VnReview
Hà Nội

Huyền thoại Palm tái sinh với một chiếc điện thoại... không phải là điện thoại

Một trong những tên tuổi già cỗi nhất trong làng di động vừa tái sinh, nhưng lại không hoành tráng như bạn nghĩ.

Palm nổi tiếng là một kẻ tiên phong trong thế giới các thiết bị trợ lý cá nhân kỹ thuật số và smartphone. Ngay cả khi công ty này đã chết nhiều năm, thương hiệu của họ vẫn lôi cuốn được cả một giáo phái gồm nhiều người dùng di động từ cái thời mà cắm mặt vào màn hình vẫn chưa được xem là một chứng nghiện như bây giờ.

Vậy nên, quả là ngạc nhiên khi "kiếp sau" của Palm lại là một thiết bị được thiết kế để giúp bạn không còn bị những màn hình di động mê hoặc nữa - thay vào đó bạn sẽ bị lôi kéo bởi một màn hình thậm chí còn nhỏ hơn!

Chiếc Palm mới không phải là một chiếc điện thoại, mà là một thiết bị di động hỗ trợ, trông như một chiếc iPhone tí hon. Nó được thiết kế để làm "vật thế thân" cho chiếc điện thoại to đùng bạn vẫn hay sử dụng mỗi khi bạn đi tập gym, đi sàn, hay dành thời gian cho gia đình. Thiết bị có giá 349 USD này được bán độc quyền tại Mỹ bởi nhà mạng Verizon, sẽ có thể ghép nối với chiếc điện thoại hiện tại của bạn, nhưng lại có sóng di động riêng - nếu bạn muốn sử dụng nó, bạn sẽ phải trả thêm 10 USD/tháng cho nhà mạng!

Đúng đấy. Điện thoại ngày nay đã trở lên quá lớn, đến nỗi chúng cũng cần có một chiếc điện thoại của riêng mình!

Palm là một startup mới ở San Francisco, sở hữu giấy phép sử dụng một trong những cái tên danh giá nhất làng di động, chỉ để tạo ra một thiết bị giải phóng con người khỏi hàng loạt những thông báo email, tin nhắn Facebook, hay vô số lượt like trên Instagram đang cuốn chúng ta ra khỏi đời thực.

Nếu bạn nghe quen quen, đó là bởi những ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Apple và Google đã từng khuyến khích ý tưởng hạn chế sự lệ thuộc của bạn vào các sản phẩm của họ, chủ yếu là thông qua các ứng dụng theo dõi tần suất sử dụng di động, và trong một số trường hợp còn chặn không cho phép bạn sử dụng nhiều tính năng chủ chốt. Trào lưu này xuất phát từ việc người tiêu dùng ngày càng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc rằng mọi người, và đặc biệt là trẻ em, đang tiêu tốn quá nhiều thời gian vào điện thoại.

"Chúng tôi nghĩ công nghệ nên lùi về hậu trường một chút" - đồng sáng lập Palm, Dennis Miloseski nói trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước - "Các sản phẩm công nghệ nên đóng vai trò hỗ trợ trong cuộc sống của chúng ta".

Palm cũng là công ty mới nhất cố gắng hồi sinh một nhãn hiệu trong thế giới di động, giữa thời buổi Apple, Huawei và Samsung đang thống trị thị trường. Các công ty khác đã từng cố thổi sức sống vào những tên tuổi như Nokia và BlackBerry - một thời là những ông lớn trong lĩnh vực di động - nhưng họ thu về thành công có, thất bại cũng có.

Về phần Palm, họ không đơn giản chỉ là ném một logo đã có tiếng lên một chiếc điện thoại mới. Startup này đang cố làm một thứ khác biệt.

Đồng sáng lập Howard Nuk so sánh phương hướng mới của Palm với sự tái phát minh nhãn hiệu Mini Cooper dưới tay BMW, nhấn mạnh rằng một thế hệ người hâm mộ mới đã tỏ ra rất chào đón loại phương tiện nhỏ gọn này.

Nhưng việc Palm mới sẽ thành công hay thất bại còn tùy thuộc vào lượng người quyết định bỏ tiền ra mua thiết bị kỳ quái của họ!

