VnReview
Hà Nội

10 tính năng từ các bản ROM tùy biến ai cũng muốn thấy trên Android gốc

Android gốc đã được cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua, nhận được vô số những thay đổi về mặt giao diện lẫn tính năng so với lần đầu ra mắt cách đây một thập kỷ. Dù vậy, vẫn có khá nhiều những tính năng hấp dẫn trong các bản ROM tùy biến, giao diện của các nhà sản xuất, hay các nền tảng đối thủ mà các fan Android mong chờ được mang lên Android gốc.

Ứng dụng kép (Xiaomi, Huawei)

Được tích hợp trên các thiết bị của Xiaomi và Huawei, tính năng ứng dụng kép sau đó được mang lên điện thoại của Samsung với tên gọi Dual Messenger. Nó cho phép bạn chạy hai tài khoản của cùng một ứng dụng nhắn tin cùng lúc. Do đó, nếu bạn muốn sử dụng song song hai tài khoản WhatsApp hay Facebook trên một điện thoại duy nhất thì đây là tính năng dành cho bạn.

Tính năng này đặc biệt tiện lợi trong các trường hợp: chiếc điện thoại bạn đang sở hữu là loại SIM kép, và bạn sử dụng riêng 2 tài khoản tin nhắn tức thời (1 cho cá nhân, 1 cho công việc), hoặc nếu bạn đang đi du lịch chẳng hạn. Nó không phải là một tính năng quan trọng, nhưng hiện nay đã được một số nhãn hiệu điện thoại lớn trang bị cho các smartphone của mình, do đó nếu Android gốc cũng có tính năng ứng dụng kép thì quá hay phải không nào?

Điều khiển cử chỉ trong khi màn hình đang tắt

Nếu bạn nghĩ việc dùng ngón tay vẽ vời trên một màn hình đang tắt thật kỳ quặc, thì hãy suy nghĩ lại. Nó thực ra là một trong những tính năng có tuổi đời cao nhất trong danh sách này, đã xuất hiện trên các điện thoại của Huawei, Oppo, OnePlus, Cubot, Vivo và Lava khá lâu rồi. Ngoài ra, các bản ROM tùy biến nổi tiếng như Cyanogen và LineageOS cũng tích hợp sẵn tính năng tương tự.

Tại sao nó lại hữu dụng? Điều khiển cử chỉ trong khi màn hình đang tắt có thể cho phép người dùng thực hiện nhiều hành động với một cú vuốt đơn giản, ví dụ như vẽ ký tự C để mở camera. Những cử chỉ này còn cho phép người dùng khởi chạy mọi thứ có trong máy, từ trình chơi nhạc cho đến các lối tắt do chính họ thiết lập.

Chế độ chơi game (Samsung)

Samsung giới thiệu Game Tools trên chiếc Galaxy S7 vào năm 2016, và nó nhanh chóng trở thành một tính năng quan trọng kể từ đó. Chúng ta có thể thấy nhiều chế độ tương tự trên một cơ số các thiết bị ra mắt sau chiếc S7, trong đó có cả các smartphone chuyên chơi game ra mắt trong năm 2018 này.

Chế độ chơi game của công ty Hàn Quốc về cơ bản là tập hợp các tweak phục vụ cho việc chơi game, có thể được thực thi chỉ bằng cách nhấn vào biểu tượng chiếc điều khiển game trên thanh điều hướng. Menu popup hiện ra sẽ cho phép bạn chặn thông báo trong khi chơi game, kích hoạt nhanh tính năng chụp ảnh và quay phim màn hình, cũng như ghi âm từ microphone của bạn.

Samsung còn giới thiệu Game Launcher - một tính năng nhằm gom mọi game trong máy bạn vào một thư mục duy nhất. Từ đây, bạn có thể sử dụng một thanh trượt tiết kiệm năng lượng/hiệu năng cho các game này (kéo lên để chuyển máy sang chế độ hiệu năng tối đa, và kéo xuống để chuyển qua tiết kiệm pin), đồng thời có thể xem được nhiều thông tin liên quan các game đã chơi.

