VnReview
Hà Nội

Đi trước Sony và Samsung, công ty Trung Quốc ra mắt TV LCD ‘dual-cell’ đầu tiên trên thế giới

Một trong những lần hiếm hoi, Trung Quốc vượt mặt các hãng TV đến từ Nhật và Hàn trong công nghệ hiển thị. Công nghệ ‘dual-cell' của họ hứa hẹn sẽ đối đầu sòng phẳng với OLED.

Sau khi trình diễn nguyên mẫu TV ‘dual-cell' hồi đầu năm nay, công ty Trung Quốc Hisense vừa chính thức trình làng mẫu U9E tại quê nhà áp dụng công nghệ này. Trong khi các công nghệ gần đây được Samsung, Sony, LG đẩy mạnh gồm có 8K, chấm lượng tử, OLED,... hãng đem đến bất ngờ đáng chú ý nhất là LCD ‘dual-cell'.

TV thương mại đầu tiên dùng màn hình LCD ‘dual-cell'

Màn hình;Flanders Scientific có giá 45.000 USD, tấm nền LCD dual-cell của Panasonic, dùng trong studio

Ý tưởng về công nghệ LCD dual-cell đã tồn tại từ lâu trong ngành công nghiệp. Vào năm 2017, Panasonic trở thành hãng đầu tiên chính thức thương mại hóa công nghệ này. Tấm nền LCD của hãng có độ sâu màu đen và độ tương phản sánh ngang với OLED, với chìa khóa là dual-cell. Tuy nhiên, vì giá thành đắt đỏ nên công ty Nhật chỉ sản xuất trên quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp cho các hãng Eizo, Sony, Flanders Scientific làm studio monitor có giá từ 20.000 đến 45.000 USD. Đây là phân khúc màn hình siêu cao cấp dành cho giới studio, chất lượng hiển thị ở một đẳng cấp khác so với các màn hình và TV cao cấp vài ngàn USD.

Công nghệ dual-cell còn có nhiều tên gọi khác như BD cell, dual-layer, dual-stack, dual LCD,... Được xem là một trong những mấu chốt để đưa độ tương phản, độ sâu màu đen của màn hình LCD lên tiệm cận OLED, trong khi vẫn duy trì ưu thế về độ sáng. Về cơ bản, màn hình sẽ có hai module LCD ở trong. Một module ở trên/trước để điều chỉnh màu sắc, một module monochrome ở dưới/sau để điều khiển làm mờ ánh sáng. Điều này giúp cải thiện tương phản và kiểm soát ánh sáng một cách vượt bậc.

Mẫu U9E (ở giữa) là TV thương mại đầu tiên sử dụng tấm nền LCD dual-cell

Cải thiện chất lượng hình ảnh vượt trội so với LCD truyền thống

Tiến sĩ Liu Weidong, trưởng nhóm nghiên cứu của Hisense, cho biết bên cạnh áp dụng công nghệ phần cứng tiên phong, TV còn có công nghệ lõi khác của Hisense. Họ sử dụng 5 con chip để điều khiển cùng lúc phần đèn nền, phần kiểm soát ánh sáng và phần hiển thị màu, với thuật toán độc quyền công ty tự phát triển. Theo Yan Guiguan, một quan chức tại cơ quan thanh tra Trung Quốc, mẫu TV LCD U9E dual-cell có thể đạt đến độ tương phản tĩnh 150.000:1, với đỉnh sáng, gam màu, chất lượng hình ảnh không hề thua kém công nghệ OLED.

Giá bán đắt hơn cả TV Sony cùng cỡ

TV sẽ bán ra ở Trung Quốc với các cỡ 55, 65 và 75 inch. Giá bán cho kích thước 65 inch là 2.600 USD, đắt hơn cả TV LCD của Sony cùng cỡ màn hình. Trong khi hai cỡ 55 và 75 inch sẽ bán ra vào năm sau. Đại diện Hisense chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ muốn bán TV đắt hơn Sony. Chúng tôi còn muốn dẫn dắt ngành công nghiệp TV Trung Quốc lên phân khúc cao cấp". Bộc lộ rõ tham vọng lấn sân lên tầm giá cao hơn, vốn là nơi bị Samsung, Sony thống trị.

Hisense muốn dẫn dắt ngành công nghiệp truyền hình Trung Quốc vươn lên tầm cao

Với việc thương mại hóa công nghệ dual-cell lên TV đầu tiên, Trung Quốc cho thấy rõ nỗ lực của họ. Đáng chú ý, mẫu TV đầu tiên này được báo cáo là nỗ lực của phòng R&D Hisense với BOE Technology, hãng màn hình lớn nhất Trung Quốc. Đây là một chiếc TV có công nghệ "thuần Trung Quốc" mà do họ tự nghiên cứu, phá vỡ "nút thắt cổ chai" về kỹ thuật mà lâu nay các hãng truyền hình Trung Quốc vướng phải. So với các hãng đồng hương như Xiaomi, Konka,... Hisense là hãng đầu tiên cung cấp các TV cao cấp cạnh tranh với thương hiệu Nhật, Hàn.

Ambitious Man

Chủ đề khác