VnReview
Hà Nội

Đột nhập bên trong nhà máy sản xuất smartphone Vsmart của Vingroup

Hôm qua (4/12), công ty điện thoại Vsmart thuộc tập đoàn Vingroup đã mời đoàn báo chí và các YouTuber trong đó VnReview tới tham quan nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên của họ ở Hải Phòng. Đây là nhà máy sản xuất các điện thoại Vsmart sẽ ra mắt và lên kệ vào ngày 14/12 tới.

Theo chia sẻ từ đại diện Vsmart, nhà máy này có quy mô sản xuất khoảng 5 triệu smartphone mỗi năm và sử dụng khoảng 1.000 nhân viên khi hoạt động hết công suất. Hiện tại, nhà máy mới ở giai đoạn sản xuất ban đầu, còn nhiều dây chuyền chưa hoạt động nhưng dự kiến sẽ tăng công suất trong vài tuần tới. Vsmart công bố sẽ tung ra 4 mẫu smartphone ở phân khúc giá rẻ và tầm trung từ 2 đến dưới 7 triệu đồng trong năm 2018 và 10 mẫu vào năm 2019, trong đó có sản phẩm ở tầm giá cao.

Trong quá trình tham quan nhà máy, chúng tôi thấy các máy móc và dây chuyền sản xuất nhìn rất là mới.;Theo chia sẻ từ phía Vsmart thì toàn bộ trang thiết bị phục vụ sản xuất của nhà máy được nhập khẩu mới bằng đường hàng không để kịp tiến độ sản xuất và bán ra vào trung tuần tháng 12. Bên cạnh nhà máy hiện tại, Vsmart cũng nói họ đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy khác có quy mô lớn hơn và sử dụng nhiều robot hiện đại hơn ở Hòa Lạc để sản xuất smartphone và các sản phẩm khác như Smart TV, các sản phẩm smarthome và những thiết bị Internet of Things.

Ở bên trong, quy trình sản xuất của nhà máy Vsmart ở Hải Phòng có đầy đủ các công đoạn để sản xuất ra một chiếc điện thoại hoàn chỉnh: bắt đầu từ bảng mạch trắng rồi đến các khâu hàn mạch, gắn linh kiện, kiểm thử, dán tem mã và đóng hộp ra thành phẩm hoàn chỉnh. Tuy vậy, khâu lắp trong nhà máy của Vsmart vẫn chủ yếu thực hiện thủ công, ít sự tham gia của robot giống như các nhà máy của một số hãng như Samsung và Huawei mà VnReview từng có cơ hội tham quan.

Mời bạn đọc theo dõi một số hình ảnh bên trong nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart của Vingroup ở Hải Phòng:

Trước khi bước vào nhà máy, mọi người được phát 2 túi ni lông bọc giầy dép và áo chuyên dụng dành cho công nhân.

Tiếp đến, tất cả khách mời phải đi qua một cổng thổi bụi.

Bên trong cổng thổi bụi

 

Nơi đầu tiên đến trong chuyến thăm nhà máy là khu văn phòng. Theo chia sẻ của đại diện Vsmart, khu văn phòng hiện có khoảng 100 nhân viên, trong đó có cả nhóm nhân viên đến từ công ty BQ của Tây Ban Nha, đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế điện thoại Vsmart đã được Vsmart mua 51% cổ phần.

Sau khu văn phòng là đến khu lắp bảng mạch. Nhà máy hiện có 3 dây chuyền tự động lắp bảng mạch kép với công xuất khoảng 18.000 bảng mạch mỗi ngày.

Một đoạn trong dây chuyền hàn mạch tự động

Quá trình hàn mạch tự động cũng có những công đoạn được kiểm tra chất lượng.

Đây là thành quả của dây chuyền hàn bảng mạch: bo mạch trắng (bên trái) và bo mạch được gắn linh kiện (bên phải).

Bảng mạch sau khi được gắn linh kiện sẽ được kiểm tra bắt lỗi qua máy chiếu tia x quang.

