VnReview
Hà Nội

Samsung Galaxy S10 sẽ có rất nhiều tính năng hấp dẫn và đó chính là vấn đề

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa chúng ta sẽ bước sang năm 2019, và với Samsung, điều đó đồng nghĩa với việc chiếc điện thoại Galaxy mới tiếp theo của họ sắp ra mắt. Chiếc điện thoại này có thể được gọi bằng cái tên Galaxy S10, và chiến thuật mà Samsung sử dụng vẫn như trước đây: lấn át mọi đối thủ với hàng tá tính năng mới.

Thông tin mới nhất về Galaxy S10 đến từ tờ Wall Street Journal khẳng định chiếc điện thoại tiếp theo của Samsung sẽ có 3 kích cỡ màn hình, từ 5.8 đến 6.4-inch, với 3 đến 5 camera. WSJ còn cho biết Samsung đang phát triển thêm một phiên bản S10 thứ tư với màn hình khổng lồ 6.7-inch (đây là kích cỡ màn hình lớn nhất từng thấy trong dòng Galaxy S lẫn Note), trang bị kết nối 5G, biến nó thành chiếc điện thoại 5G đầu tiên của hãng và dự kiến sẽ được tung ra trước nhất ở Mỹ và Hàn Quốc.

Chiếc Galaxy S10 5G này có thể sẽ có đến 6 camera: 2 ở mặt trước và 4 ở mặt sau. Ngay cả những smartphone tinh vi nhất hiện nay như LG V40 ThinQ và Huawei Mate20 Pro cũng chỉ có 5 hoặc 4 camera mà thôi.

Chúng ta cũng biết rằng một số phiên bản S10 sẽ có tính năng sạc không dây đảo ngược (dù chưa rõ là phiên bản nào), cho phép mặt lưng của máy trở thành đế sạc không dây cho một thiết bị khác, như điện thoại hoặc tai nghe không dây chẳng hạn. Huawei Mate20 Pro đã có tính năng này trước đây.

Chỉ riêng những tính năng mới nêu trên cũng đã đủ để chiếc S10 trở thành một chiếc điện thoại nổi bật, xứng đáng là phiên bản Galaxy S kỷ niệm 10 năm mà người dùng luôn mong đợi.

Nhưng khoan, vẫn còn nhiều lắm những tin đồn, ví dụ: S10 có thể được trang bị cảm biến vân tay siêu âm đặt dưới màn hình; màn hình máy sẽ kéo dài hơn nữa, tiến sát hơn về phía hai cạnh trên dưới, với một lỗ nhỏ được đục ở một góc để chứa camera selfie (tức máy không có tai thỏ); và S10 sẽ chạy Android 9 Pie với giao diện One UI mới toanh của Samsung.

Chưa có thông tin liệu Samsung sẽ sử dụng một con chip Snapdragon thế hệ tiếp theo hay không (dù khả năng rất cao), nhưng biến thể chạy chip Exynos 9820 được đồn đại bấy lâu cũng sẽ rất mạnh mẽ. Con chip cây nhà lá vườn của Samsung được sản xuất trên quy trình 8nm, 8 nhân, có hiệu năng lõi đơn nhanh hơn 20% và hiệu năng đa lõi nhanh hơn 15%. Nó còn có một NPU riêng biệt để xử lý các tác vụ AI, một modem LTE nhanh hơn, cho tốc độ download lên đến 2Gbps, và một bộ xử lý tín hiệu hình ảnh được cải tiến để quay video tốt hơn (độ phân giải 8K ở 30fps hoặc 4K ở 150fps).

Tất cả những thông tin này cho thấy S10 có lẽ là chiếc smartphone hội tụ đủ mọi yếu tố hình thành nên triết lý cổ điển của Samsung: nhiều hơn mọi thứ!

Đến đây, nhiều người trong số chúng ta bắt đầu lo lắng một chút. Samsung đã nhồi nhét ngày càng nhiều những công nghệ vào các điện thoại của hãng trong thập kỷ qua, và dù nó giúp các smartphone Samsung có một bảng thông số phần cứng ấn tượng để, quá tập trung vào phần cứng vô tình đã đẩy phần mềm xuống "băng ghế phụ".

Một màn hình lớn hơn, pin khủng hơn, nhiều camera hơn, và hiệu năng nhanh hơn sẽ luôn là những điều mà cả các nhà sản xuất lẫn người dùng hướng đến, nhưng Samsung vẫn cần phải tập trung phát triển phần mềm của máy - một việc phức tạp và đòi hỏi nhiều sự đầu tư hơn là chỉ khoác lên hệ điều hành Android một lớp sơn mang tên "One UI".

Ngày nay, các hãng sản xuất điện thoại đang tận dụng AI để cải thiện nhiều tính năng như trợ lý giọng nói, dự đoán tốt hơn những thứ bạn muốn làm trước khi bạn thực sự làm, và thậm chí là hỗ trợ nhiếp ảnh (tính năng Night Sight cực kỳ ấn tượng trên Pixel 3 là một ví dụ).

Samsung cũng tập trung cải tiến trợ lý Bixby đầy tiềm năng của mình - một công cụ ban đầu nhằm cho phép người dùng sử dụng các câu lệnh giọng nói để điều khiển mọi hoạt động của máy thay cho các thao tác chạm và gõ. Nhưng Bixby lại không đạt được chỉ số thông minh như Alexa, Google Assistant, hay thậm chí là Siri.

Điểm yếu của Samsung chưa bao giờ là phần cứng - đó là phần mềm. Và với S10, điều đó có vẻ như chẳng hề thay đổi. Có thể lúc này là hơi sớm để đưa ra nhận định đó, khi mà trong sự kiện ra mắt S10, Samsung có thể sẽ công bố hàng loạt cải tiến nhằm đưa phần mềm vào vị trí hàng đầu, trung tâm trên chiếc S10, nhưng khả năng đó thực ra rất khó xảy ra.

Điều Samsung cần làm để biến S10 thành kẻ chiến thắng - mang đến cho mọi người một lý do cuốn hút để nâng cấp - là cân bằng giữa các tính năng phần cứng và phần mềm mới. Nếu không, hãng sẽ không thể duy trì vị thế dẫn đầu (nếu đạt được vị trí đó) trong thời gian dài được.

Làm phần cứng cao cấp ngày nay không còn là chuyện khó. Huawei, OnePlus và hầu như mọi hãng điện thoại có thể dễ dàng bắt kịp. Chưa kể, nhồi nhét quá nhiều tính năng phần cứng cũng chính là một nguy cơ nếu hãng không thể thử nghiệm kỹ càng mọi thứ. Samsung hẳn sẽ không muốn một chiếc Note 7 thứ hai chỉ vì quyết định tích hợp mọi thứ vào một thân máy bằng kính và kim loại.

Làm phần mềm rất khó. Và Samsung chắc chắn cần phải ưu tiên phát triển phần mềm ngay lúc này.

Minh.T.T

Chủ đề khác