VnReview
Hà Nội

Google sắp cho phép dịch và phiên âm thời gian thực trên ứng dụng dịch Google Translate

Với tính năng dịch và phiên âm trực tiếp, bạn có thể sử dụng ứng dụng Google Translates trên di động để trò chuyện với người nước ngoài thuận tiện hơn.

Theo Cnet, Google khẳng định sẽ sớm giới thiệu tính năng cho phép mọi người có thể sử dụng smartphone để dịch và phiên âm một cuộc hội thoại trong thời gian thực. Theo Bryan Lin, một kỹ sư của nhóm Google Translates cho biết, tính năng trên sẽ sớm có mặt trên ứng dụng dịch của Google trong vài tháng tới.

Tính năng trên sẽ yêu cầu người dùng phải kết nối Internet. Bởi theo Google, tính năng mới khác với tính năng dịch thuật dựa trên AI. Google cho biết, phiên âm ngôn ngữ trong thời gian thực sẽ phức tạp hơn việc dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, hoặc nhập các câu nói đơn lẻ. Chính vì vậy, smartphone cần kết nối Internet để liên tục truy xuất dữ liệu từ máy chủ của Google. Hiện tại tính năng chưa hỗ trợ với các file âm thanh và người dùng sẽ phải thu âm trực tiếp qua micro của smartphone.

Google là một trong những hãng công nghệ đi đầu trong việc triển công nghệ ngôn ngữ tự nhiên. Hồi năm ngoái, Google đã giới thiệu chế độ thông dịch viên cho trợ lý ảo Google Assistant. Tính năng này cho phép mọi người có thể nói qua lại với nhau bằng hai ngôn ngữ khác nhau nhờ sự trợ giúp của Google Assistant.

Công cụ này ban đầu chỉ hỗ trợ trên các màn hình thông minh (Smart Displays) nhưng tháng trước, Google đã đưa tính năng này lên trên smartphone.

Hình ảnh demo tính năng dịch thuật và phiên âm trong thời gian thực trên ứng dụng Google Translates

Bên cạnh đó, Google đã đầu tư mạnh cho AI và máy học. Google khẳng định, công ty đã thiết kế được một bộ xử lý lượng tử có tên Sycamore. Theo ước tính của Google, nó có khả năng hoàn thành một tác vụ chỉ sau 200 giây. Trong khi đó với cùng một tác vụ, siêu máy tính nhanh nhất thế giới có thể mất khoảng 10 ngàn năm.

Google cũng đã nói rất nhiều điều về việc AI nên được phát triển như thế nào trong tương lai. Giám đốc Google và CEO Alphabet, Sundar Pichai mới phát biểu hồi tuần trước rằng, ông nghĩ AI cần phải được kiểm soát để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn như deepfake và nhận diện gương mặt. Tuy nhiên ông cũng đặt ra câu hỏi rằng, làm sao để tiếp cận với AI một cách tốt nhất.

Google mới đây đã ra mắt bộ quy tắc hướng dẫn đạo đức cho AI, mở đường cho việc triển khai phần mềm AI.

Bộ quy tắc này được đưa ra sau khi hàng loạt nhân viên phản đối Google ký hợp động với Lầu Năm Góc để phát triển AI giúp phân tích các cảnh quay từ drone. Mục tiêu cuối cùng của bộ quy tắc là không bao giờ phát triển AI phục vụ cho chiến tranh và chỉ tạo ra công nghệ đơn thuần, có lợi cho xã hội.

Tiến Thanh

Chủ đề khác