VnReview
Hà Nội

Samsung ra mắt cảm biến 64MP cho điện thoại, kỳ vọng lật đổ Sony

Với cảm biến mới có độ phân giải 64MP, cao nhất thị trường smartphone hiện nay, công ty Hàn Quốc hy vọng có thể lật đổ vị thế thống trị của Sony.

Park Yong-in, trưởng nhóm kinh doanh cảm biến (Phó chủ tịch), thuộc Giải pháp Thiết bị (DS) nằm trong tập đoàn Samsung, nói rằng họ đã đặt mục tiêu trở thành hãng bán dẫn số 1 thế giới, trong đó lĩnh vực cảm biến được tập trung đẩy mạnh. Hôm 9/5 vừa qua, công ty đã tổ chức họp báo ở trụ sở ở Hàn Quốc, giới thiệu hai mẫu cảm biến dành cho smartphone mới, độ phân giai siêu cao 48MP và 64MP.

Theo hãng nghiên cứu Techno System Research (TSR), năm 2018 Sony đã giành được 51,2% thị phần cảm biến hình ảnh CMOS (CIS), doanh thu 6,6 tỷ USD. Samsung đang đuổi theo sau với 21,6%, doanh thu 2,7 tỷ USD. Về mặt con số thì có vẻ Samsung đang bị tụt lại khá xa, nhưng các chuyên gia cho rằng về công nghệ, khoảng cách đang được rút ngắn lại rõ rệt. Tại sự kiện, hãng ra mắt cảm biến 64MP ISOCELL Bright GW1 và 48MP ISOCELL Bright GM2. Cả hai đều có kích thước điểm ảnh chỉ 0,8 micron và sẽ được sản xuất hàng loạt nửa sau năm nay.

Sony giới thiệu cảm biến có cỡ điểm ảnh 0,8 micron trước, sau đó vài tháng Samsung đã bắt kịp

Hiện tại trong ngành, mới chỉ có hai công ty có thể thu nhỏ kích thước điểm ảnh xuống 0,8 micron và sản xuất hàng loạt. Năm ngoái, Sony đã dẫn trước với IMX586, 48MP có cỡ điểm ảnh 0,8 micron. Năm nay, Samsung đã vượt lên với mẫu GW1, độ phân giải lên đến 64MP. Phó chủ tịch Park đã trả lời câu hỏi liệu công ty có thể vượt qua Sony hay không bằng cách nói: "Về mặt công nghệ, chìa khóa nằm ở việc phát hành đầu tiên cảm biến có cỡ điểm ảnh 0,7 micron. [Kể cả] Công ty đang giữ vị trí độc quyền trong thị phần, thứ hạng có thể đột ngột thay đổi vì lý do nhất định. Tôi nghĩ rằng rồi sẽ đến lúc".

Samsung xây dựng vị thế của mình ở thị trường cảm biến bằng công nghệ độc quyền ISOCELL. Về cơ bản, đây là công nghệ dùng các vách ngăn kim loại chất lượng cao nằm xen giữa các điểm ảnh Red, Green, Blue giúp hạn chế tối đa hiện tượng giao thoa, rò rỉ ánh sáng của điểm ảnh này với cái nằm bên. Qua đó đảm bảo tiếp nhận ánh sáng đầy đủ hơn, tinh khiết hơn, chụp ảnh khi thiếu sáng hiệu quả hơn, lên màu được cải thiện.

Các cảm biến độ phân giải siêu cao trên smartphone đều dùng kỹ thuật gộp điểm ảnh khi chụp thiếu sáng

Năm ngoái, hãng nâng cấp lên ISOCELL Plus, thay thế vách ngăn kim loại bằng một vật liệu mới của Fujifilm. Hiện tại chỉ có Samsung sử dụng công nghệ này với cảm biến hình ảnh. Công nghệ này phát huy hiệu quả khi hãng cố thu nhỏ điểm ảnh hơn nữa. Vì kích thước càng nhỏ, lượng ánh sáng điểm ảnh thu được càng giảm, dễ bị nhiễu hơn. Để củng cố thêm chất lượng trong môi trường thiếu sáng, công ty áp dụng kỹ thuật gộp điểm ảnh có tên Tetracell, gom bốn điểm ảnh thành một bằng phần mềm. Điều này khiến độ phân giải bị giảm xuống còn 1/4 so với ban đầu.

Một chuyên gia nhận xét: "Sony đã đi trước với các công nghệ như BSI (BackSide Illumination), thêm nguồn sáng ở mặt sau cảm biến để cải thiện chất lượng trong điều kiện thiếu sáng. Cảm biến xếp chồng ba lớp nhúng DRAM, hay thu nhỏ cỡ điểm ảnh xuống 0,8 micron. Tuy nhiên, Samsung đang cố bắt kịp bằng các công nghệ mới".

Ảnh chụp từ Redmi Note 7 dùng ISOCELL GM1 và Honor View 20 dùng IMX586

Ông Park cho biết: "Một phần ba dân số thế giới đang sử dụng các cảm biến hình ảnh di động của chúng tôi. Và vào cuối năm nay, hầu hết các hãng điện thoại cao cấp sẽ sử dụng camera 64MP". Ông tự tin không mất quá nhiều thời gian để công ty đạt được mục đích của mình, đó là lật đổ Sony. Hiện tại, công việc kinh doanh bán dẫn của công ty đang xuống dốc do biến động giá chip nhớ. Samsung đang nỗ lực mở rộng các mặt hàng khác để không phụ thuộc vào DRAM hay NAND flash, bao gồm cảm biến CMOS, modem 5G, chip cho xe hơi,...

Ambitious Man

Chủ đề khác