VnReview
Hà Nội

Trên tay Oppo A53: smartphone dưới 5 triệu đầu tiên có màn hình 90Hz

Có mức giá 4,49 triệu đồng nhưng Oppo A53 lại được trang bị màn hình tần số quét cao 90Hz, điều chưa thấy trước đây ở phân khúc này. Đồng thời, A53 cũng là điện thoại đầu tiên sử dụng vi xử lý Snapdragon 460 mới ra mắt của Qualcomm, với nhiều thông số đáng chú ý, hứa hẹn cải thiện hiệu năng cho các smartphone phổ thông.

Trên tay Oppo A53: smartphone dưới 5 triệu đầu tiên có màn hình 90Hz

Như đã đề cập, màn hình là điểm đáng chú ý nhất trên Oppo A53. Đây là mẫu điện thoại đầu tiên trong tầm giá dưới 5 triệu đồng được trang bị màn hình tần số quét cao 90Hz mang lại trải nghiệm cuộn trang, chuyển đổi đa nhiệm hay đóng mở ứng dụng mượt mà hơn. Trước đây, xét riêng ở phân khúc smartphone chính hãng, sản phẩm rẻ nhất có màn hình 90Hz là chiếc Realme 6, với giá bán khi ra mắt là 6 triệu đồng, và hiện giảm còn khoảng 5,5 triệu đồng.

Giống với nhiều smartphone có màn hình tần số quét cao, Oppo A53 cho phép lựa chọn giữa tần số 90Hz hay 60Hz hoặc người dùng có thể đặt ở chế độ tự động, máy sẽ tự chọn ra tần số quét phù hợp với nội dung hiển thị nhằm tối ưu giữa thời lượng pin và độ mượt.

Điểm đáng tiếc là dù có màn hình tần số quét cao cùng kích thước tương đối rộng rãi 6.5 inch, tỷ lệ dài 20:9, đi kèm tấm nền IPS LCD chất lượng ổn, độ sáng khá, màu sắc tươi tắn, góc nhìn rộng bảo vệ bởi kính Gorilla Glass 3 nhưng độ phân giải màn hình của Oppo A53 chỉ ở mức HD+ (720x1600 pixel) nên hiển thị kém sắc nét, chi tiết thấp.

Màn hình được thiết kế dạng nốt ruồi lệch góc trái tương tự nhiều smartphone Oppo hiện nay như Oppo A92, Oppo Reno 4 Pro. Oppo cũng dán sẵn tấm dán màn hình dạng nhựa mỏng để chống xước. Trong phần nốt ruồi là camera selfie 16MP, khẩu độ f/2.0. Nốt ruồi có kích thước vừa phải không chiếm quá nhiều diện tích.

Tuy nhiên, do chỉ là smartphone phổ thông nên phần cằm của Oppo A53 còn khá dày.

Giống với nhiều smartphone Oppo tầm trung, phần màn hình của A53 vẫn nhô lên so với khung máy nhưng phần viền màn hình đã được làm mịn màng hơn, không quá sắc nên đỡ cấn tay hơn.

Điểm đáng chú ý khác trên Oppo A53 khi đây là smartphone đầu tiên được trang bị vi xử lý Snapdragon 460 mới ra mắt của Qualcomm cùng với RAM 4GB và bộ nhớ trong 128GB, khe cắm thẻ nhớ ngoài. Điện thoại này còn có phiên bản RAM 6GB nhưng chưa được Oppo công bố ở thị trường Việt Nam. Snapdragon 460 là con chip thuộc dòng 400 series đầu tiên có các nhân "hiệu năng cao", cụ thể là 4 nhân Cortex-A73 khá mạnh mẽ, cùng 4 nhân tiết kiệm điện Cortex-A53. Qualcomm tuyên bố con chip này được cải thiện tới 70% hiệu năng so với Snapdragon 450 vốn được trang bị 8 nhân Cortex-A53 yếu hơn.

Snapdragon 460 cũng được trang bị thêm GPU Andreno 610 có trên Snapdragon 665 cao cấp hơn. Điều này giúp cải thiện 60% hiệu năng so với những con chip Snapdragon 400 series trước đây, hứa hẹn mang lại trải nghiệm mượt mà hơn khi chơi game. Đo nhanh bằng AnTuTu, Oppo A53 cho điểm số tổng thể hơn 146 nghìn điểm, trong đó điểm GPU hơn 21 nghìn điểm.

