VnReview
Hà Nội

Trải nghiệm nhanh Canon M50 trong một ngày rong ruổi ở cây cầu hơn trăm tuổi tại Hà Nội

Canon M50, mẫu mirrorless mới nhất của Canon, đánh dấu quyết tâm giành giật lại thị phần ở phân khúc máy ảnh không gương lật của hãng máy ảnh Nhật Bản với việc trang bị nhiều tính năng bắt kịp xu hướng như quay phim 4K, màn hình xoay lật, kính ngắm điện tử hay khả năng lấy nét theo mắt Eye AF.

Vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 5, Canon M50 có thể coi như phiên bản kế nhiệm của chiếc Canon M5 đã có gần 2 năm tuổi đời. Canon tỏ ra đặc biệt ưu ái mẫu mirrorless này khi trang bị nhiều tính năng lần đầu tiên xuất hiện trên các máy ảnh không gương lật của hãng như khả năng quay phim 4K 24/25fps, vi xử lý DIGIC 8, lấy nét theo mắt Eye AF.;

M50 tiếp tục sử dụng cảm biến crop CMOS APS-C 24.1 MP tương tự như trên các mẫu mirrorless Canon gần đây như M5, M6 nhưng nhờ vi xử lý DIGIC 8 thế hệ mới, số điểm lấy nét Dual Pixel đã được tăng lên đến tối đa 143/99 điểm (tùy ống kính), phủ kín 88% cảm biến theo chiều ngang và 100% theo chiều dọc. Máy còn có tính năng bám nét theo mắt Eye AF khi chụp ảnh chân dung. Mức ISO cũng có thể lên tới 51200 gấp đôi mức 25600 của M5, M6. Canon M50 hiện có mức giá đề xuất vào khoảng 20 triệu đồng khi đi kèm ống kính kit EF-M 15-45 mm F/3.5-6.3 IS STM.

Dưới đây là những hình ảnh trải nghiệm nhanh Canon M50 trong một ngày người viết rong ruổi tại cây cầu Long Biên - "chứng nhân lịch sử" của thủ đô Hà Nội với tuổi đời lên tới 120 năm - và có được những nhận định sơ bộ về chất lượng ảnh chụp từ mẫu mirrorless này. Toàn bộ ảnh chụp trong bài đều là ảnh gốc chụp bằng ống kit EF-M15-45 mm F/3.5-6.3, chỉ resize lại để giảm dung lượng, không chỉnh sửa gì thêm.

Những nhận định sâu hơn về các tính năng nổi bật khác của Canon M50 như quay phim 4K, lấy nét theo mắt Eye AF... sẽ được VnReview gửi tới bạn đọc trong bài đánh giá chi tiết đăng tải trong vài ngày tới sau khi có thời gian trải nghiệm kỹ càng hơn.  

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902. Ở khung cảnh này, tôi đã sử dụng chế độ HDR tích hợp sẵn trên M50 để giữ lại được phần bầu trời cũng như cải thiện dải sáng cho toàn ảnh. Chế độ HDR trên M50 cho tốc độ và chất lượng tốt hơn hẳn chiếc Canon M6 mà tôi đang sử dụng.

Ban đầu, cầu Long Biên được đặt tên là cầu Doumer, theo tên của vị Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, người đã quyết định xây dựng cầu này dù vấp phải nhiều phản đối.

Có tuổi đời lên tới 120 năm, cầu Long Biên đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề của thời gian và chiến tranh, nhất là trong chiến chanh chống Mỹ khi bị máy bay ném bom, phá hỏng nhiều nhịp cầu và thậm chí hai trụ cầu còn bị cắt đứt.

Năm 2015, cầu Long Biên được trải qua một đợt trùng tu lớn nhất lịch sử, mất gần một năm sửa chữa với kinh phí lên tới 300 tỷ đồng.

Dù vậy, một số thanh tà vẹt bằng gỗ đã có dấu hiệu mọt ruỗng

Phần lan can sắt trên cầu nhiều đoạn bị uốn cong

Các mối hàn trên lan can không cho thấy sự chắc chắn cần thiết

Nhiều đoạn sắt thép trên thành cầu hoen gỉ nặng

Không khó để nhận ra những dấu tích thời gian trên cây cầu hơn trăm tuổi

Nhiều phần thép hoen rỉ cũng phần nào tạo cho cầu Long Biên nét cổ kính

Ở tiêu cự lớn nhất 45mm của ống kit (tương đương mức 72mm trên máy ảnh Full Frame), khẩu độ f/6.3, tốc 1/125s, ISO 100, dù bật chế độ macro, độ nét và chi tiết của Canon M50 khi tái tạo phần khung thép hoen rỉ chưa ấn tượng như mong đợi.

