VnReview
Hà Nội

Công nghệ OLED vừa đạt được bước tiến mới: tăng hiệu quả chiếu sáng, giảm chi phí

Các nhà khoa học tại Thụy Sĩ vừa tím ra một loại vật liệu mới, hứa hẹn có thể nhân rộng ứng dụng của công nghệ OLED trong đời sống hơn bao giờ hết.

Cách đây nhiều năm, TV LCD đèn nền LED và TV Plasma có cuộc so kè nhằm giành quyền thống trị thị trường. Plasma chiến thắng về chất lượng hình ảnh, nhưng lại thua thiệt về mở rộng kích thước, độ sáng, nên cuối cùng thất bại. LCD từ đó trở thành công nghệ độc tôn cho đến khi OLED xuất hiện. OLED ở đây là công nghệ LED hữu cơ (Organic LED).

OLED có khả năng tự chiếu sáng nên không cần đèn nền như LCD, việc loại bỏ lớp đèn này giúp giảm độ dày sản phẩm, tạo ra các thiết kế độc đáo như màn hình cuộn hoặc gập. Mặc dù mang lại màu đen sâu và độ tương phản cao, OLED lại có;độ sáng thấp. Ngoài ra, TV OLED tuy cho chất lượng hình ảnh vượt trội so với LCD, nhưng chi phí đắt đỏ khiến nó khó phổ biến.

TADF là loạt vật liệu thế hệ thứ 3, có nhiều ưu điểm vượt trội so với huỳnh quang, lân quang

Thế hệ vật liệu OLED đầu tiên là huỳnh quang (fluorescence) có hiệu suất lượng tử nội chỉ đạt 25%, dẫn tới khả năng chiếu sáng bị giới hạn. Thế hệ thứ hai là loại lân quang (PHOLED: Phosphorescent OLED), có hiệu suất lượng tử nội lên tới 100% nhưng lại khá đắt đỏ, đòi hỏi khai thác các kim loại quý hiếm như iridium, ruthenium, platinum. Chính vì huỳnh quang và lân quang đều chưa phải vật liệu lý tưởng, người ta mong muốn tìm được loại tốt hơn để giải quyết các điểm yếu tồn động của OLED ngày nay.

Và nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ đã chọn tập trung vào TADF (thermally activated delayed fluorescence), thế hệ vật liệu hữu cơ thứ ba được kỳ vọng sẽ dần thay thế huỳnh quang và lân quang trong tương lai. Vài năm trước, nhóm nghiên cứu đã chế tạo các diode sử dụng đồng để cải tiến TADF so với ban đầu, với cách hoạt động giống như kim loại quý làm việc ở loại PHOLED kể trên.

TV OLED vẫn có giá thành nằm ngoài tầm với nhiều người do chi phí sản xuất cao (ảnh: LG)

Kết quả thu được rất ấn tượng, hiệu suất đạt tới hơn 99%, mở ra bước đột phá cho công nghệ OLED ở cấp độ vật liệu. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng có thể tiếp tục tinh chỉnh tốt hơn nữa loại TADF dựa trên đồng này. Mục tiêu là tạo ra vật liệu mới có chi phí sản xuất rẻ hơn, chiếu sáng tốt hơn, từ đó giảm giá thành và nâng cao chất lượng giúp phổ cập OLED tới mọi ngóc ngách. Không chỉ TV mà có thể dùng làm đèn chiếu sáng cho cả căn nhà của bạn.

TADF đã bắt đầu được sản xuất thương mại với quy mô nhỏ, những lô hàng đầu tiên được Kyulux (Nhật Bản) giao cho hãng WiseChip, dùng để chế tạo màn hình PMOLED đơn sắc vàng. Đây là bước đầu để mang TADF tới cuộc sống thực tế. Hy vọng với nhiều công sức đầu tư nghiên cứu và cải tiến, TADF sớm có thể thay thế huỳnh quang và lân quang trong chuỗi cung ứng, mở ra thời kỳ mới cho OLED như kỳ vọng.

Ambitious Man

Chủ đề khác