏ tạp âm.

Bên phải máy bố trí phím nguồn, bên trái bố trí khe cắm SIM kiêm khay gắn thẻ nhớ microSD cùng phím tăng giảm âm lượng. Riêng phím âm lượng có sử dụng hoa văn tương tự dải loa mặt trước máy. AXON có thiết kế bo tròn dần vào giữa phần lưng máy nhằm tạo cảm giác đường viền mỏng nhưng thực tế thân máy khá dày.

Nhìn chung, thiết kế của ZTE AXON có khác lạ nhưng chưa thực sự thanh thoát. Một số chi tiết gia công chưa tinh xảo và phần hoa văn của dải loa ở mặt trước máy cũng như hai vạch giả da phía sau máy mang nhiều ý nghĩa trang trí hơn là công năng. Song cả về chức năng trang trí cũng chưa thực sự đẹp.

Màn hình

Theo ZTE, phiên bản AXON cao cấp hơn sử dụng màn hình 2K nhưng phiên bản tại Việt Nam sử dụng màn hình Full HD, kích thước 5.5 inch giúp máy hiển thị tốt trong tầm mắt. Màn hình LCD của máy sử dụng tấm nền IPS nên thể hiện màu đen không thực sự sâu như tấm nền OLED hay Super AMOLED.

Màu đen của màn hình IPS trên AXON thể hiện chưa sâu

Cảm nhận chung là màu sắc hiển thị khá chuẩn, độ tương phản khá cao giúp bạn nhìn ngoài trời tương đối thoái mải. Do cấu hình tốt nên thao tác cảm ứng không xuất hiện tình trạng bị trễ hay treo/giật như các mẫu Android tầm thấp.

Máy hiển thị tương đối tốt trong điều kiện ánh sáng ngoài trời

Phần mềm và hiệu năng

Máy chạy Android 5.0.2 Lollipop tùy biến nhẹ, sử dụng giao diện MiFavor3.X UI. Điểm thú vị nhất chính là việc máy cung cấp một số tùy biến cho phép thay đổi icon, giao diện nền và hình nền khá thú vị. Khi ở màn hình chủ, bạn dùng phím điều hướng Menu (bên trái) để mở tùy chọn cá nhân hóa giao diện. Máy cho phép đổi màu màn hình nền (MiColor), thay đổi độ mờ (blur) ảnh nền, thay đổi các bộ icon, thay đổi hiệu ứng (effect) lật trang...

Máy cho phép tùy chọn giao diện cá nhân hóa và nhiều tùy chọn kết nối với máy tính

Nhìn chung ZTE đã có cố gắng nhất định trong việc tạo ra bản sắc riêng cho AXON. Tuy nhiên những nỗ lực đó "chưa tới" nên một số trải nghiệm chưa thực sự tốt và đồng nhất. Trong khi đó, về bảo mật, bên cạnh bảo mật bằng mật khẩu và pattern truyền thống, AXON được ZTE trang bị tới 3 phương thức bảo mật khác nhau gồm bảo mật bằng mống mắt (Sky eye), bảo mật bằng vân tay (Finger print) và bảo mật bằng giọng nói (Voice print).

Các tùy chọn bảo mật của ZTE Axon, trong đó cảm biến vân tay khá hữu dụng

Tuy nhiên, theo trải nghiệm thực tế, chỉ có bảo mật vân tay bằng cảm biến vân tay ở sau máy tỏ ra rất nhạy. Trong khi trải nghiệm với bảo mật giọng nói và mống mắt có vẻ không ổn định. Cụ thể, nhập liệu giọng nói dễ gặp vấn đề với tiếng ồn xung quanh khiến máy không nhận diện được. Còn cảm biến mống mắt gặp vấn đề khi nhận diện trong tình trạng... đeo kính, một phần do chỉ dùng camera để quét chứ không dùng công nghệ hồng ngoại như bộ đôi Lumia 950/950 XL vừa ra mắt.

