VnReview
Hà Nội

Sớm thôi, toàn bộ smartphone trên thị trường đều được trang bị 5G

Trong tương lai, dù muốn dù không, bất kỳ chiếc điện thoại nào trên thị trường cũng sẽ được trang bị sẵn 5G. Tất nhiên khi đó, công nghệ mạng mới không còn là lý do khiến giá bán điện thoại tăng cao. Hay nói cách khác,;5G đang được phổ biến xuống toàn bộ smartphone nhiều phân khúc.

Bài viết là quan điểm của tác giả Andy Boxall, từ trang Digital Trends, VnReview dịch lại cho bạn đọc theo dõi

Quay trở lại vào năm 2019, Samsung lần đầu tiên ra mắt chiếc điện thoại có trang bị 5G và xem đây như một tùy chọn nâng cấp – Galaxy S10 5G với giá lên đến 1.299 USD (khoảng 30,3 triệu đồng). Trong khi ở thời điểm hiện tại, người dùng chỉ cần bỏ ra hơn 200 USD (khoảng 5 triệu đồng) là đã có thể sở hữu một mẫu smartphone 5G của Samsung.

Điều gì đã xảy ra trong 2 năm vừa qua?

Chuẩn kết nối 5G bắt đầu được phát triển giống như cách các cải tiến di động mới vẫn hay làm. Thoạt đầu, nó được xem như một tính năng đặc biệt chỉ có trên những smartphone cao cấp và hướng đến nhóm người dùng sẵn sàng chi tiền để có được trải nghiệm mới.

Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, kết nối 5G không còn là thứ xa xỉ mà người dùng thường thấy trên điện thoại đầu bảng. Dần dần, nó được phổ cập xuống một số dòng máy, trở thành phiên bản nâng cấp của các sản phẩm chạy trên 4G sẵn có. Điển hình là Xiaomi, nhà sản xuất đi đầu trong việc ra mắt các biến thể điện thoại dùng 5G. Gần đây nhất, Xiaomi đã công bố Mi 11 Lite với hai phiên bản chạy 4G và 5G.

Hai năm trước, điện thoại 5G vô cùng mới mẻ. Vào tháng 6/2019, tôi đã có cơ hội trải nghiệm chiếc OnePlus 7 Pro 5G ở London, Anh. Khi đó, tôi sử dụng dịch vụ 5G mới ra mắt của nhà mạng EE và các đồng nghiệp ở Mỹ cũng có trải nghiệm tương tự với dịch vụ từ Verizon.

Khi đó 5G còn quá xa lạ và chỉ dành cho một số ít nhà báo và các đơn vị truyền thông sử dụng để lên bài. Mặt khác, đây còn là lúc những điện thoại 5G đều là phiên bản nâng cấp riêng biệt so với những máy 4G đã ra mắt đầu năm.

Samsung Galaxy S10 5G là một trong những chiếc điện thoại có 5G đầu tiên được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, khả năng sử dụng 5G trên máy gần như không tồn tại vì chưa có nhà mạng nào hỗ trợ. Tương tự, OnePlus 7 Pro 5G là điện thoại đầu tiên được bán đại trà ở Anh nhưng chỉ với điều kiện đi kèm hợp đồng sử dụng dịch vụ cao cấp và không có SIM.

Sau 2 năm, những tiến bộ công nghệ nhanh chóng giúp 5G được phủ sóng rộng rãi và các thiết bị di động có giá thành rẻ vẫn được tích hợp modem 5G bên trong.

Giá bán điện thoại 5G giảm để dễ tiếp cận với nhiều người dùng

Vậy điện thoại 5G ngày nay rẻ đến mức nào? Có thể nói, sự ra đời của smartphone 5G tầm trung từ các nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi, Oppo hay Realme đã giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới. Đa phần những mẫu máy đó đều có giá xoay quanh mức 200 bảng Anh (tương đương 6,5 triệu đồng).

Tất nhiên, Samsung không đứng ngoài cuộc khi ra mắt chiếc Galaxy A32 5G cho thị trường châu Âu hồi tháng 2. Máy có giá khởi điểm từ 250 bảng Anh (khoảng 7,9 triệu đồng) và là mẫu smartphone rẻ nhất của Samsung có 5G.

Realme 8 5G 

Đến thời điểm hiện tại, giá cả không còn là rào cản để người dùng chọn mua điện thoại 5G. Cùng với đó, thị trường có đa dạng sự lựa chọn từ vô số nhà sản xuất khác nhau.

Nguyên nhân do đâu?

Thông thường, công nghệ mới phát triển luôn đắt đỏ trong thời gian đầu. Qua thời gian, nó dần hoàn thiện và được phổ biến hay cũng như dễ dàng sản xuất hơn. Trường hợp của 5G cũng không ngoại lệ khi cơ sở hạ tầng được xây dựng và giúp công nghệ này trở nên dễ tiếp cận đến nhiều người hơn.

