VnReview
Hà Nội

[The Verge] Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone “đi trước thời đại”… quá xa!

Mạng di động 5G, cảm biến quét LIDAR, sạc MagSafe — chiếc điện thoại iPhone 12 Pro mới được Apple ra mắt có quá nhiều tính năng mà ở thời điểm hiện tại, bạn chưa thể tận dụng được gì mấy!

Bài đánh giá do cây bút Nilay Patel của chuyên trang công nghệ The Verge thực hiện. VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc.

Năm nay thực sự là một năm bản lề trong lịch sử của những chiếc iPhone.;Dòng sản phẩm iPhone 12 được Apple ra mắt lần này đã được thiết kế lại hoàn toàn và có đến bốn mẫu lên kệ cùng lúc - iPhone 12 mini, iPhone 12, iPhone 12 Pro, và iPhone 12 Pro Max - với nhiều kích thước màn hình và nhiều tầm giá khác nhau. Nhìn tổng thể, cả 4 mẫu iPhone 12 này đều được Apple trang bị những tính năng quay video mới, hệ thống sạc MagSafe cũng "hoàn toàn mới", màn hình OLED, chip A14 mạnh mẽ nhất và tất cả đều hỗ trợ mạng di động 5G.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Rất dễ để phân biệt giữa hai chiếc iPhone 12 Mini và iPhone 12 Pro Max. Tuy nhiên, nếu nhìn vẻ bề ngoài, hai mẫu iPhone màn hình 6.1 inch còn lại khá giống nhau. iPhone 12 và iPhone 12 Pro có thiết kế cơ bản giống nhau, màn hình OLED được trang bị cũng giống nhau, bộ vi xử lý bên trong giống nhau và hỗ trợ mạng di động 5G thế hệ mới cũng tương tự nhau. Dòng Pro có thêm một ống kính camera tele, một cảm biến quét LiDAR, thêm một ít bộ nhớ RAM, phiên bản bộ nhớ tiêu chuẩn (thấp nhất) gấp đôi và khung máy làm bằng thép không gỉ sáng loáng. Với những khác biệt đó, iPhone 12 Pro sẽ có giá khởi điểm là 999 USD (khoảng 23,2 triệu đồng) ở thị trường Mỹ, cao hơn khoảng 200 USD (khoảng 4,64 triệu đồng) so với phiên bản iPhone 12 cấu hình thấp nhất là 799 USD (khoảng 18,52 triệu đồng).

Chắc chắn đọc đến nay, sẽ có một số bạn đọc đưa ra quyết định bỏ thêm một chút kinh phí để sở hữu chiếc iPhone 12 Pro, với thiết kế sáng bóng nổi bật. Trong đa số trường hợp, tôi cũng như các bạn, rút hầu bao vì bị thu hút bởi vẻ bề ngoài. Tuy nhiên, là một trang tin công nghệ, nhiệm vụ của tôi là phải đào sâu phân tích để cho bạn đọc thấy liệu số tiền 200 USD bỏ ra thêm ấy có xứng đáng hay không, nhất là khi năm nay, phiên bản iPhone 12 (không có Pro) cũng đã được trang bị màn hình OLED – điều đó có nghĩa rằng sự khác biệt giữa iPhone bình thường và iPhone phiên bản Pro năm nay đã được thu hẹp đáng kể. Năm ngoái, phiên bản iPhone 11 thường chỉ được trang bị màn hình LCD độ phân giải thấp hơn.

Vậy câu hỏi thực sự đặt ra cho iPhone 12 Pro là liệu danh mục những tính năng nâng cao mà chiếc máy này sở hữu có xứng đáng với mức giá cao hơn khoảng 200 USD so với iPhone 12 tiêu chuẩn hay không. Và nếu bạn đồng ý "xuống tiền" cho chiếc máy này, thì liệu bạn có nên đợi thêm một khoảng thời gian nữa và bỏ ra thêm khoảng 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) để nâng cấp lên iPhone 12 Pro Max – chiếc máy có màn hình lớn hơn một chút, cảm biến camera cũng lớn hơn và được trang bị hệ thống ổn định hình ảnh sử dụng chuyển động vật lý của cảm biến, được kỳ vọng sẽ mang lại một bước nhảy vọt về chất lượng hình ảnh – hay không.

Chính những nguyên nhân đó khiến iPhone 12 Pro năm nay dường như nằm "lọt thỏm" giữa hai tuỳ chọn giá rẻ hơn và đắt hơn một chút. Thực sự, tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở chỗ bạn có coi trọng và thường xuyên sử dụng ống kính tele hay chụp ảnh chân dung vào ban đêm hay không. Xác định được điều đó, lựa chọn của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Và đương nhiên, chúng ta cần phải nhắc lại sự thực rằng, iPhone 12 Pro có vẻ bề ngoài "bóng loáng".

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Thiết kế của iPhone 12 Pro

iPhone 12 và 12 Pro có thiết kế cơ bản tương tự nhau – dạng hình hộp vuông và rất phẳng – thậm chí phẳng đến mức có thể "gây sốc" cho bạn! Gần như tất cả các mẫu điện thoại khác trên thị trường hiện nay đều có phần viền cong và bạn có thể nhìn thấy rõ đường "ranh giới" giữa màn hình hiển thị và khung máy, nhưng những chiếc iPhone 12 của năm nay trông gần như nguyên một khối. Điều này gợi cho tôi nhớ lại chiếc iPhone 5, nhưng điều quan trọng hơn là, chúng trông (và đem lại cảm giác) rất khác so với những chiếc điện thoại hiện đại khác. Tuy nhiên, trong lịch sử, Apple biết cách làm thế nào để biến những thiết kế của năm trước trở nên lỗi thời ngay lập tức chỉ sau một đêm (đêm giới thiệu sản phẩm).

Điều kỳ lạ là thiết kế vuông vắn khiến iPhone 12 Pro trông có vẻ "to" hơn so với thực tế. Sự thật là, iPhone 12 Pro mỏng hơn iPhone 11 Pro, dù vẻ bề ngoài của chiếc iPhone năm nay có thể "tố cáo" điều ngược lại!

Như tôi đã nhắc đến ở trên, iPhone 12 Pro là một chiếc máy "bóng loáng", và phần khung làm bằng thép không gỉ sáng bóng sẽ bị in dấu vân tay gần như ngay lập tức khi bạn chạm vào. Do đó, đây chắc chắn sẽ là mẫu máy mà bạn phải giữ gìn và lau chùi thường xuyên nếu bạn không dùng vỏ ốp bảo vệ. Mà thực ra ngay cả khi bạn có dùng ốp, thì đây cũng vẫn là chiếc iPhone đầu tiên trong một thời gian dài khiến tôi cảm thấy thất vọng về phần vỏ ngoài. Nó chỉ đẹp mà thôi, còn khi sử dụng thì…!

