VnReview
Hà Nội

Thế giới chưa sẵn sàng để đón nhận điện thoại module

Đã từng có một thời điểm mà mọi người ai cũng phát cuồng với điện thoại mang thiết kế module.

Điện thoại với phần cứng tháo ra lắp vào từng có lúc tỏ ra sẽ trở thành bước tiến mới trong ngành công nghiệp di động. Google trình diễn Project Ara với bộ khung thông minh, LG G5 có phần đáy tháo lắp được, và bộ ba Motorola Moto Z có module từ để gắn loa và máy chiếu. Thiết kế module giúp sản phẩm giữ chân người dùng lâu hơn, tùy biến theo những cách độc đáo và giảm thiểu rác thải điện tử.

Nhưng ngay khi xu hướng này được chú ý tới thì Google lại hủy bỏ Project Ara, còn LG quyết định quay lại với thiết kế phổ thông hơn sau doanh số ế ẩm của chiếc G5. Chúng ta sẽ phải tự hỏi rằng liệu điện thoại module có lấy lại được sự chú ý hay không khi trong cuộc chơi chỉ còn mỗi Lenovo trụ lại.

Concept điện thoại module tuy khá vui và tiện dụng nhưng còn lâu nữa nó mới có thể được hoàn thiện. Sẽ phải mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm để những chiếc điện thoại module có thể trở nên phổ biến với những rào cản kỹ thuật và khó khăn như hiện nay.

Tại sao điện thoại module lại được mọi người chú ý?

Giấc mơ về một chiếc điện thoại module đã có từ rất lâu rồi. Xét cho cùng nó cũng không phải một bước nhảy vọt, nó giống như việc những người dùng PC thích tháo lắp tùy chỉnh máy, chỉ khác là trên điện thoại mà thôi.

Ken Hyers, chuyên gia phân tích di động, giám đốc của Emerging Device Strategies nói: "Ai cũng thích tự nâng cấp, sửa chữa". "Việc tự tháo lắp và nâng cấp gần như nằm trong bản chất của con người".

Thiết kế module xuất hiện trước công chúng vào 2013 với Phonebloks từ nhà thiết kế Hà Lan Dave Hakkens. Nó có thiết kế gồm nhiều khối riêng biệt gắn vào một bảng mạch máy tính, tương tự như Lego vậy.

Video của Hakkens mang lại hình ảnh của những thứ vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng. Nó hiện có 21 triệu lượt xem trên YouTube và nhận được sự chú ý từ báo chí, đồng thời dự án Phonebloks trên trang gây quỹ Thunderclap cũng đã vượt chỉ tiêu 900.000 người hỗ trợ.

Sau đó không lâu vào tháng 10/2013, Hakkens hợp tác với Motorola. Vào thời điểm đó, Google đã mua lại Motorola và đang phát triển dự án điện thoại module với tên gọi Project Ara.

Đến 2016, LG giới thiệu G5 tại Mobile World Congress, Barcelona với phần đáy có thể tháo rời để gắn phụ kiện như camera, bộ chuyển đổi âm thanh.

Vài tháng sau đó nữa, Lenovo hé lộ 2 chiếc smartphone cao cấp Moto Z và Moto Z Force cùng một phiên bản thấp hơn là Moto Z Play. Lúc này Lenovo đã mua lại thương hiệu Motorola Mobility từ Google được 2 năm (Google vẫn sở hữu đội ngũ Ara và quyền hành liên quan, với tên gọi Advanced Technology and Projects – ATAP).

Moto Z sử dụng chân nam châm để kết nối các phụ kiện Moto Mod như loa, pin, camera và máy chiếu. Máy vẫn có thể hoạt động không cần Mod nhưng Mod sẽ tăng hiệu năng và mang lại các tính năng mới.

Vào khoảng giữa năm, điện thoại module đã thu hút được nhiều sự chú ý. LG tổ chức một hội nghị cho các nhà phát triển để xây dựng thêm module cho G5. Google công bố rằng các nhà phát triển sẽ có được điện thoại Ara vào cuối 2016, còn người dùng là đầu 2017. Hãng cũng lưu hành các bản mẫu (prototype) của Ara, đồng thời công bố logo mới kèm video quảng bá của đội ngũ ATAP.

