VnReview
Hà Nội

Intel có thêm nỗi lo mới: NVIDIA trình làng CPU máy chủ dùng kiến trúc ARM

Tương tự con đường mà Apple đã vạch ra với con chip M1 của họ, NVIDIA đang cạnh tranh trực tiếp với Intel bằng CPU ARM tùy biến của riêng mình. Dẫu vậy, đừng mong đợi nó sẽ sớm xuất hiện trên những chiếc PC thông thường.

Được đặt tên theo nhà khoa học máy tính Grace Hopper, Grace là CPU máy chủ đầu tiên của NVIDIA với mục tiêu đảm nhiệm khối lượng công việc nặng nè như siêu máy tính AI hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên. CPU này được xây dựng dựa trên các nhân ARM Neoverse và được tích hợp chặt chẽ với công nghệ GPU mới nhất của NVIDIA.

Theo NVIDIA, hệ thống được trang bị CPU Grace sẽ có khả năng đào tạo mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) với 1 nghìn tỉ thông số nhanh gấp 10 lần so với các cỗ máy DGXTM x86 của họ. Tương tự như Apple, NVIDIA có thể đã chạm đến giới hạn của phần cứng x86 hiện tại, thế nên, lựa chọn duy nhất mà họ có thể làm được là tự mình xử lý mọi thứ.

Intel có thêm nỗi lo mới: NVIDIA trình làng Grace, CPU cho máy chủ đầu tiên dùng kiến trúc ARM

"Khoa học dữ liệu và AI tiên tiến đang thúc đẩy kiến trúc máy tính ngày nay vượt quá giới hạn của nó, xử lý lượng dữ liệu lớn không tưởng", Jensen Huang, Người sáng lập và là CEO của NVIDIA, tuyên bố. "Cùng với GPU và DPU, Grace cung cấp cho chúng ta công nghệ nền tảng thứ ba cho việc tính toán cùng khả năng tái cấu trúc trung tâm dữ liệu để phát triển AI. NVIDIA hiện là công ty 3ba chip."

NVIDIA không mất quá nhiều thời gian để tìm khách hàng tiềm năng cho phần cứng mới. Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Thụy Sĩ (CSCS) và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos của DOE đều đã công bố kế hoạch sử dụng các hệ thống được trang bị Grace. Tại CSCS, nó sẽ là trái tim cho siêu máy tính Alps mới do Hewlett Packard Enterprise xây dựng. Cả hai tổ chức này đều đã có kế hoạch trình làng các hệ thống Grace của mình vào năm 2023. Đây cũng là thời điểm hệ thống này được cung cấp rộng rãi cho các khách hàng khác.

Các hệ thống Grace sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ NVLink của NVIDIA. Công nghệ này sẽ giúp tốc độ giữa CPU và GPU đạt tốc độ 900GB/s. NVIDIA tuyên bố, tốc độ đó nhanh hơn khoảng 30 lần so với các máy chủ hàng đầu hiện nay. Và nhờ bộ nhớ LPDDR5x, các cỗ máy Grace sẽ tiết kiệm năng lượng gấp 10 lần và cung cấp băng thông gấp đôi RAM DDR4.

Trong một động thái chống lại Intel khác, NVIDIA cũng đã thông báo sẽ hợp tác với Amazon Web Services nhằm kết hợp các GPU của họ với bộ xử lý ARM Graviton2 từ AWS. Điều đó cho thấy công ty này linh hoạt như thế này và việc thúc đẩy sử dụng các bộ xử lý ARM khác sẽ là một đòn đau đối với Intel. Công ty cho biết, các phiên bản AWS được trang bị công nghệ của NVIDIA sẽ có thể chạy những trò chơi Android nguyên bản, cũng như stream game đến thiết bị di động cũng như tăng tốc độ kết xuất và mã hóa.

Intel có thêm nỗi lo mới: NVIDIA trình làng Grace, CPU cho máy chủ đầu tiên dùng kiến trúc ARM

Đối với những người mới bắt tay vào máy tính hiệu năng cao (HPC) dựa trên ARM, NVIDIA cũng trình làng thêm bộ kit RM HPC Developer Kit. Nó sở hữu một CPU Ampere Altra với 80 nhân ARM Neoverse, 2 GPU NVIDIA A100 cùng 2 DPU NVIDIA BlueField-2 nhằm tăng tốc mạng, bảo mật và lưu trữ. Những khách hàng đầu tiên bao gồm Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos và Trung tâm Máy tính Hiệu năng cao Quốc gia Đài Loan.

Khi tầm quan trọng của các siêu máy tính tiết kiệm năng lượng ngày càng tăng, Grace chắc chắn đã thành công hơn rất nhiều so với phần cứng ARM cuối cùng của NVIDIA, SoC Tegra. Sản phẩm xuất hiện trong chiếc console chơi game cầm tay Nintendo Switch cũng như máy tính ô tô NVIDIA Drive, nhưng thành công đó chỉ đến sau nhiều lần thất bại, chẳng hạn như Zune HD hay các cỗ máy Microsoft Surface ban đầu. Lần này, có vẻ như NVIDIA đang cung cấp một thứ gì đó mà cả ngành thực sự mong muốn.

Minh Hùng;(theo Engadget)

Chủ đề khác