VnReview
Hà Nội

Trên tay Vivo V15: thiết kế camera "thụt thò" lên ngôi

Oppo và Vivo là hai công ty anh em cùng chung công ty mẹ BBK Electronics. Có lẽ vì vậy, hai chiếc smartphone tầm trung Vivo V15 và Oppo F11 Pro vừa giới thiệu ở Việt Nam có nhiều điểm giống nhau từ chi tiết camera thò thụt và màn hình viền mỏng không "tai thỏ" hay "giọt nước" đặc trưng đến kiểu dáng thiết kế tổng thể và cấu hình bên trong.

Vivo V15 bắt đầu bán ở Việt Nam từ ngày 28/3/2019 với 2 phiên bản: bản bộ nhớ 64GB có giá 7 triệu đồng, còn bản bộ nhớ 128GB có giá 8 triệu đồng. Cả 2 phiên bản đều có 2 tùy chọn màu sắc giống nhau: đỏ và xanh, với hiệu ứng chuyển màu trên cả mặt lưng và khung máy.

Điểm nhấn gây chú ý nhất ở Vivo V15 chắc chắn là camera trước thụt thò từ trong thân máy ra và viền màn hình mỏng đều không có tai thỏ hay giọt nước. Ngoài hai chi tiết thiết kế lạ mắt đó, đây là smartphone tầm trung sở hữu bộ cấu hình không tệ so với tầm giá: màn hình lớn, cụm 3 camera phía sau, camera trước 32MP, hiệu năng khá mạnh mẽ và viên pin lớn hỗ trợ sạc nhanh.

Dưới đây là một vài chia sẻ nhanh của VnReview sau thời gian ngắn sử dụng Vivo V15. Các đánh giá chi tiết hơn sẽ gửi tới bạn đọc trong thời gian tới sau khi có nhiều thời gian trải nghiệm hơn.

Thiết kế: tạm biệt trào lưu màn hình "tai thỏ", "giọt nước"

Vivo V15 có viền trên mỏng không tai thỏ hay giọt nước.

Vivo V15 là smartphone có kiểu dáng bắt mắt. Đây là sản phẩm mở đầu trào lưu loại bỏ "tai thỏ" hay các khía chữ U, V, "giọt nước" phổ thông trên điện thoại từ năm ngoái đến nay. Giải pháp tạm biệt "tai thỏ" của Vivo là đưa camera trước ẩn vào thân máy giống "người anh em" Oppo F11 Pro. Camera trước sẽ tự động thò lên thụt xuống khi được kích hoạt. Tốc độ thụt thò của cụm camera này trên Vivo V15 diễn ra nhẹ nhàng, nhanh và chỉ phát ra tiếng ồn nhỏ của mô tơ, không hề gây khó chịu cho người dùng trong quá trình trải nghiệm.;

Cụm camera trước thụt thò

Khác với Oppo F11 Pro, chiếc camera thụt thò của Vivo V15 được đặt ở mép bên phải của cạnh trên. Cụm cảm biến ánh sáng được nhà sản xuất khéo léo bố trí ở viền trên màn hình, ngay bên cạnh loa thoại phía bên trái. 

Viền trên không còn chứa camera trước nên rất mỏng.

Cằm dưới vẫn hơi dày do cần có diện tích để đặt các đèn nền

Việc đưa camera trước "tàng hình" vào thân máy giúp cho các viền trên màn hình mỏng đều, không còn các chi tiết "tai thỏ" hay "giọt nước" cần có để đặt camera selfie nữa. Tỷ lệ màn hình/mặt trước của Vivo V15 đạt 85,6%, tương đương Oppo F11 Pro và cao hơn chiếc Samsung Galaxy S9% (84,2%) cao cấp của năm ngoái. Tuy vậy, phần cằm dưới của máy vẫn còn hơi dày do đặc thù các điện thoại dùng tấm nền LCD cần có diện tích để chứa đèn nền. Các màn hình Super AMOLED như iPhone X hay Galaxy S10+ không cần đèn nền nên viền dưới có thể cắt gọt mỏng hơn các điện thoại dùng tấm nền IPS LCD.

Mặt lưng chuyển màu từ đỏ sang tím.

Vivo V15 có khung máy và mặt lưng bằng chất liệu nhựa bóng trông như kính. Đây là chi tiết thiết kế phổ biến ở các smartphone hiện nay, đặc biệt là ở phân khúc tầm trung. Khung và mặt lưng của máy không liền khối nhưng được sơn bề mặt rất ăn khớp với nhau. Hiệu ứng chuyển màu chuyển đều cả trên cả mặt lưng lẫn khung máy, khiến sản phẩm trông bắt mắt. Nhưng mặt lưng bóng cũng có điểm hạn chế cố hữu là dễ bám vân tay.

Cụm camera lồi lên hơi nhiều

Mặt lưng có thiết kế bo vát mạnh, cầm ôm tay. Cảm biến vân tay một chạm ở mặt lưng cũng được đặt ở vị trí dễ bấm. Tuy vậy, cụm 3 camera và đèn LED ở phía sau lồi lên hơi nhiều, trông thiếu tinh tế nếu không dùng ốp lưng. Một điểm trừ nữa trong thiết kế ở điện thoại này là toàn bộ màn hình đặt lồi lên trên khung máy, khiến phần viền không liền mạch và gây cảm giác cấn tay khi cầm.

Phím nguồn và âm lượng ở cạnh phải

Nút Google Assistant và khe cắm 2 SIM + thẻ microSD trên cạnh trái.

Cụm camera thụt thò và mic chống ồn trên đỉnh máy

Giắc âm thanh, mic thoại, cổng micro-USB và loa ngoài ở cạnh dưới.

Trên các cạnh, Vivo V15 có thêm phím cứng để kích hoạt Google Assistant, các phím nguồn và âm lượng được đặt thấp nên dễ bấm, khe cắm hai SIM và thẻ nhớ độc lập, giắc âm thanh, loa đơn và cổng microUSB nhưng hỗ trợ sạc nhanh 18W.

Các phụ đi kèm gồm củ sạc nhanh 18W (9V/2A), cáp micro-USB, tai nghe và ốp lưng.

Màn hình lớn, viền mỏng và sáng

Màn hình của Vivo V15 gây ấn tượng ngay cái nhìn đầu tiên với các viền mỏng không có chi tiết "tai thỏ" hay "giọt nước" lẹm vào như các điện thoại khác. Màn hình này có kích cỡ lớn (6.53 inch), độ phân giải Full-HD đủ sắc nét, tấm nền trong trẻo, góc nhìn tương đối tốt và màu sắc hiển thị trung tính. Độ sáng tối đa của màn hình cũng khá cao, đủ để xem rõ nội dung khi dùng điện thoại ngoài trời dưới ánh năng không quá gay gắt.

Trên sản phẩm chúng tôi trải nghiệm thì nhiệt màu của màn hình ở chế độ mặc định bị ngả hồng hơi nhiều, khiến màu sắc hiển thị đôi lúc thiếu đi độ tươi tắn, nịnh mắt. Tuy vậy trong phần cài đặt màn hình, Vivo cho người dùng tùy chỉnh nhiệt màu theo sở thích với 3 mức Lạnh, Mặc định và Ấm.

Phần mềm và hiệu năng: đủ dùng

Con chip xử lý Helio P70 tám lõi (4 lõi hiệu năng cao Cortex-A75 tốc độ 2.1GHz + 4 lõi tiết kiệm điện Cortex-A53 tốc độ 2GH) và RAM 6GB đủ mạnh để cân tốt màn hình Full-HD+ của Vivo V15. Các ứng dụng mở nhanh, chuyển đổi giữa các ứng dụng đa nhiệm và các giao diện màn hình diễn ra trơn tru. Với nhu cầu chơi game, máy có thể chơi tốt các game nhẹ, còn các game nặng cần giảm chế độ đồ họa để đạt độ mượt cần thiết.

Trên các ứng dụng đo hiệu năng, Vivo V5 đạt điểm tương đồng với những điện thoại tầm trung dùng vi xử lý Snapdragon 660 ở cả hiệu năng tổng thể đến khả năng xử lý của CPU và GPU.

Điểm Antutu đo hiệu năng tổng thể của Vivo V11 nhỉnh hơn chút so với các smartphone tầm trung dùng Snapdragon 660.

Ở điểm đo hiệu năng xử lý của CPU trên ứng dụng GeekBench, Helio P70 đạt điểm gần tương đồng với Snapdragon 660 ở cả điểm xử lý đơn lõi và đa lõi.

Ở bài test Mahattan đo hiệu năng xử lýd đồ họa của GPU, lại một lần nữa 

Về phần mềm, Vivo V15 hiện được tích hợp sẵn bản Funtouch OS 9 tùy biến dựa trên Android 9. Giao diện Funtouch OS có nhiều nét học hỏi từ iOS, chẳng hạn cách tiếp cận thanh thiết lập nhanh bằng cách quét tay từ dưới màn hình lên hay rõ nhất là giao diện ứng dụng camera.

Máy cũng hỗ trợ các thao tác cử chỉ thay thế cho các phím điều hướng quen thuộc. Nhưng thao tác cử chỉ trên Vivo V15 hơi rối so với các điện thoại Android khác do điện thoại này đã có một thao tác quét từ dưới lên để mở thanh thiết lập nhanh.

Giao diện thiết lập nhanh mở từ thao tác quét tay từ dưới màn hình lên

Ứng dụng Cài đặt trên máy cung cấp nhiều tính năng. Bạn có thể kích hoạt tính năng Hộp trò chơi để cải thiện trải nghiệm khi chơi game (chặn thông báo, tắt ứng dụng chạy nền để cải thiện hiệu năng...), bật chế độ Lái xe xe máy để tự động trả lời cuộc gọi/tin nhắn đến; chụp màn hình bằng cử chỉ vuốt 3 ngón tay lên màn hình; sử tính năng Nhân bản ứng dụng nếu muốn dùng song song hai tài khoản Facebook, Zalo trên máy; chế độ dùng một tay hay phản chiếu nội dung từ điện thoại lên các thiết bị khác...

Ngoài ra, Vivo còn đưa vào nhiều thao tác cử chỉ điều khiển điện thoại khi màn hình bật, tắt hoặc khi có cuộc gọi đến. Nhìn chung, nếu chưa dùng Vivo, bạn sẽ phải dành chút thời gian để tìm hiểu cách sử dụng các tính năng tích hợp trong máy.

Camera: chạy theo trào lưu góc siêu rộng

Trang bị 3-4 camera sau đang là xu hướng thịnh hành trên smartphone hiện nay. Vivo không đi ngoài xu thế. Chiếc Vivo V15 sở hữu tới 3 camera phía sau gồm một camera chính 24MP (khẩu f/1.8, điểm ảnh 1.12micron, lấy nét pha kép Dual Pixel); camera góc siêu rộng 8MP (khẩu f/2.2) để chụp kiến trúc, phong cảnh; và camera 5MP khẩu f/1.4 để chụp ảnh xóa phông. Ở phía trước, chiếc camera thụt thò có độ phân giải 32MP khẩu f/2.0 và hỗ trợ tính năng HDR để cải thiện hình ảnh chụp điều kiện chênh/ngược sáng.

Ứng dụng camera có nhiều chức năng và chế độ chụp.

Ứng dụng camera có nhiều chế độ chụp. Ở chế độ chụp ảnh, bạn có thể chuyển đổi giữa camera thường và góc rộng, chụp xóa phông với cả camera trước/sau, chụp ảnh động GIF, chế độ làm đẹp có AI hỗ trợ, chế độ chuyên nghiệp để chỉnh tay các thiết lập của ảnh, chụp ảnh toàn cảnh panorama hay chụp ảnh selfie với các hiệu ứng sticker vui nhộn. Đặc biệt, Vivo cho phép tùy chọn chụp ảnh ở độ phân giải 48MP nhiều chi tiết hơn dựa trên thuật toán ghép ảnh.

Dưới đây mời bạn đọc xem một số ảnh chụp nhanh từ camera chính, camera góc rộng và tự sướng từ Vivo V15. Các đánh giá chi tiết về camera sẽ gửi tới bạn đọc trong bài đánh giá tới.

Ảnh trên chụp từ camera thường và ảnh dưới từ camera góc rộng.

Ảnh trên chụp từ camera thường và ảnh dưới từ camera góc rộng.

Ảnh trên chụp từ camera thường (trái) và ảnh từ camera góc rộng (phải).

Ảnh bật chế độ AI (dưới) đẩy màu sắc lên đậm hơn so với ảnh bình thường, không bật AI (trên).

Ảnh chụp bình thường (trên) và ảnh xóa phông (dưới).

Ảnh chụp ban đêm dưới ánh sáng đèn từ camera sau.

Ảnh chụp từ camera selfi

Trên đây là vài chia sẻ nhanh về Vivo V15. Các đánh giá chi tiết hơn sẽ gửi tới bạn đọc trong các bài đánh giá chi tiết trong vài ngày tới. Nhìn chung, các trải nghiệm ban đầu cho thấy điện thoại gây được ấn tượng mới lạ ở thiết kế camera thụt thò để có màn hình viền mỏng không "tai thỏ" hay "giọt nước"; mặt lưng chuyển màu bắt mắt; màn hình có chất lượng tấm nền tốt; hiệu năng đủ đáp ứng nhu cầu thông thường một cách trơn tru và viên pin 4.000 mAh với khả năng sạc nhanh 18W cũng hứa hẹn sẽ có trải nghiệm tốt. Tất nhiên, máy cũng tồn tại một số điểm hạn chế cần bận tâm như dùng cổng micro-USB đời cũ, phần màn hình và khung máy ghép nối chưa liền mạch và mặt lưng bóng bám vân tay.

TT

Chủ đề khác