VnReview
Hà Nội

Lợi thế thực sự của những con chip AMD mới không phải là sức mạnh, mà chính là nền tảng

Có rất nhiều lý do để AMD tự tin về sức mạnh của những con chip Ryzen mà họ vừa công bố, đặc biệt là bộ xử lý chuyên game 16 nhân mới. Nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện trong sự kiện ra mắt của AMD tại E3.

Lợi thế thực sự của những con chip AMD mới không phải là sức mạnh, mà chính là nền tảng

Khi trả lời câu hỏi tại sao AMD lại thực sự cần một kiến trúc chip chơi game mới, họ xác nhận rằng nó liên quan đến vấn đề đa nền tảng. Rốt cuộc, AMD mới chính là người làm tốt hơn trong việc cung cấp sức mạnh xử lý cho những tựa game hoạt động trên hầu hết các nền tảng khác nhau, thay vì Intel hay NVIDIA.

Radeon ở mọi nơi (Radeon everywhere)

"Radeon ở mọi nơi" chính là khẩu hiệu mới của AMD về đồ họa. Điều này thể hiện tham vọng đã đặt ra từ vài năm trước, nhưng giờ AMD mới có cơ hội để thực hiện nó.

Khi Fortnite đạt được thành công lớn trên hầu hết các nền tảng, như di động, PC và console, đã xuất hiện nhiều sự quan tâm mới hơn về cách duy trì một tựa game có thể hoạt động trên tất cả các nền tảng cùng một lúc. Dựa trên tiền đề đó, AMD đã xây dựng một kiến trúc đồ họa mới, tên là RDNA, với nhiệm vụ chính là khả năng mở rộng. Một tựa game phải có khả năng mở rộng hiệu quả để có thể hoạt động trơn tru trên mọi nền tảng, từ smartphone, PC cho đến dịch vụ stream game bằng cloud.

AMD tự tin tuyên bố rằng chính những bộ xử lý cùng các con chip đồ họa khiến họ hoàn toàn phù hợp với nhiều nền tảng này. Khi một công ty như Sony hay Google gặp các vấn đề liên quan, họ chỉ có một lựa chọn duy nhất để giải quyết, đó là AMD. Đây chính là cách mà AMD có thể đạt được con số 400 triệu thiết bị sử dụng, dù không xuất hiện nhiều như Intel hay NVIDIA.

Dù vậy, rào cản lớn nhất của AMD lại là PC.

NVIDIA và Intel đều đã giữ được một vị trí đặc biệt trong tâm trí của hầu hết các game thủ PC. Sự háo hức của người dùng dành cho dòng RTX của NVIDIA đã giảm xuống, khiển AMD có cơ hội vươn lên, thế nhưng, NVIDIA lại vẫn thống trị Khảo sát phần cứng của Steam. Tình hình này thậm chí còn trở nên tệ hơn ở mảng laptop khi AMD vẫn đang vật lộn để đưa những con chip Ryzen Mobile của mình vào bên trong các cỗ máy xách tay này. Các nhà sản xuất laptop thường không thể chấp nhận rủi to này, thế nên, họ chỉ giới hạn lựa chọn sử dụng AMD cho những phiên bản giá rẻ.

Tuy nhiên, console vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ và những chiếc máy console thế hệ mới lại giúp AMD duy trì được chỗ đứng của mình. Chỗ đứng này không chỉ dừng lại ở PlayStation hay Xbox. Gần đây, Google đã xác nhận rằng hệ thống stream game Stadia của mình sẽ sử dụng các phiên bản phần cứng tùy chính của AMD. Hay ở một chiều hướng khác, AMD đã ký một thỏa thuận cho phép Samsung đưa bộ xử lý đồ họa Radeon của mình lên các thiết bị di động. Thậm chí, AMD còn hợp tác với Apple nhằm hỗ trợ Project Catalyst đưa nhiều tựa game iPad đến Mac.

AMD đã rất nỗ lực hợp tác với nhiều công ty liên quan nhằm đưa những con chip mang thương hiệu của mình vào máy tính và có vẻ như nó đang trở nên khởi sắc hơn rất nhiều. NVIDIA lại đi theo con đường ngược lại. Họ dựa hoàn toàn vào sức mạnh thương hiệu của mình để bán các dịch vụ như dịch vụ stream game GeForce Now hay các phần mềm, thiết bị Shield.

Người dùng có thể không mua những thiết bị sử dụng AMD, thế nhưng, trong tương lai, gaming lại phụ thuộc nhiều vào nó hơn họ nghĩ. Việc duy trì thương hiệu của mình trong đầu những game thủ PC ở hiện tại chỉ là một phần nhỏ không đáng để AMD quá chú trọng.

Minh Hùng theo Digital Trends

Chủ đề khác