VnReview
Hà Nội

The Verge đánh giá iPhone 12: đạt điểm 9/10

Đây là chiếc iPhone mà bạn nên mua, trừ khi bạn muốn bản Max hay mini.

* VNReview xin chuyển ngữ bài đánh giá iPhone 12 của TheVerge để bạn đọc theo dõi.

Khác với hầu hết mọi năm, có rất nhiều thứ mới mẻ trên iPhone 12. Apple hiển nhiên mang đến hàng loạt những nâng cấp thông thường, như vi xử lý nhanh hơn và camera tốt hơn, nhưng đó là những thứ chúng ta đều đã biết chắc từ trước. Còn những điều chưa chắc chắn thì sao? iPhone 12 sở hữu một thiết kế mới, màn hình OLED, một hệ sinh thái phụ kiện và sạc không dây hoàn toàn mới với công nghệ MagSafe, và tất nhiên là 5G nữa.

Dường như cả Apple và các nhà mạng đối tác của họ đang tìm cách biến iPhone 12 thành một siêu chu kỳ nâng cấp. Mọi thứ mới mẻ trên thiết bị năm nay đi kèm với một mức giá cao hơn trước (bản 64GB đã có giá đến 829 USD), cùng nhiều ưu đãi giảm giá và những chương trình đổi cũ lấy mới hay mua trả góp "siêu hời" từ các nhà mạng. Giữa một thế giới mà nền kinh tế đang bị giày xéo bởi đại dịch, iPhone 12 vừa ra đời đã phải đối mặt với nguy cơ ế ẩm.

Nếu bạn thực sự cần một chiếc điện thoại mới, xin nói ngay là bạn nên mua iPhone 12. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một lý do để nâng cấp điện thoại sớm hơn dự định, thì thật khó để khẳng định mọi tính năng mới mà iPhone 12 sở hữu đủ hấp dẫn để bạn "xuống tiền".

Dòng sản phẩm iPhone năm nay bao gồm 4 mẫu máy: iPhone 12, iPhone 12 mini, iPhone 12 Pro, và iPhone 12 Pro Max. Mỗi thiết bị đều có những lý do đáng để bạn cân nhắc, nhưng chiếc iPhone 12 chuẩn mà chúng ta đang nói đến ở đây có lẽ sẽ là thiết bị hầu hết người dùng muốn có một chiếc iPhone mới sẽ chọn.

Thiết kế iPhone 12

Thiết kế của iPhone 12 là điều mà nhiều người sẽ thích. Bên cạnh việc nhỏ hơn và nhẹ hơn so với iPhone 11, nó có các cạnh bên phẳng và màn hình cũng phẳng nốt. Chúng ta đã quen với những chiếc iPhone viền màn hình uốn cong trong suốt 6 năm qua, kể từ chiếc iPhone 6 năm 2014. Do đó, khi cầm iPhone 12 trên tay, bạn sẽ có cảm giác mới mẻ. Nhưng mặt khác, nó mang lại cảm xúc như các mẫu iPhone 4 hay 5, vốn là những chiếc iPhone cuối cùng có thiết kế được mọi người ưu ái.

Mặc cho các cạnh phẳng, phần gờ và các góc của iPhone 12 được vát vừa đủ để cho cảm giác cầm nắm thoải mái. Khung viền của máy sử dụng chất liệu nhôm nhám, và nhiều người sẽ thích nó hơn là khung viền bằng thép bóng loáng trên hai mẫu Pro. Không may là mặt kính lưng của iPhone 12 lại siêu bóng, siêu bám vân tay, và dễ dính những vết trầy xước li ti hơn bao giờ hết. Cũng chẳng sao, trước sau gì bạn cũng dùng ốp mà!

iPhone 12 (phải) nhỏ hơn đáng chú ý so với iPhone 11 (trái)

Khung viền máy được hoàn thiện nhám

Phần nhựa này là ăng-ten UWB trên phiên bản cho thị trường Mỹ

Mặt trước của iPhone 12 về cơ bản không phải hoàn toàn bằng kính, mà là một chất liệu lai giữa kính và gốm sứ được Apple gọi bằng cái tên "Ceramic Shield". Nó thực chất là các tinh thể gốm sứ trộn lẫn với kính để tăng khả năng kháng rơi vỡ so với thế hệ iPhone 11 năm ngoái. Apple cho biết iPhone 12 bền hơn gấp 4 lần, một tin tốt bởi chi phí sửa màn hình năm nay cũng cao hơn năm ngoái kha khá. Phóng viên Dieter Bohn của TheVerge đã (vô tình) đánh rơi thiết bị từ độ cao khoảng 0,9 mét xuống sàn bê-tông, nhưng may mắn là thiết bị chỉ dính một vết lõm nhẹ ở khung nhôm mà thôi. Khả năng kháng trầy xước của iPhone 12 có lẽ cũng như năm ngoái.