Cảm biến mống mắt gặp sự cố không thể xác nhận khi đeo kính (thử nghiệm trong môi trường ánh sáng văn phòng)

Phần cứng của máy tương đối tốt ở thời điểm hiện tại với chip 8 nhân Snapdragon 810 v2, đồ họa Adreno 430, RAM 3 GB, bộ nhớ trong 32 GB. Về lý thuyết, cấu hình này đủ "gánh" mọi tác vụ phổ biến và các game đồ họa đỉnh cao hiện nay trên nền tảng Android. Trải nghiệm thực tế cho thấy máy thao tác nhanh và tỏa nhiệt vừa phải, trong khi thỏi pin 3000 mAh của máy đủ trụ trong một ngày với mức sử dụng thông thường.

Dưới đây là một số kết quả benchmark của ZTE AXON về hiệu năng xử lý của CPU và hiệu năng đồ họa. Lưu ý điểm benchmark trên AnTuTu chúng tôi thực hiện với phiên bản cũ (5.7.1) để tiện so sánh theo cơ sở dữ liệu của VnReview từ trước tới nay, trong khi phiên bản mới (bản 6.0) sử dụng cơ chế đánh giá khác có kết quả khác (hơn 78000 điểm).

Điểm Antutu đánh giá hiệu năng chung của CPU, GPU và bộ nhớ

Điểm Geekbench đánh giá khả năng xử lý của CPU

Điểm GFXBench Manhattan đánh giá khả năng xử lý đồ họa của GPU

Theo công bố của nhà sản xuất, Axon được trang bị chip xử lý âm thanh (DAC) kép chuyên nghiệp AKM4961 cho phép trải nghiệm âm thanh Hi-Fi cùng công nghệ âm thanh vòm Dolby 7.1. Trải nghiệm thực tế chất lượng âm thanh qua tai nghe tốt và ấn tượng, nhưng loa ngoài hơi khô (thiếu bass) và không thực sự trong trẻo. Điểm cộng là máy được bán kèm tai nghe chất lượng cao của hãng nhằm tận dụng ưu thế của chip DAC tích hợp, cho phép nghe nhạc lossless 32-bit.

Camera

Theo công bố của nhà sản xuất, máy sử dụng cảm biến ảnh Sony IMX214 độ phân giải 13 MP cùng ống kính phụ 2 MP để hỗ trợ xóa phông. Camera trước 8 MP dùng cảm biến góc rộng và khẩu độ f/2.0. Cụm camera kép được đặt trong khung viền trang trí khá cầu kỳ nhưng hơi rườm rà, góp phần làm cho mặt sau máy có quá nhiều chi tiết vụn vặt.

Phần mềm chụp ảnh theo máy cho phép tùy biến mô phỏng xóa phông theo khẩu độ từ f/1.0 - f/8.0 trong tùy chọn Bokeh. Tuy nhiên đây chỉ là mô phỏng nhờ vào ống kính phụ 2 MP chứ không phải là dải khẩu độ của camera chính nên sẽ xuất hiện hiện tượng phần xóa phông lấn nhầm cả sang chủ thể lấy nét. Do đó có một số trường hợp không thực sự hữu dụng.

Giao diện chụp ảnh phơi sáng, trong ảnh là máy đang đếm ngược ở mốc 72 giây (phơi sáng 80 giây)

Điểm đáng chú ý là trong tùy chọn chụp ảnh Manual (thủ công), máy có khả năng phơi sáng tối đa lên tới... 80 giây!?! Đáng khen là ở giao diện này máy có thêm tính năng đếm ngược thời gian phơi sáng và thước căn chỉnh rất hữu ích, chưa kể còn có tùy chọn chụp ảnh hẹn giờ (3 giây) giúp giảm thiểu việc rung lắc do thao tác chạm màn hình để chụp. So với phơi sáng trên ZenFone 2 Laser, có vẻ chất lượng ảnh từ ZTE Axon tỏ ra nhỉnh hơn, ảnh giữ được nhiều chi tiết hơn và cân bằng trắng tự động tốt hơn. Lưu ý khi chụp phơi sáng cần cố định máy bằng tripod hoặc giá đỡ.

