VnReview
Hà Nội

20 thiết bị điện tử gây thất vọng nhất thập kỷ qua

Với mỗi bước tiến lớn trong công nghệ, luôn đi kèm những sản phẩm thất bại mà khi nhìn lại, chúng ta chỉ biết tự hỏi tại sao loài người có thể nghĩ ra những thứ như vậy.

gadget

Nếu những danh sách dài những thiết bị điện tử sáng tạo và mang tính biến cải nhất thập kỷ đã khiến bạn thấy nhàm chán, thì hãy cũng lướt qua danh sách những thiết bị điện tử gây thất vọng nhất thập kỷ do trang tin Gizmodo bình chọn. Lưu ý là danh sách này không có sản phẩm nào từ năm 2019, bởi vẫn còn vài ngày nữa năm nay mới khép lại, và may mắn là chúng ta vẫn chưa tìm thấy sản phẩm nào đủ…"bốc mùi" trong năm 2019 để đưa vào danh sách.

TV 3D và màn hình cong (2010)

tv

Khi bom tấn Avatar ra mắt năm 2009, một số "chuyên gia" tại Hollywood cho rằng đã đến lúc 3D bùng nổ trở lại. Các nhà sản xuất TV đánh hơi thấy điều đó, và điều họ nghĩ trong đầu là nếu các rạp phim có thể bán được những tấm vé đắt đỏ cho các bộ phim 3D, thì họ cũng có thể bán những chiếc TV 3D đắt đỏ cho người tiêu dùng. Và thế là một loạt những thiết kế TV mới ra đời, không chỉ tích hợp 3D mà còn có cả màn hình cong với chi phí sản xuất không hề rẻ, cùng nhiều tính năng "lòe phỉnh" khác với hứa hẹn sẽ thay đổi cách chúng ta xem TV.

Nhưng đời không như mơ. TV màn hình cong treo trên tường trông khá hay, nhưng hoạt động chẳng khác gì TV màn hình phẳng. Trong khi đó, TV 3D chẳng bao giờ đạt được kỳ vọng, chưa kể không ai muốn mang những chiếc kính đặc biệt ngay trong phòng khách nhà mình chỉ để thấy mấy con rồng trong phim thực tế hơn một chút so với thông thường cả. Thật tốt khi cuối cùng những chiếc TV màn hình phẳng mỏng như siêu mẫu lại được chăm chút như cách chúng xứng đáng được hưởng.

AMD Bulldozer (2011)

amd

Rất hiếm có sản phẩm nào có màn ra mắt đầy thảm họa như AMD Bulldozer. Vi xử lý này lẽ ra phải siêu nhanh và giúp CPU của AMD duy trì được vị thế giá tốt và có chất lượng ngang ngửa đối thủ Intel. Nhưng thứ AMD xuất xưởng lại là một mớ hổ lốn, khi hoạt động còn nóng hơn cái lò.

Bulldozer là một nỗi thất vọng cùng cực đối với AMD, khiến lịch trình ra mắt sản phẩm của công ty bị đẩy lùi nhiều năm, mở ra cho Intel cơ hội chiếm lĩnh hơn 90% thị trường laptop. Và trong hơn nửa thập kỷ, AMD luôn bị xem là một lựa chọn thứ hai, giá rẻ, thay vì là đối thủ số một của Intel. Phải đến tận năm nay, AMD mới đưa được một vi xử lý của họ lên một sản phẩm flagship lớn – chiếc Surface Laptop 3 của Microsoft.

Sony Tablet P (2011)

tabletp

Sony luôn là một công ty sẵn sàng thử nghiệm, cho ra một số thành công vang dội như Walkman, và một số thảm họa thật sự, như Sony Tablet P. Xét việc hiện nay, các thiết bị màn hình kép đang dần trở nên phổ biến, chúng ta có thể nói rằng Sony Tablet P là một thiết bị đi trước thời đại – và ở thời điểm 2011, thiết kế máy chắc chắn được xem là khá tân tiến. Nhưng phần cứng và phần mềm lại không thể giúp nó thành công.

