VnReview
Hà Nội

Forbes đánh giá hai TV 8K của LG: OLED thực sự choáng ngợp, còn LCD lại quá tầm thường

LG đã "mạnh miệng" tuyên bố bán ra hai chiếc TV 8K đầu tiên của mình, một dùng LCD và chiếc còn lại là OLED. Họ gọi chúng là "TV 8K thực", liệu chất lượng hình ảnh có tương xứng tuyên bố đánh thép này?

Forbes đã thực hiện bài đánh giá hai sản phẩm 8K đầu tiên của LG. Trong năm 2019, thị trường TV chuyển dịch theo xu hướng 8K với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất. Samsung đang là hãng dẫn đầu và người đồng hương LG đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua. Với hai mẫu LCD SM9970 75 inch và OLED Z9 88 inch, đều có độ phân giải 8K, chúng ta sẽ xem liệu LG có thuyết phục nhiều hơn đối thủ Samsung hay không.

LG cũng nhảy vào đường đua 8K với Samsung;

Họ may mắn có cơ hội so sánh trong điều kiện rất tốt. Cả hai chiếc được đặt cạnh cùng QLED Q950R 75 inch của Samsung, trong một phòng nghiên cứu của chính LG ở Đức. Màn đối đầu trực tiếp diễn ra qua việc tự do lựa chọn nguồn nội dung bởi chính tay nhà báo Forbes. Tin không vui với những ai hâm mộ LG, trong hai chiếc 8K thì một có chất lượng hiển thị tuyệt đẹp nhưng lại quá đắt, một có mức giá hợp lý hơn nhưng hình ảnh lại không tương xứng.

8K vẫn còn quá sơ khai!

Cả hai đều trang bị bốn cổng HDMI 2.1 băng thông tối đa, cho phép tiếp nhận nguồn 8K HDR lên đến 60fps. Tuy nhiên, Forbes lưu ý với tất cả những ai đang định mua TV của LG, hiện tại chưa có nguồn 8K nào bên ngoài có thể khai thác được các cổng này. Nội dung mà tác giả sử dụng được lấy qua cổng USB ở tốc độ 24fps. Các dịch vụ streaming truyền thống Amazon Prime, Netflix vẫn chưa có kế hoạch với 8K. Ngay cả Apple, Disney, HBO cũng chưa đưa ra lộ trình cụ thể nâng cấp lên 8K.

Các TV LG cần đến một hộp giải mã bên ngoài để xử lý nguồn video 8K

Một ngạc nhiên nữa là LG cung cấp một hộp giải mã tín hiệu 8K ở bên ngoài TV. Kết nối qua cổng USB và dùng một cổng HDMI làm đầu vào. TV sẽ dùng nó để phát các nguồn 8K bất kể từ USB, mạng cáp hay dịch vụ streaming. Nếu không có hộp giải mã tín hiệu này, thậm chí TV cũng không thể phát bất kỳ nội dung nào ở đúng định dạng 8K. LG nói đây là cách giúp TV tương thích tốt nhất với tương lai 8K ở phía trước, nhưng nó vẫn thật kỳ cục.

Hãng ra mắt TV 8K trong khi không tích hợp cho nó đủ sức mạnh để phát nội dung 8K. Ngay cả một tấm ảnh JPEG 8K cũng cần đến hộp bên ngoài để hiển thị đầy đủ! Thực ra thì cả Samsung và Sony cũng chưa hoàn hảo lắm - chẳng có TV 8K nào trọn vẹn ở thời điểm hiện tại. Ví dụ không hỗ trợ phát video 8K trên Youtube, nhưng ít ra TV của Samsung và Sony vẫn có thể hiển thị ảnh tĩnh và một số định dạng video chất lượng 8K qua USB hay dịch vụ streaming. Không bắt buộc phải sử dụng một hộp gắn ngoài như LG yêu cầu.

LG đang chỉ trích các mẫu TV QLED năm 2019 không cung cấp đầy đủ độ phân giải 8K

Trước khi nói về hình ảnh của các TV LG, hẳn các bạn đều biết công ty đã lên tiếng tố cáo Samsung gần đây. Họ cho rằng Samsung đang bán các TV 8K không đạt chuẩn và tiếp thị bằng tên "TV QLED" cũng là vô nghĩa, dễ gây hiểu nhầm. Chuyện đó đã gây xôn xao trong ngành công nghiệp. Bây giờ khi nhận xét chất lượng các TV LG và nhất là đối chiếu với đối thủ Samsung bên cạnh, khó tránh khỏi tò mò muốn kiểm chứng những tuyên bố từ phía LG trước đó.