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Khung thép không gỉ của iPhone 12 Pro nhìn sáng bóng, rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị bám dấu vân tay.

Mặt trước của chiếc điện thoại được phủ một lớp vật liệu mà Apple gọi là "Ceramic Shield", một hợp chất pha trộn giữa thuỷ tinh và gốm. Với chất liệu mới này, bạn không thể gọi nó là "thuỷ tinh" vì về mặt kĩ thuật, nó không phải kính và với thiết kế mới này, Apple quảng bá rằng dòng iPhone 12 có thể chịu thả rơi gấp 4 lần so với các phiên bản tiền nhiệm, mà vẫn có khả năng chống nứt, xước tương đương (Cá nhân tôi là một người thường xuyên đánh rơi điện thoại, nên tôi khá hào hứng muốn xem điều này sẽ thể hiện như thế nào trong thực tế). Ở mặt sau của máy vẫn là chất liệu kính cùng loại với năm ngoái, nhưng theo Apple, ngay cả như vậy, thiết kế mới sẽ vẫn giúp cải thiện khả năng chống chịu thả rơi của chiếc điện thoại. Tuy nhiên, điều Apple không chịu tiết lộ là khung vỏ mới này sẽ chống chịu thế nào trước những vết cào, khắc hay xước… Qua quá trình thử nghiệm, chúng tôi cũng đã khiến cho phần khung máy phải chịu một vết xước nhỏ xíu – trong khi chỉ quay một vài cảnh cho video du lịch.

Màn hình OLED của iPhone 12 Pro to hơn so với iPhone 11 Pro, với kích thước 6.1 inch, và do đó, chiếc điện thoại trông có vẻ dài hơn một chút. Còn lại, về khía cạnh độ sáng và mật độ điểm ảnh, màn hình của iPhone 12 Pro năm nay tương tự năm ngoái – có nghĩa rằng chất lượng hiển thị vẫn sẽ xuất sắc. Mặc dù vậy, tốc độ làm tươi của màn hình chỉ là 60Hz, thấp hơn gần như so với tất cả các mẫu điện thoại Android có giá từ 700 USD (khoảng 16,2 triệu đồng) trở lên ở thời điểm hiện tại.

Rõ ràng, có lý do để Apple đưa ra quyết định như vậy, từ doanh số, doanh thu hay nguồn cung tấm nền màn hình ở thời điểm hiện tại… song dù sao, màn hình hiển thị 60Hz dường như có vẻ không… pro lắm! Thật vậy, ngay cả chính iPad Pro của Apple cũng có màn hình ProMotion với tốc độ làm tươi cao. Nếu từ trước đến nay bạn chỉ dùng iPhone, bạn sẽ không thực sự thấy sự khác biệt vì xưa nay mọi thứ vẫn vậy. Nhưng nếu bạn từng sử dụng màn hình với tốc độ làm tươi 120Hz, sự khác biệt về độ mượt khi cuộn trang là rất dễ nhận ra.

Phần viền và "tai thỏ" ở phía trên màn hình vẫn có kích thước tương tự như các phiên bản iPhone trước, có nghĩa rằng bạn sẽ chẳng buồn để ý đến chúng nữa. Tuy nhiên, năm nay kích thước màn hình của iPhone có sự thay đổi – nên những khách hàng đầu tiên chọn mua sản phẩm này sẽ nhận ra rằng nhiều ứng dụng vẫn chưa tương thích và cần phải cập nhật cho phù hợp với kích thước màn hình mới – chẳng hạn như Instagram, như thường lệ, đã bị lỗi một chút rồi – nhưng hệ sinh thái iPhone xưa nay vẫn thích nghi khá nhanh, nên chúng ta có thể kỳ vọng một làn sóng các bản cập nhật ứng dụng sẽ sớm được phát hành để cải thiện độ tương thích này.

Ở cạnh bên của điện thoại, có bốn khoảng trống ăng-ten tiêu chuẩn, và riêng các phiên bản bán tại thị trường Mỹ sẽ có thêm một khoảng trống ăng-ten nữa để thu nhận sóng 5G băng tần siêu rộng mmWave UWB của nhà mạng Verizon. Apple cho biết ngay cả khi người dùng cầm vào phần khoảng trống đặc biệt này, hiệu suất của mạng không dây vẫn không bị ảnh hưởng và do đó, Apple không đưa ra hướng dẫn đặc biệt nào về cách cầm nắm điện thoại tại thị trường Mỹ. Thực tế, tôi là một người có bàn tay to và không thể cầm điện thoại mà không che mất khoảng trống ăng-ten mmWave trừ phi tôi chủ ý tránh phần đó ra, và thực tế, khi thử nghiệm tốc độ 5G mmWave, tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì.

Mặt sau của iPhone 12 Pro có hệ thống sạc không dây từ tính MagSafe mới của Apple, và tương lai của công nghệ này thật tươi sáng và đầy hứa hẹn giống như cảm xúc của tân sinh viên vào mùa hè đầu tiên trước khi bước vào đại học. Có cảm giác như thể Apple đã viết lại từ đầu công nghệ sạc pin cho điện thoại vậy. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc những sợi cáp sạc Lightning đang tiến sang những ngày cuối cùng của cuộc đời, và nếu bạn có chút cảm giác buồn buồn, hoài niệm về điều đó thì cũng không có sao cả.

MagSafe là một chiếc sạc không dây cực kỳ thông minh, cả về ý tưởng lẫn trải nghiệm thực tế. Trước đó, tôi đã rất hứng thú với những chiếc giá treo từ tính trên xe hơi, những chiếc gimbal chống rung và các phụ kiện tương tự kiểu như vậy: bạn không cần phải loay hoay làm thế nào để gắn chặt hai thiết bị vào với nhau. Tôi cũng cho rằng miếng nam châm đặt bên dưới cuộn dây sạc ở mặt lưng của điện thoại sẽ có nhiều tác dụng thú vị thay vì chỉ sử dụng để sạc pin: chẳng hạn như giữ chiếc hộp đựng ví đặt phía sau điện thoại – một sản phẩm khác do Apple phát triển.

Apple có vẻ rất tự tin rằng hệ sinh thái phụ kiện dựa vào nam châm MagSafe của iPhone sẽ phát triển, không giống với những gì đã xảy ra với chân cắm iPad Smart Connector. Hiện đã có một số bộ sạc, giá treo xe hơi cùng một vài phụ kiện khác của bên thứ ba dựa vào công nghệ này được công bố (Apple cũng cho biết người dùng có thể tháo ra tháo vào chiếc vỏ ốp điện thoại do Apple phát triển một cách dễ dàng hơn nhờ có miếng nam châm này, nhưng tôi chẳng hiểu họ nói gì cả! Trải nghiệm vẫn y hệt như vậy).

