VnReview
Hà Nội

Sony ra màn hình 3D không cần kính, giá 5.000 USD, phục vụ giới kiến trúc sư, nhà thiết kế

Màn hình của Sony hướng tới những người làm công việc thiết kế, kiến trúc, xây dựng mô hình.;

Màn hình 3D không cần kính

Màn hình Spatial Reality Display (SRD) của Sony có kích thước 15.6 inch với độ phân giải 4K (3.840 x 2.160), công nghệ LCD đạt độ sáng 500 nit, bao phủ 100% không gian màu AdobeRGB. Nguyên mẫu từng được trưng bày tại CES 2020 và thậm chí đã giành được giải thưởng tại triển lãm Infocomm. Để tạo nên sản phẩm, Sony đã huy động cả những kinh nghiệm phát triển máy ảnh Alpha lẫn TV Bravia.

Sony muốn tạo ra một màn hình 3D không cần kính, có chất lượng hình ảnh cao nhất (ảnh: Sony)

Theo Sony, sản phẩm của họ đã được ứng dụng trong nội bộ tập đoàn ở đơn vị sản xuất phim, dự án Ghostbusters Afterlife (2021), ngoài ra có tập đoàn Volkswagen. Sony cho biết các doanh nghiệp sử dụng nó có thể dựng đồ họa 3D bằng các phần mềm Unity và Unreal Engine, sau đó xem sản phẩm cuối trên SRD.

Công nghệ mà Sony sử dụng gọi là Eye-Sensing Light Field Display, một phiên bản hiện đại hơn của màn hình Light Field Display. Nguyên lý hoạt động như sau: một cảm biến tầm nhìn tốc độ cao gắn ở viền trên đóng vai trò xác định chủ thể sử dụng. Các thuật toán nhận diện khuôn mặt và đôi mắt độc quyền của Sony sẽ xác định xem bạn đang nhìn từ hướng nào và di chuyển theo hướng nào, từ đó điều chỉnh hình ảnh "xoay theo" để tạo cảm giác là nó đang nổi ở đấy.

Một hệ thống vi thấu kính phủ lên lớp LCD, phân chia ánh sáng của màn hình thành các hướng đi được chỉ định, đồng thời đưa nó tới mắt trái và mắt phải mỗi bên một hình ảnh khác nhau. Tại điểm giao nhau của ánh sáng đi ra từ các điểm ảnh phụ R-G-B, hình ảnh lập thể sẽ được tạo thành. Mỗi mắt của chúng ta tiếp nhận một hình ảnh 2K FHD, khi lồng vào nhau sẽ cho ra hình ảnh cuối đạt độ phân giải 4K UHD.

Để xử lý toàn bộ quá trình kết xuất này theo thời gian thực, màn hình SRD yêu cầu một PC chạy chip Intel Core i7-9700K, card đồ họa GeFroce RTX 2070 Super của Nvidia trở lên, cùng 16GB RAM và ổ cứng SSD.

Trải nghiệm thực tế

Màn hình 3D không cần kính không phải mới, nhưng Sony đã nâng tầm nó. Theo Giám đốc chi nhánh Anh quốc của trang công nghệ Engadget, Mat Smith, từng trải nghiệm nguyên mẫu ở CES 2020, ông nói màn hình này giống với một "màn trình diễn hologram trong một không gian hẹp". Chất lượng hình ảnh "nhỏ, mờ và không ấn tượng".

Sản phẩm thực tế (ảnh: my navi)

Còn phóng viên The Verge đã tận tay trải nghiệm sản phẩm do Sony gửi tới, bản thương mại. Anh cho biết đã xem demo một chiếc Volkswagen Atlas nhỏ, trôi nổi như thể đang đi ra khỏi màn hình. Sau đó xem tiếp một cô gái anime nhảy múa bên trong màn hình Sony. Nó khá kỳ diệu! Nhìn chung, các hình ảnh demo khá ấn tượng.

Một máy tính tối thiểu cần cấu hình Intel Core i7-9700K, card đồ họa Nvidia GeForce RTX2070 (ảnh: my navi)

Nhược điểm lớn nhất là hiện tại camera chỉ có thể thu được điểm nhìn của một người. Có nghĩa sẽ không thể sử dụng cho từ hai người trở lên, hiệu ứng 3D lập thể sẽ biến mất. Nếu vật thể có kích thước quá lớn vượt quá màn hình, nó sẽ bị các cạnh chắn cắt mất một phần. Hoặc camera không thu được ánh nhìn từ mắt bạn, nó cũng biến mất.

Sản phẩm vẫn còn một số giới hạn nhất định (ảnh: my navi)

Theo anh, người dùng như chúng ta có thể cảm nhận được nhiều hơn với một bộ thiết bị VR. Tuy nhiên, Sony cho biết họ nhắm tới là thị trường ngách, những người muốn sử dụng một màn hình tĩnh trong studio thiết kế, thay vì di chuyển liên tục. Tất nhiên nếu bạn là người thừa tiền và muốn thử trải nghiệm, vẫn có thể đặt mua.

Giá bán 5.000 USD và hướng tới các nhà làm phim, kỹ sư cơ khí, kiến trúc sư hay nhà thiết kế,...

Đối với các phóng viên Nhật Bản, họ đánh giá cao màn trình diễn của Sony. Chất lượng hình ảnh thực sự tốt hơn các màn hình 3D không cần kính trước đây.

Giá bán và ngày lên kệ

Sản phẩm có giá 5.000 USD và bắt đầu mở bán từ tháng Mười Một. Sau cùng, mức giá này chắc chắn sẽ không tiếp cận được thị trường người dùng phổ thông, vậy nên tập khách hàng tiềm năng của Sony vẫn sẽ là nhóm sáng tạo nội dung. Đó là nhà làm phim, họa sĩ đồ họa, kỹ sư cơ khí, nhà thiết kế,... Ngoài ra, các phòng trưng bày nghệ thuật, viện bảo tàng, showroom cũng có thể ứng dụng để demo cho khách.

Ambitious Man

Chủ đề khác