VnReview
Hà Nội

Đánh giá Dell OptiPlex 5050 MT (70131616): thiết kế nhỏ gọn, nhiều lựa chọn nâng cấp

Mẫu máy đồng bộ của Dell sở hữu cấu hình với vi xử lý khá mạnh, đủ đáp ứng các nhu cầu văn phòng và khả năng nâng cấp dễ dàng.

Mặc dù laptop giờ là lựa chọn máy tính phổ biến nhất trong các văn phòng, các dòng máy desktop vẫn luôn có chỗ đứng do hiệu năng luôn mạnh mẽ hơn laptop cùng tầm giá, nhiều cấu hình linh hoạt cho các nhu cầu khác nhau và nhất là dễ nâng cấp khi cần thiết.

Chiếc Dell OptiPlex 5050 mà VnReview đánh giá hôm nay là một sản phẩm như vậy. Bên cạnh cấu hình khá mạnh với vi xử lý Intel Core i5 đời 7, chiếc máy tính để bàn này còn có nhiều khả năng nâng cấp thêm RAM, ổ SSD Intel Optane hay card đồ họa đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Sản phẩm trong bài có giá tham khảo 12,9 triệu đồng, với cấu hình như dưới đây:

Thiết kế và khả năng nâng cấp

Kích thước của OptiPlex 5050 rất nhỏ gọn, với chiều cao chỉ 35cm nên có thể dễ dàng sắp đặt. Kể cả khi đặt trên bàn, chiếc máy này cũng không chiếm nhiều diện tích. Phần khung máy kết hợp chất liệu nhựa và hợp kim, trọng lượng gần 8kg cũng khá nặng và chắc chắn. Với thiết kế của cỗ máy này, người dùng có thể đặt đứng hoặc nằm đều ổn.

Mặt trước của máy có 4 cổng USB 2.0 và 3.0, cùng cổng âm thanh 3,5mm

Mặt trước của máy khá đơn giản, điểm nhấn là phần mặt nạ lưới và dải logo Dell. Ở mặt trước, bên cạnh nút nguồn và ổ DVD R/W, người dùng còn có 4 cổng USB và chân cắm âm thanh 3,5mm.

Ổ DVD R/W nằm dọc

Các cổng kết nối ở mặt sau

Về tổng thể, OptiPlex 5050 có rất nhiều cổng kết nối. Máy có tổng cộng 6 cổng USB 3.1 gen 1 (2 ở mặt trước, 4 ở mặt sau), 4 cổng USB 2.0 (2 trước, 2 sau), 4 cổng xuất hình (VGA, HDMI, 2 cổng DisplayPort), cổng Gigabit LAN, 2 cổng PS/2 cho phím và chuột, thậm chí còn có cả cổng Serial để kết nối các thiết bị ngoại vi cũ.

Nhìn chung ngoại hình OptiPlex 5050 không quá nổi bật, kích thước nhỏ gọn và dễ bố trí

Nếu như bên ngoài, ngoại hình của OptiPlex 5050 không quá nổi trội thì thiết kế bên trong của máy lại rất hợp lý và dễ nâng cấp. Thùng máy được thiết kế để tháo, lắp một cách dễ dàng và gần như chỉ cần mở bằng tay. Những chi tiết như nắp hông, mặt trước… đều có thể mở bằng lẫy, gạt.

Khi tháo nắp hông ra, máy vẫn còn một phần khung ở hông để gắn ổ cứng, ổ đĩa.

Thay vì chỉ mở nắp hông như máy tính thông thường, OptiPlex 5050 còn có một bản lề xoay để mở phần hông ra, cho phép truy cập vào bo mạch chủ dễ dàng. Thiết kế này giúp cho việc nâng cấp hay vệ sinh máy dễ dàng hơn, dù là với người dùng cá nhân hay nhân viên IT thì đây cũng là một điểm cộng.

<div style='position:relative;padding-bottom:57%'><iframe src='https://gfycat.com/ifr/VictoriousCarelessBighorn' frameborder='0' scrolling='no' width='100%' height='100%' style='position:absolute;top:0;left:0;' allowfullscreen></iframe></div>

Phần khung này có thể xoay ra để dễ dàng truy cập bo mạch chủ hay tháo lắp ổ cứng

Trong cấu hình mặc định, ngoại trừ CPU ra thì người dùng có thể nâng cấp cả RAM, thêm card đồ họa, ổ cứng hay ổ SSD vì bo mạch và vỏ máy đều còn rất nhiều chỗ trống. Tối đa bạn có thể bổ sung thêm 2 ổ cứng 2.5 inch, 1 ổ SSD M.2, 3 thanh RAM, 1 card đồ họa và 3 card gắn ngoài cổng PCI-e.