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Sạc MagSafe là phụ kiện sạc không dây giá 39 USD của Apple, cho phép gắn chặt vào mặt lưng của iPhone bằng một miếng nam châm.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Vỏ ốp điện thoại do Apple phát triển cũng sử dụng nam châm từ tính, nhưng cảm giác tháo ra tháo vào phụ kiện này gần như không có gì thay đổi so với trước đây.

Bên cạnh những tiềm năng thú vị đó, bộ sạc MagSafe trên thực tế có kích thước khá lớn để bạn có thể mang theo mình khi di chuyển (mặc dù nó đã khá nhỏ so với những mẫu sạc không dây khác), và cá nhân tôi thấy nó không thuận tiện lắm để mang theo trên những chuyến du lịch. Bản thân sợi dây sạc thì hơi ngắn, do đó tôi cho rằng đây mới chỉ là phiên bản thử nghiệm ban đầu – trong tương lai Apple sẽ tung ra bản nâng cấp của chiếc sạc này, cho phép bạn vừa ngồi trên ghế sofa hoặc vừa nằm trên giường và vừa sạc không dây. Trong tương lai, gần như chắc chắn Apple sẽ phải cho ra mắt một chiếc sạc có dây dài hơn.

Bản thân MagSafe cũng là một chiếc sạc đắt đỏ. Nếu bạn muốn sử dụng sạc không dây MagSafe giá 39 USD (khoảng 903 nghìn đồng), cho phép bạn sạc nhanh với công suất 15 watt, bạn cần phải tự tìm củ sạc USB-C công suất 20 watt của Apple, hoặc tìm đến cửa hàng của Apple và mua phụ kiện này với giá 19 USD (khoảng 440 nghìn đồng) – bởi từ iPhone 12 trở đi, Apple không còn cung cấp phụ kiện này theo hộp iPhone nữa.

Nếu không muốn rút hầu bao nhiều như vậy, bạn có thể mua bất kỳ sạc không dây chuẩn Qi thông thường nào để sạc không dây những chiếc iPhone 12 với công suất 7,5 watt, tương tự như iPhone 11. Apple cho biết các nhà sản xuất bên thứ ba cũng có thể phát triển những mẫu sạc không dây MagSafe và được Apple phê duyệt – do đó hy vọng trong tương lai, sẽ có những sản phẩm sạc với mức giá "mềm" hơn ra lò trên thị trường.

Nói tóm lại, sạc MagSafe là một ý tưởng rất thông minh nhưng vẫn cần phải cải tiến thêm nếu muốn thực sự thay thế cổng Lightning truyền thống bao năm nay, và giúp đưa những chiếc iPhone "không cổng cắm" trong tương lai gần hơn với chúng ta.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Camera của iPhone 12 Pro

Năm ngoái, tôi đã từng nhận định iPhone 11 Pro sở hữu camera điện thoại thông minh tốt nhất thế giới, và năm nay, camera iPhone 12 Pro cũng không phải là một bước thụt lùi. Nhưng nó chỉ là một bước tiến rất nhỏ thôi – đủ để Apple vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua camera di động. Đa số các cải tiến đều khá nhỏ.

Camera chính của iPhone 12 năm nay thu nhận ánh sáng tốt hơn camera iPhone 11 của năm ngoái rất nhiều, hỗ trợ tốt hơn việc chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng. Thuật toán xử lý Smart HDR 3 mới của Apple có vẻ cũng thông minh hơn đôi chút. Khả năng khử nhiễu được cải thiện và cho ra hình ảnh tốt hơn so với iPhone 11: độ nhiễu hạt của ảnh giảm nhiều, và chi tiết ảnh cũng nhiều hơn, rõ hơn. Ảnh cũng có độ tương phản tốt hơn đôi chút: qua từng năm, Apple dường như cởi mở hơn trong việc để cho "vùng sáng là vùng sáng, vùng tối là vùng tối", điều mà cá nhân tôi thấy rất ưng ý.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Ảnh chụp bằng iPhone 12 Pro (trên) và Pixel 5 (dưới).

Cả bốn camera trên iPhone 12 Pro đều có thể chụp chế độ ban đêm (night mode) – một cải tiến rất tốt, nhưng có vẻ như điều này tỏ ra hữu ích nhất với camera trước, dùng để chụp những bức ảnh selfie vào ban đêm. Việc sử dụng ống kính tele hoặc ống kính góc siêu rộng để chụp ảnh bằng chế độ ban đêm cũng được, nhưng trong trường hợp đó, tôi sẽ chọn dùng camera góc rộng chính, bởi khẩu độ của ống kính này rộng nhất và kết quả đem lại cũng tốt hơn cả. Đó là camera tốt nhất trong số 4 camera của điện thoại, và do đó chắc chắn nó sẽ cho ra những bức ảnh đẹp nhất.

Ngoài ra, có một số cải tiến nhỏ nhưng dễ nhận thấy về chất lượng ảnh hơn so với iPhone 11 Pro: ảnh chụp từ ống kính góc siêu rộng ít bị méo hình hơn ở các cạnh, góc, và những bức ảnh chụp từ ống kính góc siêu rộng và tele trông cũng sắc nét và chi tiết hơn. Bên cạnh đó, có một số thiết lập mới: bạn có thể bật/tắt tính năng sửa lỗi méo hình của ống kính một cách thủ công, và bạn cũng có thể tắt cả tính năng Smart HDR lẫn tính năng "phát hiện khung cảnh" – có khả năng tự động phát hiện bối cảnh chụp ảnh và chọn độ phơi sáng chính xác với khung cảnh đó. Thật tốt khi Apple đã quyết định đưa thêm các tuỳ chọn camera này vào iPhone 12, nhưng nhìn chung, tôi khuyên bạn nên để tất cả các chức năng đó được bật. Nếu không muốn sử dụng ứng dụng camera tự động hoàn toàn như vạy, bạn nên sử dụng những ứng dụng cho phép bạn thiết lập các thông số chụp ảnh thủ công tốt như Halide.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

iPhone 12 Pro có cảm biến quét LIDAR ở cụm camera sau – chi tiết chúng ta đã từng thấy lần đầu tiên trên iPad Pro. Nếu bạn thường xuyên sử dụng các chức năng liên quan đến công nghệ thực tế tăng cường (AR), bạn sẽ rất thích cảm biến LIDAR. Cảm biến này giúp các ứng dụng thực tế tăng cường hoạt động chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều (Cá nhân tôi không quan tâm lắm đến AR, nhưng đã có một lần tôi thử và kết quả khá ấn tượng.)

