VnReview
Hà Nội

Ra mắt PayME: tân binh ví điện tử tại Việt Nam, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp

PayME tuyên bố là công cụ thanh toán trên nền tảng mạng xã hội (Social Payment) với các giải pháp kết hợp thanh toán mạng xã hội và mô hình ví điện tử mở, giúp người dùng và doanh nghiệp thực hiện lệnh thanh toán từ bất kỳ ứng dụng nào.

Thị trường ví điện tử tại Việt Nam đang ngày càng sôi động. Thống kê mới nhất vào tháng 3/2020 cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 20 triệu người dùng ví điện tử, trong đó 3 ví điện tử Momo, Moca và ZaloPay đang chiếm tới hơn 90% thị phần. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ mới đạt được 14%. Bối cảnh này đã tạo ra sân chơi tiềm năng cho các thương hiệu ví điện tử mới với mục tiêu thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của đại đa số người dân Việt Nam, từ đó góp phần tích cực đưa Việt Nam hướng đến nền kinh tế không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.

Ra mắt PayME: tân binh ví điện tử tại Việt Nam, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp với giải pháp ví điện tử mở, thanh toán qua mạng xã hội

Với PayME, đại diện của ví điện tử này cho biết trọng điểm trong mô hình kinh doanh của họ B2B2C với hình thức ví điện tử mở (PayME Open e-wallet) hướng đến khách hàng là các Doanh nghiệp, nhất là các thương hiệu đã đạt số lượng người dùng nhất định. Ví điện tử mở là một giải pháp mới tại Việt Nam, cho phép doanh nghiệp tích hợp, tự quản lý ví điện tử do PayME thiết kế riêng, từ đó khách hàng có thể sử dụng ứng dụng của thương hiệu như một ví tiền di động, bao gồm cả thanh toán các dịch vụ khác, như điện, nước, bán lẻ, bảo hiểm...

Giao diện chính của PayMe

Tại sự kiện, PayME giới thiệu hai tính năng khá độc đáo là PayME Link – gửi tiền thông qua một liên kết và PayME Key – bàn phím hỗ trợ thanh toán nhanh. Hai tính năng này cho phép người gửi & người nhận tiền, ví dụ cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng xã hội thực hiện các lệnh thanh toán ngay trong bất kỳ một cuộc hội thoại nào, không cần mở ứng dụng thanh toán, không cần biết số tài khoản, số điện thoại của người nhận.

Tính năng PayME Link và PayME Key, cho phép nhanh chóng chuyển, nhận tiền từ mọi ứng dụng chat, nhắn tin

Ví dụ: khi đang chat với nhau, người gửi tiền sẽ tạo một đường link cùng mật khẩu 6 chữ số bằng app PayMe và gửi cho người nhận tiền. Người nhận bấm vào đường link đó, nhập mật khẩu, sau đó tự điền các thông tin về số tài khoản, ngân hàng và số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng để nhận tiền. PayME cũng cho phép nhận tiện bằng thẻ ATM nội địa hoặc về ví điện tử PayMe nếu người dùng đã có tài khoản. Cả người chuyển tiền và nhận tiền sẽ không mất bất kỳ khoản phí nào.

Đại diện PayME cho biết họ hướng đến chiến lược lâu dài là xây dựng mạng lưới PayME Net để kết nối các nhà cung cấp, dịch vụ tài chính với khách hàng. Doanh thu của PayME sẽ đến từ việc chia sẻ doanh thu với các đơn vị tài chính này, hơn là từ các phí giao dịch khi thanh toán.

Với cách chuyển tiền này, người mua hàng thêm thuận tiện khi kiểu thanh toán gần gũi với hành vi dùng mạng xã hội thường ngày; đồng thời với người bán, PayME Link & PayME Key giúp giảm tỉ lệ rớt đơn hàng, dễ dàng tích hợp với các công cụ như chatbot, quản lý vận đơn, hậu mãi để tối ưu vận hành và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn.

Tính năng mạng xã hội thu nhỏ trong PayMe, tạo ra sự thú vị khi thanh toán tiền điện nước, internet

Về bảo mật, PayME khẳng định đã được Ngân Hàng Nhà Nước cấp giấy phép trung gian thanh toán từ ngày 1/10/2019; đồng thời cũng đáp ứng tiêu chuẩn bảo mật PCI DSS. Hiện nay PayME đã và đang làm việc với NAPAS & các ngân hàng lớn để mở rộng mạng lưới thanh toán, tạo thuận tiện cho người dùng khi chuyển và nhận tiền.

Theo báo cáo của IDC năm 2020, trong 10 nước ở Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Hàn Quốc ở tốc độ phát triển ví điện tử (CAGR tăng trưởng ví điện tử giai đoạn 2017-2022 đạt 67%), và xếp thứ 3 sau Nhật và Malaysia về tốc độ phát triển thẻ ghi nợ - debit card.

Thanh toán điện tử ở Việt Nam hiện nay vẫn dựa vào COD (thu hộ), nghiên cứu của IDC chỉ ra sự chậm lại ở hình thức COD tính đến năm 2022, bởi sự thanh toán liền mạch của các hình thức mới như ví điện tử hay thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Sự phát triển của thương mại điện tử đã buộc các trang TMĐT phải nỗ lực để hỗ trợ nhiều tùy chọn thanh toán, bằng việc hợp tác với nhiều nhà cung cấp thanh toán khác nhau.

Ví điện tử được xem là cánh tay nối dài của các loại thẻ ngân hàng tới các ngõ ngách trong đời sống tiêu dùng, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng trung gian thanh toán đã tăng lên mức gần 30 công ty, với khoảng 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử.

Theo IDC, ví di động sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2030 tại Việt Nam, đặc biệt là với các thế hệ trẻ thanh toán bằng điện thoại thông minh. Do đó để đón đầu xu hướng trong thời gian tới, các ví điện tử hiện nay đang chạy đua không ngừng để mở rộng khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ.

Thành Đạt

Chủ đề khác