Tính năng HDR trên M50 tỏ ra rất hữu dụng khi cần chụp ảnh phong cảnh ngược sáng, chênh sáng, giúp cải thiện đáng kể dải sáng và tạo được bức ảnh ấn tượng. Khi dùng HDR, máy sẽ tự chụp 3 tấm liên tiếp với các mức phơi sáng khác nhau rồi ghép lại.

Ảnh HDR có hiệu quả rõ rệt nhất ở phần bầu trời, giúp tái tạo khu vực này tự nhiên, giữ lại được cả phần mây và các mảng trời xanh.

Do chụp 3 tấm liên tiếp, bạn cần giữ máy thật chắc tay để ảnh HDR ghép lại đạt độ nét và chất lượng cao nhất.

Hàng ngày, vẫn thường xuyên có khoảng hơn mười lượt tàu hỏa chạy trên cầu Long Biên, chủ yếu là tuyến tàu khách Hà Nội - Hải Phòng với tần suất 4 chuyến/ngày.

Tốc độ tối đa của tàu hỏa với cầu bình thường là 60-80 km/h, với cầu yếu là 50 km/h nhưng với cầu Long Biên tốc độ tàu hỏa đi qua không quá 25 km/h

Màn hình xoay lật linh hoạt trên M50 giúp việc chụp ở những góc máy rất thấp như sát mặt đường không mấy khó khăn

Tương tự như nhiều dòng máy Canon khác, khi chụp phong cảnh, bạn có thể lựa chọn Profile màu Landscape để màu sắc ảnh tươi tắn, bắt mắt hơn

Khi sử dụng chế độ HDR, màu sắc trong ảnh cũng được đẩy lên rực rỡ hơn so với thông thường, nhất là các gam màu xanh da trời, xanh lá cây

Ngay dưới chân cầu là khu vực vườn chuối của người dân trải rộng ra sát mép sông Hồng. Chế độ HDR ghép 3 ảnh với nhau nên với những chủ thể chuyển động như xe cộ đi lại sẽ bị hiện tượng bóng ma.

Nhiều nhịp cầu sau đợt trùng tu lớn đã phải thay mới toàn bộ do đã quá xuống cấp, đoạn cầu chính vắt qua sông chỉ còn một nhịp nguyên bản

Thuật toán HDR trên Canon M50 làm việc thực sự hiệu quả trong tình huống này khi tái tạo trọn vẹn cả phần bầu trời nắng gắt, chênh sáng mạnh và phần khuất sáng dưới gầm cầu.

Người dân đi qua gầm cầu bên Long Biên đã không còn sợ cảnh rỉ sắt rơi xuống đầu vì khu vực này đã được làm mới hoàn toàn sau đợt trùng tu

Thành phố lên đèn và cầu Long Biên lúc này trông "lung linh" hơn hẳn nhờ những rỉ sét được ẩn mình trong bóng tối. Ở mức ISO 1600, M50 cho độ nét, chi tiết, khả năng khử nhiễu tốt, ảnh trong trẻo, sắc nét. 

Khả năng chống rung kỹ thuật số, kết hợp chống rung trên ống kính của M50 hoạt động hiệu quả. Bức ảnh này được chụp ở tốc độ 1/4s, tiêu cự 15mm (tương đương 24mm trên máy Full Frame), khẩu f/3.5, ISO 1600 vẫn cho độ nét tốt dù máy chỉ cầm tay.

Buổi tối, cầu Long Biên trở thành địa điểm ngắm cảnh, hóng mát ưa thích của các bạn trẻ 

Ngay đối diện với cầu Long Biên là cây cầu Chương Dương, cây cầu thép đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế không cần đến bất cứ sự trợ giúp kỹ thuật nào của nước ngoài. Cầu Chương Dương được xây dựng từ năm 1983 khi cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng.

Phơi sáng 30 giây, khẩu độ f/13, ISO 100, máy được đặt trên thanh tà vẹt của đường ray. Việc phơi sáng trên M50 khá dễ dàng vì máy sẽ hiển thị trước ảnh preview theo các thông số mà người dùng thiết lập. Độ nét, chi tiết của phần khung cầu được tái tạo ấn tượng, cân bằng trắng tự động tốt.

Ở ISO 6400, ảnh bắt đầu xuất hiện nhiễu hạt và chi tiết cũng giảm đi đáng kể. Nếu nhìn ở cỡ ảnh nhỏ như trên điện thoại thì vẫn dùng được nhưng khi xem trên màn hình lớn như laptop, PC sẽ thấy chất lượng không cao.

Giống như nhiều máy Canon khác, người dùng có thể lựa chọn 3 mức khử nhiễu ISO khác nhau trên M50 để cân đối giữa chi tiết và độ trong của ảnh.

Thành Đạt

Chủ đề khác