VnReview
Hà Nội

Đo viền Bphone 3: Có đúng Bphone 3 viền mỏng và đều nhất?

Tại lễ ra mắt, Bkav tuyên bố Bphone 3 áp dụng thiết kế tràn đáy chưa từng có trên các điện thoại Android. Đặc biệt, máy có viền mỏng và đều 3 cạnh, tạo thành vùng hiển thị đồng nhất, tiệm cận một tấm kính và tạo ra cảm xúc khác biệt.

Chúng tôi đã kiểm chứng thông tin này bằng cách đo đạc viền Bphone 3 so với khoảng chục smartphone cả tầm trung và cao cấp hiện nay. Tuy nhiên, để không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc bài viết nên chúng tôi chỉ đưa vào bài ảnh ba sản phẩm đã đo viền. Phương pháp đo là sử dụng thước đo điện tử kết hợp với chụp ảnh thực tế sản phẩm, sau đó minh họa bằng phần mềm.

Bphone 3

Kết quả cho thấy Bkav đã không "nổ" khi khẳng định Bphone 3 là smartphone có viền đều và mỏng nhất hiện nay, 2,27mm. Con số đo viền chúng tôi đạt được có chênh lệch một chút so với nhà sản xuất cung cấp nhưng đây là điều dễ hiểu bởi đây có thể là dung sai của các thước đo.;

Bphone3

Các phần viền màn hình của Bphone 3 mỏng đều, tạo ra cảm giác tối giản giống như một tấm kính.

Viền hai bên của Galaxy Note 9 rất mỏng nhờ màn cong, nhưng viền dưới hay cái cằm thì vẫn dày.

OPPO F9

Có màn hình khuyết giống nhiều điện thoại "tai thỏ", Oppo F9 lại thiết kế phần khuyết màn hình giống giọt nước, nhưng các viền thì vẫn rất dày.

Trong bài thuyết trình tại lễ ra mắt, Bkav đã nói đến thách thức họ phải vượt qua để đạt được thiết kế tràn đáy ấn tượng này, đặc biệt là khi màn hình gần như chạm vào ăng ten. Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các kỹ sư trực tiếp thiết kế, phát triển Bphone 3.

Tiếp chúng tôi tại văn phòng của Bkav tại Hà Nội, anh Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc thiết kế của Bkav còn cho biết thông tin "gây sốc" hơn: Đó là viền Bphone 3 thậm chí còn có thể mỏng hơn nữa, tuy nhiên khi đó thì sẽ không đạt được yêu cầu các cạnh đều nhau, có nghĩa là mất đi vẻ đẹp của sự cân đối.

Để minh họa cho chúng tôi, anh Cường mở ngay bản vẽ thiết kế kiểu dáng của Bphone 3 trên máy tính, và dùng công cụ thước đo để chỉ cho chúng tôi thấy khoảng cách giữa các viền và phần khung màn hình đều nhau ở cả ba cạnh, cũng như các phần bo của màn. Các góc bo của khung máy, viền màn hình đều là góc của một đường tròn đồng tâm.

"Trên Bphone 3 thì viền mình làm là mỏng tối đa rồi. Thực ra vẫn có thể thu viền mỏng hơn nữa, nhưng như vậy thì sẽ chạm vào khung của màn hình, phần viền dưới sẽ phải làm thành hình vuông, không còn là đường tròn đồng tâm nữa, các viền trông cũng không đều nhau", anh Cường nói.

Viền Bphone 3

Ảnh bản vẽ thiết kế Bphone 3. Viền đáy Bphone 3 vẫn có thể làm mỏng được hơn nữa, nhưng như thế sẽ mất cân đối.

Tất nhiên, vẫn còn những giới hạn về mặt công nghệ khiến cho Bphone 3 không thể mỏng đều ở cả 4 viền. Theo anh Cường, Bkav lựa chọn làm viền dưới mỏng bởi các thao tác của người dùng thường chú trọng tới phần dưới của màn hình hơn. Bên cạnh đó, camera trước và loa thoại để ở phía trên hợp lý hơn phía dưới rất nhiều, bởi khi chụp selfie sẽ tiện lợi hơn. Tất nhiên, nói thì đơn giản, giải quyết các bài toán về điện tử, cơ khí theo bản vẽ lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó cũng chính là lý do Bphone 3 không phải là Mi Mix "lộn ngược" như một số người nhận xét.

