VnReview
Hà Nội

Tìm hiểu về thiết bị theo dõi giấc ngủ: cách cải thiện giấc ngủ từ dữ liệu thu được

Theo dõi giấc ngủ (Sleep Tracking) đã không còn là một khái niệm quá xa lạ đối với chúng ta. Xã hội ngày càng phát triển, con người càng chạy đua với công việc đồng nghĩa với việc giấc ngủ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Vì vậy theo dõi giấc ngủ ra đời và phát triển như một tính năng hỗ trợ cải thiện giấc ngủ của mọi người thông qua theo dõi các thông số cơ thể trong khi nghỉ ngơi, cung cấp thông tin hữu ích và đề xuất những gợi ý mang tính khoa học giúp con người có thể cải thiện giấc ngủ của mình.

Hiện nay, theo dõi giấc ngủ đã trở thành một trong những tính năng chính có mặt trên tất cả các thiết bị đeo tay, từ vòng theo dõi vận động giá rẻ cho đến smartwatch cao cấp. Mặc dù các hãng phát triển vẫn đang ngày từng ngày nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm hoàn thiện hơn, tăng độ chính xác và chi tiết, tuy nhiên làm cách nào các công cụ sleep tracking được tích hợp trong thiết bị đeo tay ưa thích của bạn có thể thật sự hoàn thành vai trò của nó – tạo ra những thay đổi rõ ràng và lâu dài trong việc cải thiện giấc ngủ?

Nguyên lý hoạt động của các thiết bị theo dõi giấc ngủ

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều thiết bị theo dõi giấc ngủ và hầu như mỗi thiết bị sử dụng một phương pháp theo dõi khác nhau. Tuy nhiên hầu hết trong số đó sẽ không chỉ "chăm chăm" vào mỗi giấc ngủ của bạn mà thay vào đó tiến hành theo dõi hoạt động của cơ thể trong khi đang ngủ nhằm có những được dự đoán tốt nhất về khoảng thời gian bạn thức giấc, chìm trong giấc ngủ sâu hay thức dậy trong đêm.

Theo dõi chuyển động.;Và tất nhiên, cách đơn giản nhất để một thiết bị đeo tay theo dõi giấc ngủ đó là sử dụng các cảm biến chuyển động – như cảm biến gia tốc chẳng hạn. Chúng sẽ phát hiện các cử động của chúng ta suốt đêm để xác định chính xác thời gian bắt đầu đi ngủ, thời gian chìm vào giấc ngủ, thời gian thức dậy, liệu chúng ta có ngủ ngon hay đang thao thức và không thể yên giấc. Một số cảm biến chuyển động thậm chí có thể cho biết chúng ta đã thức dậy bao nhiêu lần trong đêm (chỉ có trên một vài thiết bị). 

Theo dõi giấc ngủ bằng cảm biến gia tốc là một phương thức đơn giản và cung cấp dữ liệu tương đối chính xác về giấc ngủ của người dùng, tuy nhiên hiện nay chúng đã không còn được sử dụng phổ biến như trước kia bởi các chuyển động trong khi ngủ không phải là yếu tố mấu chốt quyết định bạn có đang ngon giấc hay không.

Vậy nên, nếu thật sự muốn quan tâm đến sức khỏe của bản thân, hãy tìm một thứ gì đó có thể theo dõi được nhịp tim!

Theo dõi nhịp tim. Đa phần các thiết bị theo dõi hay smartwatch thuộc phân khúc cao cấp hiện tại đã có những phương pháp mang tính chuyên nghiệp hơn để góp phần cải thiện giấc ngủ của người dùng, và một trong số đó là hệ thống theo dõi nhịp tim (heart rate monitor).

Hệ thống theo dõi nhịp tim sẽ tiến hành đo nhịp tim của người dùng theo chu kỳ khi họ đang nghỉ ngơi, sau đó sử dụng những dữ liệu đã đo được để xác định các chỉ số như số nhịp đập/phút (BPM), biến thiên nhịp tim (HRV), cũng như nhịp tim nghỉ ngơi (RHR). Các chỉ số trên kết hợp với thuật toán của nhà phát triển sẽ giúp xác định họ đang ở trong trạng thái ngủ hay thức, thậm chí biết được họ đang ở giai đoạn nào của giấc ngủ: vừa chợp mắt (Light Sleep), vào giấc ngủ sâu (Deep Sleep) hay đang ngủ mơ (REM – Rapid Eye Movement).

Điểm mạnh của phương pháp này là giúp chúng ta biết được thời gian nào chúng ta đang ở giai đoạn nào của giấc ngủ. Dữ liệu về các giai đoạn này rất hữu ích vì chúng có thể giải thích tại sao có đôi lúc cơ thể lại cảm thấy uể oải, đồng thời đưa các gợi ý trong việc thay đổi các thói quen, hoạt động hằng ngày hoặc môi trường để có được giấc ngủ ngon hơn.