Nếu bạn nhìn kỹ khung viền nhôm, bạn sẽ thấy nhiều đường ăng-ten, và thậm chí là cả một phần ăng-ten mmWave UWB nhỏ bằng nhựa ở cạnh bên nếu dùng bản cho thị trường Mỹ. Chúng phá vỡ tính đối xứng của thiết bị đôi chút (đặc biệt là phần đáy), nhưng điều đó nào có quan trọng? Ngoài ra, nếu bạn đang trông chờ phần tai thỏ nhỏ hơn, thì bạn sẽ thất vọng vì cụm Face ID vẫn nằm trong phần cắt màn hình rất lớn như trước.

iPhone 12 không có cảm biến vân tay, và dù chẳng ai thực sự kỳ vọng điều đó, sử dụng Face ID giữa thời buổi đại dịch có thể gây ra đôi chút bực bội. Có lẽ lời bào chữa hợp lý mà các nhà sản xuất Android đưa ra khi "ngó lơ" tính năng Face Unlock chính là việc điện thoại của họ sẽ dễ mở khoá hơn khi bạn đeo khẩu trang.

Nhìn chung, thiết kế của iPhone 12 thanh lịch và tự tin hơn các thế hệ iPhone vài năm trở lại đây. Và phần thú vị nhất của nó chính là kích thước nhỏ hơn trước: chiếc iPhone XR và iPhone 11 luôn mang lại cảm giác hơi quá lớn; nếu thiết kế iPhone năm nay tiếp tục được sử dụng trong 6 năm sắp tới, có lẽ sẽ không ai phàn nàn gì đâu!

Màn hình iPhone 12

Một trong những lý do Apple có thể giảm được kích cỡ của iPhone 12 là họ chuyển sang dùng màn hình OLED. Màn hình này có viền nhỏ hơn và kích cỡ hiển thị không đổi, vẫn 6.1-inch như iPhone 11. Hiển nhiên, màn hình OLED vượt trội hơn so với LCD bởi nó thể hiện màu đen với sắc độ sâu hơn, do đó đây rõ ràng là một thay đổi đáng được khen ngợi.

Bên cạnh việc chuyển sang OLED, Apple còn tăng độ phân giải lên 1170 x 2532. Nếu bạn chưa biết thì các mẫu iPhone bản chuẩn thế hệ trước luôn bị phàn nàn khi có độ phân giải chưa đạt đến mức 1080p. Năm nay, chuyện đã được cải thiện.

Nhưng nó lại gặp phải một lời phàn nàn khác: lẽ ra iPhone mới phải có màn hình với tần số làm tươi cao chứ? Nhiều điện thoại Android ở mức giá này (và gần như mọi điện thoại Android ở mức giá cao hơn) đều có màn hình 90Hz hoặc 120Hz, giúp hiệu ứng cuộn và hoạt hoạ mượt mà hơn. iPhone 12 thì vẫn duy trì màn hình 60Hz như trước nay vẫn vậy.

Apple đã trang bị màn hình 120Hz cho iPad Pro, và; iPhone 12 không có tính năng này có lẽ vì hai lý do: đầu tiên, iOS về bản chất đã mượt mà và nhanh rồi; và thứ hai, đây là một chiếc iPhone giá tốt, do đó việc nó có tần số làm tươi như cũ cũng không đáng ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên, việc hai mẫu iPhone 12 Pro thiếu vắng 120Hz lại là một chuyện khác.

Màn hình iPhone 12 Pro có một ưu điểm so với iPhone 12: nó có thể đạt độ sáng cao hơn trong điều kiện sử dụng thông thường. Dẫu vậy, bạn sẽ chẳng có gì để phàn nàn về độ sáng màn hình của iPhone 12, kể cả khi dùng máy ngoài trời. Và khi xem nội dung HDR, cả iPhone 12 lẫn 12 Pro đều có thể đạt độ sáng tối đa 1.200 nits.