Sony chật vật tìm kiếm những phương thức thật hấp dẫn để tận dụng thiết kế màn hình kép của Tablet P, nhưng khoảng trống khá lớn giữa hai màn hình khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn, làm cho nó trông như hai thiết bị rời rạc khi mở ra vậy. Tablet P còn có cấu hình yếu đến bất ngờ: chỉ được trang bị một vi xử lý lõi đơn để "gánh" màn hình kép, và thậm chí chức năng cảm ứng của màn hình cũng kém chính xác. Rõ ràng, Sony có lý do để không bao giờ ra mắt một chiếc Tablet thứ hai nữa.

Canon EOS M (2012)

canon

Canon EOS M là chiếc máy ảnh đầu tiên trong dòng máy ảnh không gương lật tầm trung sử dụng cảm biến APS-C của công ty. Đúng là máy ảnh không gương lật ở thời điểm EOS M xuất hiện hầu hết cũng chỉ dừng ở mức OK mà thôi, nhưng sản phẩm này lại nổi bật hơn tất cả vì mọi thứ liên quan đến nó đều nửa vời, và thứ quan trọng nhất trên máy ảnh kỹ thuật số - khả năng lấy nét tự động – thì cực tệ.

Có lẽ không ngạc nhiên khi Canon chẳng mấy hào hứng nhảy vào thị trường máy ảnh số không gương lật vào đầu thập kỷ này. Là một trong những nhà sản xuất máy ảnh DSLR hàng đầu thế giới, máy ảnh không gương lật có gì thú vị đâu chứ? Miễn là hãng vẫn có thể bán tốt các loại máy ảnh có gương lật, tại sao phải quan tâm đến các loại khác?

Sau này, người ta mới nhận ra rằng máy ảnh không gương lật mới là tương lai của ngành nhiếp ảnh. Và Canon đành chấp nhận theo đuôi công ty đã đón đầu xu thế ngay từ những ngày đầu tiên: Sony.

Nintendo Wii U (2012)

wiiu

Khi mà Nintendo Switch đã trở nên khá phổ biến, Nintendo nảy ra ý tưởng về chiếc Wii U, giúp các game thủ không còn phải dán mắt vào màn hình TV mới chơi được các game yêu thích. Nhưng họ lại không thực hiện chiếc Wii U tới nơi tới chốn. Cụm điều khiển chính của Wii U, cùng màn hình 6.2-inch của nó, quá cồng kềnh, nặng nề, và khi sử dụng làm màn hình phụ để hỗ trợ cho việc chơi game trên màn hình TV, mọi thứ trở nên kỳ quặc.

Chiếc console này còn phụ thuộc vào một bộ xử lý trung tâm mới có thể chơi game được – do đó, dù bạn có thể mang máy từ phòng này sang phòng khác (và thậm chí chơi game khi đang đi vệ sinh), bạn thực ra không thể mang máy ra khỏi nhà được. Nintendo đơn giản là không đưa ra được những lý do cuốn hút để người dùng nâng cấp lên Wii U, và kết quả là, trong khi chiếc Wii nguyên bản bán được hơn 100 triệu máy, Wii U chỉ bán được chưa đến 14 triệu.

Google Nexus Q (2012)

nexusq

Hãy tưởng tượng một thiết bị tệ đến mức sau khi đã đặt hàng trước, công ty sẽ gửi tặng bạn miễn phí luôn, rồi hủy bỏ toàn bộ quá trình sản xuất của nó! Đó chính là điều đã xảy ra với Google; Nexus Q, một khối cầu nhựa bất thường mà gã khổng lồ tìm kiếm định hướng trở thành một stream box kết hợp máy chơi game, nhưng rốt cuộc chỉ là một quả bóng chứa đầy nỗi thất vọng.

Nexus Q không hỗ trợ các dịch vụ stream bên thứ ba, có nghĩa là bạn chỉ dùng được những dịch vụ của Google như Play Movies, Play Music, và YouTube. Và với mức giá gốc 300 USD, Nexus Q quá đắt so với các sản phẩm tương tự. Thiết bị này dành cho nhóm người dùng nào? Không ai cả.

