VnReview
Hà Nội

Mở hộp Oppo Reno3 Pro: smartphone đầu tiên dùng camera selfie kép 44MP

Chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào ngày 8/5, Reno3 Pro gây ấn tượng khi là smartphone đầu tiên trang bị camera selfie kép 44MP cùng với những tính năng cao cấp khác của nhà Oppo như sạc nhanh VOOC 4.0, video siêu chống rung 2.0 và chụp ảnh làm đẹp bằng AI.

Cùng với Reno3, Reno3 Pro đã được Oppo giới thiệu ở thị trường quốc tế từ tháng Ba, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giờ mới được đưa về thị trường Việt Nam. Reno3 Pro sẽ lên kệ chậm hơn người anh em Reno3 một tuần, dự kiến vào ngày 16/5. Mức giá của sản phẩm ở thời điểm chúng tôi mở hộp chưa được công bố.

Phiên bản VnReview mở hộp ngày hôm nay là máy chính hãng có màu trắng. Ngoài màu này ra thì chiếc Reno3 Pro phân phối ở thị trường Việt Nam còn có thêm màu đen nữa, không có màu xanh như Reno3.

Giống như Reno3, người dùng mua Reno3 Pro sẽ nhận được một chiếc ốp lưng lấy cảm hứng từ hoa sen của nhà thiết kế danh tiếng Prof. Jummy Choo, OBE. Chiếc ốp làm từ nhựa nhưng khá cứng và chắc chắn, chất lượng hoàn thiện rất tốt, màu sắc và thiết kế hiển nhiên sẽ phù hợp người dùng là nữ giới hơn.

Đi kèm bên trong hộp vẫn có một chiếc ốp nhựa trong nếu người dùng muốn "khoe" thiết kế mặt lưng của máy. Các phụ kiện khác bao gồm sách hướng dẫn sử dụng, củ sạc VOOC 4.0 công suất 30W, cáp sạc, tai nghe jack 3.5mm, que chọc sim và sách hướng dẫn sử dụng, rất đầy đủ.

Với viên pin dung lượng 4.025 mAh của Reno3 Pro, Oppo công bố tính năng sạc nhanh VOOC 4.0 có thể sạc được 50% dung lượng pin chỉ trong 20 phút.

Hơi khác một chút so với chiếc Oppo Reno3 Pro 5G ra mắt tại thị trường Trung Quốc, phiên bản quốc tế được trang bị camera selfie kép đục lỗ hình viên thuốc, giống như người anh em Realme 6 Pro mà tôi vừa đánh giá. Reno3 Pro là smartphone đầu tiên trang bị camera selfie kép gồm chiếc camera chính độ phân giải 44MP và camera còn lại có nhiệm vụ đo độ sâu trường ảnh hỗ trợ chụp xóa phông với độ phân giải 2MP.

Màn hình của Reno3 Pro có kích thước 6.4 inch, sử dụng tấm nền mà Oppo gọi là Sunlight Super AMOLED, nhiều khả năng sẽ cải thiện chất lượng hiển thị khi sử dụng ngoài trời. Độ sáng tối đa mà Oppo công bố lên tới 800 nit. Trải nghiệm nhanh trong thực tế, màn hình này có độ sáng rất tốt so với những máy tầm trung mà tôi trải nghiệm gần đây. Bảo vệ màn hình là tấm kính cường lực Gorilla Glass 5.

Các cạnh viền của Reno3 được làm mỏng, bo cong rất nhẹ ở hai bên, nếu không để ý kỹ thì sẽ khó nhận ra. Cạnh dưới, hay phần "cằm" của máy tuy dày hơn một chút nhưng sự chênh lệch với phần còn lại đã trở nên rất nhỏ.

Reno3 Pro vẫn mang trên mình thiết kế mặt lưng chuyển màu gradient. Oppo gọi đây là màu trắng hoa tuyết, thoạt nhìn khá giống với chiếc Oppo A91 cũng mới ra mắt gần đây. Các cạnh cong 3D bóng bẩy cho cảm giác cầm nắm chắc chắn. Tuy nhiên, mặt lưng này chỉ làm bằng nhựa polycarbonate, không phải kính Gorilla Glass như một số máy ở cùng tầm giá.

Oppo và cả Realme đều đang rất tích cực "phổ cập" thiết kế 4 camera sau, nên hiển nhiên Reno3 Pro sẽ không nằm ngoài trào lưu này. Camera chính của Reno3 Pro được nâng cấp lên 64MP so với 48MP trên Reno3, còn lại thì setup của hai chiếc điện thoại này là tương đương nhau, gồm camera tele 13MP zoom quang 2X, zoom số 20X, camera góc rộng 8MP và camera đen trắng 2MP đo độ sâu trường ảnh hỗ trợ xóa phông. Máy cũng được tích hợp công nghệ video Siêu chống rung 2.0 giúp ổn định hình ảnh khi quay mà không cần thiết bị hỗ trợ.

Không lựa chọn phương án cảm biến vân tay cạnh bên như bộ đôi Realme 6 và Realme 6 Pro, Reno3 Pro được tích hợp cảm biến vân tay dưới màn hình dạng quang học. Trải nghiệm ban đầu thì tốc độ và khả năng nhận diện của cảm biến này khá nhanh và chính xác, tương đồng với chiếc Reno 2 và cũng tiệm cận với cảm biến vân tay truyền thống.

Thiết kế mặt lưng nhựa giúp Reno3 Pro mỏng nhẹ hơn đáng kể. Độ dày thân máy là 8,1mm và nặng khoảng 175g. Máy hỗ trợ hai sim nano với thẻ nhớ riêng biệt. Phiên bản phân phối tại Việt Nam sẽ có bộ nhớ trong lên tới 256GB để người dùng thoải mái lưu trữ.

Về cổng kết nối, Reno3 Pro vẫn giữ jack tai nghe 3.5mm, USB Type-C và loa đơn. Hãng không đưa ra thông tin gì về khả năng kháng nước/bụi của máy. Khung của máy là nhựa nhưng được mạ chrome trông bóng bẩy.

Cấu hình phần cứng là nơi diễn ra sự thay đổi lớn nhất giữa Reno3 Pro bản quốc tế và bản nội địa Trung Quốc, với việc Oppo sử dụng con chip Helio P95 của MediaTek thay vì Snapdragon 765G của Qualcomm, cùng với đó là 8GB RAM. Đo nhanh bằng công cụ GeekBench 5, Reno3 Pro đạt 400 điểm đơn nhân, 1481 điểm đa nhân.

Về phần mềm, Reno3 Pro được cài đặt sẵn Android 10 mới nhất cùng giao diện ColorOS 7. Giao diện này lấy tông màu sáng làm chủ đạo, đề cao sự tinh tế, đã bớt "sặc sỡ" hơn so với những thế hệ trước.

Trên đây là một số thông tin chia sẻ bước đầu của VnReview sau khi mở hộp sản phẩm Oppo Reno3 Pro. Các đánh giá chi tiết hơn sẽ được chúng tôi gửi tới bạn đọc trong bài đánh giá dự kiến đăng tải trong vài ngày tới.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác