VnReview
Hà Nội

Ổ cứng dùng vật liệu graphene có thể chứa lượng dữ liệu gấp 10 lần thông thường

Vật liệu này còn giúp HDD trở nên bền bỉ hơn.

Ổ cứng thể rắn (SSD) có thể là lựa chọn hàng đầu dành cho điện thoại, cũng như hầu hết PC và laptop, nhưng những ổ cứng cơ truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng trong thế giới điện toán. Khi bạn cần lưu trữ rất nhiều dữ liệu mà chỉ cần bỏ ra một số tiền tối thiểu, HDD luôn là giải pháp đáng cân nhắc. Và điều đó vẫn sẽ đúng trong tương lai trước mắt nhờ một đột phá từ Đại học Cambridge.

Sử dụng graphene, vật liệu thần kỳ được mọi người yêu thích, các nhà nghiên cứu đã thay thế được lớp phủ gốc carbon (COC) trên nhiều ổ cứng khác nhau. Một COC có chức năng bảo vệ đĩa phẳng bên trong, vốn là phần chứa dữ liệu của ổ cứng, khỏi bị hao mòn bởi đầu đọc/ghi và các yếu tố khác. Để tạo được những ổ cứng với mật độ lưu trữ cao hơn, các nhà sản xuất đã phải giảm khoảng trống giữa hai thành phần. Kể từ thập niên 1990, lớp COC trên hầu hết các HDD đã bị thu hẹp chỉ còn lại 3nm, giúp mật độ lưu trữ hiện nay đã đạt mức 1TB/inch vuông.

Bằng cách tận dụng ưu điểm kháng nhiệt của graphene, nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge đã vượt được giới hạn đó. Vật liệu này cho phép họ tạo ra một công nghệ mới mang tên Heat-Assisted Magnetic Recording (Ghi từ trợ nhiệt - HAMR), trong đó một đĩa phẳng có thể lưu giữ được nhiều dữ liệu hơn thông thường khi được làm nóng lên. Hiển nhiên, đây là điều bạn không bao giờ làm được với những ổ cứng có COC truyền thống.

Khi kết hợp cùng nhau, những công nghệ nói trên có thể mang lại cho chúng ta những HDD với mật độ lưu trữ từ 4 - 10TB/inch vuông. Nhưng ngoài việc tăng đáng kể dung lượng ổ cứng, HDD sử dụng vật liệu graphene còn hứa hẹn sẽ bền bỉ hơn rất nhiều. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một lớp vật liệu này có thể làm giảm sự ăn mòn đến 2,5 lần. Nó còn hạn chế tốt hơn sự ma sát và hao mòn so với những giải pháp ổ cứng tiên tiến nhất hiện nay. Khi nói đến ổ cứng, độ bền bỉ cũng quan trọng không kém dung lượng lưu trữ, và đây là yếu tố sẽ khiến các công ty chuyên về lĩnh vực điện toán đám mây như Google chú ý đến công nghệ mới này.

Nhưng có một vấn đề luôn hiện hữu đối với mọi đột phá liên quan đến graphene kể từ khi vật liệu này được phát hiện ra vào năm 2004. Dù nó có thể cho phép chúng ta làm được rất nhiều thứ, bao gồm lọc nước hiệu quả hơn và tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng cho đến nay, hầu hết những ứng dụng đó vẫn chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm chứ chưa hề xuất hiện ngoài thế giới thực!

Minh.T.T (theo Engadget)

Chủ đề khác