Các dòng cao cấp mới nhất của Fitbit như Versa, Lonic và Inspire HR đã dựa vào công nghệ đo nhịp tim này để tạo ra đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography) giúp theo dõi giấc ngủ một cách tốt nhất, với tỷ lệ chính xác đo được lên đến 69%.

Ngoài cái tên vàng trong làng sức khỏe Fitbit, chúng ta cũng có thể tìm thấy trên thị trường những thiết bị đeo tay với hệ thống dữ liệu tương đối chi tiết như trên: nhẫn sức khỏe Oura Ring, smartwatch Withings/Nokia Steel, đồng hồ chạy bộ Polar M430 hay những cái tên đã trở nên quen thuộc như Xiaomi Mi Band 3 và Honor Band 4.

Mặc dù Táo Khuyết không quá đầu tư vào công cụ theo dõi giấc ngủ "chính chủ" trên các dòng Apple Watch, tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng các ứng dụng từ nhà phát triển bên thứ ba như Pillow Automatic Sleep Tracker hoặc AutoSleep, với giao diện dễ sử dụng và độ chính xác cao.

Công nghệ BCG. Trên thị trường hiện nay đang có một số nhà phát triển tạo ra các thiết bị sử dụng phương pháp đo nhịp tim khác bằng cách theo dõi các hoạt động của người dùng khi đang ngủ thông qua công nghệ mang tên ballistocardiography (BCG). Vì chỉ theo dõi nhịp tim thông qua hoạt động của cơ thể mà không cần phải tiếp xúc với da, nên nó sẽ được cấu tạo như một tấm vải dài trang bị các cảm biến và đặt dưới ga trải giường, mang lại sự thoải mái hơn khi sử dụng các loại vòng đeo tay.

Apple đang là ông lớn đi đầu trong công nghệ này với Beddit Sleep Monitor giúp theo dõi nhịp tim, hơi thở, tiếng ngáy và nhiệt độ phòng của người sử dụng. Ngoài ra còn có Withings Sleep với các chức năng như Beddit và bổ sung thêm quá trình theo dõi rối loạn hô hấp của người dùng, giúp xác định dấu hiệu ngưng thở bất thường trong khi ngủ.

Tính năng theo dõi hơi thở trong khi ngủ hiện chỉ có mặt trên các thiết bị BCG và một số loại đeo tay thuộc phân khúc cao cấp như Fitbit Versa và Fitbit Charge 3, trang bị cảm biến 3 bước hỗ trợ theo dõi chỉ số SpO2 – độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi – giúp phát hiện kịp thời tình trạng thiếu oxy và ngưng thở đột ngột.

Mặc dù các thiết bị nêu trên có thể cùng lúc theo dõi rất nhiều dữ liệu của cơ thể và cung cấp các biểu đồ rất chi tiết trong quá trình bạn nghỉ ngơi, tuy nhiên những thông tin đó dường như quá chi tiết và mang tính chuyên môn, gây khó hiểu cho những ai chỉ muốn cải thiện giấc ngủ một cách đơn giản. Mặc khác Beddit hay Withings Sleep là những sản phẩm chỉ được tạo ra với nhiệm vụ duy nhất là theo dõi giấc ngủ của người dùng, vì vậy nếu còn có những mối quan tâm khác như kiểm tra sức khỏe khi hoạt động hoặc tập thể dục, thì tốt nhất bạn vẫn nên trung thành với các thiết bị đeo tay của mình.

Làm cách nào có thể cải thiện giấc ngủ bằng thiết bị theo dõi?

Như đã đề cập ở trên, mỗi thiết bị sẽ đưa ra các chuỗi thông tin khác nhau về giấc ngủ của chúng ta: thời gian ngủ/thức, đang ở trong giai đoạn nào của giấc ngủ hay nhiều thông tin cụ thể khác. Tuy nhiên liệu những thông tin này có thật sự giúp cải thiện giấc ngủ của bạn?

Xây dựng nhận thức. Đúng như vậy, theo dõi giấc ngủ góp phần giúp chúng ta nhận thức rõ hơn tình trạng sức khỏe của mình, và dựa vào đó để chúng ta có thể điều chỉnh thói quen, hành vi và những yếu tố khác để cải thiện giấc ngủ. "Theo dõi bất kỳ khía cạnh nào của sức khỏe, cho dù đó là giấc ngủ, chế độ ăn uống, tập thể dục hay bất cứ điều gì khác, đều có thể dẫn đến những thay đổi", tiến sĩ Grandner, trưởng khoa Hành vi Giấc ngủ tại đại học Arizona cho biết. "Bạn có thể kịp thời nhận biết được các dấu hiệu, xác định các vấn đề xảy ra với cơ thể mà trước đó bạn không hề để ý."