Việc 3 cái tên lớn tham gia vào sản xuất điện thoại module đã góp phần tạo nên một xu thế mới. Nhưng chỉ sau vài tháng mọi thứ sụp đổ.

Vấn đề của điện thoại module

Việc tháo lắp các thành phần nghe qua rất đơn giản nhưng lại rất phức tạp về mặt kỹ thuật

Mọi module sẽ phải được chuẩn hóa, có khả năng giao tiếp với các module khác mà không ngốn quá nhiều pin (tài nguyên cần thiết nhất của điện thoại). Chi phí cho R&D (nghiên cứu và phát triển) sẽ rất tốn kém đối với nhà sản xuất, và chẳng công ty nào muốn bị đổ lỗi vì sự hỏng hóc hoặc thiếu tương thích của một module bên thứ 3 cả.

Theo Rajeev Nair, chuyên gia phân tích thuộc Global Wireless Practice, quá trình kiểm tra và chứng nhận các thành phần này có thể tương thích tốt với nhau cũng "tốn thời gian, phức tạp và đắt đỏ".

Trong mail phản hồi, Nair nói: "Trong một thị trường đầy cạnh tranh, các hãng muốn tập trung vào các sản phẩm có thể ngay lập tức thu hút được sự chú ý hơn".

Nếu những thành phần này vượt qua bài kiểm tra, các công ty sau đó còn phải cân nhắc chi phí sản xuất chúng.

Hơn nữa, cơ cấu kết nối của chúng phải đủ chắc để không bị lỏng hoặc tuột khỏi máy. Đối với điện thoại module, sự toàn vẹn trong cấu trúc là điều rất cần được quan tâm.

"Mỗi lần bạn lắp một thành phần vào là mỗi lần máy lộ ra một điểm yếu", Hyers nói. Bất kể là dùng cơ chế khóa hay nam châm, việc lắp ráp module sẽ giảm độ chắc chắn của máy.

Lôi kéo mọi người mua điện thoại module cũng là một thách thức. Việc bán điện thoại thường đối với các công ty khác ngoài Apple và Samsung vốn đã khó khăn, nên nếu sản phẩm không có tính thuyết phục, hoặc module hoạt động kém hay quá đắt thì sẽ chẳng ai mua hết.

Theo chuyên gia nghiên cứu di động kiêm chủ tịch tại Glolbal Wireless Practice: "Khách hàng thấy không tiện khi phải mang theo hơn 1 thiết bị trong túi". "Sẽ rất khó khăn nếu bạn rời khỏi nhà hoặc làm việc với điện thoại mà quên mang theo module". Nó giống như việc suốt ngày phải mang đầu chuyển vậy. Mang những thứ này đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ lại những thứ khác.

Trước mắt, Google và LG đã bỏ cuộc

Giám đốc công nghệ LG Skott Ahn nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 1: "Đây là một bài thử nghiệm có ý nghĩa đối với chúng tôi". "Đương nhiên, chúng tôi phải trả giá rất đắt".

Ahn đang nhắc tới canh bạc của LG với chiếc G5. Vào quý 3 2016, chiếc điện thoại có doanh số rất thấp, LG lỗ tới 381 triệu đô trong mảng di động, dẫn đến việc hãng phải chuyển sang một thiết kế phổ biến hơn trên chiếc G6.

Đình đám nhất phải kể đến việc Google ngừng nghiên cứu Ara vô thời hạn mà không công bố lý do. Trước đó Google đã định ra mắt thử nghiệm máy ở Puerto Rico nhưng hủy bỏ chỉ sau vài tháng. Facebook sau đó đã thuê lại những nhân viên cốt cán của ATAP cho đơn vị Building 8. Hiện chưa rõ họ đang làm gì ở đó.

Đây là một sự thất vọng đáng kể đối với các tín đồ công nghệ. Thiết kế mượt mà và linh hoạt của Ara là đỉnh cao lý tưởng cho các điện thoại module. Sự ra mắt dường như đã cận kề. Nếu có công ty nào có khả năng hoàn thiện một chiếc điện thoại module, thì đó là Google với ảnh hưởng trên toàn cầu cùng mạng lưới đối tác điện thoại rộng khắp.

