VnReview
Hà Nội

Bao giờ thì smartphone màn hình gập mới có giá phải chăng hơn?

Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất có lẽ phải chờ việc các hãng có thể làm cách nào hạ tối đa chi phí linh kiện khi chế tạo nên một chiếc smartphone màn hình gập.

> Trên tay smartphone gập Huawei Mate X giá 60 triệu đồng vừa về Việt Nam

Hai mẫu smartphone màn hình gập Galaxy Fold và Huawei Mate X đều sở hữu mức giá bán đắt đỏ và không phải ai cũng có điều kiện sở hữu. Như trong một bài viết đã từng được chia sẻ, việc mua smartphone màn hình gập trong năm 2019 sẽ là một sai lầm đối với nhiều người.

Theo Android Authority, sai lầm không chỉ bởi công nghệ vẫn chưa thực sự hoàn thiện, dễ gặp lỗi mà còn bởi việc giá bán của những chiếc smartphone màn hình gập vẫn còn rất đắt và khó tiếp cận hầu hết người dùng.

Đây chắc chắn là điều mà tất cả những thiết bị lần đầu xuất hiện trên thị trường đều gặp phải. Tuy nhiên người tiêu dùng chẳng cần quá lo điều này vì chỉ cần smartphone màn hình gập giải quyết được một số vấn đề dưới đây, giá bán của chúng chắc chắn sẽ phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.

Vấn đề sản lượng

Từ phòng thí nghiệm tới thương mại hóa là cả một quá trình dài. Đó là chưa kể với một thiết bị sở hữu yếu tố hình thức và tính năng hoàn toàn mới như smartphone màn hình gập, quá trình đó thậm chí còn kéo dài hơn thế. Như đại diện Samsung từng chia sẻ, công ty từng mất tới 8 năm để cho ra đời Galaxy Fold ngày nay.

Phần cứng đắt đỏ và quy trình chế tạo phức tạp đòi hỏi các khoản đầu tư hàng tỷ đô cho R&D. Nhưng đó là ở giai đoạn đầu khi mọi thứ còn mới mẻ. Nhưng một khi các hãng đã vượt qua được các rào cản công nghệ, sản lượng thiết bị sẽ tăng lên và dần tiến tới quá trình sản xuất đại trà.

Lấy ví dụ như trường hợp của màn hình OLED. Thời điểm mới ra mắt, công nghệ màn hình OLED được coi là tiêu chuẩn của ngành công nghiệp màn hình. Nhưng tất nhiên khi đó, quy mô sản xuất màn OLED còn khá hạn chế. Nhiều công ty cũng đã tiến hành thử nghiệm màn hình OLED nhưng chỉ có một số ít đủ điều kiện thương mại hóa. Tuy nhiên giá bán của những thiết bị dùng màn OLED cũng không hề rẻ chút nào.

Nhưng sau đó, Samsung Display, nhà sản xuất tấm nền màn hình OLED hàng đầu đã nỗ lực tối đa để giảm chi phí phát triển màn hình OLED, qua đó giúp phổ cập công nghệ này trên hầu hết mọi thiết bị từ smartphone tới TV. Giờ đây màn hình OLED ngày càng trở nên phổ biến hơn và đang dần tiến tới cạnh tranh sòng phẳng với màn LCD.

Từ ví dụ trên của màn hình OLED, có thể thấy trường hợp của tấm nền OLED dẻo trên smartphone màn hình gập cũng rất khả thi. Cho tới khi Samsung và các hãng giải quyết được vấn đề chi phí với tấm nền OLED dẻo thì các thiết bị gập trong tương lai hoàn toàn có thể rẻ hơn.

Hiện tại màn hình OLED dẻo vẫn cần phải cải thiện về độ bền khi nó thường xuyên phải mở ra, gập lại hàng ngàn lần.

Sản xuất hạn chế

Cho đến nay, các hãng như Samsung hay Huawei vẫn đang phải đối mặt với vấn đề nếp gấp trên màn hình. Đây có thể nguyên nhân khiến các hãng dè dặt trong việc đặt định mức sản lượng.