Ví dụ: Gặp phải tình trạng khó ngủ và quá trình theo dõi giấc ngủ cho biết bạn thường hay thức dậy vào ban đêm, nhờ đó bạn có thể điều chỉnh thói quen của mình như thực hiện một vài phương pháp ngủ khác nhau, hoặc đi ngủ sớm để có được giấc ngủ sâu hơn – đó là những thay đổi khá đơn giản mà tự chúng ta có thể tự thực hiện.

"Sử dụng công cụ theo dõi có thể giúp mọi người xác định được vấn đề và cải thiện giấc ngủ của họ.", tiến sĩ Kelly Baron, phó giáo sư lĩnh vực Sức khỏe Gia đình và Y học Dự phòng tại đại học Utah, cho biết. "Nhờ sử dụng thiết bị theo dõi, tôi phát hiện nếu mình không đi ngủ trước 10h30 tối, thì sẽ không bao giờ được tròn giấc 7 tiếng mỗi ngày. Điều này có vẻ như dễ nhận biết, tuy nhiên từ trước tới nay tôi lại hoàn toàn không để ý cho đến khi sử dụng nó".

Có thể thấy, xây dựng nhận thức của con người đóng vai trò chính trong việc cải thiện giấc ngủ. Vì vậy chúng ta không cần phải sử dụng một thiết bị quá chuyên nghiệp để theo dõi giấc ngủ của mình. Đôi khi một thiết bị theo dõi sức khỏe chỉ cần theo dõi thời gian ngủ cũng đã giúp ích rất nhiều. Nếu sử dụng các loại vòng tay hay smartwatch thể hiện cho chúng ta quá nhiều dữ liệu mỗi buổi sáng, thì sẽ phải mất kha khá thời gian để có thể nghiên cứu và hiểu được chúng – điều không hề cần thiết nếu chúng ta chỉ gặp phải các vấn đề đơn giản đối với giấc ngủ của mình.

Tạo ra những thay đổi. Nhận thức thôi vẫn chưa đủ, bạn cần phải thật sự hành động. Hãy luôn luôn theo sát dữ liệu về giấc ngủ của mình, lập nên một danh sách các công việc nên làm, không nên làm để cải thiện giấc ngủ và quyết tâm thực hiện cho bằng được điều đó.

"Bạn cần ưu tiên giấc ngủ của mình và hãy sắp xếp lại mọi công việc để tận dụng thời gian cho giấc ngủ.", tiến sĩ Baron chia sẻ. "Tôi nghĩ một công cụ theo dõi thật sự hữu ích khi nó có thể thấy được những cố gắng của bạn và khuyến khích thay đổi." Nghĩa là, các thiết bị theo dõi sẽ không chỉ giúp bạn nhận ra các thói quen và hoạt động cần thay đổi, mà chúng còn có tác dụng khuyến khích khi cho chúng ta thấy được những nỗ lực thay đổi ngày qua ngày đang dần mang lại một giấc ngủ dài hơn và chất lượng hơn.

Dữ liệu thu thập được trong quá trình nghỉ ngơi cực kỳ quan trọng, vì vậy hãy cân nhắc lựa chọn thiết bị đeo có các ứng dụng thể hiện biểu đồ theo cách trực quan và phù hợp nhất với mỗi cá nhân. Ví dụ như Fitbit thể hiện biểu đồ với đa dạng màu sắc và màn hình đơn giản. Oura Ring sử dụng giao diện tối, tập trung vào các biểu đồ cột, trong khi Garmin Connect có xu hướng thể thao và dữ liệu chi tiết hơn.

Cho dù lựa chọn bất kỳ thiết bị ưa thích nào đi chăng nữa, thì máu chốt của vấn đề ở đây chính là sự quyết tâm thay đổi của bản thân – điều mà không có một thiết bị nào có thể "gánh vác" thay cho bạn, đặc biệt là những hoạt động từ lâu đối với chúng ta đã trở thành một thói quen.

Ngày càng hiểu biết. Các chuyên gia khi được hỏi đều cho rằng một sản phẩm theo dõi giấc ngủ tốt, ngoài việc nâng cao nhận thức của người dùng, chúng cần phải cung cấp được các thông tin chi tiết trong ứng dụng, dữ liệu cá nhân hay thậm chí là các mẹo hoặc đề xuất – những yếu tố mà hiện nay chỉ có một vài thiết bị (hoặc ứng dụng) đáp ứng đầy đủ.