Nhìn chung, màn hình OLED là một cải tiến đáng chú ý, chủ yếu bởi độ tương phản tốt và khả năng hiển thị HDR của nó, chứ không phải vì độ phân giải. Và tin vui cho bạn là vẫn như mọi khi, màn hình iPhone 12 có độ chính xác màu sắc không thể phàn nàn được.

MagSafe

Trong số những thứ mới mẻ trên iPhone 12, MagSafe có lẽ là điều thú vị nhất. Nó là một hệ thống cho phép bạn gắn nhiều phụ kiện vào mặt lưng iPhone thông qua các nam châm bên trong máy: từ đế sạc không dây, ốp lưng, giá gắn điện thoại trên xe hơi, ví, và nhiều thứ khác như gimbal hay những thứ chúng ta chưa thể hình dung ra vào thời điểm này nữa.

Món phụ kiện mở màn cho trào lưu mới chính là đế sạc không dây MagSafe giá 39 USD, dính vào mặt lưng của iPhone 12 với một tiếng cạch đã tai. iPhone 12 có một con chip NFC thứ hai dành riêng cho MagSafe, có khả năng nhận biết thứ gì đang được gắn vào máy. Nếu đó là một đế sạc MagSafe, nó sẽ cho phép điện thoại được sạc với công suất 15W thay vì 7,5W như bình thường, miễn là bạn có một củ sạc công suất tối thiểu 20W (đế sạc MagSafe không được bán kèm với củ sạc, Apple bán củ sạc USB-C 20W với giá 19 USD, hoặc bạn có thể sử dụng một củ sạc bất kỳ của các thiết bị khác như laptop chẳng hạn).

Sạc không dây thông qua MagSafe có tốc độ chấp nhận được, chứ không chậm chạp một cách khó chịu như trước đây. Trong một bài test, pin iPhone 12 đã sạc được 40% trong một tiếng đồng hồ - chậm hơn so với những hệ thống sạc không dây nhanh nhất trên thị trường, và chậm hơn nhiều so với sạc bằng cáp, nhưng bù lại bạn có được sự dễ dàng và tiện lợi.

Đế sạc MagSafe của Apple có thiết kế mỏng và nhẹ, dính đủ chặt vào mặt lưng máy để bạn có thể cầm điện thoại lên và sử dụng mà không khiến nó rơi ra. Bất kỳ hãng nào khác muốn sản xuất loại đế sạc tương tự sẽ phải tham gia chương trình "Made for iPhone" (MFI) của Apple. Các loại đế sạc nhanh không dây khác vẫn sạc iPhone ở tốc độ thông thường; những đế sạc mới sẽ cần sử dụng giao thức kết nối NFC nói trên để sạc nhanh (và nếu bạn đang thắc mắc, thì các ứng dụng không thể truy xuất trực tiếp con chip NFC này được, do đó các hình thức thanh toán và nhiều ứng dụng khác sẽ vẫn bị hạn chế nhiều so với trên Android).

NFC còn cho phép Apple làm vài thứ nhỏ nhặt xinh xắn khác, như hiện ra một vòng tròn sáng trên màn hình khi iPhone phát hiện ra một món phụ kiện vừa được gắn vào. Ví dụ, khi gắn ốp lưng màu xanh dương, một vòng tròn màu xanh dương sẽ xuất hiện. Apple hiện bán một loạt các ốp lưng MagSafe mà theo hãng là có thể tháo ra lắp vào dễ dàng hơn ốp thông thường, nhưng về thiết kế thì chúng chẳng khác những chiếc ốp silicon từ những năm trước là bao. Họ còn bán một chiếc ví giữ được 3 thẻ tín dụng với một lớp chắn đặc biệt để giúp chúng không bị khử từ. Khá thú vị, nhưng nếu muốn lấy thẻ ra hoặc muốn sạc không dây điện thoại, bạn phải tháo cả chiếc ví!

Sẽ rất thú vị khi chờ đợi xem các công ty bên thứ ba nghĩ ra ý tưởng gì với cụm nam châm của iPhone 12. Họ không nhất thiết phải tham gia vào MFI để tạo phụ kiện nam châm, và hãng Belkin đã nhanh tay tung ra một vài chiếc giá đỡ điện thoại trên xe hơi. Chắc chắn sẽ có thêm khá nhiều phụ kiện nhiếp ảnh và quay phim nữa. Cụm nam châm nói trên đủ mạnh để giữ chắc điện thoại trước những cú rung lắc hay tác động nhẹ, nhưng các phụ kiện như giá đỡ điện thoại trên xe đạp vẫn sẽ cần tìm cách để giữ thiết bị chắc hơn nữa.