Nhìn chung, đa số người dùng chúng ta sẽ không quan tâm đến tính năng thực tế tăng cường lắm, mà chủ yếu sử dụng cảm biến LIDAR để phục vụ việc chụp ảnh thiếu sáng, giúp máy ảnh lấy nét nhanh hơn – theo Apple là nhanh gấp sáu lần – và để có thể chụp những bức ảnh chân dung xoá phông trong điều kiện thiếu sáng.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Chế độ chụp chân dung ban đêm cho phép bạn chụp những bức ảnh xoá phông ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu.

Trong thử nghiệm, hệ thống lấy nét của máy hoạt động khá nhanh, và những bức ảnh thiếu sáng trên iPhone 12 Pro sắc nét hơn so với iPhone 11 Pro, nhờ vào ống kính khẩu độ lớn có khả năng thu nhận được nhiều ánh sáng hơn, cho phép tăng tốc độ màn trập lên ngay cả trong điều kiện thiếu sáng.

Những bức ảnh chụp chân dung (xoá phông) ở chế độ ban đêm trông rất ấn tượng – mặc dù chúng chỉ sử dụng đến ống kính góc rộng chứ không phải ống kính tele. Điện thoại Pixel 5 của Google cũng có thể chụp những bức ảnh chân dung xoá phông bằng chế độ Night Shift, nhưng cần phải qua bước chỉnh sửa bằng phần mềm. Với iPhone 12 Pro, máy có thể làm được điều này mà không cần qua xử lý phần mềm chút nào.

Trừ phi bạn là một người rất thích sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) hoặc chụp những bức ảnh chân dung ở chế độ ban đêm (night mode), tôi không nghĩ bạn có thể tận dụng điều gì từ cảm biến LIDAR của iPhone 12. Khi bạn chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng thông thường, hệ thống lấy nét của máy hoạt động bình thường như những đời iPhone trước – cảm biến LIDAR sẽ không hoạt động trong trường hợp này. Nói tóm lại, dường như cảm biến LIDAR cứ được đặt tạm vào đấy cho có đã, để chờ trong tương lai gần, Apple hay một nhà phát triển nào đó sẽ tìm ra cách tận dụng nó hiệu quả hơn, tốt hơn.

So với ảnh chụp từ Google Pixel 5 và Samsung Note 20 Ultra, iPhone 12 Pro tạo ra những bức ảnh đúng như những gì chúng ta có thể kỳ vọng từ Apple: những bức ảnh tuyệt đẹp trong đa số mọi hoàn cảnh, màu sắc cân bằng, hài hòa và chi tiết tốt, sắc nét. Cá nhân tôi vẫn hơi thích ảnh chụp từ Pixel hơn một chút, và tôi cũng biết rằng có một số người ưa thích màu sắc "siêu thực" của điện thoại Samsung hơn. Song có một điều chắc chắn là iPhone 11 Pro vẫn có phần "hụt hơi" về khả năng chụp ảnh so với những mẫu điện thoại đó. iPhone 12 Pro đã cải tiến được đôi chút so với 11 Pro về chất lượng ảnh chụp trong đa số các tình huống chụp, đồng thời giúp tạo ra những bức ảnh "sử dụng được" trong các tình huống chụp khó (thiếu sáng).

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Một số hình ảnh chụp bằng iPhone 12 Pro (độc giả nhấn vào ảnh để xem kích thước đầy đủ)

Còn lại, vấn đề lớn nhất trước khi quyết định lựa chọn camera của iPhone 12 Pro hay không là việc chúng ta vẫn chưa có cơ hội thử nghiệm với iPhone 12 Pro Max – chiếc máy có kích thước cảm biến lớn hơn khá nhiều cùng hệ thống ổn định hình ảnh mới. Ống kính tele của iPhone 12 Pro khá tốt, nhưng có một lý do vì sao Apple chọn ống kính góc siêu rộng để đưa vào cụm camera kép của iPhone 12 thay vì ống kính tele: đơn giản là vì ống kính góc siêu rộng có độ linh hoạt cao hơn (zoom vào thì có thể zoom kĩ thuật số, nhưng zoom ra thì buộc phải có phần cứng hỗ trợ). Tôi sẽ chờ xem liệu iPhone 12 Pro Max có xứng đáng để tôi bỏ thêm một chút kinh phí nhưng đổi lại, tôi sẽ có được camera chất lượng vượt xa iPhone 12 Pro hay không? Đây chính là cách thức Apple tiếp cận và thu hút người dùng, như thường lệ.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Cải tiến lớn nhất về quay video của năm nay là tính năng quay video dải tương phản động lớn Dolby Vision HDR.

Nói về video, một tính năng lớn khác của camera trên các dòng iPhone 12 của năm nay là khả năng quay video với dải tương phản động lớn Dolby Vision HDR. Không có cách nào để giúp bạn đọc hiểu được cặn kẽ về tính năng này nếu không đi sâu vào giải thích về các định dạng video (trên phương diện kĩ thuật). Nhưng tôi hứa sẽ làm cho những khái niệm này trở nên đơn giản và thú vị nhất có thể.

HDR viết tắt của cụm từ Dải tương phản động rộng (high dynamic range). Bạn có thể đã quen thuộc với khái niệm này từ bên nhiếp ảnh. Trong nhiếp ảnh, hệ thống HDR trên camera smartphone đã từng là một cuộc cách mạng lớn. Nhưng để hiểu được về HDR trong video, bạn phải đặt tất cả những hiểu biết trước đó của mình về HDR trong nhiếp ảnh sang một bên. Bởi mọi thứ thực sự rất, rất khác.

Về cơ bản, HDR trong video nghĩa là vùng sáng nhất trong khung hình sẽ sáng hơn nhiều, và bạn có thể nhìn thấy nhiều chi tiết hơn trong vùng sáng này (nếu so với video SDR – dải tương phản động tiêu chuẩn). Điều này có thể nhìn thấy rất rõ ràng trên iPhone. Khi bạn quay video có HDR rồi mở nó trong ứng dụng Ảnh, thì khi bạn dùng ngón tay gạt sang một video HDR, độ sáng màn hình của iPhone sẽ tự động tăng lên tối đa để bạn xem. Đó gọi là HDR.