"Một vài ứng dụng giờ đây không chỉ cung cấp các phản hồi mang tính cứng nhắc", tiến sĩ Grander cho biết. "Chúng tận dụng triệt để mọi dữ liệu của người dùng, phân tích và đưa ra những gợi ý thay đổi hành vi ngày càng tốt hơn."

Tính năng theo dõi giai đoạn giấc ngủ của Fitbit hiện nay đang cung cấp các phản hồi khá hữu ích đối với người dùng, cho biết lý do tại sao họ có thể ở trong một số giai đoạn nhất định của giấc ngủ, và cần phải làm gì để thay đổi/cải thiện điều đó. Tính năng "benchmark" đặc trưng trên các dòng Fitbit cũng rất tiện dụng, giúp so sánh các thông số trung bình các giấc ngủ trong vòng 30 ngày của chúng ta so với những người có nét tương đồng về độ tuổi, cân nặng, lối sống….

Tiếp cận toàn diện. Đa số người dùng hiện nay đều lựa chọn các thiết bị không chỉ tập trung vào theo dõi giấc ngủ, mà còn theo dõi hoạt động của cơ thể trong suốt một ngày dài, như thể lực, nhịp tim, chế độ ăn uống và căng thẳng – những yếu tố tưởng chừng như không liên quan nhưng thực chất có mối liên kết chặt chẽ đến chất lượng giấc ngủ ban đêm của con người.

Oura Ring là một trong số ít các thiết bị trên thị trường sử dụng cách tiếp cận toàn diện này, cho thấy tại sao các mức độ hoạt động và tâm trạng của chúng ta trong ngày có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm, đồng thời cung cấp những biểu đồ trực quan để gợi ý những thói quen hằng ngày mà chúng ta cần phải chú ý hơn. Các chuyên gia hi vọng, thiết bị như Oura Ring sẽ là tương lai của chăm sóc sức khỏe, mang lại nhiều hữu ích hơn cho người dùng.

"Các thiết bị theo dõi cần cho thấy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa hoạt động và giấc ngủ", Dr Baron giải thích. "Tương quan giữa giấc ngủ với chế độ ăn uống, tập dể dục, và thậm chí là các hoạt động hay vị trí của họ trong xã hội".

Kỳ vọng và thực tế

Cuối cùng, chúng ta cần phải hiểu rõ một điều rằng, các thiết bị theo dõi giấc ngủ trên thị trường hiện nay dù ở phân khúc nào đi nữa thì mục đích chính của chúng chỉ là theo dõi. Vì vậy cần phải xác định rõ chiếc vòng sức khỏe mà mình đang đeo trên tay hay tấm vải đang để dưới nệm có thể làm được gì cho chúng ta.

"Khả năng hỗ trợ của một thiết bị phụ thuộc vào việc bạn quyết định sử dụng chúng để làm gì", tiến sĩ Grandner cho biết. Điều đó có nghĩa là bạn cần phải rõ ràng về những mong muốn cần đạt được từ các thiết bị theo dõi – bạn có muốn biết tại sao lại cảm thấy chậm chạp không? Bạn có quan tâm đến việc tối ưu hóa hoạt động và giấc ngủ và chỉ muốn hiểu rõ tình trạng của mình? Hay bạn thật sự lo ngại mình đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng với giấc ngủ đêm?

Một lưu ý nữa, đó chính là đừng quá tin tưởng hoàn toàn vào thiết bị theo dõi sức khỏe mà bạn đang sử dụng. Chúng sẽ rất có ích nếu bạn muốn có một cái nhìn tổng quát về sức khỏe cơ thể và giấc ngủ của mình, tuy nhiên các thuật toán hiện nay vẫn luôn là một bí mật và tính chính xác của chúng vẫn chưa thật sự được kiểm chứng. Vì vậy nếu chiếc smartwatch bạn đang đeo thông báo rằng bạn đã ngủ được X giờ, thì không có nghĩa đó là con số hoàn toàn đáng tin.

Xu hướng phát triển các thiết bị theo dõi giấc ngủ trong tương lai – như đã nói ở trên – là tập trung vào cá nhân hóa người dùng, cung cấp thông tin chính xác cho mỗi người và đưa ra các khuyến nghị mang tính thay đổi dài hạn.

"Tôi nghĩ một vài năm nữa, các nhà sản xuất sẽ vẫn tiếp tục cải thiện tính chính xác của dữ liệu" , Grandern cho biết. "Đồng thời các công cụ hành vi sẽ được phát triển và tích hợp vào hệ thống theo dõi để có thể hỗ trợ mọi người hoàn thiện giấc ngủ của họ, ngoài việc chỉ phân tích dữ liệu từ chúng."

Quang Minh (theo Wareable)

Chủ đề khác