Còn một điều cuối cùng cần nói về vấn đề sạc trên iPhone 12. Apple đã loại bỏ củ sạc tường khỏi hộp và chỉ trang bị cho bạn một sợi cáp USB-C sang Lightning, do đó nếu bạn không có sẵn một củ sạc USB-C, bạn sẽ phải sắm ngay một cái. Dù những lợi ích cho môi trường như Apple tuyên bố là không lớn cho lắm, nhưng nhìn chung quyết định của hãng cũng có phần hợp lý.

Tuy nhiên, điều không hợp lý là việc Apple vẫn kiên quyết sử dụng cổng sạc Lightning. Lần tái thiết kế lớn này rõ ràng là cơ hội để chuyển sang cổng USB-C phổ biến hơn - chính là loại cổng mà các máy tính và tablet của Apple đang sử dụng, cùng với mọi chiếc điện thoại Android và nhiều, nhiều món đồ công nghệ khác trên thị trường. Sự dè dặt của Apple cho thấy những kế hoạch dài hạn của họ nhiều khả năng sẽ có cái tên MagSafe được xướng lên khá nhiều nữa. Dù chẳng mấy ai yêu thích Lightning, nhưng phải thừa nhận rằng có nó còn tốt hơn là bỏ hẳn sạc có dây.

5G trên iPhone 12

Apple quảng bá 5G như một tính năng flagship trên tất cả các mẫu iPhone và hứa hẹn mang lại cho người dùng tốc độ tải về cực nhanh. Trên thực tế, ngay cả người dùng tại Mỹ cũng phải chật vật với 5G, còn ở những nơi khác trên thế giới thì chưa ai biết như thế nào.

Mạng 5G đơn giản là vẫn chưa được triển khai hoàn chỉnh, và dù các nhà mạng hứa hẹn bao nhiêu đi nữa, có lẽ còn khá lâu nữa chúng mới trở thành hiện thực.

Theo thử nghiệm của TheVerge ở Oakland và San Francisco trên hai nhà mạng T-Mobile và Verizon, tín hiệu LTE hiện lên với tần suất ngang ngửa tín hiệu 5G - nếu không muốn nói là còn nhiều hơn. Khi bắt được 5G, tốc độ tải về dao động từ mức cao hơn một chút so với LTE cho đến nhanh hơn gấp đôi. Nhưng khi vừa bước ra khỏi khu vực phủ sóng mmWave của Verizon, tốc độ tụt một cách thê thảm.

Rõ ràng, trải nghiệm 5G hoàn toàn phụ thuộc vào nơi bạn đứng, mạng bạn sử dụng, và... sự may mắn của bạn trong việc tìm thấy tín hiệu 5G. Quả là tuyệt khi có được tốc độ 2.400Mbps và tải về trọn một season phim trên Netflix trong tích tắc. Nhưng không hề vui chút nào khi bạn vừa bước sang bên kia đường và thấy tốc độ rơi xuống chỉ bằng LTE!

Một điểm cộng cho iPhone 12 là nó có hiệu năng 5G tốt hơn các điện thoại Android cùng phân khúc. Máy không có hiện tượng nghẽn cổ chai khi xử lý tốc độ 5G siêu nhanh, và bắt tín hiệu mà không gặp vấn đề gì. Khi dùng mmWave, nó hơi nóng đôi chút và thời lượng pin sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu bạn dùng quá lâu. Tuy nhiên, Apple đã làm khá tốt việc tinh chỉnh iOS để tăng cường trải nghiệm 5G cho người dùng.

Mặc định, mọi iPhone 5G sẽ có chế độ "Smart Data" được kích hoạt mặc định. Chế độ này sẽ hạ tốc độ mạng xuống LTE trừ khi phần mềm của Apple tin rằng bạn thực sự cần đến 5G. Chưa rõ trong tình huống nào Smart Data sẽ đẩy tốc độ lên 5G, nhưng có vẻ như nó sẽ dựa vào loại dữ liệu bạn đang tải về và ứng dụng bạn đang sử dụng.

