VnReview
Hà Nội

Tìm hiểu về Project Treble và tương lai của những bản cập nhật Android

Một trong những điều khiến người dùng Android cảm thấy ngán ngẩm nhất là chờ dài cổ để đợi bản cập nhật mới. Tuy nhiên, với sự ra đời của Project Treble, mọi chuyện hứa hẹn sẽ được cải thiện.

>> "Vật vã" gần 10 năm Google mới tìm ra lời giải cho vấn đề phân mảnh của Android?

>> Tại sao nhiều smartphone Android cao cấp vừa ra vẫn cài sẵn phần mềm cũ? ;

Phàn nàn phổ biến nhất về cập nhật Android đó là thời gian phát hành cực kì chậm trễ. Tệ hơn nữa, các nhà sản xuất thường hay "quên" cập nhật phần mềm cho các thiết bị cũ sau khi ra mắt các thiết bị mới. Trong nhiều năm qua, người dùng chỉ biết phàn nàn với Google và các nhà sản xuất để hi vọng có sự thay đổi. May mắn thay, Project Treble cuối cùng đã xuất hiện.

Project Treble (dự án Treble) là một phần của phiên bản Android 8.0 Oreo mới nhất và được giới thiệu lần đầu tiện tại sự kiện Google I/O diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Google coi đây là biểu tượng của việc tái kiến trúc lại bộ khung của hệ điều hành Android. Theo đó, mục tiêu cuối cùng của Project Treble là giúp cho các nhà sản xuất có thể cập nhật Android nhanh hơn và dễ dàng hơn trên các thiết bị.

Mặc dù là thay đổi quan trọng bậc nhất trên Android Oreo nhưng sẽ có rất ít người dùng để ý tới Project Treble. Nguyên nhân là vì Project Treble chủ yếu liên quan tới cách làm việc giữa Google và nhà sản xuất, tức là hậu trường phía sau mỗi bản cập nhật. Tuy nhiên, nếu bạn là một người quan tâm tới tương lai của Android, bỏ qua những thông tin về Project Treble sẽ là một thiếu sót lớn.

Tại sao chúng ta lại cần Project Treble?

Biểu đồ thể hiện sự phân mảnh của Android trong tháng 11/2017.

Câu trả lời rất đơn giản, đó là: phân mảnh. Đây là lời chỉ trích vô cùng quen thuộc dành cho Android và nó không phải vô căn cứ. Trong khi iPhone thường xuyên nhận được cập nhật iOS mới trong vòng từ 3 đến 4 năm, điện thoại Android lại không được may mắn như vậy. Những chiếc điện thoại Android đắt tiền nhất cũng nhỉ nhận được cập nhật phần mềm trong 2 năm. Thậm chí, những chiếc điện thoại giá rẻ còn không bao giờ được cập nhật.

Việc chậm cập nhật sẽ khiến người dùng Android không được trải nghiệm những tính năng mới. Tuy nhiên, điều khiến Google lo ngại nhất đó là các tính năng bảo mật không được cập nhật sẽ khiến người dùng sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi phần mềm độc hại.

Hiện nay, khi smartphone ngày càng có vai trò quan trọng trong việc sử dụng cũng như bảo mật dữ liệu cá nhân, thanh toán tài chính và lưu trữ thông tin, việc vá những lỗ hổng bảo mật là ưu tiên hàng đầu. Trong khi các nhà sản xuất thường bị đổ lỗi cho việc cập nhật chậm, nguyên nhân quan trọng nhất không hẳn thuộc về họ.

Việc cập nhật chậm có liên quan tới cách thức giao tiếp giữa các lớp phần mềm (layer) của Android với phần cứng của điện thoại. Để giúp các ứng dụng có thể chạy được trên CPU hoặc dùng được camera, hệ điều hành phải giao tiếp với phần cứng thông qua HAL (hardware abstraction layer - lớp trìu tượng thực thi bởi phần mềm).  Hiểu theo cách đơn giản nhất, HAL là ngôn ngữ để phần cứng và phần mềm có thể giao tiếp với nhau.

Trong điện thoại, HAL cực kỳ quan trọng. Ví dụ, nếu bạn muốn làm một ứng dụng bên thứ ba có thể sử dụng camera trên bất cứ chiếc điện thoại Android nào, bạn phải thiết kế ra những HAL phù hợp với cả camera của các mẫu điện thoại rẻ tiền nhất. Nói cách khác, HAL có tác dụng che giấu sự khác biệt của các loại phần cứng khác nhau đối với phần mềm. Ngoài ra, HAL cũng bao gồm cả một lõi Linux có tác dụng thực thi những giao tiếp đặc biệt giữa phần mềm và một linh kiện cần dùng trong điện thoại.

