VnReview
Hà Nội

Mổ bụng iPad Pro 11 inch (2018): điểm sửa chữa 3/10, bên trong chứa rất nhiều nam châm

Thế hệ iPad Pro mới nhất của Apple đã chính thức lên bàn mổ của trang iFixit. Năm nay, người dùng có thể yên tâm vì iPad Pro 2018 đã dễ sửa chữa và thay thế hơn đôi chút.

Nếu như những năm trước, iPad Pro bị chê là khó sửa với thang điểm 2/10 thì năm nay, mọi thứ đã được cải thiện hơn đôi chút lên 3/10. Trước đây nguy cơ khó sửa chữa nhất liên quan đến màn hình LCD mỏng manh, dễ vỡ trong lúc tháo linh kiện.

Năm nay, màn hình LCD đã được hợp nhất với lớp kính mặt trước nên dễ dàng hơn trong quy trình tháo và thay thế. Mặc dù vậy nó sẽ tăng thêm chi phí sửa chữa nếu chẳng may cả màn hình LCD lẫn kính bị vỡ. Nhược điểm cố hữu nhất trên dòng iPad Pro vẫn là việc có nhiều chất kết dính khiến máy khó sửa chữa.

Theo iFixit, iPad Pro 2018 cũng rất khó tháo rời mô-đun loa. Mặc dù vậy ít nhất cổng USB-C vẫn dễ thay hơn so với cổng Lightning trước đây. Một ưu điểm khác là iPad Pro 11 inch mới có viền mỏng hơn, bỏ nút Home nên tránh nguy cơ phải thay thế nút Home, gây ảnh hưởng đến màn hình.

Dưới đây là chi tiết màn mổ bụng iPad Pro 11 inch (2018) của trang iFixit:

Hình chụp X-quang iPad Pro 11 inch cho thấy máy có mật độ linh kiện dày đặc

So với phiên bản iPad Pro 10.5 inch tiền nhiệm, nó trong khá giống nhau về cách bố trí dải loa và cổng kết nối. Tuy nhiên nếu để ý kỹ vẫn có sự khác biệt về kích thước khi iPad 10.5 inch nhỏ hơn đôi chút và cổng kết nối

Như thường lệ, iFixit vẫn phải sử dụng công cụ làm nóng lớp keo và dụng cụ hút chân không và nạy màn hình. Màn hình được kết nối với máy thông qua hai đoạn cáp

Sau khi mở màn hình, điều đầu tiên bạn sẽ thấy chính là cụm 4 loa trầm và 4 loa bổng. Tổng cộng, máy có tới 8 loa

Còn đây là mặt sau của màn hình sau khi tháo rời. Đây là mẫu màn hình Liquid Retina mới và bạn có thể thấy cụm cảm biến True Depth ở trên đỉnh máy

Bo mạch chủ của máy được che phủ bởi một lớp bọc gắn chặt với thân máy bằng keo dính

Bo mạch gồm: chip Apple A12X (màu đỏ), chip nhớ Toshiba 64GB (màu da cam), RAM 4GB từ Micron (màu vàng), chip điều khiển NFC (màu xanh lá cây), mô-đun Bluetooth (màu xanh dương nhạt), chip quản lý năng lượng Texas Instruments (màu hồng)

Tiếp tới tháo rời hai viên pin dài, được nối với nhau qua một đoạn cáp. Việc tháo rời pin có vẻ khá khó khăn vì Apple đã gắn một lớp keo khá chắc chắn để tránh pin bị văng ra ngoài khi có tác động

Tổng dung lượng của hai viên pin là 7.812mA, hiệu điện thế 3,7V và công suất tiêu thụ 29,45Wh, giảm nhẹ so với với 30,8Wh của iPad Pro 10.5 inch trước đó và nhỏ hơn rất nhiều so với công suất 45Wh của Microsoft Surface Pro

Đây chính là mô-đun cảm biến True Depth, hỗ trợ tính năng Face ID. Mô-đun này gần như giống hệt với mô-đun xuất hiện trên iPhone X

Tiếp theo là tháo mô-đun loa. Có vẻ việc này khó khăn hơn tưởng tượng và phải cần gia nhiệt để lấy được mô-đun ra ngoài

Ẩn trong buồng loa là rất nhiều nam châm

Bảng mạch hỗ trợ sạc bút Apple Pencil là những cuộn dây đồng

Cổng USB-C trên iPad Pro 2018 không giống với cổng Lightning trước đây vì nó hoàn toàn độc lập và có thể thay thế dễ dàng

Cuối cùng có thể thấy toàn bộ phần khung máy đều có chứa rất nhiều viên nam châm siêu nhỏ có tác dụng giữ chặt bút Pencil 2 khi người dùng đặt bút vào cạnh máy

Trang iFixit nhân tiện cũng mổ bụng cả chiếc bút Pencil 2. Đây là hình ảnh X-quang của chiếc bút

Phần ruột bút chứa phần lớn là kim loại và bọc bên ngoài là lớp vỏ nhựa. Bạn có thể thấy các thanh nam châm xếp bên trong bút và lõi sạc không dây.

Thân bút quả thực vô cùng phức tạp. Trong ảnh có các bộ phận gồm pin (màu đỏ), lõi sạc không dây (màu da cam), nam châm (màu vàng), chip điều khiển cảm ứng Broadcom (màu xanh lá cây) và IC nguồn của Apple (màu xanh dương)

Đây là toàn bộ "thân xác" của iPad Pro 11 inch sau khi đã tháo rời.

Trang iFixit mới đây cũng đã mổ xác cả iPad Pro 12.9 inch và phát hiện thấy nội thất bên trong máy không khác gì so với bản iPad Pro 11 inch.

Tiến Thanh

Chủ đề khác