Nhìn chung, những video HDR cũng sẽ hỗ tợ nhiều màu sắc hơn. Các video SDR có thể có tối đa 16 triệu màu, trong khi video HDR trên iPhone có thể có tối đa 700 triệu màu. Số lượng màu thực sự tăng lên rất, rất nhiều, và điều đó có nghĩa rằng những vùng màu gradient (chuyển sắc độ) cũng như khung cảnh hoàng hôn sẽ hiển thị mượt mà hơn rất nhiều. Cuối cùng, video HDR sáng hơn và có màu sắc rực rỡ hơn rất nhiều so với video SDR, và đó là một điều tuyệt vời.

Việc phát lại và xem video HDR đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trong một vài năm qua. Gần như tất cả những mẫu TV và điện thoại cao cấp hiện nay đều hỗ trợ HDR, và đa số các dịch vụ stream phim lớn hiện nay cũng đều cung cấp các bộ phim và chương trình truyền hình quay ở định dạng HDR (HBO Max là một cái tên nổi bật trong số đó). Tuy nhiên, việc tự mình quay và chia sẻ những đoạn video HDR đối với người dùng phổ thông vẫn còn rất khó khăn. Điều đó không phải là không thể: những chiếc điện thoại Samsung kể từ Galaxy S10 đã có thể quay video bằng một định dạng gọi là HDR10+, nhưng đó là một thiết lập được Samsung giấu rất "kỹ" trong phần cài đặt. Và nếu bạn hứng thú, hiện đã có những quy trình để quay, biên tập, xuất bản video HDR từ máy ảnh Sony RX100 Mark V và mới hơn. Nhưng nhìn chung, việc đó vẫn không hề dễ dàng.

Do đó, việc iPhone mặc định hỗ trợ quay video HDR, ngay từ đầu, không cần người dùng thực hiện thêm bất kỳ thao tác gì, đã là một cải tiến lớn rồi.

Từ nãy đến giờ, tôi vẫn luôn sử dụng thuật ngữ "HDR" chứ chưa hề nhắc đến "Dolby Vision". Đó là bởi Dolby Vision chỉ là một loại HDR – một định dạng – và ở ngoài kia, có rất nhiều định dạng HDR khác nhau. Càng nhiều định dạng thì lại càng nảy sinh nhiều vấn đề về tính tương thích. Và, đúng vậy, định dạng Dolby Vision trên iPhone 12 có một số vấn đề về tính tương thích – nhưng không nhiều như tôi lo ngại. Apple và Dolby đã có một bước đi hết sức thông minh, hy sinh sự tương thích trong ngắn hạn để đổi lấy tính tương thích trong dài hạn.

Dolby Vision và chuẩn cạnh tranh với nó – HDR10 – là các định dạng sử dụng hệ thống HDR lượng tử hoá tri giác (perceptual quantizer, viết tắt là PQ). Và các hệ thống sử dụng PQ lại không thể tương thích ngược với các màn hình SDR truyền thống, có nghĩa rằng các video Dolby Vision sử dụng hệ thống PQ sẽ chỉ tương thích với các màn hình hỗ trợ Dolby Visison mà thôi (Nếu bạn xem video Dolby Vision này trên những màn hình không hỗ trợ Dolby Vision truyền thống, hình ảnh sẽ bị sai lệch màu một cách kinh dị… nói chung là không thể xem được). Nếu muốn xem video Dolby Visison trên màn hình thông thường, bạn buộc phải mã hoá lại nó thành SDR – nói tóm lại là tạo ra một tập tin video hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, iPhone 12 lại có khả năng quay video HDR bằng một phiên bản mới hơn của định dạng Dolby Vision, gọi là Profile 8.4, được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn HLG, hay tiêu chuẩn "lai" giữa LOG và GAMMA (hybrid log-gamma). HLG hoạt động khác so với các hệ thống PQ; nó được phát triển bởi các đài truyền hình lớn như BBC và NHK để đảm bảo tính tương thích ngược với các màn hình SDR trước kia. Nhờ vậy mà các đài này chỉ cần phát sóng một luồng hình ảnh duy nhất là đã có thể tương thích với mọi loại màn hình hiển thị.

Điều này có nghĩa rằng video HDR của iPhone 12 về cơ bản là một tập tin quay bằng profile màu HLG với độ sâu màu lên đến 10-bit, lưu cùng với siêu dữ liệu được tạo ra bởi định dạng Dolby Vision, và video này có thể phát lại được bằng định dạng SDR trên các màn hình chỉ hỗ trợ SDR, phát bằng định dạng HLG trên các màn hình hỗ trợ HLG và bằng định dạng Dolby Vision trên các màn hình Dolby Vision có hỗ trợ Profile 8.4. Và iOS 14 đủ thông minh để biết rằng những ứng dụng và thiết bị mà bạn định chia sẻ/phát video lên hỗ trợ định dạng gì, chuẩn gì, để có thể gửi một phiên bản tương thích của video sang thiết bị đó. Mọi thứ được thực hiện một cách rất thông minh, mặc dù trên thực tế, trong đa số trường hợp bạn chỉ chia sẻ video SDR mà thôi.

Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề ở đây (dĩ nhiên). Dolby Vision Profile 8.4 là một phiên bản mới của chuẩn Dolby Vision, và điều đó có nghĩa rằng có nhiều thiết bị Dolby Vision cũ ngoài kia sẽ cần phải được cập nhật để hỗ trợ chuẩn mới này. Do đó, không có gì đảm bảo rằng mọi chiếc TV hỗ trợ Dolby Vision và AirPlay 2 ngoài kia đều sẽ có thể phát video Dolby Vision quay bằng iPhone 12 Pro. Bạn sẽ cần phải kiểm tra xem liệu TV của bạn có hỗ trợ Profile 8.4 hay không. Chẳng hạn, chiếc TV Vizio P65 cũ của bạn tôi có hỗ trợ chuẩn AirPlay 2 nhưng lại chỉ phát được video Dolby Vision của iPhone 12 ở định dạng SDR. Chiếc TV LG B6 dùng màn hình OLED của tôi có hỗ trợ Dolby Vision nhưng lại không phải là Profile 8.4, nên nó sẽ chẳng phát được bất cứ đoạn video nào quay bằng iPhone 12 được tôi copy vào USB hết. Nó cũng đã quá cũ nên chắc sẽ chẳng bao giờ được cập nhật phần mềm để hỗ trợ định dạng mới này đâu. Và còn nhiều trường hợp như vậy nữa…

Dù vậy, có thể nói rằng các mẫu TV mới trong tương lai sẽ mặc định hỗ trợ phiên bản mới nhất của công nghệ Dolby Vision, và do đó, bạn có thể cắm Apple TV 4K vào và sử dụng AirPlay để xem (Tuy nhiên, ngay cả cái cách các video Dolby Vision của iPhone 12 hoạt động với Apple TV cũng đầy "trắc trở": bạn cần phải chạy Apple TV ở chế độ Dolby Vision hoàn toàn mới được. Nếu bạn là một người "lười" và quyết định sử dụng Apple TV của mình ở chế độ SDR và bật chức năng "match content" (tự động phát hiện định dạng nội dung để chuyển chế độ cho phù hợp), thì bạn vẫn sẽ chỉ xem được video SDR từ nguồn phát là iPhone 12 mà thôi. Hy vọng trong tương lai Apple sẽ sớm khắc phục vấn đề này.)

