VnReview
Hà Nội

Tai nghe khử ồn và âm thanh 3D sẽ lên ngôi tại CES 2020

Bài viết của biên tập viên Ryan Waniata trang Digital Trends, nêu dự đoán về những xu hướng công nghệ âm thanh tại triển lãm CES 2020 sắp tới. VnReview xin chuyển ngữ cho bạn đọc.

Tai nghe khử ồn trở nên phổ biến

Vài năm gần đây, loại tai nghe true wireless trở nên thịnh hành và luôn nhận được quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Dù không phải sản phẩm đầu tiên, nhưng AirPods của Apple đã biến true wireless trở thành một làn sóng công nghệ thực sự. Bây giờ thì bạn thấy, ai cũng ra mắt sản phẩm cho riêng mình, còn Apple bán được nhiều hơn bất kỳ công ty nào về loại này.

Tại triển lãm CES đầu năm nay, các tai nghe Bluetooth tập trung vào tăng cường thời lượng pin và cắt bỏ dây nối. Tuy nhiên, Sony ra mắt WF-1000XM3 vào giữa năm và thực sự gây được chú ý. Họ khắc phục được hầu hết nhược điểm trên thế hệ trước - tai nghe true wireless khử ồn đầu tiên trên thế giới WF-1000X - và còn châm ngòi cho một xu hướng mới: khử ồn chủ động (ANC).

Sony đã kích hoạt cuộc đua khử ồn chủ động với WF-1000XM3 (ảnh: AVwatch)

Sau đó, các công ty cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới nổi này. Thiết kế hoàn toàn không có dây nối vướng víu của true wireless đã trở nên đại trà, chưa đến 50 USD là bạn đã mua được một cặp. Vậy nên các hãng chuyển sang thứ khác hấp dẫn hơn để thu hút khách hàng, chính WF-1000XM3 đã cho thấy đó nên là gì. Sau Sony, đến lượt Apple tung AirPods Pro, rồi Master & Dynamic ra MW07 plus.

Một trong những; cặp tai nghe đáng chú ý là Echo Buds của Amazon, với công nghệ ANC của Bose thiết kế. Giá của nó chỉ có 130 USD, rất đáng với âm thanh và thời lượng pin đi kèm. Theo nhiều dự đoán khác, Samsung sẽ tung thế hệ Galaxy Buds mới bổ sung ANC, ngay cả Sennheiser cũng đã chuẩn bị đưa tính năng này lên mẫu tiếp theo của mình. Rồi true wireless có khử ồn chủ động sẽ nhiều "như lá mùa thu".

Đến tai nghe Apple cũng đã có ANC, các hãng còn chờ gì mà không theo? (ảnh: Slashgear)

Tất nhiên không phải sản phẩm nào cũng tốt. Nhưng việc các hãng đổ xô vào làm sản phẩm cạnh tranh nhau sẽ có lợi cho chúng ta. Bên cạnh những lựa chọn hàng đầu từ Sony, Apple, các hãng khác sẽ đẩy mức giá xuống thấp hơn, kéo dài thời lượng pin, cung cấp các kiểu dáng mới lạ và một số có thể sẽ trông rất đẹp như M&D MW07 plus chẳng hạn. Dù thế nào, kể từ sau thành công của WF-1000XM3 thì tính năng ANC chắc chắn sẽ trở thành tiêu chuẩn.

Âm thanh 3D: không còn chỉ để xem phim

Bạn chắc chắn sẽ thấy âm thanh 3D xuất hiện khắp nơi ở CES 2020 - hãy xem như tôi đang tiên tri đi!

Nhiều người sẽ bật cười vì âm thanh 3D vốn đã xuất hiện lâu nay rồi. Những hãng như Dolby, DTS đã cố để tạo ra trải nghiệm nhập vai cho người dùng khi xem phim. Tuy nhiên, không nhiều người trong số chúng ta có thể trải nghiệm trọn vẹn, trừ khi đầu tư một phòng nghe nhìn được thiết lập chuẩn. Mắc kẹt với đĩa Blu-ray, các định dạng âm thanh 3D này không thể phổ biến được vì tính tương thích kém.

Loa thông minh sẽ thay thế sound bar lãnh trách nhiệm 'phổ cập' âm thanh 3D (ảnh: Slashgear)

Nhưng đó là khi loa thông minh và các dịch vụ streaming chưa xuất hiện mà thôi. Amazon Music vừa tung ra gói bổ sung đạt chuẩn Hi-Res Audio, trong đó có những bản nhạc được làm lại theo định dạng 3D. Hiện tại dịch vụ vẫn chỉ đang cung cấp trên Echo Studio, loa thông minh của chính Amazon. Cùng với đó, Dolby đã nhanh chóng nhìn ra tiềm năng của xu hướng streaming nhạc. Cộng tác với dịch vụ Tidal của Jay-Z, hãng mang đến nhiều bản thu chuẩn Dolby Atmos cho người nghe.

Và đó chưa phải là tất cả! Ngoài Dolby, chúng ta có một ông lớn khác cũng đẩy mạnh âm thanh 3D, và thậm chí đây còn là cái tên có ảnh hưởng hơn Dolby rất nhiều. Tại CES 2019 đầu năm vừa rồi, Sony đã mang đến trình diễn công nghệ 360 Reality Audio, mang đến trải nghiệm âm thanh ba chiều đầy mới mẻ. Bạn cần phải biết, Sony không chỉ là một hãng phần mềm hay phần cứng đơn thuần, mà còn sở hữu cả hãng đĩa lẫn hãng phim - trực tiếp tạo ra các nội dung giải trí bạn thưởng thức.

Bên cạnh Dolby, Sony cũng đang muốn đẩy mạnh âm thanh 3D với định dạng 360 Reality Audio của họ

Với quy mô hoạt động trải dài, Sony có thể thúc đẩy định dạng 360 Reality Audio đến công chúng dễ dàng hơn bất kỳ công ty nào. Thông qua Sony Music, họ có thể trực tiếp tạo ra những bản thu mới theo tiêu chuẩn này rồi phân phối qua các dịch vụ streaming. Như cái cách công ty đang đẩy danh mục bài hát 360 Reality Audio lên Amazon Music, Tidal, nugs.net, Deezer,... Họ cũng có thể đưa nó vào các trò chơi bom tấn trên hệ PlayStation (vâng, Sony còn là "ông trùm" về máy chơi game), nhằm cung cấp trải nghiệm nhập vai hơn cho người chơi.

Tại CES 2020, tôi đặt kỳ vọng lớn cả Dolby và Sony lẫn các hãng khác, sẽ tuyên truyền mạnh mẽ cho âm thanh 3D. Bên cạnh hình thức nghe nhạc streaming là cách dễ nhất để tiếp cận người nghe, phần cứng như tai nghe không dây (đặc biệt là true wireless), loa thông minh, cũng sẽ giúp âm thanh 3D nở rộ. Khúc mắc duy nhất của tôi chỉ là Dolby và Sony vẫn gặp khó trong việc đưa nó trở thành xu hướng chính. Chúng ta cần âm thanh 3D có thể phục vụ ở mọi nơi mọi lúc, phần cứng và phần mềm vẫn cần thời gian dài nữa để đáp ứng được yêu cầu đó. 

Ambitious Man

Chủ đề khác