Vấn đề của Android Nougat và các phiên bản Android trở về trước đó là không có sự tách biệt giữa mã phần cứng cấp thấp của các nhà sản xuất và mã hệ điều hành mở cấp cao AOSP (Android Open Source Platform) của Google. Vì vậy, các nhà sản xuất phải cập nhật lại phần lớn mã Android sau mỗi lần cập nhật của Google.  Ngoài ra, họ cũng phải chờ nhà cung ứng linh kiện viết lại mã HAL để phiên bản Android mới có thể giao tiếp với phần cứng hiện có.

Điều không may là Android không có nhiều cách để tương thích với các thiết bị cấp thấp và số lượng mã phải chỉnh sửa sẽ rất nhiều. Quá trình này làm tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí của nhà sản xuất. Để giải quyết vấn đề, Project Treble đã được thiết kế để tách biệt Framework (thư viện các lớp, bộ khung để phát triển phần mềm) của Android với mã phần cứng của các nhà sản xuất. Nhờ vậy, sau mỗi lần cập nhật, VI (Vendor Implementation), những phần mềm được nhà sản xuất tạo ra để giúp phần mềm giao tiếp với phần cứng (bao gồm cả HAL), sẽ được giữ nguyên. Từ đó, Project Treble sẽ giúp các nhà sản xuất không phải đau đầu để viết lại mã cho các thiết bị có cấu hình thấp. 

Trong tương lai, các nhà sản xuất vẫn sẽ muốn giới thiệu những tính năng phần cứng và phần mềm độc quyền, từ đó khiến họ mất thêm thời gian để phát triển và thử nghiệm trước khi cập nhật phần mềm cho người dùng. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cần thời gian để tích hợp những tính năng mới của họ vào mã AOSP của Google. Nói cách khác, việc cập nhật Android sớm hay muộn vẫn sẽ phụ thuộc vào nhà sản xuất. Tuy nhiên, Project Treble sẽ giảm số lượng công việc họ cần phải làm, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất có số lượng mã phần cứng lớn.

Các cập nhật mới sẽ được tiến hành như thế nào?

Một điều quan trọng cần phải nhắc lại đó là Android là hệ điều hành sử dụng lõi Linux. Đây là một thành phần trong hệ điều hành có trách nhiệm chính là cho phép phần mềm giao tiếp với phần cứng. Do đó, thay đổi cách lõi Linux hoạt động cũng là cách để Android thay đổi cách phần cứng giao tiếp với phần mềm.

Sau Android O, các hệ thống phần cứng sẽ được phân cho từng phân vùng phần mềm riêng biệt.

Để giải quyết vấn đề của HAL, Android Oreo đã phân chia các hệ thống phần cứng phụ như âm thanh hay camera cho phân vùng phần mềm khác nhau. Hiện nay, Google đã tạo ra 60 ngôn ngữ giao tiếp giữa HAL với từng linh kiện phần cứng khác nhau trong điện thoại và được gọi là HIDL (HAL interface definition language).

Mục tiêu chính của một HIDL là cho phép phần khung của Android có thể bị thay thế mà không cần sửa lại HAL. Giờ đây, HAL sẽ được xây dựng bởi các nhà sản xuất chip và đưa vào một phân vùng riêng trên thiết bị. Mỗi khi có cập nhật Android thông qua phương thức OTA (over-the-air update), chỉ có duy nhất phần khung của Android bị thay đổi và HAL không bị ảnh hưởng. 

Một điểm quan trọng khác cũng cần phải lưu ý là Project Treble sẽ mở rộng thời gian hỗ trợ lõi Linux cho thiết bị từ 2 năm lên thành 6 năm. Đây là tin mừng đối với người dùng vì điện thoại của họ sẽ được Google và các nhà sản xuất quan tâm nhiều hơn. Trong thời gian trước đây, phần lớn điện thoại Android thường ngừng nhận được cập nhật chỉ sau một năm.

Ngoài ra, trong một tài liệu được ra mắt vào ngày 12/5 vừa qua, Google cho biết: "Project Treble sẽ đến với tất cả thiết bị được phát hành với Android O và các phiên bản cao hơn". Điều này có nghĩa là các điện thoại mới sử dụng hệ điều hành Android Nougat không nhất thiết phải tuân theo Project Treble. Một ví dụ điển hình là OnePlus vừa xác nhận Project Treble sẽ không có trên chiếc điện thoại OnePlus 5T mới của họ. Bạn cần phải lưu ý điều này khi mua một chiếc điện thoại Android Nougat trong thời gian hiện nay.

Trong khi đó, những chiếc điện thoại được trang bị Android Oreo ngay từ đầu như Google Pixel 2 sẽ bắt buộc phải hỗ trợ Project Treble. Nguyên nhân là vì Android 8.0 sẽ sử dụng bộ giao diện nhà sản xuất mới có tên là Vendor Test Suite (VTS) để đảm bảo cập nhật phần mềm luôn tương thích với thiết lập phần cứng.

