VnReview
Hà Nội

TV Micro LED là gì và khác biệt thế nào với TV OLED?

Tại triển lãm CES 2018 vừa diễn ra, Samsung đã gây sốt khi trình làng một mẫu TV Micro LED "The Wall" có kích thước tới 146 inch. Vậy TV Micro LED là gì và đâu là sự khác biệt của chúng với TV OLED thông thường?

>> [CES 2018] Samsung công bố TV khổng lồ 146 inch, thiết kế module và tấm nền MicroLED

Theo trang công nghệ HowtoGeek, trong thị trường TV hiện nay, hai cái tên đáng chú ý nhất là Samsung và LG. Điều này không có nghĩa là các hãng TV khác không tạo ra được những mẫu TV chất lượng và cạnh tranh ở mọi phân khúc giá. Tuy nhiên, có một thực tế là hai hãng điện tử Hàn Quốc đang chiếm thị phần lớn trong phân khúc TV cao cấp và luôn dẫn đầu trong việc cải tiến chất lượng hình ảnh.

Trong năm 2017, LG đã có một chút lợi thế trước đối thủ Samsung nhờ vào công nghệ sản xuất tấm nền OLED vượt trội dành cho TV. Samsung đã cố gắng cạnh tranh bằng các mẫu TV sử dụng công nghệ chấm lượng tử (Quantum Dot). Tuy nhiên, những màu sắc sống động của TV OLED tới từ LG vẫn là điểm sáng nhất trên thị trường TV trong một năm vừa qua.

Mặc dù vậy, trong năm 2018, Samsung có thể lật ngược được thế cờ với một công nghệ mới mang tên là Micro LED. Tại sự kiện CES 2018 vừa diễn ra, Samsung đã giới thiệu một mẫu TV Micro LED và cho biết đây sẽ là công nghệ của TV trong tương lai. Vậy, TV Micro LED là gì?

TV LED và OLED thông thường hoạt động như thế nào?

Trước khi tìm hiểu TV Micro LED, bạn cần phải biết về cách những TV LED thông thường hoạt động như thế nào. Giải thích một cách đơn giản, tất cả màn hình LCD (tinh thể lỏng), loại màn hình được dùng phổ biến trong các loại TV và điện thoại ngày này, không thể tự phát sáng được. Thay vào đó, chúng sử dụng một hệ thống đèn nền ở phía dưới. Hệ thống đèn nền này sẽ chiếu sáng những điểm ảnh màu đỏ, màu xanh lá và màu xanh lục (3 màu cơ bản RGB) trên màn hình, từ đó cho phép bạn xem được hình ảnh.

Hệ thống đèn nền huỳnh quang lạnh CCFL của TV.

Trước đây, các loại màn hình LCD cũ thường sử dụng đèn nền huỳnh quanh lạnh (CCFL), một phiên bản thu nhỏ của chiếc đèn huỳnh quang trong phòng làm việc của bạn, để chiếu sáng. Tuy nhiên, nhược điểm của đèn nền CCFL là đắt tiền, dễ vỡ và độ sáng không ổn định.

Hệ thống đèn nền LED của TV.

Lịch sử của màn hình LCD bắt đầu thay đổi với sự xuất hiện của màn hình LCD LED. Thay vì đèn nền CCFL, màn hình LED sử dụng bóng nền LED có khả năng phát sáng hơn, ổn định hơn và rẻ tiền hơn. Ngoài ra, đèn LED còn cho phép lắp hai dải đèn bên cạnh và một bảng đèn chiếu sáng ngay dưới màn hình, từ đó giúp ánh sáng mạnh hơn và dễ dàng thay đổi độ sáng. Nếu bạn đã mua một chiếc TV trong vòng 5 cho tới 6 năm trở lại đây, rất có thể đó là một chiếc TV LED.

Video thể hiện cách hệ thống đèn nền trên TV LED hoạt động.

Vậy còn TV OLED? Đây là một loại màn hình TV thế hệ mới không yêu cầu phải có hai lớp màn hình tinh thể lỏng và đèn nền riêng biệt. Thay vào đó, chúng được kết hợp vào một lớp với nhau. Về cơ bản, TV OLED sử dụng diot phát quang hữu cơ, trong đó lớp phát xạ điện quang được làm từ vật liệu bán dẫn hữu cơ có khả năng phát sáng mỗi khi có dòng điện chạy qua. Nhờ vậy, màn hình OLED có thể chiếu sáng từng điểm ảnh màu đỏ, xanh lá và xanh lục theo dòng điện được cung cấp.

TV OLED có khả năng hiển thị vượt trội so với TV LED.

Điều này giúp đem tới hai lợi thế cho màn hình OLED. Thứ nhất, màn hình OLED không cần đèn nền nên sẽ tiết kiệm điện và mỏng hơn màn hình LED. Khi cần hiển thị màu đen, màn hình OLED chỉ cần không cho dòng điện chạy qua điểm ảnh cần hiển thị. Như vậy là các nhà sản xuất đã có thể dễ dàng tạo ra thứ được gọi là "màu đen hoàn hảo" (perfect black). Bên cạnh màu sắc sống động hơn, màn hình OLED còn đem tới độ tương phản đáng kinh ngạc.

Nhược điểm lớn nhất của TV OLED hiện nay là giá đắt.

