VnReview
Hà Nội

Chấm lượng tử sẽ giúp thương mại hóa màn hình microLED vào năm 2020

Tại CES 2019, các công ty như Samsung, TCL, Hisense, Sony đều mang đến các màn hình microLED của họ. Tuy nhiên chẳng có chiếc nào có thể đến được tay người tiêu dùng vì rào cản kĩ thuật. Cũng tại đó, có hai công ty khác đã giới thiệu nguyên mẫu kèm theo lời hứa: sản phẩm dùng màn hình microLED sẽ khả thi vào năm 2020.

Công nghệ microLED hiện vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Các công ty gặp nhiều khó khăn để có thể thương mại hóa và đưa đến tay khách hàng trong một mức giá hợp lý. Phần lớn những màn hình mà chúng ta thấy chỉ là các nguyên mẫu không hẹn ngày phát hành, ngoại trừ Sony đang bán các hệ thống CLEDIS với giá rất đắt cho đối tượng doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ thay đổi khi có sự tham gia của chấm lượng tử (quantum dot), ý tưởng kết hợp Blue microLED với các hạt nano sẽ là một hướng đi mới để công nghệ này sớm có mặt trên thị trường.

Nanoco Technologies và Plessey Semiconductors đã công bố hợp tác với nhau trước thềm CES 2019, nhằm kết hợp kinh nghiệm của cả hai cùng tiến tới thương mại hóa công nghệ microLED. Nanoco là một công ty giỏi về vật liệu chấm lượng tử, còn Plessey có chuyên môn về LED. Cả hai đã lên ý tưởng về việc sử dụng các chấm lượng tử của Nanoco chế tạo thành bộ chuyển màu chấm lượng tử (QDCC), tích hợp lên các con chip Blue LED kích thước micromet, chuyển màu xanh dương thành đỏ và xanh lá để tạo thành ba điểm ảnh phụ cơ bản RGB. Samsung Display cũng đang tìm hiểu về màn hình QD-OLED với cơ chế tương tự, kết hợp diode hữu cơ Blue với QDCC, còn microLED là diode vô cơ.

Minh họa về cách kết hợp chấm lượng tử với màn hình microLED

Plessey đang sử dụng công nghệ microLED monolithic, một trong hai cách chế tạo màn hình microLED hiện nay. Trên tấm bán dẫn chứa đầy các chip Blue LED, tích hợp chấm lượng tử lên những con chip nhất định mà dự định thành điểm ảnh phụ Red và Green. Cách làm này giúp giảm kích thước điểm ảnh từ 30 micron xuống 4 micron. Từ đó tiến tới sản xuất hàng loạt các màn hình microLED kích thước hiển vi với độ phân giải cao, áp dụng lên những sản phẩm như đồng hồ thông minh, kính AR/VR.

Mike Lee, Chủ tịch của Plessey nhấn mạnh rằng họ đang có một khách hàng muốn giới thiệu sản phẩm thực tế vào năm 2020, sử dụng màn hình microLED dựa trên chấm lượng tử. So với Samsung, TCL và Hisense, ít nhất chúng ta lần đầu tiên có được một lời hứa thương mại hóa vào thời điểm cụ thể ở tương lai. Trong khi các công ty kia vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản kĩ thuật, còn công ty duy nhất hiện nay sản xuất được màn hình microLED để bán thì lại không nhắm đến người dùng cuối.

Nguyên mẫu của Nanoco và;Plessey tại CES 2019

Theo Brian Gally đến từ Nanoco, họ sẽ sử dụng quy trình in phun để sản xuất lớp QDCC từ các chấm lượng tử. Hai công ty sẽ làm việc chặt chẽ để chấm lượng tử tương thích tốt với các chip Blue LED, đảm bảo đúng lộ trình giảm kích thước điểm ảnh xuống 4 micron vào năm nay, tiến tới sản xuất hàng loạt vào năm sau. Tuy nhiên cần lưu ý, loại mà họ đang phát triển là Blue LED kết hợp chấm lượng tử (QDCC), khác với Samsung hay Sony là RGB LED, kết hợp chip LED theo ma trận Red - Green - Blue.

Về lợi ích, so với OLED cũng đang được dùng làm kính AR/VR hiện nay, Plessey cho biết microLED sẽ cung cấp độ phân giải gấp 10 lần, tương phản gấp 100 lần và phát sáng gấp 1000 lần theo lý thuyết. Tiêu thụ năng lượng chỉ bằng 1/2 nên kéo dài tuổi thọ pin lên gấp đôi. Tất cả những đặc điểm về chất lượng hình ảnh của OLED như màu sắc dồi dào, màu đen sâu đều có trên microLED, trong khi vật liệu vô cơ miễn nhiễm với burn-in cũng như không bị thoái hóa sau một thời gian dài.

Ambitious Man

Chủ đề khác