Chẳng hạn như vấn đề làm thế nào để màn hình tràn viền gần sát ăng ten mà không ảnh hưởng đến chất lượng sóng. Thực tế sử dụng Bphone 3 bản thử nghiệm tôi nhận thấy máy bắt sóng Wifi tốt, cột sóng di động khi ở trong phòng kín vẫn căng đét.

Cột sóng Bphone 3 vẫn nét căng khi ngồi trong phòng họp kín chung cư.

Anh Cao Chính Hiệp, trưởng phòng Không dây của công ty Bkav Electronics cho biết nếu so thiết kế ăng ten thì Bphone 2017 thực sự rất đơn giản so với Bphone 3. Cần lưu ý là trên các điện thoại có viền kim loại như Bphone 3, phần khung cũng đóng vai trò là ăng ten cho sóng di động, WiFi, Bluetooth… Bphone 2017 có phần viền truyền thống, dày hơn nên thiết kế ăng ten không gặp vấn đề gì.

Trên chiếc điện thoại mới, do màn hình nằm quá sát phần viền nên băng thông dành cho ăng ten đã bị thu hẹp lại. Về lý thuyết, do Bphone 3 hỗ trợ nhiều băng tần di động, nên việc thu hẹp băng thông sẽ khiến cho chất lượng sóng khó đảm bảo.

"Thực ra khi thấy thiết kế mình cũng tính giải pháp rồi, nên khi có bản thử nghiệm là phải thử ngay giải pháp của mình. Rất may là giải pháp của mình hoạt động tốt, nên chỉ khoảng một tháng là hoàn thiện phần ăng ten", anh Hiệp cho biết.

Bphone3

Bản vẽ thiết kế viền Bphone 3. Phần màu xanh là màn hình đã tiệm cận sát với dải ăng ten màu gạch cua.

Giải pháp của đội ngũ thiết kế ăng ten Bkav là sử dụng ăng ten active. Khác với các ăng ten thông thường chỉ bao gồm miếng kim loại và tụ, ăng ten active có linh kiện điện tử, có thể khắc phục được vấn đề băng thông hẹp. Tuy nói là đã nghĩ giải pháp từ sớm, nhưng đội ngũ của anh Hiệp cũng mất nhiều công sức thử nghiệm và tối ưu để đảm bảo Bphone 3 bắt sóng tốt.

Đối với màn hình LCD mà Bphone 3 sử dụng để đạt mục tiêu tràn đáy cũng khó khăn hơn so với màn hình OLED do có hai linh kiện không thể thiếu là tấm đèn nền (backlight) và mạch điều khiển. Thông thường các smartphone đặt đèn nền và mạch ở viền dưới của điện thoại, nhưng với Bphone 3, do đã "gọt" phần cằm nên hai linh kiện được chuyển lên cạnh trên.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới việc sắp xếp các linh kiện khác trên bảng mạch chính, mà còn phải tính toán tới khả năng tản nhiệt khi có một loạt linh kiện tỏa nhiệt nằm trong một khu vực rất nhỏ. Để giảm từng độ C, các kỹ sư Bkav phải mất nhiều tháng liên tục để thử nghiệm, sai, thử lại liên tục để tìm ra được giải pháp tốt nhất.

Với những người ngoại đạo như tôi, thoạt tiên nhìn Bphone 3 tưởng như chỉ là lấy bản vẽ của một chiếc điện thoại và xoay ngược lại, nhưng qua cuộc trò chuyện với những con người của Bkav tôi mới hiểu rằng công nghệ không đơn giản như vậy, và nó cho thấy sự kiên trì, bền bỉ và đầy sáng tạo của trí tuệ Việt khi đứng trước những thách thức công nghệ đỉnh cao.

T.A

Chủ đề khác