Lytro (2012)

lytro

Bạn có thể tinh chỉnh ảnh trong phòng tối, hoặc với một công cụ chỉnh sửa số như Photoshop. Nhưng kể từ bình minh của ngành nhiếp ảnh, việc thay đổi điểm lấy nét của một bức ảnh đã chụp là điều hoàn toàn bất khả thi – cho đến khi Lytro xuất hiện. Camera Lytro sẽ chụp thứ mà hầu hết các camera khác bó tay: hướng của ánh sáng chiếu vào cảm biến, cho phép điểm lấy nét trong một hình ảnh có thể được thay đổi sau khi chụp xong. Nghe như một công nghệ sẽ cách mạng hóa nhiếp ảnh, nhưng Lytro lại sở hữu một thiết kế dị dạng, buộc các nhiếp ảnh gia phải chụp ảnh thông qua một thiết bị trông như thỏi son vậy. Để chụp được ảnh đẹp, ít nhiễu hạt, với Lytro, bạn cần rất nhiều ánh sáng.

Và ở thời điểm mà máy ảnh nói chung ngày càng chụp thiếu sáng tốt hơn, đó là điều không chấp nhận được. Chưa hết, biên tập ảnh chụp từ Lytro đòi hỏi một phần mềm chuyên dụng, bạn không thể dùng các ứng dụng biên tập ảnh phổ biến mà chưa qua chuyển đổi được. Thế hệ tiếp theo của Lytro, Illum, có thiết kế truyền thống và dễ sử dụng hơn, nhưng lại đắt đỏ, và hóa ra hầu hết các nhiếp ảnh gia cũng không mấy hào hứng với tính năng thay đổi điểm lấy nét cho lắm.

Microsoft Surface RT (2012)

rt

Thật choáng ngợp khi nhìn lại quá trình tiến hóa của dòng sản phẩm Surface từ Microsoft, bởi khi Surface RT ra mắt vào năm 2012, người ta chắc cú rằng công ty này đã phá nát mọi thứ. Không chỉ chạy Windows 8, một hệ điều hành thảm họa với nhiều thành phần được Microsoft tái thiết kế, mà Surface RT còn chạy phiên bản Windows 8 "thiếu muối" mang tên Windows RT, vốn buộc người dùng phải sử dụng các ứng dụng trên Windows Store thay vì tự cài đặt bằng các tập tin EXE hay MSI.

Thiết bị này còn sử dụng vi xử lý NVIDIA Tegra 3 chậm chạp đến đáng ngạc nhiên khi so với các thiết bị khác với cùng CPU; và bàn phím kiêm case của máy, dù đột phá, nhưng cho trải nghiệm gõ phím không khác gì ác mộng. Surface RT hào nhoáng, nhưng chỉ trong các video "trên tay" trên YouTube mà thôi.

Sau này, Microsoft thừa nhận họ đã sai lầm với Surface RT, nhưng dù sao chiếc máy này cũng đủ thành công để công ty tiếp tục theo đuổi giấc mơ sản xuất máy tính. Cuối cùng, các thiết bị như Surface Pro 3 đã thuyết phục được người tiêu dùng rằng gã khổng lồ phần mềm có thể thực sự tạo ra được những chiếc máy tính ai cũng muốn dùng.

Google Glass (2013)

glass

Đoạn video concept của Google Glass thực sự hoành tráng. Thông báo liền mạch, điều hướng thời gian thực, quay video… - tương lai là đây chứ đâu? Trừ việc Google không thực hiện được những hứa hẹn đó nhiều như việc mang đến cơn ác mộng về một xã hội rối ren, nơi ai cũng lo sợ bị giám sát 24/7. Một phóng viên công nghệ thậm chí còn vướng vào một cuộc xô xát trong một quán bar ở San Francisco sau khi các nhân viên bảo vệ tức tối cho rằng anh này đeo Google Glass để quay phim họ. Rõ ràng, Glass khiến bạn trông như bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng cho thiếu nhi vậy.

Những người đặt mua sớm thiết bị này bị đặt cho biệt danh "glassholes" (ghép của "glass" – kính, với "asshole" – tên khốn), một phần vì với mức giá 1.500 USD, Glass quá đắt đỏ đối với người tiêu dùng thông thường. Tệ nhất là, chiếc kính này không có ứng dụng đặc sắc nào để thuyết phục người dùng thông thường chấp nhận nguy cơ bị đấm vào mặt vì đeo một thiết bị phần cứng đáng quan ngại như vậy cả. Google Glass là loại công nghệ mang đến nhiều vấn đề hơn những gì nó thực sự giải quyết được.