Như minh họa ở hình trên, quá trình cập nhật Android trong Project Treble sẽ diễn ra theo 5 bước. Đầu tiên, Google sẽ viết và phát hành mã nguồn mở của phiên bản hệ điều hành mới. Tiếp theo, mã nguồn mở sẽ được chuyển tới các nhà sản xuất linh kiện, đặc biệt là chip, để tinh chỉnh những đoạn mã này sao cho phù hợp với cách giao tiếp giữa phần mềm mới và phần cứng do họ sản xuất.

Sau đó, mã đã được chỉnh sửa sẽ tới tay của các nhà sản xuất thiết bị và sẽ có thêm một số thay đổi hoặc bổ sung tính năng nếu cần thiết. Khi các đoạn mã được hoàn chỉnh, chúng sẽ được chuyển tới các nhà mạng để chờ xác nhận. Cuối cùng, người dùng sẽ nhận được cập nhật thông qua OTA.

Android O sẽ giúp các bản cập nhật đến nhanh hơn nhưng sẽ không thể nhanh bằng iOS.

Project Treble không có nghĩa là bạn sẽ nhận được cập nhật ngay lập tức khi Google ra mắt phiên bản Android mới. Các nhà sản xuất vẫn có thể "ém hàng" để tinh chỉnh và thêm một số tính năng độc quyền của họ vào Android. Vì vậy, chúng ta vẫn sẽ phải mất một khoảng thời gian trước khi phiên bản Android mới nhất tới tay người dùng. Tuy nhiên, bằng cách đưa việc cập nhật của các nhà sản xuất chip lên đầu quá trình, việc cập nhật Android sẽ trở nên nhanh hơn.

Nói tóm lại, nhờ có Project Treble, thời gian cập nhật Android sẽ được cải thiện, xin nhắc lại là cải thiện. Điều đó có nghĩa là những bản cập nhật Android sẽ đến sớm hơn trong thời gian tới nhưng sẽ không có chuyện mỗi tháng lại có một cập nhật như iOS.

Ý nghĩa của Project Treble

Đối với người dùng, việc cập nhật Android vẫn sẽ không khác gì so với hiện nay. Các nhà sản xuất sẽ cập nhật phần mềm thông qua OTA và việc của bạn là tải về máy. Tuy nhiên, việc những bản cập nhật đến nhanh hơn và thời gian hỗ trợ dài hơn thật sự đáng để mong đợi.

Ngoài ra, Project Treble cũng là một gợi ý thú vị cho sự hồi sinh của ROM tùy chỉnh vì phần mềm có thể giao tiếp tốt hơn với nhiều loại phần cứng. Vì vậy, sẽ chỉ cần mất vài ngày (hoặc vài tuần) để có thể port (chuyển đổi) ROM AOSP của Google sang một ROM tùy chỉnh. Các thành viên của XDA community, một diễn đàn về ROM tùy chỉnh, đã tỏ ra vui mừng khi nhận thấy triển vọng của Project Treble. Nhà phát triển OldDroid đã gọi Project Treble là một bước đột phá sau khi dùng thử Android Oreo trên chiếc Huawei Mate 9. 2017 là năm nhiều nhà sản xuất quay về sử dụng Android gốc. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi vào năm 2018.

Lời kết

Project Treble nghe rất hứa hẹn nhưng một điều quan trọng chúng ta cần phải hiểu là nó vẫn có những giới hạn. Thứ nhất, không như Apple và iOS, thời gian cập nhật phần mềm không nằm trong tay của Google. Các nhà sản xuất như Samsung, LG và Huawei vẫn chịu trách nhiệm tinh chỉnh cũng như phát hành cập nhật vào thời gian họ cảm thấy thích hợp. Project Treble chính xác là một kiến trúc được tối ưu hóa để đẩy nhanh quá trình cập nhật phần mềm. Google đã thực hiện phần việc của họ trên Android Oreo và tiếp theo là nỗ lực của các nhà sản xuất.

Thứ hai, chỉ có những thiết bị sử dụng Android Oreo hoặc cao hơn là được hỗ trợ Project Treble. Điện thoại nâng cấp từ Nougat lên Oreo sẽ không được nằm trong diện hỗ trợ nếu nhà sản xuất không muốn. Khi mua điện thoại chạy Android Nougat trong thời gian hiện nay, bạn cần phải đặc biệt lưu ý tới những lời hứa hẹn về Project Treble của nhà sản xuất. Ngoài ra, không phải ROM tùy chỉnh nào của Android Oreo cũng chạy được trên những điện thoại có cấu hình thấp.  

Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc điện thoại Android hỗ trợ Project Treble tốt vào thời điểm này, Google Pixel, Essential Phone, Huawei Mate 9, Mate 10, Honor 8 và Honor 8 Pro là những sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên, đừng nên quá nóng nội. 2018 mới là năm bùng nổ của những smartphone chạy Android Oreo và hỗ trợ Project Treble. Hãy chờ thêm một thời gian nữa để có được nhiều lựa chọn tuyệt vời hơn.

Nguyễn Long

Chủ đề khác