Một thiết bị di động đồng hành khác

Nuke miêu tả một ngày cuối tuần ở Napa, chỉ sử dụng chiếc Palm mới như sau:

Màn hình nhỏ khiến bạn ngộ ra một cách tư duy khác biệt, anh nói, nhấn mạnh rằng anh ít dùng nó hơn so với một chiếc điện thoại màn hình lớn thông thường. Nuk chủ yếu sử dụng camera sau 12MP của Palm và camera trước 8MP để chụp ảnh đăng Instagram.

Anh miêu tả đây là "life mode" - chế độ cuộc sống, cách nói của công ty về việc tập trung vào thế giới thực quanh bạn thay vì những thông báo đầy phiền phức. Nuk và Miloseski dành rất nhiều thời gian để nói về triết lý đằng sau sản phẩm, và cấu hình của nó đối với họ có vẻ không quan trọng mấy.

Việc kéo bạn ra khỏi thói quen liếc nhìn màn hình là một thứ nhiều công ty lớn hơn đã nghĩ đến.

"Chúng tôi đã phát triển nhiều công cụ mới cho phép bạn kiểm soát những thiết bị kia, thay vì để chúng kiểm soát bạn" - Rick Osterloh, trưởng mảng kinh doanh thiết bị của Google nói tại sự kiện ra mắt Pixel 3. Ông ám chỉ những tính năng như Parental Controls và khả năng theo dõi lượng thời gian bạn đã dùng vào các ứng dụng. Phiên bản iOS mới nhất của Apple cũng có những tính năng tương tự.

Khi bạn được trên tay chiếc Palm mới, bạn sẽ nghĩ nó chẳng khác gì một món đồ chơi. Nó có màn hình kích cỡ chỉ 3.3-inch, mặt lưng là một tấm kính Gorilla Glass 3, và khung sườn làm bằng titanium hoặc nhôm màu vàng.

Màn hình Palm có độ phân giải 720p và 445ppi, camera sau trông như cụm camera đặt dọc của iPhone X, trừ việc nó chỉ có 1 ống kính cùng đèn flash mà thôi. Máy có một cổng USB-C để sạc và cắm headphone, và một nút bấm duy nhất dùng để đánh thức thiết bị, hoặc khi bấm đôi sẽ kích hoạt một hành động nhanh như Google Assistant hoặc camera.

Máy có một cảm biến nhận diện khuôn mặt để mở khóa, mà theo Nuk và Miloseski thì sẽ hữu dụng trong trường hợp tập gym hoặc những khi tay bạn không rảnh.

Dù Palm chạy Android 8.1 Oreo, startup này đã chỉnh sửa giao diện đôi chút để hiển thị các biểu tượng ứng dụng to hơn trên màn hình chính.

Palm có khá nhiều phụ kiện, nhưng bạn sẽ phải mua riêng

Thiết bị này sẽ ghép đôi với điện thoại thông qua Verizon NumberShare, do đó nếu ai đó gọi đến điện thoại chính, Plam cũng sẽ đổ chuông. Nhờ nền tảng Android nên người dùng sẽ có thể đồng bộ các ứng dụng từ thiết bị lớn sang Palm thông qua Play Store.

Ý tưởng của Palm là bạn sẽ cầm thiết bị này theo khi không nhất thiết cần đến một chiếc điện thoại hoàn chỉnh, nhưng cũng không muốn đánh đổi nhiều như đeo một chiếc smartwatch.

"Nó là một trải nghiệm điện thoại đầy đủ nhưng gọn nhẹ" - Brian Higgins, Phó chủ tịch mảng Thiết bị và Marketing sản phẩm tiêu dùng của Verizon cho biết.

Palm nói rằng thiết bị còn có thể ghép đôi với iPhone, nhưng bạn sẽ không thể dùng nhiều ứng dụng. Bạn không thể truy cập các ứng dụng iOS như Facetime. Nuk nói nếu bạn muốn tin nhắn hoạt động, bạn sẽ phải tắt iMessage và dựa vào ứng dụng nhắn tin của riêng Verizon.

Những thế lực cạnh tranh

Nhìn vào lý lịch của Miloseski và Nuk, bạn sẽ không thể gạt bỏ chiếc Palm mới sang một bên được. Miloseski từng thiết kế giao diện người dùng cho Gmail và Google Docs, và còn giúp phát triển thiết bị stream Chromecast. Nuk thì làm việc tại Frog Design, một công ty nổi tiếng vì từng làm việc với Steve Jobs để thiết kế ra các sản phẩm vào thời kỳ đầu của Apple. Anh còn giúp phát triển headphone của Beats.