Khu vực CPU và RAM. Máy mới chỉ gắn 1 thanh RAM dung lượng 4GB, người dùng có thể nâng cấp lên tối đa 64GB RAM với 4 khe cắm

Bo mạch có 4 cổng SATA 3, trong đó đã sử dụng 2 cổng cho ổ cứng và ổ đĩa. Như vậy người dùng vẫn còn có thể bổ sung 2 ổ nữa

Máy gắn sẵn ổ 1TB, tốc độ 7200 RPM của Toshiba

Ngoài ổ cứng 3.5 inch và ổ đĩa ở phía trên, người dùng còn có thể lắp thêm 2 ổ 2.5 inch ở phía dưới

Cạnh khu vực RAM là cổng M.2 để gắn ổ SSD. Chiếc máy này hỗ trợ ổ Intel Optane, kết hợp tốc độ của SSD để tăng tốc cho ổ cứng

Các cổng PCI Express để gắn thêm card màn hình, card mở rộng…

Bên cạnh các phần cứng, điểm thiếu sót đáng kể nhất trong cấu hình của cỗ máy này là không hỗ trợ WiFi. Nếu muốn bổ sung card WiFi, bạn có thể tìm mua các sản phẩm gắn cổng PCI Express.

Nguồn của máy có công suất 240W

Tuy có cổng PCI Express để gắn thêm card đồ họa, bạn cũng sẽ không thể gắn một chiếc card quá mạnh mẽ vào hệ thống này do bộ nguồn chỉ có công suất 240W.

Mặt trước của máy khi tháo mặt nạ nhựa

Dell OptiPlex 5050 cũng được tích hợp sẵn một chiếc loa, gắn ở mặt trước của máy. Kích cỡ nhỏ nên âm lượng của loa cũng chỉ ở mức vừa phải, đủ nghe trong căn phòng rộng khoảng 15m2, chất lượng cũng không có gì đáng bàn.

Loa tích hợp của máy tính

Máy đi kèm một bộ bàn phím, chuột có dây của Dell. Thiết kế của phím đơn giản, vuông vắn nhưng được tích hợp đủ các phím điều khiển multimedia trên hàng phím F. Bàn phím có kích thước full size, phong cách chiclet cho cảm giác gõ khá tốt, hành trình phím dài và nảy.

Chuột theo máy có kích thước vừa phải, thiết kế ôm tay và phù hợp cho cả người thuận tay phải và tay trái. Phần vỏ của chuột cũng sử dụng chất liệu nhựa nhám giống như phím, có lẽ dùng lâu sẽ bớt "xuống sắc" hơn là chất liệu nhựa bóng.

Hiệu năng, nhiệt độ và điện năng tiêu thụ

CPU Core i5-7500 là điểm nhấn trong cấu hình của cỗ máy này

Trong cấu hình của cỗ máy này, điểm đáng giá nhất là CPU Intel Core i5-7500 Kaby Lake tương đối mạnh mẽ, với 4 nhân 4 luồng và xung nhịp cơ bản 3.4GHz, tăng tốc turbo boost lên tối đa 3.8GHz. Con chip này có thể đáp ứng các tác vụ khá nặng như dựng phim, render, và cũng được đánh giá là xử lý game tốt. Giá bán lẻ của i5-7500 đã là gần 5 triệu đồng, tức là gần 40% giá trị của cỗ máy.

Hệ điều hành Ubuntu đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, nhưng để khai thác sức mạnh tối đa thì người dùng vẫn có thể cài Windows

Chiếc máy này được cài sẵn hệ điều hành Ubuntu phiên bản 16.04LTS. Nếu như nhu cầu chỉ là lướt web, xử lý văn phòng hay xem phim, nghe nhạc thì Ubuntu cũng đáp ứng được, tuy nhiên để khai thác sức mạnh tối đa thì người dùng vẫn có thể cài hệ điều hành Windows. Để đánh giá hiệu năng của máy, chúng tôi cài đặt Windows 10 phiên bản mới nhất 1709 (Windows 10 đã có bản cập nhật 1803, nhưng chưa phát hành ở thời điểm đánh giá).

Nếu như nhu cầu sử dụng chỉ là các ứng dụng văn phòng thông thường, duyệt web ít tab, hay thậm chí là xử lý ảnh đơn lẻ hoặc xuất hình trong Lightroom thì sức mạnh của OptiPlex 5050 có phần "thừa thãi". Đối với các phần mềm đó hiệu năng CPU quen thuộc như Cinebench R15 hay Geekbench 4, điểm số của i5-7500 rất ấn tượng, đặc biệt là ở hiệu năng đa nhân.