TV OLED 8K đầu tiên trên thế giới

Ấn tượng đầu tiên của Forber có thể mô tả bằng từ "choáng ngợp" (gobsmacking). Chúng ta đã nói nhiều về cách kiểm soát ánh sáng chính xác đến từng điểm ảnh của OLED. Nhưng khi thấy Z9 trình diễn, tác giả Forbes vẫn không khỏi kinh ngạc. Cái cách mà ánh đèn ô tô sáng lên dưới trên con phố trong màn đêm lung linh, thật tuyệt đẹp. Các chi tiết sáng nổi bật và vùng tối được kiểm soát chặt chẽ. Thật không còn gì để chê!

Các cảnh về trở nên lung linh hơn bao giờ hết trên màn hình OLED 8K

Để công bằng, mẫu QLED của Samsung vẫn rất ấn tượng. Độ sáng tổng thể cao hơn, màu đen và các chi tiết cũng rất mạnh mẽ vượt xa nhiều mẫu LCD hiện nay. Trong một phép đo với cửa sổ trắng bằng 10% diện tích màn hình, TV Samsung đạt đỉnh sáng hơn 1.500 nit còn LG OLED chỉ là 720 nit. Thành thực mà nói thì OLED vẫn xuất sắc hơn, nhưng không có nghĩa TV QLED hiển thị dở tệ.

Trải nghiệm nội dung 8K nguyên bản được chiếu trên một màn hình 8K nguyên bản, với mỗi điểm ảnh có thể tự kiểm soát phát sáng, là một thứ lạ lùng chưa từng có trước đây. Thậm chí nếu nguồn video được xử lý HDR tốt, có lẽ nó còn hiển thị đẹp hơn trên màn hình OLED so với nhìn ra ngoài cửa sổ! Việc tăng kích thước lên 88 inch cũng khiến cảm nhận trở nên thực tế hơn. Một phần bởi nó rất lớn nên không có cảm giác đang nhìn qua "màn hình". Phần nữa là với độ phân giải 8K, hình ảnh sắc mịn không thể soi ra khiếm khuyết nào.

Điều khiển từ xa trên Z9, cực kỳ sang chảnh

Về góc nhìn, tất nhiên OLED vẫn thoải mái hơn LCD. Nhưng ở đây Forbes lưu ý thêm về trường hợp của Samsung. Bằng mắt thường, khi bạn tiến lại gần thì có chút hiện tượng mờ nhẹ ở rìa các đối tượng trên màn hình QLED 8K, trong khi với LG thì vẫn sắc nét. Ví dụ khi nhìn vào cạnh của mái nhà, đỉnh một dãy đồi ở xa. Khi dừng hình với nguồn nội dung 8K, bạn cũng thấy rõ có những vệt điểm ảnh không mong muốn chạy trên mỗi phần hình ảnh.

Điều này không xuất hiện trên phần tương tự của TV LG OLED, lẫn trên mẫu LCD 8K kia, củng cố thêm luận điểm của họ. Nhưng cần phải có sự so sánh thật gần và thật chăm chú. Ví dụ ở một khung hình có nhóm người đi bộ đằng xa, trên TV LG thấy rất rõ và cho thấy họ bé nhỏ như thế nào. Nhưng ở trên TV Samsung, nó giống như một nhúm các điểm ảnh có màu sắc khác nhau, không giống một nhóm người.

Khi soi xét khắt khe, nhiều trường hợp cho thấy chi tiết bị pha loãng trên màn hình 8K của TV Samsung 

Khả năng upscale với nguồn 4K cũng rất tốt, mặc dù trông hiển thị vẫn không đẹp bằng nguồn 8K nguyên bản. Tuy vậy, nâng cấp tín hiệu cũng giúp hình ảnh trở nên sắc nét hơn. Trong một phân đoạn của phim Blade Runner 2049 do Sony Pictures phát hành, đã đoạt giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, càng cho thấy vượt trội về mặt chi tiết của OLED so với LCD. Sa mạc cát hiện lên trên Z9 rõ ràng sắc nét hơn hẳn đối thủ Samsung QLED 8K. Nhiều lần xem xét khác cũng cho kết quả tương tự.

Mẫu LCD của Samsung dù có màu đen và độ tương phản rất ấn tượng, nhưng nó vẫn không triệt tiêu được hiện tượng quầng sáng của các vật thể ở trên nền đen. Để xử lý, Samsung giảm bớt cường độ ánh sáng để màu đen không bị mất mát quá nhiều. Người lại, LG OLED hiển thị sâu hơn, hình ảnh nổi khối, tương phản gắt hơn, do không cần đánh đổi gì cả. 

LG OLED Z9 là TV hiển thị đẹp nhất tác giả Forbes từng trải nghiệm, nhưng giá lên đến 30.000 USD

Điều cuối cùng là dường như có vết gì đó lờ mờ trên màn hình OLED. Có sự thay đổi rất nhẹ ở màu sắc ở một vệt ngang chạy xuyên qua phần dưới màn hình. Dường như đây là biểu hiện của lưu ảnh, khi thanh menu hiện ra nhiều lần và đã hằn lên, kể cả khi bạn không gọi chúng ra. Thực sự, với cái giá lên đến 30.000 USD thì Z9 là một TV rất tuyệt vời nhưng bạn chỉ có thể ngắm nó từ xa mà thôi.

TV LCD 8K chưa như kỳ vọng

Ban đầu thì mọi chuyện có vẻ tốt đẹp. TV LCD của Samsung sẽ không cung cấp chi tiết nhiều như của LG, trong khi phần mềm WebOS khá mượt và phản hồi nhanh. Nó có cùng bộ xử lý tín hiệu như của mẫu OLED, mức giá rẻ hơn nhiều lần chỉ 5.000 USD, lại không có nguy cơ bị burn-in. Có vẻ là một sự thay thế hợp lý, phải không?

Nói về màu sắc trước, Forbes đã bị mẫu TV NanoCell của LG làm cho bất ngờ. Khi hiển thị video HDR, chúng có độ bão hòa màu vượt trội hơn rõ QLED từ Samsung. Dường như công nghệ cải thiện góc nhìn trên các mẫu TV 2019 không chỉ giảm độ phân giải, cả bão hòa màu cũng bị giảm theo.

Bên trái là TV Samsung, bên phải là TV LG, bạn có tin chiếc bên phải trị giá 5.000 USD?

Thuật toán điều khiển làm mờ cũng rất khác nhau. Trong khi Samsung muốn tránh quầng sáng nên hạ độ sáng của vật thể xuống, phía LG không can thiệp tương tự. Về độ sáng, sản phẩm của LG thua kém khi chỉ đạt 1.100 nit, còn Samsung là 1.500 nit như đã nói ở trên. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì LG đã phạm sai lầm lớn. TV của họ trông rất "thảm hại" với những cảnh có ánh sáng phức tạp, điều mà Samsung muốn tránh. Nhưng nếu bạn muốn tránh hiện tượng quầng sáng loang lổ, tắt làm mờ cục bộ đi không khiến mọi chuyện tốt hơn.

Màu đen sẽ ngả thành xám đen, trông như TV rẻ tiền vậy. Phá hủy hoàn toàn độ nổi khối của hình ảnh, các chi tiết tại vùng tối mờ nhạt đi. Đây là một điều rất khó chấp nhận khi SM9970 có giá 5.000 USD. Kiểm soát ánh sáng đèn nền không như kỳ vọng, còn nếu tắt làm mờ cục bộ, tiếp theo bạn sẽ muốn… tắt TV. Thêm vào đó, tấm nền IPS mà LG ưa dùng vốn có tương phản và màu đen kém, khiến hình ảnh thiếu chiều sâu hơn. Và cuối cùng, hệ thống đèn nền của SM9970 chỉ có 112 vùng làm mờ, kém xa hơn 400 vùng của TV Samsung 8K.

Hai TV 8K mới của LG: OLED thì quá đắt, còn LCD lại quá tầm thường

Kết luận

Sau khi đánh giá và so sánh, Forbes rút ra vài kết luận cuối cùng. Đầu tiên, độ phân giải 8K sẽ có ý nghĩa trên các TV màn hình lớn, từ 75 inch trở lên. Thứ hai, với nguồn 8K, TV LG cung cấp nhiều chi tiết hơn, nhưng ở nguồn chất lượng thấp, Samsung trông sắc nét hơn. Thứ ba, tuyên bố về "TV 8K thực" của LG có giá trị nhất định.

Tuy nhiên, về hình ảnh thì rất tiếc, mẫu LCD 8K SM9970 của LG hoàn toàn tầm thường so với cái giá cao cấp. Đặc biệt nếu ai hay xem phim trong môi trường thiếu sáng, các phim có nhiều cảnh tối, đó là một thảm họa! Trong khi đó, mẫu OLED 8K tuy đẹp xuất sắc, có thể nói là đẹp nhất thị trường hiện nay. Duy chỉ có điểm trừ là nó quá đắt và chỉ tồn tại trong giấc chiêm bao của nhiều người.

Ambitious Man

Chủ đề khác