Còn trong trường hợp bạn sở hữu và sử dụng một chiếc máy tính Mac, video Dolby Vision sẽ không được hỗ trợ cho tới khi phiên bản macOS Big Sur chính thức ra mắt, và hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết thời điểm chính xác. Tôi cũng không rõ liệu các mạng xã hội như Instagram, TikTok và YouTube có hỗ trợ video Dolby Vision quay bằng iPhone hay không; hiện tại, bạn sẽ chỉ xem được video của mình ở định dạng SDR nếu chia sẻ lên các nền tảng này (đáng nói, YouTube đã hỗ trợ video HDR rồi nhưng chỉ ở các định dạng HLG và HDR10 mà thôi. Lại là vấn đề của những định dạng!!)

Vậy, có thể thấy câu chuyện về video Dolby Vision trên iPhone hiện còn rất phức tạp, và ở những ngày đầu tiên này, vẫn còn rất nhiều vấn đề về độ tương thích. Song sau cùng, chắc chắn các nhà sản xuất TV và các nền tảng mạng xã hội sẽ tìm ra các hướng giải quyết, các ý tưởng để có thể phát lại các video mà mọi người quay bằng iPhone một cách hiệu quả nhất.

Trong lúc chờ đợi, có một điều chắc chắn rằng đa số người dùng smartphone sẽ xem video quay bằng smartphone trên… smartphone mà thôi, các đoạn video Dolby Vision quay bằng iPhone 12 trông rất sáng và có màu sắc rực rỡ khi xem trên iPhone 12 Pro cũng như các mẫu iPhone, iPad mới hơn có hỗ trợ HDR. Tôi rất hào hứng với điều này và càng ấn tượng hơn khi video HDR là tuỳ chọn quay video mặc định trên các mẫu iPhone của năm 2020.

Khi trao đổi với đạo diễn video của trang tin The Verge, bà Becca Farsace, tôi đã hỏi về những cảm nghĩ của bà về chất lượng video quay bằng iPhone 12 Pro nói chung. Dưới đây là những chia sẻ của Farsace:

"Có ba thứ mà tôi để ý khi quay video bằng iPhone 12 Pro: mức độ chi tiết tuyệt vời, hình ảnh quay được vào ban đêm rất sáng, và tình trạng ánh sáng phản chiếu trong khung hình. iPhone 12 Pro có thể quay video độ phân giải 4K ở tốc độ khung hình 60fps và video độ phân giải 1080p ở tốc độ khung hình 240fps, tương tự như iPhone 11 Pro. Năm ngoái, tôi đã rất ấn tượng về khả năng quay video của iPhone 11 Pro, và năm nay, với iPhone 12 Pro, mọi thứ cũng không hề khác biệt… Thực ra, khá là khó để phân biệt các đoạn video được quay từ iPhone 11 và iPhone 12.

Trong điều kiện ánh sáng hoàn hảo, video quay được rất đẹp. Màu sắc rõ ràng, các chi tiết sắc nét, và màu da được tái hiện khá tốt. Video quay từ iPhone 12 có gam màu ấm hơn một chút trong các cảnh quay ban ngày, nhưng trừ phi bạn thực sự để ý để tìm ra sự khác biệt giữa hai camera, còn lại bạn sẽ không nhận ra đâu.

Trong điều kiện quay ban đêm, hình ảnh của iPhone 12 Pro về tổng thể hơi sáng hơn một chút so với thực tế; chiếc điện thoại này cũng làm rất tốt công việc làm mịn những vùng tối trong khung hình để giảm nhiễu hạt. Cảm biến chính của máy chắc chắn là cảm biến thu nhận được nhiều ánh sáng nhất; và khi chuyển sang ống kính góc siêu rộng, hình ảnh sẽ bị hơi tối. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi quay ban đêm, sử dụng cảm biến chính đó, vẫn có thể nhìn thấy tương đối rõ những chấm nhỏ đầy khắp khung hình! Bất kỳ nguồn sáng nào rọi thẳng vào ống kính, chẳng hạn như đèn pha ô tô, sẽ gây ra hiện tượng phản chiếu ánh sáng trên toàn bộ khung hình, và điều đó khiến cho hình ảnh bị phân tán, người xem bị mất tập trung. Đây từng là một vấn đề với những đoạn video quay bằng iPhone 11 Pro, và sang đến thế hệ iPhone mới, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên về tổng thể, hệ thống camera điện thoại này vẫn thể hiện xuất sắc, và khi bạn xem lại những đoạn video quay trên iPhone 12 Pro bằng các thiết bị hỗ trợ tập tin video Dolby Vision, hình ảnh cực kỳ rực rỡ và rõ nét. Đó chính là điểm khác biệt căn bản giữa video của iPhone 11 Pro và 12 Pro: chiếc điện thoại mới quay bằng chuẩn video Dolby Vision, như đã giải thích kĩ lưỡng ở trên. Tôi rất hào hứng muốn được thử nghiệm iPhone 12 Pro Max, chiếc điện thoại được trang bị cảm biến kích thước lớn hơn và công nghệ ổn định hình ảnh quang học."

Nói chung, camera của iPhone 12 Pro vẫn tiếp tục là một trong những camera smartphone mạnh mẽ và đầy tiềm năng nhất trên thị trường hiện tại. Vấn đề nằm ở chỗ iPhone 12 Pro Max cũng sẽ sớm lên kệ trong chưa đầy một tháng tới. Nếu bạn thuộc tuýp người ưu tiên yếu tố camera trên điện thoại thông minh, bạn chắc chắn nên chờ đợi thêm đến ngày chiếc máy đó ra mắt.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Mạng 5G trên iPhone mới cho hiệu năng và tốc độ chỉ nhỉnh hơn 4G LTE một chút.

5G trên iPhone 12 Pro

Tôi buộc phải đưa phần đánh giá mạng di động 5G vào bài viết đánh giá iPhone mới, mặc dù tôi không hứng thú lắm với công nghệ này do ở nơi tôi sống chẳng có sóng 5G của bất kỳ nhà mạng nào lớn cả. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng trong tương lai gần, đa số mọi người cũng vẫn sẽ ở trong tình trạng như của tôi thôi (do hạ tầng mạng 5G sẽ cần nhiều thời gian nữa để phát triển và phổ cập), nên tôi rất vui mừng thông báo với độc giả rằng iPhone 12 Pro hoạt động trên mạng 4G/LTE cực kỳ… tốt!

