VnReview
Hà Nội

"Linh hồn" của Windows Vista vẫn còn quanh quẩn đâu đây, bạn có tin không?

Tuy trở thành "bom xịt", nhưng bạn có biết một thành phần của Windows Vista vẫn còn xuất hiện trên các hệ điều hành hiện đại ngày nay?

Ai cũng biết Windows Vista là một thất bại. Ra mắt 5 năm sau Windows XP, thời điểm người dùng rất hào hứng chờ đợi xem Microsoft sẽ làm gì khi Apple đang là "ngôi sao mới" trên thị trường.

Nhưng khi phát hành chính thức vào tháng 1/2007, Windows Vista ngay lập tức bị "nguyền rủa" bởi… tất cả mọi người. Tốc độ chậm hơn XP, DRM (Digital Rights Management, quản lý bản quyền nội dung số) và UAC (User Account Control) gây phức tạp kèm theo nhiều tính năng ưa thích bị loại bỏ, Windows Vista là một nỗi phiền phức, nếu không muốn nói là sản phẩm phần mềm bị ghét nhất của Microsoft bên cạnh Internet Explorer và Clippy.

Nhưng sau 11 năm, có thể khẳng định Vista đã làm rất tốt một thứ: giao diện.

Khi ra mắt Windows Vista, Microsoft giới thiệu Aero, ngôn ngữ thiết kế mới lấy trong suốt làm chủ đạo. Giao diện Glass có lẽ là điểm ấn tượng nhất của Aero khi mọi thứ đều trong suốt, bóng bẩy một cách huyền ảo. Trái ngược hoàn toàn với hiệu năng, Aero trên Vista được đánh giá rất cao.

Microsoft vẫn áp dụng Aero trên Windows 7, phiên bản Windows được đánh giá cao nhất bên cạnh Windows 10. Đến năm 2012, Aero được thay thế bởi ngôn ngữ thiết kế mới mang tên Metro. Metro chính là cú "châm ngòi" cho xu hướng thiết kế phẳng mà chúng ta đã quá quen thuộc hiện nay, nó vẫn giữ lại một chút phong cách trong suốt của Aero.

Đến Windows 10, những thành phần mờ ảo trong suốt vẫn còn đó: trong trình duyệt Edge, Start Menu hay thanh thông báo Notification. Nhiều người thậm chí còn tạo ra công cụ tùy chỉnh biến Windows 10 trong suốt hoàn toàn chẳng khác gì Vista của 12 năm trước.

Trào lưu trong suốt cũng đến với Apple. Ngày xưa, các hãng cố gắng thiết kế biểu tượng bo tròn và giao diện cho giống iOS. Sau đó khi Windows và Android dần "phẳng" hơn, Apple cũng đi theo xu hướng này từ iOS 7 năm 2013.

Với macOS, có thể nói cảm hứng trong suốt từ Windows Vista vẫn còn xuất hiện.

Yếu tố trong suốt đầu tiên xuất hiện trên menu bar của Mac OS X Leopard 10.5, phát hành sau Vista gần 1 năm. Phong cách trong suốt được sử dụng nhiều hơn trên iOS 7 năm 2013, theo sau là Mac OS X Yosemite 10.10 năm 2014.

Từ lúc đó, cả 2 hệ điều hành phổ biến của Apple đều xuất hiện rất nhiều yếu tố trong suốt mờ ảo. Khi có thêm Dark Mode trên macOS Mojave 10.14, thiết kế trong suốt còn dễ nhận biết và nổi bật hơn nữa.

Hiệu ứng trong suốt mà nó mang lại rất tuyệt vời, như thanh địa chỉ của Safari dưới đây khi nội dung được cuộn và nằm bên dưới:

Trên iOS 12, bạn có thể thấy yếu tố trong suốt qua các thông báo trong Notification Center, đặc biệt khi nhìn vào ô điều khiển nhạc màu xám.

Theo Gizmodo, từ khi Microsoft giới thiệu Aero năm 2006 đến nay là 2018, những thành phần trong suốt vẫn xuất hiện, chỉ là chúng được làm "tế nhị" hơn và bạn không dễ thấy mà thôi. Apple đã đi theo xu hướng này, Android cũng không ngoại lệ khi kể từ Android Oreo, các thành phần trong suốt ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt là trên Android P, phiên bản Android tiếp theo dự kiến phát hành vào cuối năm nay.

Từ trái sang: thanh thông báo, màn hình đa nhiệm trên Android P, thanh thông báo trên điện thoại Samsung

Android của Google, cũng giống iOS hay macOS của Apple, đang bắt đầu áp dụng thiết kế trong suốt mà Microsoft giới thiệu trên Windows Vista cách đây 12 năm. Có thể thấy tuy thất bại thê thảm, nhưng Vista vẫn còn xuất hiện đâu đó trên các hệ điều hành hiện đại ngày nay.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác