VnReview
Hà Nội

Consumer Reports: Samsung QLED 8K xem đã lắm, nhưng giờ chưa phải lúc để mua!

Tạp chí công nghệ uy tín của Mỹ đánh giá rất cao TV QLED 8K của Samsung. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là mức giá đắt đỏ khiến Consumer Reports cho rằng… chưa nên mua vội!

Samsung giới thiệu loạt TV QLED tại Việt Nam, TV 8K giá 2,3 tỷ đồng.

Vài tháng tới, bạn sẽ bị ngợp trong quảng cáo về những chiếc TV 8K. Consumer Reports vừa hoàn thành thử nghiệm trong phòng lab với chiếc Samsung QLED 8K, mẫu Q900R cỡ 65 inch. Thực sự, kết quả rất ấn tượng!

Tạp chí nhận xét, thiết kế hấp dẫn với chất liệu kim loại hào nhoáng, viền mỏng, chân đế chắc chắn. Mọi kết nối đến TV đều thông qua hộp OneConnect, rất gọn và đơn giản. Điều này không ngạc nhiên khi giá của nó lên đến 5.000 USD, thuộc hàng flagship. Cùng với thiết kế được chăm chút, TV cũng "đóng gói" rất nhiều tính năng giá trị.

Đầu tiên là công nghệ chấm lượng tử, giúp mở rộng dải màu đáp ứng phong phú hơn. Hệ thống đèn nền LED full-array với tính năng làm mờ cục bộ (local dimming), giúp TV kiểm soát các vùng đèn nền tốt hơn. TV tương thích HDR, công nghệ bắt buộc phải có ngày nay với mọi sản phẩm nghe nhìn. Cuối cùng, hệ điều hành thông minh Tizen với trợ lý ảo Bixby, tương thích Google Home và Amazon Alexa. Thú vị nhất là ứng dụng iTunes chính chủ Apple, giúp bạn mua các nội dung giải trí.

Về chất lượng hiển thị, QLED 8K thực sự rất xứng đáng. Nó cung cấp hiệu suất HDR đáng kinh ngạc, độ sáng rất cao và có lẽ là cao nhất đối với các chuyên gia Mỹ. Tuy nhiên, góc nhìn mới là cải thiện đột phá thực sự trên TV này. Đây có lẽ là TV LCD có góc nhìn rộng nhất Consumer Reports từng đánh giá.

Samsung vẫn dùng tấm nền VA quen thuộc. Các TV LCD hiện nay đều phải lựa chọn giữa VA hoặc IPS, trong đó VA ưu thế về độ sâu màu đen và độ tương phản, còn IPS lại nhỉnh hơn về góc nhìn. Với mẫu Q900R này, Samsung đã giải quyết luôn vấn đề nhức nhối lâu nay của TV LCD tấm nền VA, trong khi vẫn giữ được hai ưu điểm kia. Khi chúng tôi đi từ trung tâm ra vùng ngoài, màu đen và tương phản gần như không đổi. Có chút thay đổi nhẹ ở sắc thái màu sắc, nhưng tổng thể vẫn được duy trì và chất lượng hình ảnh không có khác biệt.

Góc nhìn mới là cải thiện đột phá thực sự trên TV này

Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng nhưng công ty Hàn Quốc vẫn không thể đánh bại được OLED. Khả năng kiểm soát ánh sáng chặt chẽ hơn, tương phản cao hơn, bảo toàn chi tiết vùng tối tốt hơn ở một số cảnh sáng. Nhìn chung, tăng độ phân giải lên 8K không tác động đến kết quả giữa hai công nghệ LCD và OLED. Cho đến nay, các TV OLED vẫn vượt trội hơn về chất lượng hình ảnh.

Và nói đến độ phân giải 8K, thật tiếc là dù rất ấn tượng, nhưng Consumer Reports không cho rằng mua các TV này trong năm nay là một khoản đầu tư khôn ngoan. Với giá 5.000 USD, chiếc TV của Samsung là mẫu đắt tiền nhất mà họ từng đánh giá. Với đại đa số người dùng, chẳng nhận được nhiều giá trị khi bạn cố bỏ tiền ra nâng cấp số điểm ảnh như vậy.

Độ phân giải 8K - điều khiến cho chiếc TV này trở nên khác biệt - lại là thứ kém ấn tượng nhất
 

Đầu tiên, với hơn 33 triệu điểm ảnh gấp 4 lần một mẫu 4K có hơn 8 triệu, kích thước 65 inch (là mẫu dùng đánh giá) thực sự không khai thác hết được lợi ích. Bạn không nhận ra khác biệt đáng kể ở khoảng cách ngồi xem thông thường. Thay vào đó, cần kích thước lớn hơn nữa - đồng nghĩa lại phải chi thêm tiền.

Điều này rất giống nhận định của Sony từng chia sẻ với phóng viên Gizmodo. Hãng cho biết độ phân giải 8K sẽ có ý nghĩa trên các màn hình rất lớn, tốt nhất là 80 inch trở lên, càng nhỏ thì hiệu quả càng giảm. Tăng điểm ảnh có nghĩa là tăng mật độ điểm ảnh trong khi giữ nguyên kích thước. Như vậy với cùng cỡ 80 hay 100 inch, 8K sẽ giúp TV sắc nét hơn so với 4K. Hình ảnh sẽ trông "thực tế" hơn.

Theo Sony, để khai thác hết độ phân giải 8K thì cần các TV thật lớn

Tiếp theo nữa, phải nói thêm rằng phần lớn các tính năng giá trị trên mẫu 8K cũng tồn tại ở các mẫu 4K. Các mẫu Q80 hay Q90 vẫn có LED full-array, góc nhìn rộng, chấm lượng tử,... trong khi mức giá mềm hơn rất nhiều. Tại Mỹ, QLED Q80 là 2.800 USD còn Q90 3.500 USD, đều lớn 65 inch bằng mẫu dùng để đánh giá. Vậy nên nếu như lợi ích nhận được không đáng kể, mua các mẫu này vừa tiết kiệm tiền lại vừa có hình ảnh tốt.

Lời khuyên của tạp chí Mỹ là, hãy cứ yên tâm mua một chiếc TV 4K để tận dụng các dịch vụ streaming như Netflix, Amazon Price, Youtube,... với các đĩa Blu-ray chất lượng cao. Bạn sẽ không cần quan tâm đến 8K, cho đến khi giá bán rẻ hơn và nội dung phong phú hơn. Lúc đó chúng ta có thể khai thác độ phân giải siêu cao này hợp lý hơn với khoản tiền bỏ ra.

Hiện tại, TV 4K vẫn là lựa chọn hợp lý với số đông

Trước đây khi 4K mới ra mắt, nhiều người nói rằng "không cần thiết", tuy nhiên, bây giờ thật khó để mua một chiếc TV tốt mà lại không kèm độ phân giải 4K. Đặc biệt với xu hướng thích xem màn hình lớn, lại càng cần độ phân giải cao hơn như Sony đã chia sẻ. Biết đâu hai năm nữa, mọi chuyện thay đổi tích cực hơn thì sao? Hiện tại, vẫn còn khá sớm để nhảy lên con thuyền 8K cũng các nhà sản xuất. Trừ trường hợp gia đình bạn thực sự có điều kiện!

Về TV QLED 8K, dòng Q900R hiện đã được Samsung mang về thị trường Việt Nam. Giá bán lần lượt cho các kích thước 65", 75", 82" và 98" là 119 triệu đồng, 199 triệu đồng, 299 triệu đồng và 2,3 tỷ đồng.

Ambitious Man

Chủ đề khác