Trong cơn sốt bùng bổ những thiết bị cầm tay, màn hình OLED mỏng và linh hoạt đã được ứng dụng rất nhiều trên smartphone và smartwatch. Tuy nhiên, màn hình OLED lại đắt hơn rất nhiều so với màn hình LED. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy LG vẫn giới hạn những mẫu TV OLED của họ trong phân khúc cao cấp. Tại thị trường Mỹ, bạn sẽ không thể tìm được một chiếc TV OLED kích thước 55 inch có giá dưới 1.500 USD (khoảng hơn 30 triệu đồng).

Vậy, đâu là điểm khác biệt của TV Micro LED?

Với việc trang bị đèn nền Micro LED, Samsung hi vọng sẽ đem tới được những mẫu TV có khả năng hiển thị hình ảnh tuyệt vời như TV OLED nhưng rẻ hơn và dễ sản xuất hơn như TV LED. Thật vậy, giải pháp của Samsung ở đây có thể hiểu là thu nhỏ hệ thống đèn nền LED ở phía sau màn hình.

Một trong những lý do khiến TV LED không thể hiển thị hình ảnh đẹp như TV OLED đó là do những giới hạn vật lý của đèn LED. Các nhà sản xuất không có cách nào để có thể sắp xếp các đèn LED một cách đều nhau và đem tới một hệ thống đèn nền có khả năng chiếu sáng đồng đều một cách hoàn hảo. Các công nghệ màn hình mới như chấm lượng tử đã giải quyết phần nào vấn đề này nhưng vẫn chưa đủ để cạnh tranh với TV OLED.

Tuy nhiên, hiện nay, Samsung đã có thể tạo ra những đèn LED có kích thước cực kỳ nhỏ, hay còn gọi là Micro LED. Điều này cho phép mỗi điểm ảnh trên màn hình LCD có thể được chiếu sáng như màn hình OLED. Trên thực tế, đèn micro LED nhỏ tới mức mỗi điểm ảnh trên màn hình LCD được sở hữu tới 3 đèn LED riêng để hiển thị và phối hợp giữa 3 màu cơ bản (đỏ, xanh lá và xanh lục). Điều này cho phép Samsung kiểm soát tốt hơn những màu sắc hiển thị trên TV.

Vì vậy, một chiếc TV có độ phân giải 1920 x 1080 pixel của Samsung trong tương lai sẽ được chứa tới 6 triệu đèn Micro LED. Đối với TV 4K, con số này lên tới 25 triệu đèn Micro LED. Khả năng kiểm soát màu sắc tới từng điểm ảnh là chìa khóa tạo nên sức mạnh của TV Micro LED.

Ưu điểm của TV Micro LED là gì?

Theo Samsung, TV Micro LED có thể cạnh tranh với TV OLED trong chất lượng hình ảnh tổng thể nhờ vào những cài đặt phát sáng sẵn có trên từng điểm ảnh của màn hình. Có thể bạn không biết nhưng TV LED đã là một thế mạnh từ lâu của Samsung và hãng có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát màu sắc trên màn hình LED. Trên thực tế, Samsung đã ngần ngại trong việc chuyển sang sản xuất TV OLED số lượng lớn để chạy đua với LG.

Hơn nữa, vì kích thước rất nhỏ, hệ thống đèn nền Micro LED có thể được ứng dụng trong thiết kế module. Tại sự kiện CES 2018, Samsung đã cho biết: "Thiết kế module có thể được sử dụng để tạo ra một màn hình treo tường hoặc đơn giản là giúp người dùng tăng kích thước TV cho phù hợp với căn phòng mới của họ". Mẫu TV "The Wall" được Samsung giới thiệu đã chứng minh cho điều này khi có kích thước tới 146 inch nhưng lại rất mỏng và có thể treo trên tường.

Khả năng tạo ra màu sắc tốt hơn so với TV LED truyền thống và có thể tạo ra các mẫu TV lớn hơn nhưng mỏng hơn là những ưu điểm đáng chú ý của TV Micro LED. Nếu bạn là một nhà sản xuất TV, bạn sẽ rất khó để bỏ qua công nghệ này.

Khi nào TV Micro LED mới có thể đến tay người dùng?

TV Micro LED nghe rất hấp dẫn nhưng chúng sẽ khó có thể đến tay bạn trong tương lai gần. Buổi giới thiệu TV "The Wall" của Samsung tại CES 2018 rất ấn tượng nhưng hãng lại không đưa ra bất cứ thông tin nào về ngày bán. Điều đó có nghĩa là trong ít nhất 6 tháng tới, không có một mẫu TV Micro LED nào sẽ được ra mắt trên thị trường. Nhiều khả năng, những mẫu TV Micro LED đầu tiên của Samsung sẽ được chào bán trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là Samsung có nói "công nghệ mới có thể đắt tiền". Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị tâm lý khi TV Micro LED có thể đắt hơn nhiều TV LED hiện nay.

Hơn nữa, Samsung luôn có truyền thống áp dụng công nghệ mới đầu tiên trên những sản phẩm cao cấp. Vì vậy, trừ khi có những sai sót kỹ thuật, công nghệ TV Micro LED sẽ xuất hiện trên tất cả những mẫu TV cao cấp và đắt tiền của Samsung trong năm 2019.

Nguyễn Long

Chủ đề khác