Các chuyên gia phân tích tại Strategy Analytics cho biết trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có 24 triệu thiết bị điện thoại 5G được xuất xưởng. Con số này tăng 458% lên 133 triệu chiếc trong quý I/2021. Theo dữ liệu từ S&P Global, 67 thị trường trên thế giới đang triển khai mạng 5G với hơn 158 nhà cung cấp dịch vụ.

Trung Quốc là quốc gia có lượng người dùng 5G nhiều nhất khi chiếm 80% trên tổng 220 triệu thuê bao 5G đang hoạt động toàn cầu tính đến cuối năm 2020, theo báo cáo của Ericsson (Thụy Điển). Tại đây, lượng thuê bao đăng ký 5G chiếm đến 11% so với tổng số người dùng di động.

Ngày càng nhiều nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G, nhu cầu về điện thoại giá rẻ hỗ trợ công nghệ mới sẽ được gia tăng. Đây cũng là lúc các công ty như MediaTek xuất hiện. Phần lớn smartphone tầm trung có trang bị 5G ra mắt thời gian gần đây đều dùng chung bộ vi xử lý MediaTek Dimensity 700.

Vốn dĩ từ lâu, MediaTek đã được biết đến là nhà sản xuất chip chuyên cung cấp những bộ xử lý di động có hiệu năng cao nhưng giá thành hấp dẫn hơn cho các hãng điện thoại thông minh. Hãng đúc bán dẫn Đài Loan cho biết dòng chip 5G Dimensity 700 mới phù hợp cho điện thoại tầm trung và còn có thêm một phiên bản chip 5G cho phân khúc sản phẩm cấp thấp hơn nữa.

Bất chấp việc MediaTek đang tăng cường độ hiện diện trên thị trường di động 5G, Qualcomm vẫn dẫn đầu về thị phần. Nhờ dòng chip Snapdragon đầu 6 và 4, Qualcomm đủ tự tin để cung cấp phần cứng cho các smartphone 5G giá rẻ.

Ảnh hưởng của Apple

Có một thực tế rằng giá bán của smartphone 5G đã giảm 1.000 USD trong vòng chưa đến hai năm. Điều đó cho thấy các nhà mạng và nhà sản xuất smartphone đã đầu tư ra sao để giúp người dùng nhanh chóng tiếp cận 5G.

Song việc giảm chi phí không phải là tất cả. Sự xuất hiện của dòng iPhone 12 với trang bị 5G đã thúc đẩy công nghệ mạng di động thế hệ kế tiếp được nhiều người chú ý hơn.

Dữ liệu từ Strategy Analytics nhấn mạnh tầm quan trọng của iPhone 5G, đưa Apple dẫn đầu bảng xếp hạng về số lô hàng điện thoại 5G được bán ra trong ba tháng đầu năm 2021.

Trong đó hãng đã xuất xưởng 40,4 triệu mẫu iPhone 12, chiếm 30% thị phần. Xếp thứ hai là Oppo với 21,5 triệu điện thoại và 16% thị phần. Samsung đứng ở vị trí thứ 4 với 17 triệu chiếc điện thoại 5G được tiêu thụ trong cùng kỳ.

Sắp tới, 5G sẽ trải qua giai đoạn mới khi bắt đầu đi đến những thị trường quan trọng như Ấn Độ và châu Phi, nơi điện thoại giá rẻ chiếm phần lớn thị phần và được nhiều người sử dụng. Theo một số báo cáo, Ấn Độ nhiều khả năng đưa vào hoạt động hạ tầng mạng 5G vào cuối năm 2021. Trong khi tại châu Phi, nơi có đến 51% người dùng còn đang sử dụng mạng 3G, có thể phải mất nhiều thời gian để phổ cập 5G rộng rãi vì các cuộc thử nghiệm chỉ mới bắt đầu trong vài tháng trở lại đây.

Đặc biệt hơn cả, căng thẳng hai nước Mỹ - Trung có thể làm chậm tốc độ triển khai và tác động đến thị trường phần cứng hạ tầng 5G.

Tương lai chính là đây

Tại các thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á, ngày càng nhiều smartphone ra đời được tích hợp sẵn modem 5G. Điều mà trước đây một công nghệ mới nổi và đắt đỏ lại không thể làm được. Trong vòng chưa đến hai năm, 5G đã phát triển và gần như phổ biến trên các smartphone mới nhất ở mọi phân khúc giá.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là 100% người dùng sẽ có thể sử dụng 5G do phạm vi phủ sóng chưa cao. Mặc dù đã tốt hơn nhiều so với những thử nghiệm vào đầu năm 2019, mạng lưới 5G trên thế giới chưa bằng được 4G.

Cuối cùng, chi phí điện thoại 5G giảm giúp chúng ta không cần quá lo lắng về việc chọn mua chiếc smartphone mới có hỗ trợ công nghệ mạng thế hệ thứ 5. Và dù điện thoại có hỗ trợ nhưng nhà mạng chưa phủ sóng, nó vẫn sẽ ở đó chờ đến khi 5G xuất hiện.

Ngọc Diệp (Theo Digital Trends)

Chủ đề khác