VnReview
Hà Nội

Ra mắt HarmonyOS, liệu Huawei có thể thoát khỏi "vòng lặp" đã giết chết Windows Phone, Tizen hay Firefox OS?

Vào khoảng đầu năm 2019, thị trường công nghệ bắt đầu rộ lên tin đồn rằng gã khổng lồ công nghệ Huawei đang làm việc cật lực để tạo ra một hệ điều hành của riêng mình, một bước đi khá đúng đắn nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào Google – tập đoàn sẽ ngay lập tức cắt đứt quan hệ với các sản phẩm của Huawei mỗi khi chính quyền Mỹ áp đặt các "lệnh trừng phạt".

Giờ đây, hệ điều hành đó đã chính thức có mặt trên thị trường với tên gọi HarmonyOS do Huawei phát triển, với những đổi mới khá thú vị, sáng tạo, và được trang bị tất cả các tính năng mà một hệ điều hành hiện đại ngày nay nên có. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đủ để có thể thay thế Android.

Nhắc lại một chút, HarmonyOS chính thức ra mắt lần đầu tiên tại hội nghị nhà phát triển Huawei tại Đông Quan, Trung Quốc, nơi Richard Yu, giám đốc điều hành của bộ phận tiêu dùng đã nói về tiềm năng rộng lớn của nó :;"Chúng tôi tự hào rằng đã tạo ra một hệ điều hành có thể hoạt động trong mọi trường hợp, sử dụng được trên một loạt các thiết bị và nền tảng, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dùng với độ trễ thấp và bảo mật cao".

Phải công nhận một điều rằng, HarmonyOS đã thành công khi xây dựng một hệ điều hành mã nguồn mở có thể tương thích với nhiều thiết bị, bao gồm cả điện thoại thông minh, TV thông minh, đồng hồ thông minh và có thể trong tương lai là các thiết bị IoT (Internet of Things). Kiến trúc vi nhân của nó rất nhẹ, và quan trọng hơn, là không có bất kỳ sự kế thừa nào từ nhân Linux – thứ làm nên nền tảng cho Android. Ngoài ra, hệ thống "Deterministic Latency Engine" được trang bị trên HarmonyOS có khả năng xác định những tác vụ cần ưu tiên để đạt hiệu năng tối đa, giúp giảm độ trễ trong ứng dụng khoảng 25,7% so với hệ điều hành Android truyền thống.

Tuy nhiên, Richard Yu khẳng định rằng Huawei vẫn sẽ tiếp tục trung thành với Android trong tương lai, nếu những căng thẳng về chính trị không lên đến mức "đỉnh điểm" tương tự như những tháng gần đây.

"Trong trường hợp không thể sử dụng Android trong tương lai, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển sang HarmonyOS", Yu cho biết.

Thật ra, mọi chuyện hoàn toàn không đơn giản như chúng ta nghĩ.

Tất nhiên chúng ta hoàn toàn không có lý do gì để nghi ngờ về khả năng đưa HarmonyOS lên smartphone của Huawei. Chưa kể, các kênh truyền thông chính thống Trung Quốc cũng đã xác nhận rằng hiện tại một số phiên bản điện thoại đã được thử nghiệm hệ điều hành mới của công ty, tuy nhiên hệ điều hành không phải là một nhân tố chủ đạo khiến cho một thiết bị trở nên có ích hay không, mà là các ứng dụng. Nếu không có chúng, HarmonyOS hay bất cứ hệ điều hành nào khác sẽ hầu như vô dụng. Và mặc dù Huawei tuyên bố rằng họ đã đầu tư hàng tỷ đô la để kêu gọi các nhà phát triển tạo ra kho ứng dụng cho Harmony, tuy nhiên rất khó để việc này có thể thành công trong thời gian ngắn.