Các game thủ di động hẳn sẽ muốn thấy Android gốc có được chế độ chơi game này cùng các thiết lập liên quan, khi mà ngày càng nhiều tựa game bom tấn trên PC như Fortnite và PUBG được port lên Android. Nếu được tích hợp sẵn trên Android gốc, các OEM sẽ không còn phải tự tạo ra các chế độ chơi game của riêng họ nữa.

Chia sẻ mật mã Wi-Fi (Xiaomi, Windows Phone)

Khả năng chia sẻ nhanh mật mã Wi-Fi với bạn bè từ smartphone của bạn là điều mà các fan Android gốc rất muốn có. Microsoft đã tiên phong trong tính năng này trên Windows Phone và Windows 10. Xiaomi thì sử dụng mã QR để chia sẻ mật mã Wi-Fi giữa các máy chạy MIUI. Google có thể tham khảo cách làm của Xiaomi chăng?;

Chế độ PC (Windows 10 Mobile, Samsung, Huawei)

Chúng ta đã từng thấy khả năng sử dụng smartphone như PC trước đây, ví dụ trên chiếc Motorola Atrix vào năm 2011 và chiếc HTC Advantage Windows Mobile trước đó nữa. Windows 10 Mobile hồi sinh lại khái niệm này vào năm 2015, mang lại cho người dùng một chế độ desktop Windows 10 khi họ kết nối điện thoại với một dock và màn hình (hoặc với chiếc Xbox One).

Samsung nâng tầm tính năng này với việc tạo ra nhiều ứng dụng có thể sử dụng được trong chế độ DeX của mình, còn chế độ PC của Huawei thì loại bỏ hẳn chiếc dock, chỉ sử dụng một sợi cáp USB-C sang HDMI đơn giản mà thôi. Kết quả là chế độ PC của các điện thoại ngày nay được cải thiện khá nhiều, có thể sử dụng được chứ không hoàn toàn "để làm cảnh" như trước đây.

Sẽ rất tuyệt nếu Android gốc có chế độ PC khi người dùng kết nối máy với một màn hình lớn. Chắc chắn là smartphone không thể mạnh mẽ như một chiếc máy tính Windows hay Mac thật sự được, nhưng chế độ PC trên Android gốc có thể sẽ giúp việc trình chiếu/thuyết trình dễ dàng hơn nhiều.

Chụp ảnh màn hình kéo dài theo nội dung đang hiển thị (Samsung, Huawei, LG, Xiaomi)

Chụp ảnh màn hình là một tính năng không thể thiếu trên các smartphone ngày nay, nhưng nếu bạn muốn chụp ảnh màn hình của nguyên một trang web dài đang hiển thị trên màn hình thì sao? Đó chính là lúc tính năng "scrolling screenshot" trên các thiết bị của Samsung, Huawei, và Xiaomi phát huy tác dụng.

Trong hình minh họa dưới đây, bạn có thể thấy trên điện thoại Samsung, chỉ cần kích hoạt chụp ảnh màn hình và nhấn nút "Scroll capture" là ảnh chụp sẽ được kéo dài theo nội dung trên màn hình cho đến khi bạn ngừng lại.

Themes (Xiaomi, Huawei, Samsung, LG, Sony...)

Themes xuất hiện trên rất nhiều smartphone, cho phép người dùng nhanh chóng thay đổi giao diện thiết bị. Android gốc cho phép thực hiện một số tùy biến tương tự, nhưng lại thiếu một cơ chế quản lý theme riêng, dễ truy cập với đại đa số người dùng.

Khá nhiều điện thoại được các hãng sản xuất trang bị cơ chế quản lý theme (theme engine) và các cửa hàng theme để người dùng duyệt và tải về các theme theo ý thích. Tất nhiên, có một số thành phần trên giao diện mà các theme không thể can thiệp được (như menu hệ thống chẳng hạn), do đó nếu Google quyết định tích hợp khả năng thay đổi theme trên Android gốc, hi vọng họ sẽ cho phép người dùng tùy biến sâu hơn. Các công ty và các nhà phát triển bên thứ ba hiện đã và đang đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hỗ trợ theme trên các smartphone hiện nay.

