VnReview
Hà Nội

Start-up gây bất ngờ với laptop dạng mô-đun, có thể tháo rời, nâng cấp và sửa chữa dễ dàng

Không giống những chiếc laptop thông thường, chiếc laptop của start-up có tên Framework có thể dễ dàng thay thế các mô-đun linh kiện để nâng cấp và sữa chữa bất cứ lúc nào.

Theo The Verge, chiếc laptop dạng mô-đun của Framework sở hữu một thiết kế khác biệt so với phần đông laptop trên thị trường. Chúng ta đã từng thấy những chiếc smartphone dạng mô-đun nhưng còn với một chiếc laptop thì rất hiếm.

Sáng lập gia Framework, Nirav Patel, một trong những nhân viên đầu tiên của công ty chuyên phát triển thiết bị thực tế ảo Oculus, chia sẻ với The Verge rằng, anh luôn muốn giải quyết các vấn đề lớn trong nghành công nghiệp máy tính.

Patel nói: "Là một công ty điện tử tiêu dùng, mô hình kinh doanh của bạn hiệu quả phụ thuộc vào việc sản xuất hàng tấn phần cứng liên tục và đẩy nó vào các kênh phân phối trên thị trường và đến tay người tiêu dùng. Sau khi hết tuổi thọ, người ta loại bỏ nó và để nó ở ngoài môi trường. Nó tạo ra sự lãng phí và kém hiệu quả, nguy hiểm hơn là hủy hoại môi trường".

Để giải quyết vấn đề này, Patel và các đồng nghiệp đã cùng nhau tạo ra Framework: Một hệ sinh thái không chỉ là một sản phẩm riêng lẻ có thể hoán đổi các bộ phận và nâng cấp theo thời gian mà còn có thể tùy chỉnh, sửa chữa dễ dàng theo sự thay đổi của thời đại công nghệ.

Framework sở hữu màn hình 13.5 inch, độ phân giải 2256×1504 pixel, webcam hỗ trợ quay video Full HD 60 fps, pin 55Wh và nặng 1,3kg. Máy trang bị CPU Intel thế hệ thứ 11, RAM DDR4 lên đến 64 GB và bộ nhớ SSD Gen4 NVMe 4TB.

Tất cả các bộ phận từ pin đến CPU, RAM và bộ nhớ trong đều có thể hoán đổi và thay thế theo thời gian nhờ thiết kế dạng socket. Đây là điều hiếm khi xuất hiện trên những chiếc laptop hiện nay khi đa số đều có thiết kế nguyên khối và nhiều thành phần linh kiện bị hàn chặt vào bo mạch, khiến việc thay thế trở nên bất khả thi.

Nhưng Framework đã làm được điều không tưởng đó khi cung cấp khả năng hoán đổi ngay cả các bộ phận bên ngoài như cổng kết nối, bàn phím hoặc thậm chí cả màn hình và viền máy (được cố định bằng nam châm). Hệ thống cổng kết nối linh hoạt của Framework có nhiều cổng có thể tháo rời gồm USB-C, USB-A, HDMI,…

Công ty cho biết sẽ cung cấp một bộ phụ kiện "DIY" cho phép khách hàng tự mày mò và lắp ráp laptop tại nhà, thậm chí là tự cài Windows 10 Home, 10 Pro hoặc Linux. Như đã nói, tất cả các bộ phận đều có thể thay thế và nâng cấp bất cứ lúc nào

Mặc dù vậy, công ty sẽ chỉ bán các bộ phận hoán đổi và thay thế cho Framework qua kênh phân phối riêng. Kênh phân phối này sẽ đóng vai trò là nơi mua bán và trao đổi các bộ phận, bao gồm từ nhà sản xuất bán ra và cả chính người dùng rao bán. Công ty hy vọng các khách hàng của mình có thể dễ dàng tìm kiếm các bộ phận mong muốn thông qua kênh phân phối của Framework mà không cần phải mất công tìm kiếm.

Ý tưởng này nghe có vẻ tuyệt vời nhưng The Verge cho biết, nó từng xuất hiện trước đây và đã thất bại. Intel đã thử các máy tính dạng mô-đun và không thành công, Ghost Canyon NUC không có các bộ phận mới thay thế hay Alienware Area-51m của Dell cũng không có các bộ phận thay thế như đã cam kết.

Như vậy thành công của Framework sẽ chủ yếu dựa vào cam kết đã hứa về việc ra mắt các bộ phận mà khách hàng thực sự muốn nâng cấp. Ngoài ra việc dựa vào các nhà sản xuất bên thứ ba là chưa đủ. Patel tin rằng những công ty từng thất bại với ý tưởng này trong quá khứ vì họ không tận tâm với nó và vì đây là toàn bộ chiến lược kinh doanh của Framework nên kết quả có thể sẽ rất khác.

Framework sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng trước vào mùa xuân này và dự kiến ​​giao hàng vào mùa hè. Hiện tại, giá bán của sản phẩm vẫn chưa được công bố nhưng Patel cho biết, sản phẩm đủ khả năng "so sánh với các mẫu laptop được đánh giá cao khác".

Tiến Thanh

Chủ đề khác