Sự ra đi lặng lẽ của Ara đối lập hoàn toàn với những động thái tràn đầy năng lượng của Google khi dự án còn dang dở. Project Ara đã retweet lần cuối từ Wired vào tháng 5/2016, rằng "Điện thoại module hiện đã sẵn sàng".

Kẻ trụ lại cuối cùng

Cuối cùng chỉ còn lại Lenovo cùng những chiếc Motorola với tương lai khá mờ mịt. Từ lúc ra mắt vào tháng 6 tới tháng 11/2016, Lenovo bán được 1 triệu chiếc Moto Z và trông đợi sẽ bán được 3 triệu chiếc trong năm đầu. Đối với hãng con số này có vẻ ấn tượng, nhưng nó chẳng ăn nhằm gì nếu so với 74,5 triệu iPhone của Apple chỉ riêng trong quý vừa rồi. (Apple và Samsung nằm ở một tầm cỡ khác nên tiêu chí cũng phải cao hơn).;               

Nhu cầu điện thoại module hiện không cao. Theo Nair, ước tính trong 2 năm tới nó sẽ chỉ chiếm chưa đầy 1% thị phần. Thêm vào đó thống kê doanh thu của Lenovo không kể ra bao nhiêu Mod đã được bán. Con số nói trên được gọi là attach rate, tỉ lệ số phụ kiện được bán ra (Mod) so với sản phẩm chính (Moto Z).

"Nếu 1 phụ kiện chiếm 10% attach rate thì nó sẽ mang lại doanh thu đáng kể", Hyers nói. "Xét theo phần trăm, tôi nghĩ attach rate của Moto Z phải lớn hơn một chữ số".

Bất chấp tương lai mù mịt, Lenovo vẫn có kế hoạch tung ra 12 mẫu Mod mới trong năm nay và không có ý định chậm lại. (Trước đây LG và Google cũng nói tương tự). Theo lẽ thường, doanh số điện thoại sẽ giảm dần sau khi ra mắt nhưng đối với Moto Z thì ngược lại.

Giám đốc chương trình Moto Mods nói: "Chúng tôi đang đạt được rất nhiều thành công với khách hàng". "Họ đang sử dụng Mod và họ rất yêu chúng".

Sở dĩ Lenovo nói như vậy là do số lượng Mod rất lớn và cũng rất dễ sử dụng. Chủ tịch Motorola Aymar de Lencquesaing nói trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 2 rằng người dùng không hề thích những thiết kế rắc rối.

"Một số thiết bị trên thị trường khá là rối rắm", ông nói. "Điều khiến Moto Z thành công đó là tháo và lắp. Đó mới là cái tạo nên khác biệt". Ông cũng nói rằng bất kỳ ai mua máy cũng đã mua ít nhất 1 Mod.

Hợp tác với những công ty tiếng tăm như JBL và Incipio cũng khiến Mod trở nên phổ biến hơn.

Hơn nữa, Lenovo cũng không hẳn là đang một mình một ngựa. Hãng Fairphone từ Hà Lan đã ra mắt chiếc Fairphone 2 với các thành phần có thể thay nóng như màn hình, camera và module pin. Bạn cũng có thể mua thêm nếu cần thay thế.

Tuy vậy, Lenovo hiện vẫn là cái tên lớn nhất khi nói về điện thoại Module. Tuy doanh số chưa lớn như Samsung hay Apple, Moto Z vẫn là kẻ mang lại sự khác biệt.

Nhiều khả năng là rất lâu nữa các công ty khác mới quay lại mảng điện thoại module. Người ta thường phàn nàn về sự thiếu sáng tạo trong thiết kế smartphone, nhưng khi các công ty thử nghiệm họ lại thường không được chú ý tới hoặc thất bại. Trong khi đó sự lặp lại thiết kế của Samsung Galaxy S7 hay Apple iPhone 7 vẫn tiếp tục thành công rực rỡ.

Sự linh hoạt và khả năng kiểm soát trên một thiết bị cá nhân sẽ luôn được mọi người chú ý tới. Dù tương lai khá mờ mịt, chúng ta vẫn phải ngưỡng mộ những gì mà các hãng đã làm được trong suốt thời gian qua với điện thoại module.

"Chúng tôi toàn tâm toàn ý với nền tảng này", Touvannas nói. "Chúng tôi vẫn ở đây và tin tưởng vào những gì mình gây dựng".

Trần An

Chủ đề khác