Điều kỳ lạ là khi iPhone bị giới hạn ở tốc độ LTE, nó vẫn hiển thị biểu tượng 5G trên thanh trạng thái. Dường như biểu tượng này báo hiệu tốc độ cao nhất bạn có thể đạt được, thay vì loại kết nối thực sự mà bạn đang sử dụng. Bạn có thể tắt Smart Data nếu thích, nhưng dù nó có hoạt động, bạn cũng sẽ không gặp hiện tượng nghẽn băng thông đâu.

Một điều nữa với 5G: dù Apple đã cố gắng để đảm bảo iPhone 12 hoạt động trên bất kỳ mạng 5G nào tại Mỹ, vẫn có một số khác biệt về băng tần trên thị trường quốc tế (có nơi không hỗ trợ mmWave), do đó hãy kiểm tra kỹ trước khi bạn mang máy đi du lịch. Và nếu bạn sử dụng cả SIM vật lý lẫn eSIM ở chế độ 2 sim 2 sóng online, bạn sẽ không thể bật 5G trên cả 2 SIM cùng lúc. Nếu cả 2 SIM đều online, bạn sẽ chỉ dùng được 4G. Nhưng nếu tắt bớt một SIM, bạn sẽ dùng được 5G dù là SIM vật lý hay eSIM. Bạn cũng đừng quên rằng muốn dùng 5G, bạn phải có SIM tương thích và đăng ký gói cước 5G nữa.

iPhone 12 cũng sẽ cố đoán được gói cước dữ liệu của bạn, và nếu nó biết bạn có dữ liệu vô hạn, nó sẽ dùng 5G thoải mái hơn cho một vài tác vụ nhất định. Apple thậm chí sẽ cho phép bạn tải về các bản cập nhật iOS qua 5G nếu bạn dùng gói cước vô hạn. Nếu thay gói cước hoặc không muốn điều đó xảy ra, bạn sẽ cần thay đổi một vài thiết lập hệ thống.

Apple còn nói rằng bạn sẽ có được tốc độ tether nhanh hơn qua Wi-Fi so với tether qua một sợi cáp Lightning, nhờ những tinh chỉnh hãng đã thực hiện. Tether qua Wi-Fi có thể nhanh hơn gấp 4 lần trước đây trong các điều kiện tối ưu (bao gồm việc thiết bị được tether có Wi-Fi 6).

Cuối cùng, 5G sẽ không hoạt động trên iPhone nếu nhà mạng của bạn không trực tiếp làm việc với Apple để mở nó lên. Không như các mạng trước đây, bạn không thể vào cài đặt rồi tự thiết lập APN và MMS, sau đó rung đùi tận hưởng được. Nhưng cũng đừng quá lo lắng: Apple đã hợp tác với hơn 100 nhà mạng tại 30 thị trường để kích hoạt 5G trên iPhone 12, bao gồm toàn bộ 3 nhà mạng lớn tại Mỹ.

Bạn cũng không cần phải lo lắng về 5G như vậy. Nếu bạn được dùng mạng 5G tại nơi sống và làm việc, bạn khá may mắn. Nếu không, hi vọng bạn sẽ sớm được sử dụng, và hi vọng mạng 5G vẫn sẽ nhanh sau khi hàng loạt thiết kế đua nhau lấp đầy băng thông. Dù sao thì ngay lúc này chưa phải là thời điểm lý tưởng để mua iPhone chỉ vì nó có 5G. Đó là một tính năng bổ sung hay, nhưng chỉ dừng lại ở đó mà thôi.

Camera iPhone 12

Những thay đổi quan trọng nhất đối với camera của iPhone 12 không nằm ở cảm biến hay thấu kính. Chúng hoàn toàn như cũ, trừ việc camera chính (góc rộng) nay có khẩu độ f/1.6 thay vì f/1.8 như trước để thu được nhiều ánh sáng hơn (một chút). Thay vào đó, những khác biệt lớn hơn đến từ phần mềm và từ những khả năng mới mang lại nhờ vào vi xử lý A14 Bionic mới vốn đảm nhiệm mọi thứ trên iPhone 12.

Nếu so sánh giữa các mẫu iPhone 12, điều quan trọng cần biết là iPhone 12 bản chuẩn và iPhone 12 mini có cùng hệ thống camera. iPhone 12 Pro có thêm camera telephoto, LIDAR để lấy nét trong điều kiện thiếu sáng và tính toán chiều sâu, và một vài tuỳ chọn mã hoá dành cho ảnh và video. iPhone 12 Pro Max được nâng cấp mạnh nhất với cảm biến chính lớn hơn và khả năng chống rung được cải thiện. 