Điện thoại mô-đun (2013)

modular

Dù ý tưởng điện thoại mô-đun nghe có vẻ hợp lý, và nhiều công ty lớn đã thực sự nỗ lực biến chúng thành hiện thực, nhưng điện thoại mô-đun đơn giản là không bao giờ hoàn thiện. Ai lại không thích khả năng nâng cấp camera điện thoại mà chẳng cần thay toàn bộ thiết bị chứ? Đáng buồn thay, tạo ra một bộ khung cùng một loạt các linh kiện thay thế được là điều hết sức khó khăn, giải thích tại sao các dự án như Phonebloks hay Project Ara của Google không bao giờ thấy được ánh mặt trời.

Và vào năm 2016, chiếc LG G5 đã đóng cây đinh cuối cùng vào cỗ quan tài điện thoại mô-đun khi sử dụng một thiết kế buộc người dùng phải tắt máy, tháo phần đáy, và gỡ pin, chỉ để thay một thành phần mod mới. Năm 2019, Motorola tìm cách hồi sinh lại ý tưởng này với việc ra mắt Moto Z mới hỗ trợ mod, nhưng xét số lượng Moto Mods quá ít ỏi, có thể nói phong trào điện thoại mô-đun đã chính thức đi đến hồi kết.

Apple Mac Pro (2013)

mac

Phiên bản Mac Pro thùng rác này là một cỗ máy lộng lẫy, một ví dụ điển hình cho sự khéo léo và kỹ năng chế tạo sản phẩm của Apple. Vấn đề ở đây là, Apple đã hơi quá tay khi thiết kế Mac Pro, trong khi công việc họ nhắm đến cho nó không đòi hỏi điều đó: Mac Pro là một cỗ máy dành cho các studio chuyên sáng tạo nội dung số. Nhưng bạn không thể nâng cấp hầu hết các linh kiện trong chiếc Mac Pro này một cách dễ dàng được.

Thiết kế "tuyệt phẩm" khiến việc lắp card đồ họa mới còn khó hơn lên trời, đến cả Apple cũng chật vật khi trang bị CPU mới cho thiết bị này. Rốt cuộc, Mac Pro chỉ còn là một sản phẩm lỗi thời được rao bán trên website của Apple trong suốt một thời gian dài. Linh kiện cũ, khả năng nâng cấp gần như zero, và vẻ ngoài độc đáo khiến Mac Pro trở thành một trò hề trong ngành công nghiệp. Và đừng quên là chiếc máy tính này trông như một cái thùng rác hoa lệ nữa chứ!

Amazon Fire Phone (2014)

fire

Ai cũng nghĩ tham vọng phần cứng của Amazon là không thể ngăn cản được sau thành công vang dội của Kindle và Echo. Rồi Fire Phone xuất hiện. Được Jeff Bezos ca ngợi bằng những từ ngữ như "hoa lệ" và "lịch lãm", chiếc smartphone nửa vời này ít được quan tâm đến mức Amazon phải từ bỏ chúng trong chưa đầy một năm từ ngày ra mắt. Phần mềm ì ạch khó sử dụng, cụm camear kỳ lạ ở mặt trước lẽ ra phải tạo ra hiệu ứng 3D thú vị nhưng hóa ra lại chỉ là chiêu trò quảng cáo, nếu không muốn nói chúng như thể đang rình mò người dùng vậy. Từ đó, Amazon vẫn chưa dám thử làm smartphone lần nữa.

Microsoft Band (2014)

band

Microsoft Health từng được kỳ vọng là tương lai. Nó hứa hẹn sẽ đề xuất cho người đeo những hoạt động phù hợp với bối cảnh dựa trên khối dữ liệu khổng lồ mà Microsoft Band thu thập được. Nhưng Microsoft không làm được điều đó. Band là một miếng nhựa cứng không chỉ dễ trầy xước mà còn khó đọc bởi màn hình nằm ở mặt dưới của cổ tay người đeo.