Thông tin chi tiết về CPU của Dell OptiPlex 5050

Điểm hiệu năng CPU đo bằng Cinebench R15 trên;Dell OptiPlex 5050

Điểm hiệu năng CPU đo bằng Geekbench 4

Tuy nhiên, dung lượng RAM chỉ 4GB sẽ là hạn chế đáng kể cho khả năng đa nhiệm của máy. Khi mở khoảng 10 tab trên trình duyệt Chrome, máy bắt đầu chậm lại. Tương tự, khi duyệt ảnh và chỉnh sửa một số lượng lớn ảnh trên Lightroom thì lượng RAM hạn chế cũng khiến tốc độ phản hồi khá chậm.

Tốc độ ổ cứng HDD 1TB 7200 RPM của máy

Dung lượng ổ cứng 1TB khá dồi dào để lưu trữ dữ liệu văn phòng, kể cả khi phải chứa thêm game, nhạc, hình ảnh cũng không phải vấn đề quá lớn. Tuy nhiên dù là loại ổ tốc độ 7200 RPM, ổ cứng cũng không đủ mang đến phản hồi nhanh nhẹn và là điểm "nghẽn cổ chai" khiến hiệu năng của máy kém ấn tượng, nhất là khi gặp tình trạng Full Disk 100% trong Windows 10. Do vậy một ổ SSD loại SATA 2.5 inch hoặc M.2 là một trong những điểm nâng cấp đầu tiên người dùng nên nghĩ tới.

Điểm hiệu năng đồ họa đo bằng phần mềm 3D Mark, bài đánh giá Sky Diver

Nhiệm vụ xử lý đồ họa trên chiếc máy tính này thuộc về chip đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 630. Thực tế là chip đồ họa này vẫn đủ đáp ứng một số game với yêu cầu đồ họa không quá cao – khi chơi Pro Evolution Soccer 2018, thiết lập đồ họa Low và độ phân giải Full HD, máy vẫn đạt mức khung hình trung bình khoảng 30 fps, chơi được nhưng không mượt. Với Liên Minh Huyền Thoại thì máy đủ đáp ứng mức 60 hình/giây.

Nhiệt độ của máy sau khi chạy bài đo độ ổn định của phần mềm AIDA64 trong 1 giờ

Toàn bộ thùng máy chỉ có một quạt tản nhiệt CPU và một quạt 80mm để đẩy khí nóng ở mặt sau, do vậy hiệu quả tản nhiệt cũng không cao. Khi ép hệ thống hoạt động hết công suất bằng AIDA64 trong 1 giờ đồng hồ, nhiệt độ CPU có lúc đạt tới 74 độ. Mức nhiệt độ này chưa đáng lo ngại, nhưng nếu muốn hệ thống chạy tối đa liên tục, trong thời gian dài thì sẽ cần thay tản nhiệt CPU tốt hơn. Ưu điểm của hệ thống này là hoạt động rất êm ái, kể cả khi chạy hết công suất cũng không bị ồn, để trong phòng ngủ cũng không thấy khó chịu.

Tổng kết

Có thể thấy Dell OptiPlex 5050 là mẫu desktop phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc người dùng cá nhân tìm kiếm mẫu máy tính để bàn nhỏ gọn, hoạt động êm ái và yêu cầu vừa phải về hiệu năng. Máy đáp ứng tốt các công việc nhẹ nhàng, cơ bản, có thể chơi được một số tựa game online phổ biến hiện nay. Với cấu hình này người dùng có nhiều lựa chọn để nâng cấp, như cài đặt Windows, thêm RAM hoặc thêm ổ SSD để cải thiện hiệu năng, qua đó đáp ứng tốt hơn các công việc nặng như xử lý ảnh, dựng phim.

Ưu điểm:

+ Thiết kế nhỏ gọn, kiểu dáng hiện đại

+ Cổng kết nối thiết bị ngoại vi, xuất hình đa dạng

+ Tháo lắp và nâng cấp máy rất dễ, hỗ trợ SSD chuẩn Intel Optane

+ Hoạt động êm ái

+ Hiệu năng đáp ứng tốt các tác vụ văn phòng, vi xử lý Intel Core i5 7400 mạnh mẽ

+ Có bàn phím, chuột đi kèm

Hạn chế:

- Lượng RAM chỉ 4GB

- Không cài sẵn Windows

Anh Tú

Chủ đề khác