Nhìn chung chất lượng video tiếp tục là một điểm mạnh trên iPhone 12, và chỉ có một đối thủ duy nhất xứng đáng để thách thức nó là Galaxy Note 20 Ultra, dù ưu thế có phần nghiêng về iPhone.

Nhưng hãy quay lại với chip A14 Bionic. Nó đã "mở khoá" chế độ chụp đêm cho mọi camera trên iPhone 12 (kể cả camera selfie ở mặt trước) và thậm chí là chế độ chân dung thiếu sáng. Apple cũng đã tinh chỉnh hệ thống một chút để kết hợp nhiều khung hình vào một hình ảnh duy nhất, gọi là Smart HDR 3. Hệ thống này cũng sẽ nhận diện tốt hơn những thứ như khuôn mặt hay bầu trời và tinh chỉnh hình ảnh để tối ưu hoá khung cảnh. Thậm chí bạn sẽ có thêm một tính năng mới để vọc vạch gọi là "Scene Detection" nữa.

Về tổng thể, iPhone 12 cho ảnh với chi tiết tốt hơn trong điều kiện ánh sáng thông thường. Apple cho biết điều này xuất phát từ việc hãng áp dụng thuật toán Deep Fusion trong nhiều tình huống hơn. Dù nhiều người có thể thích chất ảnh tương phản cao đặc trưng của dòng Pixel, nhưng Apple dường như đang đi theo hướng của riêng họ. iPhone 12 nay không còn tìm cách làm sáng các vùng tối trên khuôn mặt một cách quá tay nữa. Nhưng đó chỉ là một thay đổi nhỏ thôi. Những thay đổi lớn hơn xuất hiện trong những tình huống chụp khó khăn hơn.

Night Mode trên iPhone 11

Và trên iPhone 12: sáng hơn, nhiều chi tiết hơn

So với iPhone 11, iPhone 12 ít khi phải kích hoạt chế độ chụp đêm hơn, nhờ vào ống kính với khẩu độ lớn hơn. Và ngay cả khi chế độ này được kích hoạt, bạn vẫn thu được ảnh rõ ràng hơn, sáng sủa hơn. Trong những tình huống rất tối, Pixel 5 vẫn cho ảnh tốt hơn một chút, nhưng khoảng cách giữa Apple và Google đang thu hẹp hơn bao giờ hết.

iPhone 12 không còn xoá mờ kính khi chụp chân dung nữa, kể cả trong chế độ thiếu sáng

Chế độ chân dung khi chụp thiếu sáng là một trong những tính năng mới đáng chú ý, và bạn nên thử ngay đi, chỉ nhắc trước rằng ảnh chỉ đẹp trong một số điều kiện ánh sáng nhất định mà thôi. Và iPhone 12 cũng dễ dàng vượt qua bài test khi chủ thể đeo kính: bạn không phải lo lắng kính sẽ bị xoá mờ như hậu cảnh nữa. Ảnh chân dung selfie ở chế độ thiếu sáng kém ấn tượng hơn. Không có cách nào để tắt tính năng nháy màn hình trong chế độ này, do đó bạn sẽ gặp vấn đề nếu đeo kính khi chụp.

Chụp thiếu sáng bằng camera siêu rộng trên iPhone 12

Và trên Pixel 5: hình ảnh nhiều chi tiết hơn, sáng hơn

Nhiều tính năng phần mềm nói trên cũng hiện diện khi chụp bằng camera siêu rộng, và chất lượng của camera này chắc chắn cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, đây vẫn là một cảm biến tồi, và cả thấu kính cũng tồi nốt: bạn có thể thấy nhiễu hạt trong các chi tiết nếu nhìn đủ gần - dù sao thì combo này đã đủ tốt để chụp phong cảnh rồi.

Apple cho biết hãng đã can thiệp nhiều hơn nhằm giảm thiểu hiện tượng biến dạng ống kính ở rìa các bức ảnh siêu rộng, đặc biệt khi chụp khuôn mặt và các công trình kiến trúc. Quả là có đôi chút hữu ích, nhưng chỉ đôi chút thôi. Bức ảnh cầu Cổng vàng ở trên vẫn bị biến dạng thấy rõ.