Trong khi đó, hiệu năng CPU khi đo nhanh bằng GeekBench đạt 252 điểm đơn nhân và 1105 điểm đa nhân. Các điểm số này cho thấy, Snapdragon 460 mạnh hơn khoảng 50% so với Snapdragon 450.

Bộ xử lý Snapdragon 460 mới này cũng được sản xuất dựa trên quy trình 11nm, một cải tiến nhỏ so với 12nm của Snapdragon 450. Bên cạnh hiệu năng tốt hơn, quy trình thấp hơn cũng sẽ giúp thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn. Oppo A53 có viên pin dung lượng lớn 5.000 mAh hỗ trợ khả năng sạc nhanh 18W và cảm biến vân tay ở mặt lưng.

Giống với chiếc Oppo A92, sạc nhanh trên Oppo A53 không phải là loại VOOC đặc trưng trên các điện thoại Oppo mà chỉ là loại sạc nhanh thông thường với dòng ra 9V-2A, nhiều khả năng sẽ tương thích với các loại sạc nhanh Qualcomm Quick Charge.

Máy có cụm 3 camera sau gồm chiếc camera chính 13MP, một camera phụ thu độ sâu 2MP và một camera macro 2MP chụp ảnh ở khoảng cách 4cm.

Giao diện camera quen thuộc trên các máy Oppo.

Một số tính năng camera như chụp macro, chụp nhãn dán, chụp chuyên nghiệp đều được trang bị đầy đủ.

Một tính năng mới trên Oppo A53 là khả năng nhấn đúp vào phím âm lượng để khởi động nhanh camera khi màn hình tắt.

Camera selfie nốt ruồi có hiệu ứng viền sáng xung quanh khi chuyển đổi với camera sau.

Dưới đây là một số ảnh chụp nhanh từ camera của Oppo A53

Ảnh chụp bằng camera chính 13MP

Ảnh chụp bằng camera macro 2MP

Điểm bất ngờ khác là dù có mức giá dưới 5 triệu nhưng Oppo A53 vẫn có loa kép, sử dụng loa thoại làm loai ngoài thứ 2, kết hợp với loa ngoài ở cạnh dưới tạo nên hệ thống âm thanh đa kênh stereo.

Máy cũng có công nghệ âm thanh tối ưu cho từng nội dung.

Một tính năng mới khác trên Oppo A53 là Theo dõi trong tai. Theo Oppo, tính năng này giúp mang lại trải nghiệm karaoke trực tiếp trong thời gian thực qua tai nghe.

Mặc dù trang bị viên pin lớn 5000 mAh nhưng trọng lượng và độ dày thân máy của Oppo A53 ở mức vừa phải, dày 8.4mm và nặng 186g.

Máy trang bị khay SIM 3, cho phép dùng song song 2 SIM + 1 thẻ nhớ.

Cổng sạc là loại Type C, không phải micro USB như một số smartphone khác cùng tầm giá. Cổng tai nghe 3.5mm vẫn được giữ lại, một đặc trưng trên các smartphone ở phân khúc này.

Về phần mềm, Oppo A53 hiện cài sẵn bản ColorOS 7.2 tùy biến dựa trên Android 10.

Các chế độ tối Dark Mode được trang bị đầy đủ.

Khá nhiều ứng dụng dạng bloat ware được cài sẵn trong quá trình thiết lập nếu người dùng không để ý.

Oppo A53 sẽ lên kệ ngay từ hôm nay (4/9) với giá bán 4,49 triệu đồng. Sản phẩm có 2 màu xanh và đen, chỉ có một tùy chọn bộ nhớ RAM 4GB và bộ nhớ trong 128GB. Người mua điện thoại này có thể tham gia trả góp lãi suất 0% và chương trình bảo hành 1 giờ của Oppo. Phụ kiện đi kèm máy có ốp lưng nhựa trong, củ, cáp sạc nhưng không có tai nghe.

Ở tầm giá 4,5 triệu đồng, Oppo A53 sẽ cạnh tranh với các đối thủ như Xiaomi Redmi Note 9, Vsmart Live 4 6GB, Realme 6i, Vivo Y30 hay Samsung Galaxy A21s.

Thành Đạt

Chủ đề khác