Pin thiết bị cạn sạch chỉ sau vài ngày – một vấn đề lớn bởi nếu Band hết pin trước khi bạn kịp sạc, dữ liệu của bạn sẽ mất mãi mãi. Chưa hết, dù được trang bị các cảm biến UV, phản ứng điện da, và nhiệt độ da, Microsoft không thực sự tận dụng được chúng. Bạn bỏ ra 200 USD cho một chiếc vòng tay theo dõi sức khỏe hứa hẹn sẽ đưa bạn lên một tầm cao mới…nhưng cuối cùng nó chẳng làm được gì.

Apple Macbook (2015)

mac

Mới nhìn qua, Macbook dường như là một kẻ kế vị đúng nghĩa của MacBook Air. Nó nhỏ gọn, đẹp đẽ, và có màn hình độ phân giải siêu cao. Nhưng vi xử lý của máy là yếu kém và giá thì quá cao đối với mọi người, trừ các đại gia hâm mộ Mac muốn có một chiếc máy tính dự phòng. Được kỳ vọng là chiếc laptop Apple giá 1.000 USD cho mọi người, Macbook 2015 trên thực tế là một sản phẩm đắt đỏ, không tốt gỗ, chỉ tốt nước sơn.

Phần tệ nhất của nó là bàn phím lẫy bướm mà sau này được mang lên mọi laptop Apple. Hành trình phím quá nông, khiến bạn có cảm giác như đang gõ trên một tảng đá, và chỉ cần một hạt bụi cũng đủ khiến nó ngừng hoạt động. Macbook không được nhớ đến như một chiếc laptop nhỏ sở hữu màn hình retina tuyệt đẹp, mà là một chiếc laptop với bàn phím chẳng khác gì một bệnh dịch lây lan sang mọi laptop khác của hãng.

Nokia Lumia 950 (2015)

lumia

Nhiều người trong chúng ta thực lòng muốn Windows trên điện thoại phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đó là lý do tại sao chúng ta lại chấp nhận thiết kế màu mè của Windows Phone, dù cho các nhà phát triển ứng dụng chẳng quan tâm đến việc phát triển phần mềm cho lượng người dùng ít ỏi của nền tảng này. Sau khi thâu tóm Nokia, vốn là nhà phát triển hàng đầu của các thiết bị Windows, Microsoft nỗ lực lần cuối với một chiếc điện thoại Windows chạy phiên bản di động của nền tảng Windows 10.

Lumia 950 là tiếng ngáp cuối cùng của Windows trên di động. Trên lý thuyết, mọi thứ thật hợp lý: bạn có mọi ứng dụng desktop trên tay. Chỉ có điều chúng không hoạt động như mong đợi. Dù phần cứng hấp dẫn, Lumia 950 không thể cứu rỗi Windows trên điên thoại. Có lẽ đó lại là điều tốt. Nếu nhìn vào những thiết bị Surface tân tiến mà Microsoft dự định tung ra trong năm 2020, chúng ta sẽ tự hỏi phải chăng Windows Phone cần phải chết để Microsoft Phone được tồn tại?

Samsung Gear VR (2015)

gear

Hai năm trước khi Oculus và HTC xóa bỏ những ký ức đau buồn mà những thiết bị VR thời kỳ đầu (như Nintendo Virtual Boy) mang lại, Samsung đã giới thiệu VR đến công chúng với chiếc Gear VR. Nó là một giải pháp đơn giản, kết hợp màn hình và hiệu năng của một chiếc smartphone với một headset nhỏ gọn, không cần dây nhợ hay các cảm biến hồng ngoại phức tạp. Nhưng qua thời gian, nền tảng VR di động của Samsung không thay đổi mấy (ngoài việc có thêm một vài thiết bị điều khiển mới), vậy nên nhờ vào những thiết bị như Oculus Quest, chẳng còn lý do gì để Gear VR tồn tại nữa. Và với flagship mới nhất của Samsung – Galaxy Note 10 – vốn không hỗ trợ Gear VR, có vẻ như Samsung cũng đồng ý với điều đó.

Blackberry Priv (2015)

priv

Priv là nỗ lực cuối cùng của BlackBerry (không phải RIM nhé) nhằm sản xuất một chiếc điện thoại trong thời kỳ hiện đại. Công ty này đã chật vật tìm lại hào quang xưa cũ trong suốt thập kỷ qua. Dù là ông trùm định nghĩa nên smartphone trong 10 năm đầu tiên của thiên niên kỷ, BlackBerry đã đánh mất vị trí của mình trong thế giới nơi iPhone làm bá chủ.