Nhà phát triển cũng có thể nghĩ đến khả năng tận dụng những ứng dụng đã có sẵn trên cửa hàng Android và chuyển sang HarmonyOS. Một vấn đề khác lại nảy sinh, khi hầu hết các ứng dụng Android đều được viết trên API riêng, vì vậy bất kỳ dòng lệnh nào liên quan đến camera, cảm biến vân tay, camera AR, mic thoại, cảm biến tiệm cận, hay thậm chí là các tiêu chuẩn bảo mật và quyền riêng tư đều sẽ phải thay đổi, có khi còn khó khăn hơn việc tạo ra một ứng dụng hoàn toàn mới.

Và tất cả những yếu tố trên sẽ khiến Harmony trở thành hệ điều hành rất "kén khách hàng", đặc biệt là khi smartphone sẽ không phải là thiết bị trọng tâm mà Harmony hướng đến. Có thể Huawei vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại quê nhà Trung Quốc, tuy nhiên mục tiêu chính của họ là tham vọng toàn cầu. Trên phương diện quốc tế, HarmonyOS sẽ phải đối mặt với một vòng lặp vấn đề lớn – thứ đã gây ra thất bại toàn diện với điện thoại chạy Window Phone và Tizen, hay các hệ điều hành khác đã từng đặt mục tiêu cạnh tranh với Android và iOS trong quá khứ: Kho ứng dụng nghèo nàn, vì vậy không một ai mua các sản phẩm của họ, dẫn đến các nhà phát triển không quan tâm đến việc phát triển ứng dụng trên hệ điều hành này, và vì vậy kho ứng dụng nghèo nàn… Nếu Huawei không mau chóng thoát khỏi vòng lặp này, thì cuối cùng họ cũng sẽ có kết cục bi thảm như vậy.

Một vấn đề khác cần xem xét, đó là khả năng tạo ra một ứng dụng hoạt động trên nhiều thiết bị của Huawei, tuy nhiên tính linh hoạt như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của chúng.

"Để có thể hoạt động ở bất cứ đâu, bạn sẽ phải lựa chọn bỏ qua những lợi thế riêng đặc biệt của mỗi thiết bị", Michael Facemire, chuyên gia phân tích tại trung tâm nghiên cứu Forrester, cho biết. "Ví dụ, khi tôi muốn một ứng dụng cần phải hoạt động tốt trên điện thoại và TV, hoặc là tôi phải tạo ra một lượng lớn conditional logic – thực chất là tạo ra hai giao diện người dùng riêng biệt – hoặc chỉ tạo ra những phần chung tương đồng giữa hai thiết bị, khiến giao diện người dùng của cả hai trở nên nghèo nàn, mang lại trải nghiệm kém".

Google Fuchsia là cái tên đáng để đem ra so sánh với HarmonyOS ở thời điểm hiện tại, khi cả hai đều là hệ điều hành mã nguồn mở và sử dụng kiến trúc vi nhân. Tương tự như HarmonyOS, Fuchsia được xây dựng để hoạt động trên các thiết bị IoT và các thiết bị được kết nối khác. Tuy nhiên trải qua gần 3 năm tồn tại và phát triển, đứa con tinh thần của Google vẫn chưa đủ khả năng để trở thành một hệ điều hành hoàn chỉnh trên smartphone.

HarmonyOS hoàn toàn xứng đáng để trở thành một gương mặt đại diện cho thế hệ hệ điều hành tiếp theo trong tương lai. Nó sẽ có chỗ đứng trong mọi thứ, từ hệ thống công nghiệp đến các thiết bị màn hình thông minh. Và với những căng thẳng kéo dài với Mỹ như hiện tại, Huawei rõ ràng đã có quyết định đúng đắn khi tự tạo ra một hệ điều hành có thể hoạt động trên các phần cứng đã có nguồn gốc phương Tây từ rất lâu. Nhưng vẫn có một số lý do khiến Yu nhấn mạnh rằng Android vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của Huawei. Dù sao đi nữa, kế hoạch dự phòng vốn chỉ nằm trên giấy tờ giờ đã trở thành sự thật, và tham vọng của tập toàn tỷ đô này thật sự sẽ không phải là điều mà chúng ta có thể xem thường.

Quang Minh (Theo Wired)

Chủ đề khác