VnReview
Hà Nội

Levi’s hợp tác với công ty Thụy Điển ra mắt quần jean làm từ vật liệu tái chế

Dòng quần jean mới của hãng Levi's hợp tác với một công ty Thụy Điển được làm hoàn toàn từ vật liệu tái chế.

Trong nhiều năm qua, thời trang luôn bị coi là nguồn phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường lớn không kém giao thông hay ngành năng lượng. Xuất phát từ nhu cầu dệt may ngày càng lớn, con người phải trồng bông và loại cây trồng này cần rất nhiều nước, phải phun thuốc trừ sâu và tốn nhiều tài nguyên năng lượng để thiết kế, nhuộm vải trước khi bán ra thị trường.

Các mặt hàng may mặc sau khi đến tay người dùng một thời gian sẽ bị vứt bỏ, tiêu hủy hoặc xuất hiện ở các bãi chôn lấp, đốt rác và tạo ra rất nhiều khí thải nhà kính.

Nhận thức được tác động khôn lường của ngành thời trang với môi trường, rất nhiều các nhãn hàng và công ty thời trang đã và đang tìm ra hướng đi mới xanh hơn.

Mới đây một công ty Thụy Điển có tên re:newcell đã có một cải tiến sáng tạo mới, đó là biến vật liệu tái chế thành quần áo. Công ty đã phát triển một phương pháp tái chế bông và vải tổng hợp viscose đạt chất lượng cao, có thể áp dụng trên quy mô lớn.

Công nghệ mới sẽ hòa tan các sợi tự nhiên như bông đã qua sử dụng thành vật liệu thô mới. Nó có thể phân hủy sinh học và có tên gọi khác là bột giấy Circulose. Sau đó vật liệu này sẽ được biến đổi thành sợi dệt và đưa vào chu trình sản xuất hàng dệt may.

Để đưa công nghệ dệt này tới gần hơn với đông đảo người tiêu dùng, re: newcell đã hợp tác cùng thương hiệu thời trang denim danh tiếng Levi's. Theo đó, phiên bản quần jean mới của Levi's có tên WellThread 502 sẽ sử dụng chất liệu vải mới do re:newcell cung cấp.

Paul Dillinger, Phó Giám đốc Sáng tạo sản phẩm toàn cầu và Thiết kế bộ sưu tập cao cấp của Levi's cho biết: "Chúng tôi thích một giải pháp đơn giản nhưng chúng tôi không thể tiếp tục trồng nhiều bông hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Nguồn cung nước sạch của thế giới có hạn và bông là loại cây trồng đòi hỏi một lượng nước lớn. Cho đến khi nguồn cung và nguồn cầu cân bằng hơn, ngành công nghiệp thời trang phải học cách sử dụng chất thải may mặc như một nguồn nguyên liệu…và có rất nhiều nguồn chất thải cần xử lý".

Đây rõ ràng là một thách thức mang tính bền vững mà Levis's cùng nhiều hãng thời trang khác phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Từ lâu ngành công nghiệp thời trang đã theo đuổi cái gọi là "nền kinh tế vòng tròn" khi các sản phẩm may mặc được tạo ra theo một chu trình khép kín.

Do đó sự hợp tác giữa Levi's và re: newcell chắc chắn sẽ tạo ra sự cân bằng giữa nhu cầu của người tiêu dùng và việc bảo vệ môi trường.

Quần jean WellThread 502 được làm bằng 40% vải circulose và 60% cotton hữu cơ. Circulose là loại vải sử dụng một nửa là denim tái chế và một nửa là vải viscose. Phiên bản quần jean này có cảm giác giống với các sản phẩm truyền thống của thương hiệu nhưng không giống bất cứ loại quần đã được sản xuất trong lịch sử suốt 167 năm của thương hiệu.

Việc sử dụng quần jean làm từ vật liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2 và áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước. Nhưng re: newcell đang có ý định sẽ nâng tầm công nghệ này lên khi tìm cách thu hồi và tái sử dụng các hóa chất sử dụng trong quá trình tái chế và vận hành các nhà máy bằng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, quy trình tái chế cũng sử dụng ít nước hơn so với việc trồng bông để dệt vải.

Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng lên 8,5 tỷ người vào năm 2030, có nghĩa là chúng ta sẽ cần nhiều quần áo hơn. Do đó những mối hợp tác như Levi's và re: newcell chắc chắn sẽ đem tới giải pháp bền vững hơn cho ngành thời trang. Việc có thể sản xuất 1kg quần áo từ vật liệu tái chế thay vì các nguồn vật liệu chính sẽ giúp tiết kiệm hàng ngàn lít nước và giảm phát thải khí nhà kính.

Nếu bạn chưa biết thì có một công ty thời trang khác đang sản xuất quần áo từ vật liệu tái chế tên là Rapanui. Công ty này may quần áo, thu thập và xử lý lại chúng thành các mặt hàng mới để bán. Rapanui thậm chí còn cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng hệ thống của họ thông qua một nền tảng trực tuyến miễn phí có tên là Teemill.

Tiến Thanh

Chủ đề khác