Priv muốn trở thành mọi thứ mà một người dùng BlackBerry vẫn luôn yêu thích – một chiếc điện thoại thông minh chạy Android, dùng cho môi trường doanh nghiệp, với bàn phím QWERTY vật lý. Tiếc thay, nó là một thất bại. Thế mạnh của màn hình lớn là bạn sẽ không cần bàn phím vật lý nữa. Và dù một số người chắc chắn thích thú với thiết kế cổ điển, sử dụng nó trong thực tế là một cơn ác mộng. BlackBerry tiếp tục sống đến ngày nay, nhưng dưới sự che chở của gã khổng lồ điện tử Trung Quốc TCL. Với Priv, niềm hi vọng của công ty tạo ra thương hiệu đã chết.

Samsung Note 7 (2016)

note7

Vì viên pin quá lớn, Note 7 chính là nguyên nhân gây ra gần 100 vụ nổ. Nhưng thứ khiến vụ việc trầm trọng hơn là sau những báo cáo ban đầu về việc pin Note 7 phát nổ, Samsung cho triệu hồi thiết bị và thay thế pin máy bằng một loạt pin khác đến từ một nhà cung ứng khác, để rồi chúng lại phát nổ lần nữa. Lúc này, các hãng hàng không bắt đầu ra lệnh cấm Note 7, các nhà mạng ngừng bán máy, và rồi Samsung phải triệu hồi thiết bị lần hai, không quên cung cấp một chiếc túi nhỏ chống lửa để người dùng cho điện thoại vào đó trước khi gửi về hãng. Galaxy Note 7 trở thành một chiếc điện thoại bị lãng quên. Trên thực tế, vì Galaxy Note 6 không tồn tại (Samsung nhảy từ 5 lên 7), nên vụ scandal pin này có thể nói đã giết chết 2 thế hệ Galaxy Note một lúc.

LG Watch Sport (2017)

lg

Khi ra mắt, LG Watch Sport là chiếc đồng hồ có mọi thứ để thành công: kết nối LTE, Android Wear 2.0, GPS tích hợp, thanh toán NFC, và kháng nước. Những thông số trên rất ấn tượng, nhưng xét trên phương diện một chiếc smartwatch chuyên về thể thao, thì LG Watch Sport lại quá cồng kềnh và chậm chạp. Dây đeo của nó thậm chí còn khá cứng và không tháo rời được, có lẽ vì LG đã nhồi nhét vào đó một vài công nghệ bổ sung nào đó. Kết hợp với thân đồng hồ nặng nề, quá khổ, chiếc đồng hồ này dễ dàng mắc kẹt trong ống tay áo, khiến bạn đau cổ tay, và không thể cố định tại một vị trí trên tay trong quá trình luyện tập. Chưa hết, thời lượng pin và tốc độ kết nối di động cực kém. Với giá 350 USD, đây là một nỗi thất vọng đắt đỏ đối với bất kỳ ai kỳ vọng về một chiếc smartwatch Android tuyệt vời.

Apple Homepod (2018)

homepod

Apple nhảy vào thị trường loa thông minh chậm hơn các đối thủ khác đến 2 năm, nhưng fan của họ không hề lo lắng. "Nếu Apple làm ra một sát thủ Echo, sẽ rất tuyệt vì đó là Apple!". Nhưng đó không phải là điều đã xảy ra. HomePod bước chân vào một thị trường vốn đã quá đông đúc với một mức giá quá cao, số lượng tính năng hạn chế, kèm theo một trợ lý giọng nói thuộc dạng…ngu nhất hiện nay: Siri. Bản thân chiếc loa này có chất lượng khá tốt. Nhưng về cơ bản, mọi thứ khác đều bỏ đi. Khi chiếc loa này ra mắt, bạn chỉ có thể điều khiển Apple Music bằng các câu lệnh giọng nói, và bạn không thể thực hiện cuộc gọi thông qua HomePod. Bạn có thể hỏi Siri nhiều thứ, nhưng khả năng cao nó sẽ trả lời sai. Bạn có chấp nhận bỏ ra 350 USD cho một chiếc loa đẹp nhưng lỗi hay không?

Minh.T.T

Chủ đề khác