Profile hệ thống/các thiết lập thông minh (LineageOS, LG UX)

Người dùng Android đã có thể thay đổi thiết lập hệ thống dựa trên địa điểm hay kết nối bằng ứng dụng Tasker từ lâu. Nhưng các bản ROM tùy biến như LineageOS và UX của LG đã biến việc này trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Tính năng này của LG nằm trong một mục lớn khác là Thiết lập thông minh (Smart Settings). Khi vào mục này, bạn sẽ có thể thiết lập những gì diễn ra trên thiết bị ngay khi bạn từ nơi làm về nhà. Tất nhiên, tính năng này có những hạn chế khi chỉ có thể thay đổi thiết lập âm thanh và kết nối không dây mà thôi, nhưng trong tương lai nó sẽ được mở rộng hơn nữa.

Tính năng Profile hệ thống của LineageOS thì hoạt động dựa vào tình trạng của các kết nối (ví dụ như khi bạn kết nối vào mạng Wi-Fi, hay bật/tắt Bluetooth/NFC) hoặc dựa vào sự kích hoạt của người dùng. Mục đích của nó cũng tương tự như LG, cho phép bạn tự động thay đổi một vài thiết lập khi vừa từ nơi làm về nhà.

Chụp ảnh Timeshift với camera (BlackBerry 10, Samsung)

Một trong những điều tuyệt nhất về BlackBerry 10 là tính năng Timeshift trong ứng dụng camera: sau khi chụp ảnh một người nào đó, nếu họ chưa hài lòng với biểu cảm khuôn mặt mình, bạn có thể quay ngược thời gian để chọn khoảnh khắc họ có biểu cảm khuôn mặt vừa ý hơn bằng cách nhấn vào khuôn mặt người đó. Tính năng này cực kỳ tiện lợi nếu khi chụp ảnh nhóm và có ai đó nháy mắt.

Samsung cũng cung cấp tính năng tương tự, nhưng ít ấn tượng hơn, được gọi là Best Faces: máy sẽ chụp liên tiếp 5 tấm ảnh và cho phép bạn thay đổi khuôn mặt chủ thể giữa các tấm ảnh đó. Với việc chipset di động ngày một mạnh mẽ, và các thuật toán machine learning ngày một phức tạp, đây sẽ là một tính năng cực kỳ hấp dẫn khi đi kèm với các phần cứng hiện đại trên các smartphone hiện nay.

Bảo mật sinh trắc học (Huawei, Xiaomi, Samsung, TCL)

Cảm biến vân tay đã giúp cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nó hoạt động nhanh gọn hơn so với việc nhập mã PIN, và lại còn đi kèm với một vài tính năng bổ sung khác, như vuốt xuống để kích hoạt hiển thị các thông báo. Một trong những tính năng bổ sung hấp dẫn nhất của cảm biến vân tay là cho phép bạn ẩn các nội dung nhạy cảm vào các thu mục được bảo mật bằng sinh trắc học (như vân tay chẳng hạn).

Thế nhưng, Android gốc lại không hề có tính năng này, trong khi Huawie, Xiaomi, Samsung, BlackBerry/TCL đều đã trang bị cho các thiết bị của họ từ lâu. Chiếc BlackBerry Key2 nâng tính năng này lên một tầm cao mới bằng cách tự động chuyển tất cả các hình ảnh được chụp bằng theo tác cử chỉ trên cảm biến vân tay vào thư mục bảo mật nói trên - quá thông minh!

Trên đây là những tính năng được yêu thích nhất từ các nền tảng, giao diện, và các ROM tùy biến mà các fan Android sẽ muốn thấy trên Android gốc. Vẫn còn một vài tính năng khác cũng khá hay nhưng không được nêu ra ở đây như Quick Ball của Xiaomi, hay các nút âm lượng đa năng dùng để điều khiển nhạc... Còn bạn, bạn muốn tính năng nào được bổ sung vào Android gốc?

Minh.T.T

Chủ đề khác