Cả hai gặp nhau tại Samsung, nơi họ chịu trách nhiệm phát triển vòng tay thể thao Gear Fit và giúp dòng smartwatch Gear có được ngày hôm nay. Tuy nhiên, họ rời khỏi Samsung vào cuối năm 2016 để thành lập một dự án điện thoại đồng hành. Trong khi gặp gỡ với TCL, một công ty Trung Quốc nổi tiếng với TV giá rẻ và sở hữu dòng điện thoại Alcatel, họ bắt đầu thảo luận xin phép sử dụng nhãn hiệu Palm. TCL đã mua bản quyền cái tên này vào năm 2015 và vẫn chưa làm gì với nó cả.

Đến tháng 3/2017, cả hai đã ký thỏa thuận cấp phép sử dụng cái tên Palm. Sau khi thành công trong việc bán đồng hồ thông minh, Verizon nhảy vào cuộc vào năm ngoái.

"Verizon đã chào đón chúng tôi" - Miloseski nói - "Chúng tôi không phải là một công ty lớn, và họ nhận ra điều đó và thay đổi phương thức làm việc để phù hợp với một startup như chúng tôi".

Điều làm Higgins quan tâm là Miloseski và Nuk không chỉ thu nhỏ thiết bị, họ còn nghĩ đến trải nghiệm người dùng với màn hình bé.

Một người nổi tiếng khác đằng sau Palm là siêu sao NBA Steph Curry, người đóng vai trò nhà đầu tư và giám đốc chiến lược sáng tạo. Bất kỳ ai nhớ đến những lần Alicia Keys quảng cáo cho BlackBerry, hay Lady Gaga cho Polaroid, đều sẽ cười khẩy, nhưng Nuk quả quyết rằng Curry là một thành viên tích cực của công ty, mang đến những ý tưởng về thiết bị Palm hoạt động hiệu quả dưới hình thức một thiết bị phục vụ tập luyện.

Chất hoài cổ

BlackBerry có một vai trò nhất định trong câu chuyện lạ lùng này.;

TCL, hãng cấp giấy phép cho Miloseski và Nuk sử dụng nhãn hiệu Palm, cũng đã trả tiền mua bản quyền tên gọi BlackBerry cho các điện thoại của mình.

TCL, cùng với HMD Global, một startup được cấp phép sử dụng tên gọi Nokia, và Palm, tạo thành bộ 3 công ty đang nỗ lực khôi phục những thương hiệu đã phôi pha qua năm tháng.

Đến nay, kết quả có vẻ 50-50.

Ví dụ, HMD Global đạt được tiếng vang lớn nhất khi tung ra những chiếc điện thoại Nokia cổ điển có hình dáng thanh kẹo (candy-bar). Dù cái tên Nokia không hẳn là mạnh tại Mỹ, nhưng trên thế giới, HMD đạt được mức tăng trưởng thị phần 1,1% trong quý 2, so với chỉ 0,01% vào một năm trước. Mỹ vẫn là một thách thức, khi mà chiếc Nokia 7.1 nhiều khả năng không tiến xa được nếu không tìm được nhà mạng hỗ trợ.

"Nhãn hiệu Nokia dưới sự lèo lái của HMD Global là một câu chuyện thú vị về sự trở lại" - nhà phân tích Neil Shah của Counterpoint Research nhận định.

TCL khẳng định dòng sản phẩm BlackBerry của hãng đã vượt mong đợi, kể cả khi doanh số khá thấp. Công ty hi vọng chiếm được từ 3 - 5% thị trường điện thoại cao cấp, dù Shah lưu ý rằng mức thị phần của công ty vẫn khá nhỏ vì những giới hạn trong hoạt động phân phối. Mặc dù có một vài màn ra mắt hoành tráng, những chiếc điện thoại BlackBerry với bàn phím vật lý vẫn lặn mất tăm trên thị trường.

Palm hi vọng họ sẽ gây được sự chú ý nhờ né tránh di sản của Palm Treo, chiếc Pre chạy WebOS hay PDA nói chung.

"Chúng tôi lấy một nhãn hiệu được yêu thích, đi theo, và tái phát minh nó" - Nuk nói.

Minh.T.T

Chủ đề khác