Ngoài ra do chi phí sản xuất đắt đỏ và nhu cầu thị trường còn hạn chế nên ngay cả các nhà sản xuất lớn cũng rất dè dặt khi nhắc đến sản lượng thiết bị. Nếu như Samsung được cho chỉ đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu chiếc và bán ra vào 26/4 để lấy ý kiến của người dùng thì Huawei thậm chí chưa nhắc điều gì về kế hoạch bán chiếc Mate X.

Rõ ràng thời điểm này, quy trình sản xuất vẫn còn gặp nhiều hạn chế và dây chuyền chưa có sẵn. Đại diện hãng Energizer từng hé lộ tại MWC 2019 rằng, họ đã liên hệ với các nhà sản xuất màn hình OLED dẻo nhưng tất cả đều từ chối vì dây chuyền nhà máy có hạn và đã có đủ khách đặt hàng màn hình OLED dẻo.

Về mặt kiểm soát và độc quyền, Samsung và Huawei không cố bán ra những thiết bị này với mức giá hợp lý để thu hút khách hàng. Điều mà cả hai hãng muốn bây giờ là kiểm tra phản hồi của khách hàng, đặc biệt là những người dám bỏ tiền để sở hữu những thiết bị cao cấp như vậy.

Hơn nữa cả Samsung lẫn Huawei đều hướng tới chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất nên cả hai sẽ chẳng dại đánh đổi chất lượng lấy giá bán. Ngoài ra danh tiếng thương hiệu là điều đảm bảo để Samsung và Huawei có thể yên tâm khi bán ra thị trường những sản phẩm đắt đỏ như vậy.

Thông số kỹ thuật vừa đủ và không quá thổi phồng

Có một thực tế rằng, cả Galaxy Fold và Mate X đều bị thổi phồng quá lớn về cấu hình như RAM 12GB hay hỗ trợ mạng 5G. Đây đều là những thông số không cần thiết với nhu cầu của đa số người dùng hiện nay.

Cho đến nay mạng 5G mới chỉ được thử nghiệm tại một số nước và rõ ràng có thể là một chiêu bài quảng cáo của các hãng nhằm lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên cũng chính bởi việc tích hợp quá nhiều công nghệ mới hay cấu hình khủng khiến giá bán của những chiếc smartphone màn hình gập đời đầu như Galaxy Fold hay Mate X cao ngất ngưởng.

Vậy thì khi nào smartphone màn hình gập sẽ có mức giá phải chăng hơn?

Chắc chắn sẽ có một ngày những chiếc smartphone màn hình gập có giá bán rẻ hơn nhiều so với hiện nay. Nhưng với điều kiện, các hãng phải giảm được chi phí sản xuất màn hình OLED dẻo, giải quyết được vấn đề bản lề, nếp nhăn màn hình và thiết lập cấu hình vừa đủ.

CEO Huawei Richard Yu từng khẳng định, một chiếc smartphone màn hình gập có giá dưới 1000 USD sẽ sớm xuất hiện trong vài năm tới, một khi nó dần trở nên phổ biến hơn. Như vậy một chiếc điện thoại màn hình gập sẽ khó có thể rẻ hơn một chiếc iPhone ít nhất tới năm 2021.

Tất nhiên không chỉ có những yếu tố liên quan đến kỹ thuật góp phần hạ giá bán. Cạnh tranh cũng là một yếu tố không thể thiếu giúp giảm giá của sản phẩm. Xiaomi hay hàng loạt các nhà sản xuất khác như Oppo, TCL hay Energizer cũng đang ngầm phát triển một thiết bị tương tự.

Nguyên mẫu smartphone màn hình gập của Xiaomi

Sự xuất hiện của nhiều đối thủ trên thị trường chắc chắn sẽ là chất xúc tác quan trọng góp phần đẩy giá bán của một chiếc smartphone màn hình gập trở về mức giá bình dân nhất.

Không ngoại trừ từ nay đến cuối năm 2019, chúng ta sẽ còn thấy nhiều hãng tiếp tục tung ra nhiều nguyên mẫu hay thậm chí cả smartphone màn hình gập bản thương mại.

Mai Huyền

Chủ đề khác