Tóm lại, camera trên iPhone 12 có sự tiến bộ rõ rệt so với iPhone 11, nhưng chưa đủ để được xem là một bản nâng cấp lớn. Điều đó không có nghĩa iPhone 12 không phải là chiếc điện thoại chụp ảnh đỉnh cao. Trên thực tế, camera iPhone chưa bao giờ làm chúng ta thất vọng, và sự kết hợp giữa hiệu năng, tính đơn giản, và chất lượng hình ảnh tốt tiếp tục gây ấn tượng cho bất kỳ người dùng nào.

Hiệu năng, thời lượng pin, và phần mềm của iPhone 12

Không hề ngạc nhiên khi biết rằng iPhone 12 nhanh như chớp! Chip A14 Bionic mới được phát triển trên quy trình 5nm mới - có thể con chip này cũng sẽ được tích hợp vào những chiếc máy tính Mac trong tương lai. Game chạy nhanh, không lag; các trang web hiển thị không chút vấn đề, và số lượng ứng dụng cần phải nạp lại khi đa nhiệm cũng ít hơn hẳn.

Nhưng nếu sử dụng thông thường, sẽ không ai thấy được sự khác biệt giữa iPhone 11 và iPhone 12, bởi chiếc điện thoại năm ngoái đã rất nhanh rồi. Khi nói đến tốc độ của iPhone 12, người ta không nói về ngày hôm nay, mà là về 3 hay thậm chí là 5 năm tiếp theo: chiếc iPhone này nhiều khả năng vẫn sẽ nhanh không kém gì thời điểm nó ra mắt.

Thời lượng pin của iPhone 12 tốt, nhưng lại "thụt lùi" so với iPhone 11, vốn là một nhà vô địch về pin. Trên thực tế, việc Apple tạo ra một chế độ đặc biệt nhằm âm thầm tắt 5G cho thấy một chút lo lắng về thời lượng pin của máy. May thay, pin iPhone 12 không tệ chút nào. Bạn có thể sử dụng cả ngày dài sau mỗi lần sạc. Tuy nhiên nếu dùng các tác vụ nặng nhiều, pin sẽ tụt nhanh hơn hẳn so với iPhone 11.

Không có gì để nói về iOS 14 trên iPhone 12, trừ việc số lượng widget trên màn hình chính vẫn còn ít, và Apple nên nỗ lực hơn nữa để biến Siri thành một đối thủ thực sự với Google Assistant.

iPhone 12 là chiếc iPhone đầu tiên trong nhiều năm qua thực sự mang lại cảm giác mới mẻ. Nhưng không có bất kỳ tính năng cụ thể nào thể hiện điều đó cả. 5G cũng hay đấy. MagSafe khá tiện lợi, nhưng phải chờ xem hệ sinh thái xoay quanh nó phát triển đến đâu. Màn hình OLED tuyệt đẹp, nhưng smartphone flagship nào ngày nay chẳng có? Thiết kế mới rất lịch lãm và hiện đại, nhưng khó mà thuyết phục người tiêu dùng mua một chiếc điện thoại chỉ vì nó đẹp.

iPhone 12 sẽ là sự lựa chọn mặc định đối với rất nhiều người muốn mua iPhone trong năm tới, và có thể khẳng định chiếc iPhone này rất tốt. Hầu hết mọi người nên mua nó thay vì iPhone 12 Pro. Nhưng nếu bạn đang có một chiếc iPhone hoạt động tốt, thì không có tính năng nhất-định-phải-có nào trên iPhone 12 khiến bạn phải nâng cấp cả. Đó là đặc điểm của những chiếc điện thoại mặc định: khi bạn cần nó, mua nó ngay, và nó sẽ tốt hơn hẳn so với thứ bạn đang dùng. Khi bạn không cần nó, không mua cũng chẳng sao.

Nhưng khi bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải mua một chiếc điện thoại mới, và niềm tin bạn đặt vào chiếc iPhone 12, thì bạn sẽ nhanh chóng yêu nó thôi!

Chấm điểm iPhone 12: 9/10

Ưu điểm:

- Camera xuất sắc

- Thiết kế thanh lịch

- Hệ sinh thái MagSafe đầy hứa hẹn

- Màn hình được nâng cấp từ LCD lên OLED

Nhược điểm:

- Số tiền phải bỏ ra để có được 5G là quá lớn

- Pin "thụt lùi"

- Giá tăng cao

Minh.T.T (theo TheVerge)

Chủ đề khác