VnReview
Hà Nội

Dùng thử kính thực tại ảo Samsung Gear VR

Cùng với việc ra mắt Galaxy S7 và S7 Edge, Samsung cũng giới thiệu chiếc kính thực tế ảo Gear VR thế hệ mới với một số cải tiến, hứa hẹn mang tới trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Gear VR là sản phẩm hợp tác giữa Samsung và Oculus, hãng công nghệ rất nổi tiếng với các thiết bị thực tại ảo đã được Facebook mua lại với mức giá kỷ lục tới 2 tỉ đô la. Bản thân Oculus cũng vừa cho ra mắt chiếc kính thực tại ảo dành riêng cho PC là Oculus Rift với giá tới 600 USD (khoảng 13,5 triệu đồng).

Còn chiếc Gear VR thế hệ mới hiện có giá bán chính thức tại Việt Nam vào khoảng 2,2 triệu đồng và chỉ tương thích với các thiết bị di động cao cấp mới nhất của Samsung là Galaxy S6/S6 Edge/ S6 Edge Plus, Note 5 bên cạnh S7/S7 Edge. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá 1,99 triệu đồng.

Thiết kế

Ấn tượng đầu tiên về Samsung Gear VR là kiểu dáng đẹp mắt và hiện đại, tựa như một thiết bị trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Cầm trên tay, Gear VR không quá nặng do toàn bộ phần vỏ của nó đều bằng nhựa. Nhưng chất liệu nhựa được hoàn thiện tốt, cứng cáp, chắc chắn.

Chiếc kính có cách sử dụng khá đơn giản, tháo mặt bảo vệ trước là có thể kết nối điện thoại vào với ngàm. Điểm khác biệt của Gear VR là có thêm cổng micro USB để kết nối với smartphone nhằm tự động kích hoạt phần mềm tối ưu cho trải nghiệm thực tại ảo cũng như điều khiển các nút bấm trên thân kính.

Một khi đã kết nối, điện thoại sẽ được gắn khá chặt vào thân kính và khó có thể rơi ra được. Cẩn thận hơn, người dùng có thể lắp thêm tấm đỡ ở ngoài.

Ở phía cạnh phải của kính là nơi tập trung chủ yếu các phím bấm với một khu vực phím điều hướng cảm ứng dạng trackpad, một phím Back giúp thực hiện các thao tác vuốt/chạm cảm ứng như khi thao tác trên màn hình điện thoại và cụm phím tăng giảm âm lượng. Đây là điểm vượt trội của Gear VR so với các loại kính thực tế ảo đang có trên thị trường, bởi với các loại kính thông thường sẽ không có nút điều khiển nào trên thân kính để người dùng tương tác với màn hình cảm ứng, rất bất tiện.

Một vòng xoay trên đỉnh để điều chỉnh tiêu cự cho kính cũng có mặt. Vòng xoay này có cơ cấu hoạt động gần như vòng chỉnh nét trên máy ảnh, giúp điều chỉnh khoảng nét phù hợp với mắt của mỗi người, thích hợp cho cả những người bị tật về mắt như cận, viễn, loạn, vẫn có thể sử dụng được bình thường.

Ở phía dưới của Gear VR còn có một cổng micro USB, cho phép sạc pin cho điện thoại mà không cần tháo kính hoặc cấp nguồn trực tiếp cho cả điện thoại và kính nếu cần bởi vốn dĩ trải nghiệm nội dung thực tế ảo cực kỳ tốn năng lượng khi chip xử lý đồ họa GPU phải làm việc gấp đôi giúp xuất 2 hình ảnh cho mắt trái và mắt phải. Các cảm biến của điện thoại cũng phải hoạt động hết công suất và viên pin trong điện thoại sẽ phải san sẻ điện năng cho các thành phần điện tử, cảm biến khác của kính.

Ở bên trong lòng kính, ta sẽ thấy 2 thấu kính tựa như 2 chiếc kính lúp với tác dụng phóng lớn hình ảnh từ màn hình điện thoại và chiếu vào mắt. Đây là chi tiết rất quen thuộc trên các loại kính thực tại ảo. Ở chính giữa của Gear VR có thêm một cảm biến để khi đeo kính lên, ứng dụng thực tế ảo Oculus sẽ tự động được kích hoạt.