Tuy nhiên, tôi cũng đã dành một ngày đi dạo ở thành phố New York (Mỹ), và tôi có thể kết luận rằng mạng 5G Sub-6 đã được nhà mạng Verizon "phủ sóng toàn nước Mỹ" về cơ bản là ổn. Đã có sóng 5G, và nó hoạt động khá nhanh, mặc dù chiếc iPhone 11 Pro của tôi khi sử dụng mạng LTE của AT&T cũng đạt tốc độ tương đương trong nhiều thử nghiệm! Mạng 5G "toàn quốc" của Verizon khiến tôi nhớ lại những ngày đầu tiên của LTE: tôi không thể nói trước rằng liệu công nghệ này có duy trì được tốc độ như thế này trong tương lai hay không, hay nó cũng sẽ sớm bị suy giảm tốc độ khi một làn sóng các thiết bị di động hỗ trợ 5G cùng "đổ bộ" mạng trong thời gian tới (nhất là với sự phổ biến của iPhone). Hãy cùng chờ xem!

Có một cột sóng 5G mmWave của Verizon ở bên kia đường so với toà nhà văn phòng của chúng tôi, và iPhone 12 Pro đã rất nhanh chóng kết nối được với cột sóng này và hiển thị đèn báo UW. Trong không gian khoảng 1,85 mét vuông xung quanh cột sóng đó, iPhone của tôi đạt tốc độ tải xuống là 2 gigabit một giây theo chiều tải xuống và 40 megabit một giây theo chiều tải lên, tức là đúng với tốc độ mạng 5G tiêu chuẩn. Nếu tôi bước ra xa khoảng 30 mét, tín hiệu sẽ bị suy giảm. Tôi cho rằng bạn không nên "di động" quá xa khỏi cột phát sóng với chiếc điện thoại di động hỗ trợ 5G trong tay nếu đang có một vài tập tin dung lượng lớn cần tải. Việc sử dụng mạng 5G mmWave chắc chắn sẽ làm máy điện thoại nóng lên đôi chút, và pin sẽ hao nhanh hơn. Tuy nhiên, tin tốt là ở thời điểm hiện tại, ngay cả ở Mỹ, bạn cũng rất khó để có thể tìm thấy tín hiệu mmWave mà sử dụng, nên cũng chưa cần thiết phải lo về chuyện nóng máy hay hao pin vội!

Bạn có thể tham khảo bài viết đánh giá iPhone 12 (cũng của The Verge) để tham khảo thêm về kết quả test mạng 5G của chiếc máy đó. Nói chung, mạng 5G đạt tốc độ cực nhanh, nhưng bạn phải tìm được nơi có sóng 5G để mà sử dụng đã! Tuy nhiên tôi cho rằng với đa số mọi người, trải nghiệm sử dụng mạng 5G sẽ gần như tương tự với mạng LTE ở thời điểm hiện tại – ít nhất là thông qua một tính năng trên iPhone tự động chuyển sang sử dụng mạng LTE để giúp tiết kiệm pin bất cứ khi nào có thể, gọi là Smart Data. Nếu bạn đang ở trong một khu vực có sóng 5G, bạn sẽ thấy biểu tượng 5G hiện lên ở trên đỉnh màn hình, cho biết rằng bạn có thể truy cập vào mạng 5G; tuy nhiên trên thực tế, điện thoại của bạn có thể vẫn đang dùng mạng LTE bởi nó không nghĩ rằng bạn cần đến tốc độ truy cập cao đến thế (!). Bạn có thể tắt chức năng Smart Data, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy có bất kỳ lý do nào để làm điều đó.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Chip A14 Bionic của Apple cho tốc độ và hiệu suất rất cao ở thời điểm hiện tại. Nhưng điều quan trọng là, nó sẽ vẫn tiếp tục là một con chip nhanh trong nhiều năm tới.

Hiệu năng và thời lượng pin của iPhone 12 Pro

iPhone 12 được trang bị bộ xử lý A14 Bionic mới nhất của Apple, đây cũng là con chip được xây dựng dựa trên tiến trình 5nm đầu tiên trên thế giới được sử dụng trong một chiếc điện thoại thông minh, và nó đem lại tốc độ nhanh như chớp! Tôi nhớ rằng năm nào tôi cũng viết như vậy về những con chip trên iPhone: năm ngoái tôi viết về chip A13 Bionic, năm kia tôi viết về chip A12 Bionic – đều là những con chip có tốc độ nhanh nhất thế giới ở thời điểm nó được ra mắt. Và những chiếc điện thoại đó không hề chậm đi theo thời gian: đến nay, Apple vẫn bán những chiếc iPhone 11 và iPhone XR sử dụng những con chip đó, điều đó có nghĩa rằng chúng vẫn sẽ được hỗ trợ trong nhiều năm tới. Tôi sẽ vẫn duy trì quan điểm của mình cho rằng việc Apple dẫn đầu thị trường về hiệu năng của smartphone có giá trị với những người đang dùng những chiếc điện thoại ở cuối vòng đời của nó nhiều hơn là những người đang dùng những mẫu flagship vừa ra mắt. Chiếc điện thoại này quá nhanh, đến mức nó vẫn sẽ tiếp tục nhanh như thế trong một thời gian dài nữa. Đó mới là điều tuyệt vời và quan trọng, hơn là những điểm số benchmark cao ở thời điểm hiện tại.

iPhone 12 Pro được trang bị chip U1, tương tự như iPhone 11 Pro, và con chip này khá hữu ích cho tính năng AirDrop. Apple cho biết sắp có một số chức năng thú vị dựa vào chip U1 sẽ được cập nhật trên loa thông minh HomePod mini, do đó chúng ta hãy cùng chờ xem thực tế sẽ như thế nào, và liệu con chip đó có thực sự phát huy được hết tiềm năng như Apple vẫn luôn quảng bá hay không. Còn ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có AirDrop thôi đã!!

Hệ điều hành iOS 14 hoạt động tốt trên iPhone 12 Pro — khác với iOS 13 đầy lỗi của năm ngoái.

Tuy nhiên, có một điều sẽ khiến người dùng năm nay hơi thất vọng một chút: Đừng kỳ vọng iPhone 12 Pro năm nay sẽ là "ông vua" về thời lượng pin như iPhone 11 năm ngoái!