Tiếp đến, toàn bộ bảng mạch đã gắn linh kiện sẽ được chuyển sang khu vực hiệu chỉnh và kiểm tra bo mạch. Khu vực này không cho khách quan đi vào giống như khu hàn mạch và các dây chuyền lắp ráp. Theo Vsmart thì quá trình này được thực hiện hoàn toàn bằng máy dựa trên thiết bị và phần mềm kiểm tra tự động do Qualcomm cung cấp.

Các bảng mạch sau quá trình kiểm tra chức năng sẽ được chuyển qua dây chuyền lắp ráp. Hầu hết công đoạn trong dây chuyền này hiện được thực hiện thủ công, chưa có sự hỗ trợ nhiều của robot. Theo Vsmart, các công nhân được đào tạo lý thuyết 2 tuần và 1 tuần thực hành trực tiếp tại nhà máy.

Nhà máy của Vsmart hiện có 6 dây chuyền lắp ráp. Tuy vậy ở thời điểm hiện tại chỉ có nửa số dây chuyền hoạt động. Phía Vsmart cho biết trong vài tuần tới sau thời điểm ra mắt điện thoại, các dây chuyền này sẽ hoạt động tăng công suất.

Khâu gắn băng keo tản nhiệt cho các thành phần trên bo mạch

Gắn cảm biến vân tay và nắp đậy cụm camera kép sau cho chiếc Vsmart Active 1, là một trong 4 điện thoại Vsmart sẽ bán ra trong năm 2018.

Gắn các vít định vị bo mạch và khung máy

Xen kẽ trong quá trình lắp ráp có các bước kiểm tra chức năng của điện thoại kết hợp con người (ngoại quan) và thiết bị. Ảnh trên là bước kiểm tra hoạt động phát video và cảm biến con quay hồi chuyển.

Còn đây là bước kiểm tra chức năng loa và mic thu âm thanh.

Kiểm tra chất lượng hiển thị của màn hình (đèn nền, màu sắc và độ sáng) đặt trong cái hộp tối.

Đây là bước kiểm tra các chức năng của điện thoại bằng phần mềm. Theo Vsmart, có tổng cộng 18 công đoạn kiểm tra trong dây chuyền lắp ráp.

Các điện thoại sau khi hoàn tất ở dây chuyền lắp ráp sẽ được chuyển qua dây chuyền đóng gói.

Nhà máy cũng có 6 dây chuyền đóng gói nhưng hiện tại mới chỉ có vài dây chuyền hoạt động.

Đây là hình ảnh hộp đựng Vsmart Active 1 chưa ra mắt chính thức. Hình ảnh phía trên cho thấy máy có mặt lưng kính, cụm camera kép phía sau và có cảm biến vân tay ở mặt.

Đóng seal và bọc giấy bóng

Kết quả cuối cùng của chu trình sản xuất điện thoại: đóng hộp để phát hành máy ra thị trường.

Một số sản phẩm hoàn thiện sẽ được lấy mẫu để đưa vào phòng thí nghiệm độ bền và quàn lý chất lượng. Hai ảnh trên là quá trình test pin liên tục trong 160 giờ để đo hiệu quả sạc, xả, theo chia sẻ của Vsmart.

Kiểm tra các mối hàn linh kiện trên bo mạch có chuẩn không.

Thiết bị test thả rơi điện thoại trên nền gạch ở nhiều tư thế, vị trí và độ cao khác nhau. 

Đây là bộ thiết bị mô phỏng rung lắc để đánh giá độ bền của điện thoại.

Hai ảnh trên là máy test mô phỏng tác động của tia cực tím, ánh mặt trời và điều kiện thời tiết (độ ẩm và nhiệt độ cao) với điện thoại. 

Thiết bị test độ bền của cáp sạc.

Kết thúc chuyến thăm quan, khách và công nhân ra khỏi nhà máy phải đi qua thiết bị soi để ngăn chặn thất thoát thiết bị từ nhà máy ra.

Thanh Phong

Chủ đề khác