VnReview
Hà Nội

Trung Quốc vượt mặt thế giới với thử nghiệm công nghệ 6G

Công nghệ 6G được kỳ vọng sẽ có tốc độ nhanh hơn 100 lần so với 5G, cho phép truyền dữ liệu không hao tổn ngoài không gian.

Cuộc đua không gian lại bắt đầu!

Và Trung Quốc đã có bước đột phá đáng chú ý trong lĩnh vực liên lạc vệ tinh.

Theo thông tin từ trang Yicai Global, ngày 7/11 vừa qua, Trung Quốc đã đưa thành công 13 vệ tinh mới vào không gian, trong đó có một vệ tinh thử nghiệm công nghệ truyền thông di động thế hệ thứ 6.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, các thiết bị này đã được đưa vào không gian bởi tên lửa đẩy Trường Chinh 6 (Long March-6), phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên (the Taiyuan Satellite Launch Center).

Trong số 13 vệ tinh được phóng vào quỹ đạo lần này, vệ tinh thử nghiệm 6G là một trong 3 vệ tinh của Trung Quốc, 10 vệ tinh còn lại là các vệ tinh viễn thám thương mại do công ty Satellogic, Argentina phát triển.

6G

Truyền thông địa phương đưa tin, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên trên thế giới vào vũ trụ. Công nghệ ứng dụng tần số Terahertz trong liên lạc là bước đột phá lớn của ngành khoa học công nghệ.

Được đặt theo tên của Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc (the University of Electronic Science and Technology of China), vệ tinh thử nghiệm 6G là kết quả của sự hợp tác giữa các công ty Chengdu Guoxing Aerospace Technology, UESTC và Beijing MinoSpace Technology. Nó sẽ giúp kiểm chứng hiệu suất của công nghệ 6G trong không gian khi băng tần 6G được mở rộng sang đến đơn vị terahertz (THz).

Xu Yangsheng, viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết vệ tinh này cũng là thử nghiệm kỹ thuật đầu tiên liên quan đến ứng dụng liên lạc sử dụng tần số Terahertz trong không gian.

Công nghệ mới được kỳ vọng sẽ có tốc độ nhanh hơn 5G tới hơn 100 lần, cho phép truyền dữ liệu không hao tổn trong không gian với mức năng lượng đầu ra thấp hơn.

Công nghệ 6G cho phép tần số Terahertz được sử dụng rộng rãi trong vệ tinh Internet, Lu Chuan, người đứng đầu Viện Công nghệ công nghiệp vệ tinh của UESTC, cho biết. Ông cũng lưu ý rằng, vệ tinh này sẽ mang theo một hệ thống tải viễn thám quang học nhằm theo dõi mùa màng, thiên tai, phòng chống cháy rừng, giám sát tài nguyên rừng, khả năng lưu trữ nước và lụt trên núi, song song với việc cung cấp các dữ liệu và hình ảnh vệ tinh.

Theo China Daily, công nghệ 6G vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và còn cần phải vượt qua nhiều trở ngại kỹ thuật trong nghiên cứu cơ bản, thiết kế phần cứng và đánh giá tác động môi trường trước khi thương mại hóa theo sách trắng do Đại học Oulu Phần Lan công bố.

Ngoài ra, một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại cơ sở hạ tầng mới của 6G, sự tích hợp mạnh mẽ của công nghệ tuyền tin toàn diện "space – air – ground – sea", cùng với việc sử dụng dải tần số mới để truyền tải dữ liệu có thể gây ảnh hưởng đến các thiết bị thiên văn và sức khỏe cộng đồng. Chúng có thể sẽ quá đắt hoặc không an toàn cho các nhà khoa học sử dụng.

Wang Ruidan, Phó giám đốc Trung tâm cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ Trung Quốc, cho biết: "Việc chia sẻ, phân tích và quản lý dữ liệu nghiên cứu đóng vai trò hết sức quan trong cho các phát kiến khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số hiện nay."

Trong khi đó, ngày 6/11 vừa qua, đài CGTN đưa tin, Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ mở cửa Kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 mét lớn nhất thế giới (500-meter Aperture Spherical Radio Telescope) chào đón các nhà khoa học khắp mọi nơi tới nghiên cứu, làm việc trong năm tới,.

Đài quan sát sẽ bắt đầu hoạt động đầy đủ vào tháng 1/2021 sau khi vượt qua "một loạt các đánh giá về kỹ thuật và hiệu suất."

Shirley (Theo Asia Times)

Chủ đề khác