Việc thử nghiệm thời lượng pin của iPhone 12 Pro có lẽ là bài thử nghiệm khó khăn nhất đối với tôi, do tôi không sống gần khu vực nào có mạng 5G cả, và tôi chỉ trở về thành phố New York (nơi có sóng 5G) có một ngày để quay video đánh giá mà thôi. Tuy nhiên, trong ngày duy nhất đó, có cảm giác pin trên iPhone 12 Pro "chết" nhanh hơn khá nhiều so với kỳ vọng của tôi. Sau khoảng 2,5 giờ sử dụng (màn hình bật), pin chỉ còn 18%. Dĩ nhiên, chúng tôi sử dụng mạng 5G rất nhiều trong bài thử nghiệm của mình, mà sóng mmWave thì tiêu tốn pin nhanh hơn, do đó điều này cũng chưa thể kết luận được cái gì. Tôi có liên hệ với Apple, và công ty cho biết pin iPhone 12 Pro có thể hoạt động được đủ 1 ngày sử dụng liên tục.

Sau cùng, tôi tin rằng thời lượng pin của iPhone 12 Pro sẽ có sự khác biệt đáng kể tuỳ thuộc vào mỗi người dùng, nhất là tần suất họ sử dụng 5G (và đặc biệt là 5G mmWave) – do đó chúng ta cần chờ thời gian thì mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thời lượng pin của iPhone 12 năm nay sẽ không thể bằng iPhone 11 năm ngoái được.

Đánh giá iPhone 12 Pro: Chiếc smartphone

Và đó là toàn bộ nội dung đánh giá iPhone 12 Pro. Vậy liệu chiếc máy này có xứng đáng để bạn bỏ ra thêm 200 USD so với iPhone 12 tiêu chuẩn hay không?

Câu trả lời là có, bởi vì nó đẹp.

Đó là câu trả lời tốt nhất mà tôi có thể đưa ra ở thời điểm hiện tại. Chiếc máy này trong đẹp hơn iPhone 12 bản tiêu chuẩn – chắc chắn sẽ có những người dùng coi trọng yếu tố này, và cũng có những người sẽ coi trọng ống kính tele, ảnh chụp chân dung xoá phông ở chế độ ban đêm, và những ứng dụng thực tế tăng cường nhờ cảm biến LIDAR – tất cả phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người.

Tuy nhiên, tôi sẽ khoan chưa gợi ý các bạn độc giả mua chiếc máy hơi-đắt-hơn-một-chút này vội, cho đến khi tôi thử nghiệm chiếc iPhone còn đắt hơn thế nữa – iPhone 11 Pro Max, sẽ lên kệ trong chưa đầy một tháng tới. iPhone 12 Pro Max sẽ có màn hình lớn hơn và có thể là một bước nhảy vọt về camera (nhờ cảm biến lớn hơn) mà bạn chỉ cần bỏ ra thêm 100 USD nữa – dường như bạn sẽ thu được nhiều giá trị xứng đáng với số tiền mà bạn bỏ ra. Hãy cùng chờ xem.

Cũng rất khó để khuyên người dùng nên bỏ ra thêm nhiều tiền hơn (so với cần thiết) để nâng cấp điện thoại trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành. Nếu đã đến lúc bạn cần phải nâng cấp điện thoại, iPhone 12 Pro là một lựa chọn tuyệt vời. Bất kỳ ai đang dùng iPhone XS trở về trước chắc chắn sẽ rất hào hứng với camera mới cũng như thiết kế mới này. Tôi có một đứa con, và tôi nâng cấp điện thoại hàng năm bởi tôi luôn muốn có những bức ảnh chất lượng tốt nhất về gia đình của tôi. Tuy nhiên, một lần nữa, nếu bạn là một người coi trọng yếu tố camera trên điện thoại như tôi, hãy cùng chờ xem Apple có thể làm tốt hơn về mảng này với chiếc iPhone 12 Pro Max sắp tới hay không đã.

Lưu ý rằng, iPhone 12 Pro không có quá nhiều nâng cấp đáng giá so với iPhone 12 để khiến người dùng buộc-phải-nâng cấp.

Thật vậy, nếu bạn không nâng cấp vì yếu tố camera, thì iPhone 12 Pro không có quá nhiều cải thiện so với iPhone 12 bản tiêu chuẩn đến mức khiến người dùng phải chọn mua nó. Theo nhiều cách khác nhau, đa số những tính năng mới trên chiếc điện thoại này đều đi trước thời đại. Tôi không cho rằng mạng 5G là một yếu tố cần thiết trong bối cảnh các nhà mạng và cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng và hoàn thiện tương đối đầy đủ, và cũng vẫn chưa có nhiều ứng dụng thực sự khai thác được tốc độ vượt trội của nó – chưa kể trong bối cảnh đại dịch hiện nay, đa số chúng ta đều dành nhiều thời gian ở nhà hơn. Công nghệ video Dolby Vision là một sự đột phá, nhưng vẫn còn phải chờ thêm thời gian để nó được "lăn lộn" trong thực tế và cải thiện khả năng tương thích. Những con chip U1 và cảm biến LIDAR ư?... Có thể trong tương lai, nó sẽ là một chi tiết quan trọng đấy, nhưng ở thời điểm hiện tại thì chưa.

Tôi có thể kết luận rằng, iPhone 12 Pro là một chiếc điện thoại rất đẹp, mạnh mẽ và làm được rất nhiều việc. Nếu bạn có thể tìm được một con phố có sóng 5G (hoặc mmWave nếu bạn ở Mỹ), bạn sẽ có một tấm ảnh chụp màn hình công cụ SpeedTest đầy ấn tượng. Điều đó có thể sẽ khiến bạn thấy "bõ" số tiền mình bỏ ra chăng?

Nhưng nếu bạn có ý định bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một chiếc máy cao cấp hơn so với iPhone 12 bản tiêu chuẩn, thì tôi thực sự khuyên bạn nên chờ đợi những đánh giá về iPhone 12 Pro Max khi chiếc điện thoại này lên kệ trước đã!

Chấm điểm iPhone 12 Pro (The Verge): 9/10

Ưu điểm:

- Camera xuất sắc.

- Hiệu năng đỉnh cao.

- Video sử dụng công nghệ Dolby Vision cho chất lượng tốt.

- Mạng di động 5G hứa hẹn có tốc độ rất cao.

Nhược điểm:

- Thời lượng pin không tốt bằng phiên bản iPhone năm ngoái (iPhone 11 Pro).

- 5G chưa thực sự ổn định (sẽ còn mất một khoảng thời gian nữa, mạng di động 5G mới được như 4G/LTE hiện nay).

- Chưa có nhiều tính năng nổi bật để thuyết phục người dùng lựa chọn nếu so với phiên bản iPhone 12.

Quang Huy

Chủ đề khác