VnReview
Hà Nội

Đây là điều khiến Trung Quốc phải "ghen tỵ" với Ấn Độ

Trong hơn 15 năm qua, mặc dù đã bỏ ra nhiều nỗ lực nhưng Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc tạo ra một hệ điều hành bản địa, được đông đảo người dùng trong nước yêu thích và giải phóng nước này khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Vậy mà Ấn Độ đã làm được kỳ tích đó chỉ trong vòng chưa đầy hai năm.

Theo Bloomberg, Indus OS hiện nay là hệ điều hành smartphone phổ biến thứ hai ở Ấn Độ với 6,3% thị phần, chỉ đứng sau Android của Google. Dữ liệu của Counterpoint Research cho thấy thị phần của Indus OS đã vươn lên số 2 vào cuối năm 2015 và giữ vững ở vị trí này kể từ đó cho đến nay. Hệ điều hành này còn xếp trên cả iOS và bỏ xa các biến thể của Android như MIUI của Xiaomi và Cyanogen.

Trong khi đó, nỗ lực xây dựng một hệ điều hành quốc gia của Trung Quốc chỉ đem đến những nỗi thất vọng như China OS (COS), Kylin, Red Flag và YunOS. Có nhiều lý do để các hệ điều hành này thất bại trong việc thu hút người dùng. Nhưng tựu chung lại, chúng đều được phát triển bởi các viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Dù là hệ điều hành cho máy tính hay thiết bị di động, Trung Quốc đều không thành công.

Ban đầu được gọi là Firstouch, Indus OS đã có bước đột phá vào giữa năm 2015 khi ông lớn smartphone của Ấn Độ, Micromax quyết định dùng hệ điều hành này cho một số dòng điện thoại của mình thay vì Android.

Với ít nhất 12 ngôn ngữ chính của Ấn Độ được hỗ trợ, Indus OS chú trọng khai thác nhu cầu của thị trường chứ không nhằm làm vừa lòng chính phủ như các hệ điều hành của Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì suy cho cùng, một phần mềm muốn thành công phải được phát triển và định hướng dựa trên nhu cầu của thị trường.

Indus OS cũng cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng viễn thông trên chợ ứng dụng của mình, App Bazaar. Người dùng có thể trả tiền để tải ứng dụng thông qua tài khoản điện thoại, trong đó các nhà mạng viễn thông của Ấn Độ thu một phần phí dịch vụ. Đây là một động lực lớn không chỉ cho người dùng và nhà phát hành ứng dụng, mà còn cho cả các nhà mạng viễn thông Ấn Độ. Các nhà mạng viễn thông của nước này không hài lòng với việc nằm ngoài cuộc chơi thu phí ứng dụng smartphone khi Android và iOS đang lấy mất phần lớn "miếng bánh" của họ.

Các nhà mạng viễn thông Ân Độ sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất nếu có thêm nhiều smartphone thanh toán dịch vụ qua mạng điện thoại của họ. Vì thế, họ có lý do để thúc đẩy các thiết bị dùng Indus OS. Để không bị bỏ quên trong hệ sinh thái trên, đến lượt các nhà sản xuất smartphone cũng sẽ phát triển các dòng điện thoại cho Indus OS thay vì Android.

Thành công trên cho thấy thị trường có vai trò quan trọng hơn mệnh lệnh của chính phủ. Mặc dù Trung Quốc đã thử nhiều cách để tạo ra hệ điều hành của riêng mình và tránh phụ thuộc vào các nhà sản xuất phần mềm của Mỹ, Ấn Độ cho thấy tất cả những gì họ cần là một sản phẩm tốt và để các nhân tố thị trường tự hoạt động thay vì để chính phủ can thiệp.

Long Nam

Chủ đề khác