Sử dụng

Cảm giác khi đeo Gear VR trên đầu khá nặng, không thực sự thoải mái cho lắm do tổng trọng lượng của cả kính và điện thoại lên tới gần nửa cân (500g). Khi đeo kính vào, ứng dụng Oculus tự động được kích hoạt và đưa chúng ta vào một căn phòng ảo cực kì rộng rãi với phía trước là màn hình lớn chứa các nội dung, ứng dụng để sử dụng. Xoay ngang, xoay dọc, quay về phía sau sẽ thấy khung cảnh của cả căn phòng với hồ bơi, cửa sổ rộng lớn. Một con trỏ màu xanh hình tròn ở chính giữa sẽ xuất hiện tương tự như con trỏ chuột. Có thể xoay đầu để điều chỉnh nó rồi thao tác với trackpad điều hướng bên cạnh để lựa chọn nội dung truy cập. Ấn phím Back để quay lại nội dung trước đó. Hầu hết các nội dung cho Gear VR hiện này là game, phim hay các chương trình tương tác, tăng cường thực tại ảo.

Trải nghiệm với tựa game câu cá Bait có thể thấy là đồ họa khá đẹp mắt, sinh động, dù chưa được lung linh như các tựa game trên PC. Có thể quay đầu tứ phía để nhìn ngắm cảnh vật xung quanh hồ và điều khiển touchpad để quăng cần câu. Phản hồi từ Gear VR rất nhạy, gần như không có độ trễ.

Một tựa game quen thuộc trên di động là Temple Run cũng đã có mặt trên Gear VR và trải nghiệm nó đem lại khá thú vị. Thay vì góc nhìn 2.5D từ trên xuống, với Gear VR ta sẽ chuyển qua góc nhìn thứ nhất với cảnh vật được làm 3D. Vẫn là nhiệm vụ chạy mải miết, không điểm dừng quen thuộc nhưng nhờ việc tương tác 360 độ, hiệu ứng chuyển động được làm khá kỹ nên mang tới cảm giác khá chân thực, sống động hơn hẳn.

Phim ảnh hay các đoạn video tương tác cũng là thế mạnh của Gear VR. 2 đoạn phim Inside the box of Kurios và Battle for the Avengers Tower mang đến trải nghiệm tựa như được hòa mình vào cảnh phim, trở thành một vai diễn trong gánh xiếc hay chiến binh Avenger xông pha giữa mưa bom, bão đạn. Nếu như Inside the box of Kurios là cảnh phim thật được quay bằng camera 360 độ chuyên dụng thì Battle for the Avengers Tower được dựng bằng đồ họa CGI với độ chi tiết cao, hiệu ứng 3D nổi khối, sống động.

Ngoài game và xem phim, Gear VR còn có tính năng passthrough, cho phép nhìn xuyên qua kính bằng camera của điện thoại được kết nối. Cảm giác rất giống với chiếc kính Holo Lens hay Google Glass. Trong tương lai, những game tăng cường thực tế ảo chắc chắn sẽ tận dụng tối đa tính năng này để người dùng có thể biến ngay căn phòng của mình thành một môi trường tương tác trong thế giới ảo.

Hiện tại, Gear VR mới giới hạn nội dung trong Oculus store. Người dùng sẽ không thể sử dụng các ứng dụng ngoài kho ứng dụng này, kể cả ứng dụng tải về từ Google Play. Chợ ứng dụng Oculus vẫn còn khá ít ứng dụng miễn phí, chủ yếu là phải mua và giá còn khá đắt đỏ. Muốn chạy ứng dụng ngoài, người dùng sẽ cần phải tìm cách "lách luật" bằng việc cài thêm phần mềm can thiệp nhằm tắt đi việc tự khởi chạy Oculus mỗ khi đeo kính.

Tổng kết lại, Gear VR là một thiết bị khá sáng giá cho các nội dung thực tế ảo ở thời điểm hiện tại. Với chất lượng hình ảnh tốt, kho ứng dụng chất lượng cao, phong phú với đủ thể loại từ game, phim đến tương tác ảo. Đặc biệt là việc điều khiển rất thuận tiện nhờ tích hợp sẵn touchpad cảm ứng, nút điều chỉnh âm lượng hay phím Back. Tuy nhiên, thiết bị này vẫn còn khá nặng, gây cảm giác khó chịu khi đeo lâu. Điện thoại gắn vào cũng tụt pin rất nhanh và nóng lên đáng kể khi phải xử lý các nội dung VR.

Xem thêm video trải nghiệm kính thực tế ảo Samsung Gear VR

Huy Đạt

Chủ đề khác