VnReview
Hà Nội

Chip ARM dành cho máy Mac của Apple nhanh đến mức nào?

Rất khó để biết được, bởi demo thì nhiều, nhưng chẳng hề có kết quả benchmark hay so sánh nào được đưa ra cả.

mac

Trong nhiều năm trời, Apple đã đều đặn "nhá hàng" những con chip ARM trên điện thoại di động của hãng với khẳng định chúng đang bắt kịp hiệu năng của những con chip khủng hơn mà bạn thấy trên các laptop hay desktop. Năm 2018, công ty này tuyên bố chiếc iPad Pro mới chạy nhanh hơn đến 92% so với các mẫu PC di động. Đã có lúc người ta nhận ra rằng việc Apple đưa những con chip này trở thành vi xử lý chính cho máy tính Mac là điều không thể tránh khỏi.

Và đúng là như vậy: Apple sẽ giới thiệu chiếc máy tính Mac đầu tiên sử dụng chip "nhà trồng" vào cuối năm nay.

Nhưng liệu chip ARM của Apple có thực sự đủ mạnh để thay thế chip của Intel và AMD? Đó là một câu hỏi mở, bởi tại WWDC 2020, công ty tìm cách né tránh mọi câu trả lời mang tính chắc chắn.

Lần này, những bảng biểu, kết quả benchmark, và những tuyên bố hùng hồn "nhanh nhất từng có" mà Apple đưa ra mỗi khi giới thiệu một thế hệ chip ARM mới của chính họ đã hoàn toàn bặt vô âm tín. Apple sẽ không tiết lộ gì thêm khi được hỏi. Thậm chí một đoạn chat trước đây với một trong những kiến trúc sư thiết kế chip của hãng cũng không tiết lộ thêm được thông tin gì nhiều. Thay vào đó, Apple tung ra một loạt các demo cùng một vài lời hứa hẹn đầy mập mờ rằng tương lai sẽ nhanh hơn hôm nay.

mac

Rõ ràng, chẳng ai nghĩ Apple sẽ giới thiệu một chiếc máy Mac ARM giữa thời kỳ đại dịch như thế này, và những đoạn demo được ghi hình trước sau đó mang trình chiếu trong quá trình giới thiệu cũng như phần đề cập đến "State of the Union" sau đó cũng tương đối ấn tượng. Sử dụng chính con chip Apple A12Z Bionic của iPad Pro giá 800 USD, công ty đã cho thấy một chiếc desktop ARM tầm thường đã đủ khả năng gánh vác một loạt các ứng dụng cao cấp trên Mac, bao gồm:

- Các phiên bản Microsoft Office, Adobe Photoshop, và Lightroom đều chạy mượt mà trên ARM

- Ba luồng video 4K Pro Res chạy song song trong Final Cut Pro

- Dùng chuột xoay một mặt đá chân thực qua lại trong Cinema 4D

- Dùng chuột xoay một khung hình gồm 6 triệu đa giác trong phần mềm làm hoạt họa Autodesk Maya, với họa tiết và đổ bóng được áp dụng

- Dựng các hiệu ứng trong engine game Unity

- Các game như Shadow of the Tomb Raider và Dirt: Rally chạy mượt trên Mac (nhưng ở độ phân giải và chi tiết thấp)

mac

Game Dirt: Rally với đồ họa hơi...ngu một chút

Chưa hết, các máy Mac ARM của Apple sẽ có thể tự động phiên dịch một số ứng dụng Intel hiện có nhờ phần mềm chuyển đổi Rosetta 2 của Apple: dù trông đồ họa có vẻ hơi… kém, cả Shadow of the Tomb Raider và Dirt: Rally đều chạy theo cách này – Autodesk Maya cũng vậy.

Nhưng trong cả bài thuyết trình, Apple dường như đang đề nghị các nhà phát triển tin vào lời quảng cáo của mình, rằng ARM sẽ mở khóa "một đẳng cấp hiệu năng hoàn toàn mới", mà chẳng thảo luận xem hiệu năng đó thực sự sẽ ra sao xét trong mối tương quan với những con chip khác ngay lúc này.

Thông cáo báo chí của công ty nói rất cụ thể rằng những con chip mới của Apple sẽ "mang lại cho Mac mức hiệu năng/watt dẫn đầu ngành công nghiệp", và đó là một câu nói rất thận trọng. Apple nói rằng bằng cách xây dựng nên loại chip hiệu quả nhất có thể - loại chip có "hiệu năng cao nhất với mức tiêu thụ điện năng thấp nhất" – họ có thể thu được hiệu năng thuần túy cao hơn bằng cách nghiêng cán cân trong công thức hiệu năng/watt về phía watt.

Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn tạo ra một con chip kích cỡ như chip MacBook Pro với một cụm tản nhiệt và bộ khung như trên MacBook Pro, cộng thêm một viên pin ngang ngửa pin MacBook nữa, thì vi xử lý có kích cỡ như vi xử lý của iPhone mà bạn gắn trên con chip đó về mặt lý thuyết sẽ có sức mạnh để làm được rất nhiều thứ khác. Nhưng một điều bất di bất dịch là các vi xử lý ARM hiệu quả hơn nhiều so với đối thủ, và cán cân không tự nó nghiêng về một phía. Tăng tốc một con chip không chỉ đơn giản là cho nó thêm sức mạnh – bạn phải thiết kế ;một vi xử lý đủ mạnh mẽ xoay quanh kiến trúc hiệu quả đó, và Apple thì không hề nổ rằng họ thực sự đã làm được đều đó.

mac

Bạn có thể sẽ nhớ lại những con chip Core M/Y của Intel, vốn được trang bị cho chiếc MacBook mỏng nhất, ban đầu cũng được Intel quảng cáo rầm rộ về hiệu năng – nhưng cuối cùng lại chậm hơn những con chip Intel phổ thông khác và chỉ được chào đón sau một vài năm cải tiến thêm. Có lẽ chip A12Z Bionic của iPad Pro sẽ giúp cho ra một chiếc MacBook mạnh mẽ hơn so với những con chip laptop tầm thấp hiện tại của Intel, nhưng Apple không nói vậy; có lẽ họ sẽ dành những lời có cánh cho một con chip sau này trong lộ trình sản phẩm của mình.

Nói là vậy, nhưng Apple sẽ chưa có kế hoạch sớm loại bỏ hoàn toàn Intel. Họ không chỉ dự định ra mắt nhiều máy Mac Intel khác trong tương lai, mà còn "tiếp tục hỗ trợ và tung ra các phiên bản macOS mới dành cho máy Mac Intel trong nhiều năm tiếp theo". Với một công ty luôn tự hào là đủ "can đảm" để chia tay quá khứ, đây là điều có phần bất thường.

Và Apple nói rằng người dùng có thể được thấy sự vượt trội – chứ không chỉ là tính hiệu quả - trong hiệu năng đồ họa. Theo hãng, ARM sẽ mang lại cho máy Mac "những GPU hiệu năng cao hơn", trong đó sức mạnh xử lý game được tăng cường đáng kể, và họ đã trình diễn một vài ứng dụng (Affinity Photos, Unity, Cinema 4D và Dirt: Rally) tận dụng ưu thế của framework Metal để chuyển tập lệnh trực tiếp đến GPU.

Dù rằng điều đó có thể không làm thỏa mãn các game thủ vốn đã quen với việc sử dụng chip đồ họa Nvidia hay AMD, bộ xử lý đồ họa tích hợp của Apple có thể giúp cải thiện đáng kể hiệu năng so với bộ xử lý đồ họa tích hợp của Intel trên chiếc MacBook Air mới đây. Cũng có khả năng Apple đang nói về việc tự phát triển những GPU mạnh mẽ hơn của riêng mình – dù rằng Apple không nói rõ liệu các CPU của minh có giao tiếp được với các chip laptop từ AMD hay NVIDIA hay không, chứ chưa nói đến GPU desktop hay GPU gắn ngoài.

mac

Và đúng là không phải mọi chuyện đều xoay quanh hiệu năng. Apple còn hứa hẹn các máy Mac chạy ARM sẽ có thể chạy nhiều loại ứng dụng hơn so với trước đây, nhờ vào khả năng hỗ trợ ứng dụng iOS và những công cụ machine learning tận dụng tăng tốc phần cứng được tích hợp vào chip. Chúng sẽ có thể "giữ nội dung đám mây tươi mới trong nhiều ngày" kể cả khi máy Mac của bạn ở chế độ ngủ, và Apple nói rằng việc sử dụng iPad làm màn hình thứ hai cho Mac sẽ mượt mà hơn nhờ bộ máy xử lý hình ảnh mà Apple đã tích hợp vào các chip ARM. Dù hãng không cung cấp bất kỳ thông số nào, nhưng họ nói rằng ARM sẽ mang lại thời lượng pin cao hơn.

Ngay lúc này, nhiệm vụ quan trọng nhất của Apple là thuyết phục những người mua và nhà phát triển rằng chip ARM sẽ không buộc họ phải từ bỏ các ứng dụng cũ hoặc phải thực hiện những thỏa hiệp không chấp nhận được nhằm chuyển đổi/

Đó là thông điệp mà Apple cố thể hiện tại WWDC, và có vẻ như công ty đang thu được những kết quả tích cực. Họ đã tạo ra được Rosetta để tự động phiên dịch một số ứng dụng, trong khi đó nhiều nhà phát triển trọng điểm như Microsoft và Unity đều đang xây dựng các phiên bản native cho các ứng dụng khác. WWDC cho thấy về lý thuyết, tạo dựng nên một ứng dụng dùng chung (universal) trên nhiều nền tảng là điều dễ dàng như nhấn một nút bấm vậy. Máy Mac ARM của Apple trước mắt có thể truy xuất hệ thống tập tin và mạng, hỗ trợ máy ảo và các thiết bị ngoại vi, chơi game với tay cầm Xbox, và thậm chí hứa hẹn cho phép bạn boot từ ổ cứng gắn ngoài.

Có lẽ bạn sẽ nghĩ chẳng có điểm hạn chế nào, và bản thân sẽ không phải từ bỏ bất kỳ ứng dụng cổ điển nào, chưa kể có hàng tá các ứng dụng iPhone và iPad mà bạn có thể sử dụng khi nâng cấp lên một chiếc Mac ARM.

Nhưng có một vài điều gì đó mà Apple chưa nói rõ về hiệu năng, và thời gian sẽ cho chúng ta biết. Hiệu năng mạnh mẽ hơn là một trong những lý do hấp dẫn nhất để sắm một chiếc máy tính mới, và là một yêu cầu bắt buộc đối với người dùng chuyên nghiệp. Hiệu năng là thời gian, và thời gian là tiền bạc.

Minh.T.T (theo TheVerge)

Chủ đề khác