Các mức phơi sáng khác nhau sẽ cho ra các bức ảnh có độ sáng khác nhau

Crop từ ảnh phơi sáng cho thấy chất lượng ảnh phơi sáng khá chi tiết

Crop từ ảnh trên

Nhìn chung máy lấy nét nhanh, chất lượng ảnh chụp tốt, màu sắc khá trung thực và chi tiết trong hầu hết điều kiện. Camera của máy có xu hướng tăng nét nên có độ chi tiết tốt nhưng khi phóng lên sẽ thấy hạt, các ảnh chụp có dung lượng trung bình từ 3 - 5 MB. Đáng tiếc là thử nghiệm thực tế cho thấy cơ chế HDR đôi khi không hiệu quả do tốc độ lưu khá chậm và nhiều khi không giữ được phần màu xanh của bầu trời trong các ảnh chụp có độ chênh sáng cao. Bù lại, máy có khả năng phơi sáng tốt.

Ngược với camera sau, camera trước dù lên tới 8 MP nhưng chỉ hỗ trợ "tự sướng" ở mức vừa đủ, không xuất sắc, nhất là trong môi trường ánh sáng yếu.

Selfie với camera trước trong điều kiện ánh sáng văn phòng

Dưới đây là một số ảnh chụp từ ZTE AXON trong các điều kiện khác nhau, bạn nhấp vào ảnh để xem chi tiết:

Ảnh chụp trong điều kiện ban ngày

Chụp với chế độ xóa phông bằng hiệu ứng mô phỏng khẩu độ dựa vào camera phụ 2 MP (chế độ Bokeh)

Chụp ở chế độ tự động (tắt HDR)

Chụp ở chế độ tự động (bật HDR)

Lấy nét thủ công ở gần (trên) và ở xa (dưới), phơi sáng 8 giây, ISO 100

Chụp ở chế độ thủ công, phơi sáng 60 giây, ISO 100 và tiêu cự ở vô cực

Chụp ở chế độ tự động trong điều kiện thiếu sáng, ảnh thu được có ánh sáng khá tương đồng với thực tế nhưng bị bệt, mất chi tiết

Chụp ở chế độ thủ công, phơi sáng 10 giây, ISO 100 và tiêu cự ở vô cực

Nhận định chung

Với mức giá chính hãng gần 11 triệu đồng bán kèm tai nghe chất lượng, được tích hợp phần cứng mạnh cùng chip âm thanh rời, Axon được ZTE định vị ở phân khúc cao cấp nhất của hãng và tiệm cận mức cao cấp của các đối thủ khác tại thị trường Việt Nam. Hiện sản phẩm của ZTE tại Việt Nam được bảo hành 12 tháng tại Trung tâm bảo hành Toàn Châu và được phân phối chính hãng bởi công ty TNHH Phúc Hải.

Trải nghiệm thực tế ghi nhận máy mạnh về hiệu năng, tính năng chụp ảnh và nghe nhạc thể hiện tốt nhờ máy có khả năng phơi sáng 80 giây và tích hợp chip nghe nhạc DAC 32-bit chuyên nghiệp. Đáng tiếc là ba tùy chọn bảo mật vẫn chưa ổn định, nhất là bảo mật bằng mống mắt và giọng nói. Nếu bạn là một người kỹ tính với thiết kế và một vài yếu tố nhỏ nhặt khác thì có thể tham khảo thêm các tùy chọn khác, còn nếu chú trọng vào hiệu năng và giải trí thì ZTE Axon là một lựa chọn khá ổn ở tầm giá cận cao cấp.

H.T

Chủ đề khác